© Flickr.com/JayPLee/cc-by-nc-sa 3.0Vào những thập kỷ gần đây, các nước có truyền thống Nho giáo đã thực hiện những bước nhảy vọt khổng lồ trong phát triển kinh tế xã hội. Trước tiên là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, rồi đến lượt Trung Quốc, Việt Nam.
Mục đích các cải cách trong mô hình xã hội hậu Cộng sản của cố “trưởng lão” Đặng Tiểu Bình được xác định bởi thuật ngữ "Thịnh khang", có nghĩa hướng tới một xã hội phồn thịnh, sung túc vừa phải. Đây chính là phương châm phát triển chiến lược của Đài Loan, đã được đất nước chứng minh bằng thời gian và những thành tự nhất định. Cả Singapore từ lâu cũng tiến bước dưới ngọn cờ xây dựng "chủ nghĩa tư bản Nho giáo".
Kết quả, đã nảy sinh những ý kiến cho rằng Nho giáo (hay Khổng giáo) đang dần đẩy lùi những ý thức hệ khác và trở thành "kim chỉ nam" của sự phát triển nhân loại trong triển vọng dài hạn. Những người đề nghị lấy Nho giáo làm cơ sở của đời sống nhân loại thế kỷ XXI thốt lên: không có ai khác trên thế giới có thể tạo ra khái niệm hòa hợp của văn minh và phát triển kinh tế ổn định, để rồi thực hiện thành công khái niệm đó trong thực tế. Chỉ những người dựa vào di sản Khổng Tử mới làm được điều đó!
Không thể phủ nhận những thành tựu của Nho giáo. Mặc dù lựa chọn con đường cải cách thị trường và mở cửa với thế giới bên ngoài, nhưng chính những truyền thống Nho giáo cũng đóng góp phần vào sự thành công của Trung Quốc. Về cơ bản chiến lược của đất nước là tổng hợp phương pháp kinh tế và kỹ thuật thống trị phương Tây với những giá trị tinh thần bản xứ.
Nhưng cũng có thể biện luận một cách khác. Trước tiên, Khổng giáo đã dẫn dắt nước Trung Hoa già cỗi tới một chế độ chuyên chế hà khắc và sự lạc hậu kinh tế so với những nền văn minh “ít hoàn hảo hơn”, thực chất đi tới sự thối nát. Hệ thống nhà nước và trật tự xã hội Nho giáo đã đè bẹp bất kỳ nỗ lực cải cách, ngăn cản chế độ chuyên chế phong kiến chuyển biến thành một chế độ tư bản, chặn đứng mở mang liên lạc, không cho những ý tưởng mới thấm vào mảnh đất Trung Quốc. Rồi đến thời điểm, khi nền khoa học và văn hóa Trung Quốc dẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi, chính trị xã hội bế tắc, nền kinh tế suy thoái. Vào thế kỷ XIX, Trung Hoa trở thành miếng mồi dễ dàng của các nước đế quốc và bị đẩy vào tình trạng bán thuộc địa. Không vô cớ, sự phê phán toàn diện nhằm vào Nho giáo đã bùng nổ trong xã hội Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Sau chiến thắng của những người Bolshevik ở Nga, hạt mầm ý thức hệ cộng sản cũng thâm nhập và đâm chồi trên đất Trung Quốc. Các nhà Cộng sản địa phương hăng hái hơn ai hết nói về việc cần thiết khắc phục tàn dư trì trệ của Nho giáo. Sau khi thâu tóm quyền lực, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đẩy cuộc chiến chống Khổng giáo ở Trung Quốc lên mức độ phi lý. Và chỉ sau khi ông qua đời, những nguyên lý Nho giáo mới dần trở lại với cuộc sống của người Trung Quốc.
Thứ hai, không thể ca ngợi tính khoan dung của Khổng giáo trước đa nguyên văn hóa, cùng lúc xác nhận tính ưu việt và toàn diện. Sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta không đưa văn hóa (tinh thần) của Trung Quốc đối chọi với văn hóa (vật chất) của phương Tây. Đó là hai nền văn hóa độc lập, thống nhất và độc đáo, không thể thay thế lẫn nhau. Chúng ta chỉ có thể nói về sự tương tác giữa chúng. Rõ ràng, dân chủ hóa dần dần không hề đối kháng với một nước Trung Quốc đang thăng tiến trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Thứ ba, không ai phủ nhận những ý tưởng ưu việt trong học thuyết Nho giáo, nhưng liệu chúng có thực sự khác biệt với sự răn dạy của các tôn giáo khác? Trong khi đó, về lý thuyết chủ nghĩa Mác-Lênin đã vượt xa Nho giáo trong việc định hướng xây dựng xã hội nhân đạo thịnh vượng. Có điều, trên thực tế cả Nho giáo và chủ nghĩa Mác-Lênin đều khác xa với lý thuyết.
Đó là lý do vì sao người dân Trung Quốc đã chịu đựng những thảm họa khủng khiếp, trước khi tìm thấy lối mòn hướng tới sự phát triển. Nói cho cùng, họ chưa hẳn tìm thấy con đường lớn và nhất nhất phải thận trọng nếu muốn quay trở lại quá khứ.
Source: Tiếng nói nước Nga