WESTMINSTER (NV) - “Nếu như sân khấu kịch, đặc biệt là kịch hài tại hải ngoại đang được khán giả yêu thích, nhờ
vậy kịch bắt đầu được sống lại thì đó là chuyện mừng,” soạn giả Ngô Tấn Triển nói với phóng viên nhật báo Người
Việt về sự “trở mình” của sân khấu kịch tại quận Cam.
Anh nói thêm, “Riêng tôi, vẫn tiếp tục viết những kịch bản hài nói về đời sống hằng ngày, xung quanh đây.”
Soạn giả Ngô Tấn Triển. (Hình: Nghệ sĩ cung cấp)
Ðối với giới bầu sô, hay anh chị em nghệ sĩ đóng kịch tại quận Cam, có lẽ không ai không biết đến tên của soạn giả
Ngô Tấn Triển.
Ông có dáng vóc, khuôn mặt trẻ trung, cách cư xử và nhất là lối nói chuyện rất thoải mái, nhẹ nhàng, theo phong
cách của nghệ sĩ.
“Tôi sang Mỹ đúng ngày 4 Tháng Bảy, năm 1987, tiểu bang đầu tiên tôi đặt chân đến là Virginia, ở đó được bốn
năm, vừa đi học, vừa đi làm và ban đêm thì đi chơi nhạc các nơi... Sau đó một thời gian, nghe bạn bè nói thời tiết
California ấm áp, người thân quen nhiều, bởi vậy tôi quyết định một mình lái xe sang đây sinh sống luôn,” soạn giả
Ngô Tấn Triển nhớ lại thời gian mới đặt chân tới Mỹ.
Nhắc lại lý do tại sao được phái đoàn Mỹ cho định cư Hoa Kỳ từ trại tị nạn Mã Lai, ông nói, “Cũng nhờ hồi xưa tôi đã
từng là lính tâm lý chiến, tham gia nhiều binh chủng khác nhau, trong đó có Biệt Kích Dù, Lực Lượng Ðặc Biệt, đi
lính từ năm 1968 đến 1975, cho dù chỉ là cấp bậc binh nhì, nhưng mà hồi Việt cộng vô, tôi cũng bị bắt đi tù cải tạo
hết mấy năm, sau đó vượt biên, rồi bị bắt ở tù, tôi trốn tù... Rồi bị bắt lại, nhốt mấy năm nữa, cuối cùng tôi lại trốn tù
thêm một lần nữa, và lần cuối thoát, rồi vượt biên luôn.”
Ông kể chính nhờ đã từng đi lính, đi tù cải tạo... Bởi vậy được người Mỹ ở trại tị nạn nhận cho đi định cư sang đây.
Ông Triển tâm sự về chuyện nhạc, ông cho biết hồi xưa ông đánh trống trong ban nhạc, ngay cả đến khi vào lính
cũng là “chơi” nhạc, phục vụ cho quân đội, vậy mà đến hồi qua Mỹ, lúc mới chuyển từ Virginia sang California, thì
mọi chuyện khác hẳn... Ông nói, “Ðôi khi cuộc đời có những khúc quanh mà mình phải 'quẹo cua' nhưng không hề
biết trước.”
Bởi vậy, trong một lần tình cờ gặp nghệ sĩ hài Vân Sơn, nói chuyện về những bài nhạc hài ông viết, đang được bà
con “chiếu cố,” nhằm lúc đó trung tâm Vân Sơn đang tìm những kịch bản vui để trình diễn, trong cuộc nói chuyện
với ông Triển, nghệ sĩ Vân Sơn hỏi ông có viết được kịch bản hài không?
“Tính tôi không biết nói dối, nhưng đám bạn xúi cứ nói đại là hồi ở Việt Nam trong lính có viết kịch đi...” ông cười nói
thêm, “Tôi thấy không ổn, nên thú thật, tôi không biết gì về chuyện viết kịch, nhưng để tôi thử, vậy đó mà bên Vân
Sơn họ đồng ý, và nhờ tôi làm.”
“Người tính hổng bằng trời tính. Vậy đó mà kịch bản đầu tiên là 'Táo Quân' do Vân Sơn, Hoài Linh và Hồng Ðào diễn
trong đêm giao thừa năm 1995- 1996,” soạn giả Ngô Tấn Triển nhắc lại chuyện cũ.
“Gần 25 năm sáng tác, anh có tất cả bao nhiêu kịch bản trong tay anh?”
“Nhiều chứ, cả trăm... Thì cứ tính đi, tôi cộng tác với tất cả các trung tâm văn nghệ tại đây, từ trung tâm nhỏ đến
trung tâm lớn,” anh cười, và chia sẻ thêm, “Lúc sau này tôi mệt mỏi, và cũng không muốn phải 'bon chen' nên thôi ai
muốn nhờ mình viết thì mình giúp, còn ngoài ra tôi không lo lắng nhiều như hồi xưa nữa.”
“Chất liệu nào để anh sáng tác?”
“Tôi đã từng lăn lộn với đời nhiều năm, nhìn thấy được những sự bất công xảy ra hay niềm vui, hạnh phúc của cuộc
đời, tôi nhận ra được đời sống là sân khấu lớn và mỗi chúng ta là một diễn viên, hãy cố gắng đóng trọn vai trò của
mình.”
“Ðó chính là chất liệu, điểm mấu chốt để mình có thể sáng tác, và tôi chỉ thích viết ra những chuyện thật trong đời
sống này mà thôi,” soạn giả Ngô Tấn Triển chia sẻ.
Ðức Tuấn/Người Việt