VRNs (16.06.2014)- Sài Gòn- Sau khi nghe đoạn Bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ có người trong chúng ta phản ứng vì nghĩ rằng, nếu nghe theo những điều mà Chúa Giêsu dạy, thì chúng ta bị xem là những kẻ nhu nhược. Bởi vì, nếu không ngăn ngừa, hoặc chống lại những kẻ làm điều ác, thì kẻ ác được thế tiếp tục lấn lướt và gây nhiều tai hại cho những người lành; như thế, sự dữ sẽ hoành hành. Thậm chí, trong thực tế, nhiều khi chúng ta đã từng hành động ngược lại những gì Chúa Giêsu đòi hỏi, để gọi là “thay trời hành đạo”.
Nếu như thế, những lời mà Chúa Giêsu dạy chẳng có ích gì cho chúng ta. Vậy chúng ta phải hiểu lời Chúa mà chúng ta vừa nghe như thế nào, để Lời đó thực sự là Tin Mừng cho chúng ta?
Trước hết, chúng ta nhìn vào thực tế trong xã hội, chúng ta sẽ thấy có những trường hợp án mạng xảy ra chỉ vì những chuyện rất nhỏ. Chẳng hạn như, một cái nhìn điểu, một câu nói hay một cử chỉ khiếm nhã. Kinh nghiệm thực thế cho chúng ta nhận ra rằng, những lần mà người ta, hoặc chúng ta “thay trời hành đạo” xong, thì sự việc xảy ra trở nên nghiêm trọng hơn. Hậu quả của nó trở nên tệ hại hơn. Nhiều khi làm tổn thương, và làm đỗ vỡ mối tương quan giữa những người trong cuộc ‘không nói chuyện, không muốn nhìn mặt nhau nữa’, kiên nhau ra tòa…
Hẳn là, các cuộc xung đột trong giữa các cá nhân, hay tập thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vấn đề là người ta rất dễ bị cám dỗ luôn bởi cái nhìn chủ quan cho rằng mình đúng, còn người khác thì sai; tiếp đến, thay vì tha thứ cho người khác, thì ta lại tự hành động để thực thi sự công lý.
Nieburg đã chia sẽ kinh nghiệm của ông, “Dùng bạo động để dẹp bỏ một bất công chỉ đẻ ra một bất công khác.”
Nói đến việc hành động chống lại sự bất công, Mahatma Gandhi cho rằng: “Nếu tôi biết anh là người hành động bất chính mà tôi cứ để anh làm, thì tôi là kẻ bất chính”. Như chúng ta biêt, Mahatma Gandhi đã tích cực đấu tranh chống lại đế chế Anh cai trị Ấn Độ, không phải bằng những hình thức bạo động, nhưng bằng những cách lối ôn hoà. Ông đã kêu gọi mọi người đấu tranh ôn hòa: biểu tình ngồi, tẩy chay hàng hóa của người Anh, và không hợp tác với người Anh trên mọi lãnh vực. Cuối cùng, cuộc đấu tranh mà ông lãnh đạo đã giành thắng lợi. Nước Anh đã trả lại sự độc lập cho Ấn Độ.
Còn Chúa Giêsu của chúng ta, Người đã hành động chống lại kẻ ác và chống lại sự dữ thế nào?
Thánh Gioan thuật lại, Chúa Giêsu đã hành động cách ôn hòa đối với kẻ đã vã vào má Người, Người giúp anh ta nhận hành động sai trái bằng cách chất vấn anh ta: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, tại sao anh lại đánh tôi? (Ga 18, 23). Nói chung, Chúa Giêsu không chủ trương dùng bạo động để giải quyết xung đột. Cụ thể, khi Người bị một toán quân của các thượng tế vây bắt, Phêrô đã rút gươm ra để bảo vệ Người; ông đã chém đứt tai phải Man-khô, tên đầy tớ vị thượng tế. Hành động của Phêrô được xem là một hành động tự vệ chính đáng, nhưng Chúa Giêsu đã can ngăn và phán cùng Phêrô: “hãy xỏ gươm vào” (Ga 10: 10-11).
Nhìn chung, Giêsu tích cực hành động góp phần vào việc cải tạo xã hội qua việc giải thích để dân chúng hiểu về tinh thần giữ luật, nhằm giải thoát người ta khỏi gánh nặng của lề luật. Còn việc đối phó với sự dữ nói chung, Chúa Giêsu đã hành động bằng cách ra tay làm việc lành: chữa lành các bệnh hoạn, tật nguyền, cho kẻ mù thấy được, kể điếc được nghe, kẻ què đi được, xua trừ ma quỷ… Mục đích mà Chúa Giêsu nhắm qua việc thực hiện những việc lành đó là đem đến sự giải thoát toàn diện cho nhân loại, bao gồm giải thoát nhân loại khỏi ách của tội lỗi và sự chết.
Riêng đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ nhường nhịn, tha thứ; hãy đối xử nhân từ, rộng lượng với tha nhân. Đó không phải là mời gọi người ta làm những điều nghịch lý, để rồi trở nên những người nhu nhược, những kẻ yếu thế, nhưng là mời gọi người ta thực thi những điều cần thiết, trong đời sống hàng ngày, hầu tránh những hậu quả đáng tiếc, mà còn giúp chúng ta sống cao thượng. Đồng thời, lời mời gọi của Người còn sự thúc bách người ta có những hành động cụ thể qua việc yêu thương, tha thứ dành cho tất cả mọi người, chủ động thực thi những việc bác ái đối với những thù ghét chúng ta.
Đó là lý do Giáo Hội mời gọi các Kitô hữu tích cực tham gia vào mọi hoạt động xã hội, để cải thiện môi trường sống; cải tạo môi trường sống qua việc thực thi các việc bác ái, xây dựng hòa bình, phục vụ sự sống và phẩm giá con người; đóng góp những sáng kiến đa dạng và khác nhau trên bình diện kinh tế, xã hội, luật pháp, văn hóa.
Vominh