Tranh vẽ một cuộc hát ca trù. Ảnh : báo Việt NamCa trù - môn nghệ thuật cổ truyền độc đáo của Việt Nam - ngày càng được công chúng trong nước và quốc tế biết đến. Năm 2009, ca trù được Unesco công nhận là một “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp”. Điều bất ngờ là, trong thời gian gần đây, càng lúc càng có những tiếng nói trong nước báo động về nguy cơ mai một của ca trù.
Tại Việt Nam, về mặt số lượng, các nhóm ca trù địa phương dưới hình thức câu lạc bộ đang nở rộ. Nếu như trước năm 2005, cả nước chỉ có khoảng 20 câu lạc bộ, thì nay đã tăng lên gấp ba lần. Các câu lạc bộ ca trù có mặt tại khoảng 15 tỉnh và thành phố Việt Nam. Một số khóa truyền nghề của các nghệ nhân “đầu ngành” cho thế hệ trẻ đã được thực hiện, một số liên hoan ca trù toàn quốc đã được tổ chức, một số sinh hoạt ca trù gắn với các lề thói xưa đang bắt đầu được phục hồi, các phương tiện truyền thông chú ý nhiều hơn đến ca trù…
Tuy nhiên, điều bất ngờ là, trong thời gian gần đây, càng lúc càng có những tiếng nói trong nước cất lên báo động về nguy cơ mai một của ca trù. Thậm chí, một số ý kiến nhắc đến khả năng Unesco rút danh hiệu “di sản văn hóa nhân loại” mà môn nghệ thuật quý báu này vừa được trao tặng.
Tạp chí Cộng đồng của RFI tuần này xin chuyển đến quý vị tiếng nói của một số nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà tổ chức, chuyên gia hàng đầu về ca trù tại Việt Nam, những người tích cực hoạt động để cổ vũ cho sự phục hồi/phổ biến nghệ thuật ca trù, với hy vọng tiếng nói của các vị khách mời sẽ mang đến cho quý vị những góc nhìn khác nhau, góp phần vào việc soi tỏ thực tại nhiều nghịch lý kể trên.
Các khách mời của chúng ta hôm nay là các nghệ sĩ, nghệ nhân Nguyễn Thúy Hòa, Bạch Vân, Phạm Thị Huệ và Nguyễn Mạnh Khuê, những người trực tiếp bảo tồn/phổ biến di sản nghệ thuật này ; giáo sư Tô Ngọc Thanh và nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, những người có trọng trách trong việc lập hồ sơ ca trù gửi Unesco, và tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, tác giả một số công trình nghiên cứu về lịch sử ca trù, đặc biệt qua di sản Hán-Nôm.
Source: RFI