Tình cờ bắt gặp ai đó đang lẩm bẩm một mình trong lúc đi bộ trên phố, đang ngừng xe ở nơi đèn đỏ, hay đang làm một việc gì đó – chúng ta có ngay suy nghĩ là hành động của người này có vẻ kỳ dị, bất thường. Vì suy nghĩ như vậy nên chẳng ai chịu coi hành động lẩm bẩm một mình là việc làm hay ho. Thế nên, nếu bất ngờ có ai hỏi ta là có thói quen lẩm bẩm một mình không thì sẽ nhận được ngay một cái lắc đầu nguây nguẩy chối biến mà người được hỏi không cần suy nghĩ xem rằng mình có phải là loại người đó hay không.
Thế nhưng, các nhà nghiên cứu nói rằng nhiều người trong chúng ta vẫn hay lẩm bẩm một mình mà vì chủ quan không để ý nên không biết hay không muốn biết đấy thôi; và nhiều người trong chúng ta làm việc này thường xuyên hơn là chúng ta tưởng.
Lẩm bẩm một mình là cách chúng ta tự nói lên những suy nghĩ của mình để cho chính mình nghe ở tất cả mọi tình huống, từ những sinh hoạt bình thường hằng ngày cho đến những sự kiện quan trọng trong đời hay những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Nó có thể là tiếng nói khuyến khích, cổ vũ hoặc chê bai, hạ thấp giá trị con người của ta. Nhưng điều may mắn là nếu chúng ta biết lắng nghe cái tiếng nói đối thoại nội tâm đó và biến đổi để nó đi theo đúng hướng mà chúng ta thật sự muốn và qua đó chúng ta cũng có thể thay đổi cuộc đời của chính mình. Các nhà tâm lý nói rằng cái cách người ta lẩm bẩm một mình thế nào và ra sao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính khí cũng như hành vi của người đó.
Hầu như ai cũng đã từng lẩm bẩm một mình, cái khác biệt ở đây chỉ là có những người làm việc đó lớn tiếng và thường xuyên hơn những người khác. Hành động lẩm lẩm một mình xẩy ra ở khắp mọi nơi, trong tất cả mọi điều kiện. Có người lẩm bẩm trong phòng ngủ, nơi bàn giấy ở sở làm, ở trong phòng vệ sinh công cộng. Thậm chí có người trong khi lái xe, cố vặn nhỏ âm thanh của chiếc radio xuống để có thể nghe được “tiếng lòng” của mình được rõ hơn.
Lẩm bẩm một mình xảy ra là khi chúng ta tự biến mình thành mục tiêu của những ý kiến, lời khuyên hay sự nhắc nhở của chính mình. Các nhà nghiên cứu cho đó là chuỗi suy nghĩ, tư tưởng phụ nằm trong bộ não và khi chúng thoát ra ngoài là lúc chúng ta đang đối thoại với chính mình.
Bạn cứ thử nhìn trong gia đình mình vào những lúc có họp mặt đông đủ, như trong một bữa ăn chẳng hạn, sẽ thấy ngay. Những lúc ấy, khi mọi người cùng đang vừa ăn uống vui vẻ vừa xen vào đó những câu chuyện hào hứng thì trong bàn, ở một lúc nào đó, thế nào cũng có một người xé lẻ và lẩm bẩm một mình. Nhân vật đang lẩm bẩm đó tưởng như là một người rất đỗi cô đơn, vừa bị tách rời ra khỏi đám đông. Nhưng không hẳn vậy. Rất có thể chỉ vì hắn bỗng thấy những câu chuyện ồn ào quanh bàn ăn của mọi người lại không thú vị bằng câu chuyện của chính hắn. Nhưng khi hắn nói thì dường như những người đang có mặt tại bàn ăn lại chẳng mấy ai quan tâm đến câu chuyện của hắn và vì thế chỉ còn một cách để câu chuyện được kể ra là hắn phải tự kể cho chính hắn nghe.
Đôi khi lẩm bẩm một mình là hành động tự phát. Nhưng những lúc khác là do chính chúng ta sử dụng nó như thứ vũ khí để gây ảnh hưởng lên hành vi của chính mình. Theo giáo sư Antonis Hatzigeorgiadis thuộc Đại học Thessaly, Hy Lạp, lẩm bẩm một mình là chúng ta đang tự mình kích thích, điều khiển và ước định hành động của mình.
Các nhà nghiên cứu nói rằng hành động lẩm bẩm một mình nếu mang tính tích cực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bản thân, và họ chia thành hai loại: lẩm bẩm mang tính khuyến khích (motivational) và hướng dẫn (instructional).
Lẩm bẩm mang tính khuyến khích là khi ta tự nâng tinh thần mình lên, nó giúp ta thêm phần tự tin ở chính mình khi làm một công việc gì khó khăn cần có sự hỗ trợ tinh thần. Nếu như không có ai ở bên cạnh thì ta vẫn có thể tự mình khích lệ bằng những câu (lẩm bẩm trong đầu): “Hãy cố gắng lên!”, “Mình có thể làm được!”, “Sẽ nhất định hoàn tất nó!” – Và sau khi tự nhủ lòng bằng những câu trên chúng ta sẽ cảm thấy công việc dễ dàng đi phần nào.
Lẩm bẩm mang tính hướng dẫn giúp chúng ta hoàn tất công việc qua từng bước một. Chẳng hạn như khi đang lái xe, ta lẩm bẩm một mình tự nhắc nhở là tới cái đèn đường phía trước thì quẹo phải, và chúng ta làm y như thế. Cũng theo giáo sư Hatzigeorgiadis, nghe thì có vẻ rất đơn giản, nhưng chính sự tự nhắc nhở đó giúp ta làm đúng công việc và tránh sai lầm.
Lẩm bẩm mang tính hướng dẫn cũng tựa như ta tự cho mình ý kiến, tự hướng dẫn mình để làm một công việc khó khăn vừa được giao phó, nhất là khi đó không phải là một công việc quen thuộc. Bạn thử nhớ lại khi lần đầu tập lái xe coi. Có phải là bạn đã lẩm bẩm tự dặn dò mình những câu đại loại như: “Chân từ từ đặt lên bàn đạp ga, hai tay để lên tay lái, nắm chắc vào nhưng đừng chặt quá, tới khúc quanh thì hạ chân ga, giảm tốc độ cho chậm lại, rồi bật đèn chớp lên báo hiệu cho những xe khác biết…”
Dĩ nhiên, qua thời gian, hành động lẩm bẩm có tính hướng dẫn trở nên không còn cần thiết – nhưng trong khi còn đang học hỏi, nó giúp chúng ta được ba việc quan trọng. Thứ nhất, nó giúp ta tăng sự chú ý, tập trung vào chi tiết quan trọng của công việc và gạt bỏ những sự gây chia trí xung quanh. Thứ hai, nó giúp ta kiểm soát được sự cố gắng và quyết định phải làm gì, làm thế nào, và khi nào. Và thứ ba, lẩm bẩm một mình giúp ta kiểm soát được những phản ứng có tính nhận thức và cảm xúc của mình, để làm công việc đó đúng như sự đòi hỏi.
Lẩm bẩm mang tính hướng dẫn hữu dụng nhất khi ta đang học hỏi một công việc mới hay đang tập chơi một môn thể thao mới. Ví dụ, một người đang tập bơi có thể tự nhắc nhở mình là nhấc khuỷu tay cao hơn trong khi đang làm động tác bơi sải. Hoặc trước khi đọc một bài diễn văn, người ta có thể tự cho mình lời khuyên, “Nhớ nói chậm vừa đủ” và “Hãy để mắt nhìn thính giả bên dưới”.
Điều quan trọng là những lời tự nhắc nhở mình cần phải ngắn gọn, chính xác và nhất quán. Và phải cố gắng lặp đi lặp lại cho đến khi những hành động đó trở thành thói quen tự nhiên.
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Thessaly, lẩm bẩm để tự nhắc nhở sẽ đạt hiệu quả nhiều nhất khi được đem áp dụng trong một chu kỳ tuần tự của tư tưởng và hành động. Trước hết, đặt cho mình một mục tiêu và đưa ra kết hoạch để làm sao đạt được mục tiêu đó. Kế đến là hành động, thực hiện kế hoạch đã đưa ra với khả năng cao nhất của mình. Bước cuối cùng là xem lại kết quả, thận trọng ước định những việc mình đã làm và điều chỉnh lại kế hoạch hoàn hảo hơn cho lần tới.
Trong một số cuộc nghiên cứu cho thấy tính tình lạc quan hay bi quan có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của chúng ta. Suy nghĩ tích cực thường đi chung với thái độ lạc quan là yếu tố là giảm căng thẳng trong cuộc sống. Và sự giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống có liên quan đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Nếu ai đó có tính bi quan thì hãy khoan thất vọng vì ta có thể học cách suy nghĩ tích cực. Suy nghĩ tích cực có nghĩa là ta tiếp cận với những điều không vừa ý trong cuộc sống mộc cách tích cực hơn. Ta cố gắng nghĩ tới những điều tốt đẹp nhất sẽ xảy ra trong cuộc sống, thay vì những điều xấu nhất.
Để suy nghĩ tích cực thường được bắt đầu bằng việc tự lẩm bẩm một mình. Lẩm bẩm một mình, một số nhà nghiên cứu cho đó là những chuỗi suy nghĩ chạy không ngưng nghĩ trong đầu chúng ta mà chưa được nói ra. Những suy nghĩ này có thể tích cực hoặc tiêu cực. Nhưng nếu chúng ta cố gắng tự mình lẩm bẩm những điều hay ho thì dần dà trong đầu chúng ta những suy nghĩ tích cực xuất hiện thường xuyên hơn và từ từ lấn chiếm phần lớn tất cả những suy nghĩ của chúng ta. Và như vậy, khi một người có nhiều suy nghĩ tích cực, người đó thường sẽ là một người lạc quan.
Một người sống lạc quan thường có một sức khỏe tốt: sống thọ hơn, ít bị trầm cảm hay buồn bực, tránh được những bệnh vặt, sức khỏe tốt cả về tinh thần lẫn thể chất, bớt nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, đối phó dễ dàng khi cuộc sống gặp khó khăn hay tinh thần căng thẳng.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ vì sao những người suy nghĩ tích cực lại có sức khỏe tốt hơn. Một giả thuyết cho rằng khi suy nghĩ tích cực sẽ giúp ta đối phó khéo léo hơn với tình trạng tinh thần căng thẳng, nhờ đó làm giảm bớt những ảnh hưởng xấu lên sức khỏe của chúng ta. Thêm một giả thuyết nữa là những người tích cực và lạc quan thường có cuộc sống lành mạnh hơn – năng động hơn, ăn uống điều độ, và không hút thuốc hay uống rượu quá nhiều.
Trong chốn riêng tư của tư tưởng, tất cả chúng ta vẫn thường tự nói chuyện với chính mình – cuộc đối thoại nội tâm vẫn tưởng là vô nghĩa đó, nhưng qua kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy hành động đó có thể giúp chúng ta học hỏi và thực hành được nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống của chúng ta. Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra cách lẩm bẩm một mình như thế nào để có được hiệu quả tốt nhất. Vậy thì, lần tới khi bạn tự nói chuyện với chính mình, bạn biết mình nên lẩm bẩm những gì rồi. Còn người khác muốn nghĩ thế nào thì mặc kệ họ.