Tháng 10 năm 2012 đánh dấu 30 năm ngày ra đời đĩa nhạc đầu tiên dưới dạng compact disc, mà mọi người thường gọi vắn tắt là CD. Thay thế cho đĩa nhựa, cuộn CD trở nên cực thịnh, phát triển song song với ngành công nghiệp giải trí, một vật dụng thường ngày nhưng lại tỏa sáng, không thể thiếu trong thời kỳ huy hoàng của video clip, của các kênh truyền hình phát nhạc 24 trên 24.
Cuộn CD ngự trị trên đỉnh cao, số lượng phát hành trên toàn thế giới lên đến hàng tỷ album mỗi năm. Một ngôi vị bá chủ tưởng chừng không gì có thể đe dọa, không chi có thể lung lay. Thế nhưng rồi đến ba thập niên sau, mạng internet lại thay đổi toàn bộ cục diện, tác động sâu sắc đến cung cách tiêu thụ các sản phẩm văn hóa.
1982 : tập nhạc 52nd Street của Billy Joel là cuộn CD đầu tiên phát hành trong lịch sử âm nhạc (DR)Bao nhiêu người yêu nhạc thời nay còn nhớ là cuộn CD đầu tiên đã được phát hành tại Nhật Bản vào tháng 10 năm 1982. Đó là cuộn album thứ sáu của nam ca sĩ Billy Joel với tựa đề 52nd Street. Tập nhạc này đoạt giải Grammy dành cho album hay nhất trong năm, với ca khúc để đời là Honesty, từng làm thổn thức biết bao con tim, mê mệt say đắm bao hồn người yêu nhạc.
Billy Joel - Honesty par BillyJoel-OfficialMột bạn trẻ lớn lên vào những năm 1980, nếu muốn sưu tầm các album ca nhạc, phải sắm cho mình một kệ tủ CD lớn ít nhất là vài thước. Thanh niên thời nay không còn bận tâm với vấn đề lưu trữ, một khi âm thanh đã trở thành phi vật thể (dưới dạng mp3). Hàng ngàn bài hát thu gọn trong một thư viện âm nhạc bỏ túi, tải vào điện thoại thông minh, hai tai đeo máy nghe nhạc, ngón tay lướt quẹt màn hình.
Cuộn CD vì thế mà trở nên ‘‘cổ xưa’’, nếu không nói là hơi lỗi thời. Với việc phát hành trực tuyến, người tiêu dùng không còn cần phải ra ngoài chợ, mà chỉ cần truy cập mạng để tải nhạc về máy. Đó là khía cạnh tiện lợi nhất, nhưng chưa chắc gì là một lợi thế xét về mặt tư duy sáng tạo và phát hiện tài năng mới.
Điều đó không phải là do lỗi của các nghệ sĩ trẻ tuổi thời nay. Rất nhiều tác giả thuộc thế hệ 2.0 tiếp tục dùng mạng internet để giới thiệu các sáng tác của họ. Vấn đề là do các hãng đĩa càng lúc càng rụt rè, do dự. Giới sản xuất ưu tiên khai thác những sản phẩm thương mại dễ bán chạy, dễ ăn khách thay vì chọn các dự án ghi âm đột phá táo bạo.
Vai trò và vị trí bị đảo ngược vào thời đại thông tin, thường thì các tài năng mới xuất hiện (Justin Bieber, Carly Rae Jehnsen, Selah Sue …) là do cộng đồng cư dân mạng khám phá trước, các hãng đĩa khi thấy là có khả năng kiếm lời, mới nối bước theo sau.
Ngoại trừ trường hợp của Rihanna mà album mới với ca khúc chủ đề Diamonds sắp được phát hành vào tháng 11 và giọng ca hiện tượng Adele với 8 giải Grammy dù chưa ngoài 25 tuổi, thì có bao nhiêu tên tuổi và tài năng là do các hãng đĩa lớn xây dựng bệ phóng đưa lên quỹ đạo thành công.
Ca sĩ người Anh Adele trở lại với nhạc phẩm Skyfall, ca khúc chủ đề của bộ phim cùng tên của điệp viên 007. Làng giải trí kỷ niệm sinh nhật 50 tuổi của nhân vật James Bond một cách rầm rộ. Ngược lại, không có chuyện khua chiêng gõ trống nhân 30 năm ngày ra đời cuộn compact disc, mà các chuyên gia từng gọi là cuộc cách mạng âm thanh, đầu những năm 1980.
Riêng trên thị trường Pháp, chỉ cần liếc mắt nhìn qua các dự án album sắp được trình làng thì bạn sẽ thấy ngay được một điều : các hãng đĩa chỉ muốn ăn chắc mặc bền : số ca khúc cover khá nhiều, còn sáng tác mới chủ yếu được phát hành qua các kênh không phụ thuộc vào các hãng đĩa lớn. Album thứ ba của ca sĩ trẻ tuổi Amaury Vassili chủ yếu dựa vào việc đặt lời cho các giai điệu cổ điển rất quen thuộc (chẳng hạn như Khúc giao hưởng thứ 40 của Mozart).
Sau đĩa hát cover với tựa đề Rhythm and Blues của Garou và Gospel and Soul của Chimène Badi, đến phiên Florent Pagny trình làng tập nhạc Baryton : Gracias a la Vida, gồm nhiều phiên bản hát lại của các bản nhạc trứ danh làng nhạc La Tinh (Tây Ban Nha và Nam Mỹ), chọn điệu tango argentina làm sợi chỉ đỏ. Trong cùng một tuần, Francis Cabrel trở lại sau 5 năm vắng bóng với tập nhạc Vise le Ciel, gồm toàn là các ca khúc của Bob Dylan, chuyển dịch sang tiếng Pháp.
Celine Dion tung ra cùng lúc 2 tập nhạc tiếng Anh và tiếng Pháp, xen kẽ sáng tác mới với ca khúc vang bóng một thời. Do năm 2013 là đúng 50 năm ngày giỗ của danh ca Edith Piaf, cho nên Patricia Kaas và Mireille Mathieu đồng loạt tung ra mỗi người một album hát lại các bản tình ca của Piaf trong tiếng Pháp hay bằng các phiên bản chuyển ngữ.
Tony Bennett duet with Marc Anthony - For Once... parTonyBennettduetwithMarcAnthony-OfficialVề phía làng nhạc Anh Mỹ cũng vậy, ngoại trừ dòng nhạc trẻ đang ăn khách hiện giờ như One Direction hay The Young Professionnals, và dòng nhạc rock với các ban nhạc như Muse hay Coldplay, thì khá nhiều tên tuổi khi ghi âm thường bảo đảm cho dự án album của họ với nhiều bản cover. Danh ca Tony Bennett khai thác lối hát song ca băng cách triệu mời hàng loạt tên tuổi của dòng nhạc pop La Tinh trên tập nhạc Viva Duets.
Susan Boyle cũng khai thác triệt để xu hướng này với 4 album trình làng trong 4 năm liên tục, và album mới của bà gồm toàn là những giai điệu nổi tiếng của làng ca nhạc kịch Broadway. Đó là chưa kể đến dự án tái hợp của Olivia Newton John với John Travolta, cặp bài trùng của bộ phim ca nhạc Grease. Và các album sắp ra mắt trước mùa Noel của Rod Stewart, Cee Lo Green hay của giọng ca trữ tình người Scotland John Barrowman.
Thị trường CD càng lúc càng xuống dốc, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy là đã chạm đáy. Trong bối cảnh đó, các hãng đĩa càng muốn hạn chế rũi ro trong việc phát hành băng đĩa, và buộc phải đi tìm một mô hình kinh doanh, đủ linh hoạt để thích ứng với tất cả những biến động của thị trường quốc tế.
Liệu cuộn CD có nguy cơ biến mất, cùng chung số phận của đĩa nhựa và băng nhựa (cassét) ? Những người bi quan nhất đánh giá: sớm muộn gì thì cuộn compact disc sẽ được đưa vào viện bảo tàng. Còn ý kiến lạc quan thì cho rằng : các nhà sản xuất phải tìm cách tăng thêm giá trị của sản phẩm, để tạo ham muốn sở hữu nơi người mua.
Người tiêu dùng chỉ thích sưu tầm lưu trữ khi mà CD có những yếu tố mà âm thanh phi vật thể không có. Bằng chứng là đĩa nhựa, tuy không còn được bán nhiều như trước, nhưng lại trở thành một sản phẩm thời thượng đối với giới sưu tầm. Chỉ có những cuộn CD có giá trị nhất định, giờ đây mới được in thành đĩa nhựa.
Hiện giờ, có khoảng 300 triệu CD vẫn được bán hàng năm thay vì hàng tỷ như trước đây. Nhiều người hy vọng rằng cuộn compact disc có hy vọng tồn tại ít nhất là vài thập niên, và cũng như đĩa nhựa sẽ không hoàn toàn biến mất, cho dù chính ngành công nghiệp giải trí đã chọn sự đào thải làm quy luật tự nhiên.
Source: RFI