Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Canada đã chứng minh : Ngồi nhiều giảm thọ.Cụ thể hơn, tại hội nghị thường niên của Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ (AICR) tháng 11 năm ngoái, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo là ngồi lâu sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú, đường ruột và các bệnh rối loạn tim mạch. Lời cảnh báo này được đúc kết từ các công trình nghiên cứu, phân tích y tế, được công bố từ năm 1996 đến tháng Giêng năm 2011.
Theo thống kê, tại Mỹ, tính trung bình người ta ngồi tới 60% thời gian trong một ngày và con số này lên tới 75% nếu làm việc văn phòng. Chuyên gia mỹ thuật công nghiệp, ông Jean Pierre Zana, thuộc Viện Nghiên cứu và An toàn phòng chống các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp Pháp – INRS – giải thích, nếu ngồi lâu, cơ thể chùng xuống và điều này không tốt cho khung xương và lưu thông máu. Ông dự báo là ngoài những chứng bệnh nguy hiểm, trong vài năm tới, tại Pháp, sẽ có nguy cơ bùng nổ bệnh rối loạn cơ xương do ngồi lâu ít hoạt động và làm việc nhiều giờ trước màn hình máy tính.
Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ (AICR) đưa ra lời khuyên là hàng ngày nên tập thể dục khoảng 30 phút. Nếu có thể, sau mỗi giờ làm việc, nên nghỉ giải lao ngắn khoảng 1 – 2 phút, đứng dậy duỗi chân tay cho giãn người, đi bộ vài chục bước, thay vì ngồi im liên tục.
Theo chuyên gia Zana, lý tưởng nhất là thay đổi tư thế lúc làm việc, có lúc đứng, có lúc ngồi. Như vậy, tốt nhất là nên có loại bàn làm việc có thể điều chỉnh nâng cao lên được. Một nhân viên thuộc bưu điện Thụy Sĩ cho biết là khoảng 30% nhân viên ở đây có loại bàn này. Khi bàn nâng cao lên một chút, bạn phải ngồi thẳng lưng thì mới với tới, nhưng khi lên cao hẳn thì phải đứng dậy. Tư thế đứng lại rất thuận tiện cho việc gọi điện thoại hoặc tham dự họp. Tại Thụy Sĩ hoặc các nước Bắc Âu, loại bàn này đã trở thành phổ biến.Tại Mỹ, phương pháp này đang được thử nghiệm trong một số công ty lớn, ví dụ như Google.
Ngồi lâu không tốt, nhưng nếu ghế không phù hợp thì lại càng hại hơn cho sức khỏe. Vì lý do kinh tế, hầu như các cơ quan, doanh nghiệp đều trang bị một loại ghế đồng loạt giống nhau cho các nhân viên, trong khi đó, vóc dáng cơ thể con người lại khác nhau. Do vậy, theo tờ Wall Street Journal, ở một số nơi làm việc tại Mỹ, có những nhân viên tự bỏ tiền ra mua ghế và mang đến cơ quan để dùng.
Nếu như vấn đề ngồi lâu có hại được đặt ra chủ yếu đối với giới công chức, văn phòng, thì quyền được ngồi lúc làm việc đã từng là chủ đề đấu tranh của người lao động. Vào năm 1912, nước Pháp đã phải ban hành một luật, gọi là « Luật về ghế », quy định rõ quyền được ngồi lúc làm việc của các nhân viên trong lĩnh vực giao dịch, buôn bán, tiếp xúc với khách hàng…
Nói tóm lại, cần phải có ghế tốt, nhưng ngồi lâu thì không tốt và cần phải biết lúc nào thì rời bỏ nó.
Source: RFI