logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 13/06/2014 lúc 10:54:09(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Trong sinh hoạt 20 năm VHNT miền Nam, nếu có một nhạc sĩ, ít được quần chúng biết tới, nhưng lại được ngợi ca bởi cả hai giới nhạc sĩ và ca sĩ thì, đó chính là cố nhạc sĩ Vũ Thành. Tài năng, trí tuệ của ông được nhiều người trong giới quý trọng ở ngay những bậc thềm thứ nhất của bộ môn nghệ thuật này.
UserPostedImage

Nhạc sĩ Vũ Thành tác giả ca khúc nổi tiếng “Giấc mơ hồi hương”, tiêu biểu cho tâm tư sâu kín của hơn một triệu người di cư từ miền Bắc vào Nam. Có thể nhiều người đã từng nghe qua ca khúc này. Nhưng, không nhiều người lắm biết tên tác giả. Càng ít hơn nữa, những người biết rõ về nhân thân của ông. Lý do, họ Vũ gần như không xuất hiện trước đám đông và, báo chí cũng rất kiệm lời về ông! Mặc dù những đóng góp và vai trò của ông, trong lãnh vực tân nhạc thật đáng kể.

Theo một tài liệu phổ biến trên Tự điển Bách khoa toàn thư Wikipedia thì, nhạc sĩ Vũ Thành sinh năm 1926 tại Hà Nội. Ông vừa là nhạc trưởng vừa là một nhạc sĩ sáng tác. Trước năm 1954, nhạc sĩ Vũ Thành là công chức và là nhạc trưởng trong ban nhạc “Việt Nhạc” của đài phát thanh Hà Nội (…) Sau năm 1954, Vũ Thành di cư vào Nam. Ông có thời gian làm chỉ huy trưởng ngành quân nhạc của QL/VNCH, và từng giữ chức vụ chủ sự phòng văn nghệ Đài phát thanh Quốc Gia, Saigòn. Sau năm 1975, ông định cư và mất tại Hoa Kỳ năm 1987…

Trong bài “Phòng trà đầu tiên ở Hà Nội”, nhạc sĩ Phạm Duy (1) viết về tác giả “Giấc mơ hồi hương” như sau:

"Tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, có thêm Phòng Trà Tuyết Sơn với Vũ Thành thổi sáo tây và đánh guitar tay trái. Nói về nhạc sĩ Vũ Thành thì ông là một trong những người viết nhạc đầu tiên của Tân Nhạc.

“Đầu thập niên 40, nhạc Việt còn nặng những âm điệu ủ ê, sướt mướt của cung Ré thứ trong hầu hết nhạc của Đặng Thế Phong, của Văn Chung, và một số của Văn Cao. Ca khúc Vũ Thành có nét nhạc thanh tao, óng ả đem đến một luồng không khí mới mẻ cho Tân Nhạc. Lấy ví dụ bài ‘Say nhạc Canh tàn’:

Gió xuân đưa mây chiều về
Nắng Xuân đưa tin nhạn về
Giờ này hương lúa thương gợi tình quê
Lòng người tha hương khóc biệt ly
Gió Xuân đưa hương ngập trời.
Ý Xuân thiết tha nghẹn lời
Giờ này ngân phím loan nặng tình phai
Đàn buông lãng du hồn u hoài…
Đêm tha hương lắng trong ly rượu ngát hương
Giấc cô miên canh trường
Hồn người chinh phụ cuốn theo mây nơi sa trường
Âm thanh xưa lả lướt trên đường tô
Nằm gieo mối cùng sầu lai láng mơ hồ
Ôi quê hương thấu chăng bao niềm luyến thương
Biết chăng bao đêm trường,
Nhẹ lần đường tơ phím, quan sa tình hờ
Ôi than chi còn nhắc chi tình xưa
Hồn say tiếng đàn hòa thêm khúc đàn lắng mơ hồ…

“Cũng vẫn là tình cảm chung của các nhạc sĩ thời đó, nói tới tình quê, tiếng tơ, mối sầu (không hiểu vì sao mà sầu?), ca tụng thiên nhiên… nhưng ca khúc Vũ Thành không nằm trong thể tango, rumba, hay slow fox, mà mang tính chất bán cổ điển Tây Phương, nghe rất sang trọng, quý phái. Tôi tin rằng ca sĩ thời đó như Minh Đỗ là phải chọn nhạc Vũ Thành để hát tại phòng trà…" (2)

Phần nhạc sĩ Thanh Trang tác giả “Duyên Thề”, trong bài viết nhan đề “Đằng sau những bài hát” thì ghi nhận về cõi giới ca khúc mang tên Vũ Thành như sau:

“…Cũng thời niên thiếu, tôi rất yêu thích những bài hát của cố nhạc sĩ Vũ Thành như ‘Nhặt cánh sao rơi’, ‘Nhớ bạn’. Tôi để ý thấy trong những bài hát của mình, ông Vũ Thành chả bao giờ dùng chữ ‘em’ khi nói đến hình ảnh một người con gái. Chữ ‘em’ hiếm hoi mà ông xử dụng thì lại để chỉ… Hà Nội, trong bài ‘Giấc mơ hồi hương’! Có lần ngồi chuyện vãn với ông, tôi có nêu nhận xét ấy. Mẩu đối thoại như sau; (ông nói trước):

- Cái bài ‘Nhặt cánh sao rơi’ ấy mà ..

- Dạ...!

- Ngày ấy tôi có cô em họ. Chiều chiều hai anh em thường theo nhau ra bờ sông, ngồi trên bãi cát ven sông. Có lần, lúc đêm đã xuống, có một ánh sao đổi ngôi, tôi chỉ về hướng ấy và nói: ‘Người bên phương Tây họ bảo là khi thấy sao đổi ngôi, mình ước gì thì được nấy!’ Cô em của tôi nghe có vẻ tin tưởng lắm, nói: ‘Lần sau thấy sao đổi ngôi thì em sẽ ước!’ Tôi nói: ‘Ừ, mà ước nhanh nhanh một chút, bởi sao rơi thì nó nhanh lắm!’ Mấy hôm sau, cũng một buổi chiều như thế, hai anh em lại ngồi trên bờ cát ở ven sông, và khi đêm vừa xuống thì chợt có ánh sao đổi ngôi! Cô em tôi lúc ấy thần hồn nát thần tính, buột miệng nói cái câu mà hàng ngày cô vẫn nói với ông Bố: ‘Mời Thầy xơi cơm!’

“Kể xong thì cả ông lẫn tôi đều cười. Ông cười không dòn rã như tôi bởi đối với ông thì đấy là kỷ niệm cũ kỹ, và cười khẽ xong mấy tiếng thì vẻ mặt ông lại lắng xuống…

“…‘Tay trong tay, đôi lòng xao xuyến, ta cùng theo dõi ánh sao dời ngôi long lanh!..’ Trong bài ‘Nhặt cánh sao rơi’ có câu như thế! Và ở đoạn kết: ‘Màn đêm xuống lạnh gió heo may về! Màn đêm xuống trạnh nhớ bao lời thề! Bạn còn lạc loài phương Bắc sống trong thương đau, đêm sao canh dài, mộng thấy nhau?’

“Tác giả không có kỷ niệm như ông đã kể thì lấy đâu ra bài ‘Nhặt cánh sao rơi’? Mà ai có yêu thích những bài hát của Vũ Thành, (ông viết chỉ dăm ba bài để lại với đời thôi), nhất là bài ‘Nhớ bạn’, thì nếu để ý sẽ thấy ngay là bóng dáng người thiếu nữ ông gọi bằng ‘bạn’ trong những bài đó chẳng ai khác hơn là cái cô ‘Mời thầy xơi cơm’ nọ ! ..." (3)

Du Tử Lê,
(Kỳ sau tiếp)

________
Chú thích:

(1) Nhạc sĩ Phạm Duy sinh ngày 5 tháng 10 năm 1921, tại Hà Nội. Ông mất ngày 27 tháng 1 năm 2013, tại Saigon.
(2) Nđd.
(3) Tài liệu sưu tầm của Phan Anh Dũng. Nđd.

Sửa bởi người viết 13/06/2014 lúc 10:56:34(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

phai  
#2 Đã gửi : 13/06/2014 lúc 10:55:26(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Vũ Thành, Giấc Mơ Không Thành

(Tiếp theo và hết)

Là người từng có một thời gian dài cộng tác với ban nhạc Vũ Thành, ca sĩ cũng là giáo sư dương cầm Quỳnh Giao, hiện cư ngụ tại miền Nam Cali viết:



"…Trước năm 1954, nhạc sĩ Vũ Thành là công chức, và là nhạc trưởng trong ban nhạc “Việt Nhạc” của đài phát thanh Hà Nội . Chính thời kỳ nầy nhạc của Vũ Thành được hát nhiều nhất. Âm hưởng thanh tao, óng ả của những dòng nhạc tuyệt vời của Vũ Thành đem đến một luồng không khí mới mẻ cho nhạc Việt, lúc đó còn nặng những âm điệu ủ ê, sướt mướt của cung Ré thứ trong hầu hết nhạc của Đặng Thế Phong, của Văn Chung, và một số của Văn Cao.

“ Ngoài tài năng của một người viết ‘giai điệu’ ông còn là người soạn ‘hòa âm phối khí’ có công nhất với tân nhạc Việt Nam. Công việc này trái với sáng tác ca khúc, ông làm rất nhiều. Có thể nói hầu hết các ca khúc của Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Cung Tiến được ông làm đẹp bằng những hoà âm công phu, tuyệt diệu . Ông đã nâng những ca khúc phổ thông lên hàng tác phẩm nghệ thuật.

“Ở đây, tôi xin được nói qua về vai trò quan trọng của người hòa âm. Thính giả khi thưởng thức một bản nhạc thường ghi nhận hai điều khiến họ thích thú: giọng hát của ca sĩ và tác giả của bài hát. Tên của tác giả đôi khi cũng bị bỏ quên hoặc bị lầm lẫn, huống hồ là người viết hoà âm cho ca khúc ấy. Nhưng nếu nghe lại cũng chính ca sĩ và bài hát đó không có phần hoà âm phối khí cho giàn nhạc, chắc chắn sự thích thú giảm thiểu đến 80%. Tôi xin ghi ra ví dụ: Ban hợp ca Thăng Long nếu không có Phạm Đình Chương viết hoà âm và bè cho từng giọng ca, thì thử tưởng tượng những giọng ca vàng ấy sẽ hát ra sao? Có nghệ thuật không nếu họ đồng ca một giọng như một toán quân trong quân trường …." (4)

Nói cách khác, Vũ Thành là một trong vài nhạc sĩ không chỉ đóng góp tài năng, trí tuệ của mình cho kho tàng ca khúc Việt mà, ông còn là người có công “nâng những ca khúc phổ thông lên hàng tác phẩm nghệ thuật” nữa.

Theo nhận định của một số nhạc sĩ từng theo dõi và có nhiều cơ hội sinh hoạt với nhạc sĩ Vũ Thành thì, tuy là người sống khép kín, ít giao tiếp với thế giới bên ngoài, nhưng ông lại là người rất nặng tinh thần hoài hương. Nói rõ hơn là nhớ thao thiết nơi sinh trưởng của ông.

Những người yêu ca khúc của ông, không chỉ cảm được tấm lòng đau đáu của ông dành cho Hà Nội, qua ca khúc “Giấc mơ Hồi hương” với những ca từ như:

“Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương vương sầu thương
Nhìn "em" mờ trong mây khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly
“Rồi đây dù lạc ngàn nơi
Ta hướng về chốn xa vời
Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai
Nghẹn ngào thương nhớ "em" ... Hà Nội ơi

“Ta nhớ thấy em một chiều chớm thu
Dáng yêu kiều của ngày đã qua
Thướt tha bên hồ liễu thu
Lắng tiếng tiêu buồn của ngàn phím tơ
Thiết tha thề ước ...
mối duyên hờ đã phai mờ trong bóng đêm mơ hồ

“Mơ ước thấy "em" một ngày sáng tươi
Tắm nắng hồng của một sớm mai
Say hương thanh bình khắp nơi
Lắng tiếng huy hùng của từng lớp trai
Cất cao lời hứa xây cuộc đời
Sầu tàn trong bóng đêm dài…” (5)

(Mà) trong số rất ít những sáng tác để lại cho đời, nhạc sĩ Vũ Thành còn có ca khúc “Hoài hương dạ khúc”, viết trước và sau biến cố tháng 4-1975, ở xứ người.

Vẫn là những nhớ thương quê cũ tới nao lòng, vẫn là những khắc khoải, tuồng như không biết nói với ai, than thở cùng ai, ông viết:

“…Âm thanh nơi đâu
Từ muôn kiếp nào nghe như tiếng sầu
Phải chăng lời gió
Hoài thương khóc mây như mây hợp tan
Hay chăng đêm xuân
Muôn hoa hé môi nhẹ đưa tiếng lòng
Thiết tha niềm vui sống
Ước mơ ngày tái xuân

Ai nơi quê xưa
Giờ đây khuất mờ chìm trong bóng tà
Gợi niềm thương nhớ
Tàn phai bao năm tháng những ngóng trông cùng chờ
Thôi thôi hoa ơi
Lá ơi mau mau ngừng gió thôi reo bên rừng
Gợi chi ân tình xưa
Đã phai cùng trăng mờ.”
(Vũ Thành, Hoài hương dạ khúc, lời #1)

Và đây là lời 2, họ Vũ viết sau 1975, ở quê người:

Âm thanh nơi đâu
Nhẹ vương tiếng đàn đẹp như tiếng lòng
Phải chăng lời gió
Hoài thương phút giây nước mây hợp tan
Hay hương đêm xuân
Hoà trong gió theo màn sương lắng dần
Thiết tha niềm vui sống mới
Ước mơ ngày tái xuân

Ai nơi quê xưa
Giờ đây khuất mờ chìm trong bóng tà
Gợi niềm thương nhớ
Tàn phai bao năm tháng những ngóng trông cùng chờ
Thôi thôi hoa ơi
Lá ơi mau mau ngừng gió thôi reo bên rừng
Gợi chi bao ngày vui qua
Hãy thương vầng trăng tà”. (6)

Chấm dứt phần lời thứ hai, viết cho ca khúc “Hoài hương dạ khúc” với câu “Hãy thương vầng trăng tà”, giống như tiếng kêu thương khản giọng của một con chim lạc đàn giữa thiên nhiên quay lưng và, dĩ vãng khua thức bao kỷ niệm…

“Hãy thương vầng trăng tà” hay hãy thương cho chính tác giả? Bởi vì “vầng trăng tà”, ba chữ này, cũng cho tôi liên tưởng tới hình ảnh của chính họ Vũ, những ngày cuối đời, nơi đất khách, quê người của ông.

Tôi biết, cho tới khi từ trần, chưa một lần “giấc mơ hồi hương” của ông trở thành sự thật! Cây cỏ, thiên nhiên cũng không cho thấy dấu hiệu chia sẻ lời xin thiết tha của ông.

Nhưng, bằng cách riêng, “Giấc mơ hồi hương” đứa con tinh thần của Vũ Thành, đã về và ở lại quê hương, vì giá trị nghệ thuật cũng như tấm lòng thương nhớ quê nhà, vằng vặc tựa trăng sao của ông.

Du Tử Lê,
(Garden Grove, May 2014).

____________

Chú thích:
(4) Theo sưu tầm của Phan Anh Dũng. Nđd.
(5) Theo Wikipedia.
(6) Nđd.

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.160 giây.