Hôm nay, xin giới thiệu lá thư của một bạn ở North Carolina để chúng ta cùng chia sẻ: “Tôi hiện đang sinh sống ở
tiểu bang NC, rất thường xuyên đọc báo Viễn Đông online, mục mẹo vặt mà chị đang phụ trách trên báo mạng
viendongdaily.com rất hay và bổ ích cho nhiều người, trong số đó có tôi. Từ trước đến nay qua hướng dẫn của chị
trên báo, tôi cũng đã bắt chước làm theo một số công dụng và ít nhiều cho được kết quả rất tốt. Hôm nay, chị cho
tôi hỏi khi giặt đồ, thì bỏ bao nhiêu xà bông vào thùng quay là đủ? đồ nhiều thì bao nhiêu? đồ ít thì bao nhiêu là vừa
? sao cho không nhiều mà cũng đừng ít quá, đồ sẽ không sạch. Chúc chị và gia đình nhiều sức khoẻ - luôn có
nhiều mẹo hay để phục vụ bạn đọc - cảm ơn chị.”
Bạn quả thật là “siêu” khi bắt mạch được đúng vấn đề mà các chuyên gia về máy gia dụng luôn chú ý. Câu hỏi đặt ra
hai vế “thế nào là quá nhiều, thế nào là quá ít,” nhưng trên thực tế, đa số chúng ta dùng quá nhiều, nhiều gấp đôi số
xà bông cần thiết. Nhận xét này không phải là của Hằng, mà là của các chuyên gia. Theo họ, “tội lỗi” hàng đầu của
chúng ta là dùng quá nhiều xà bông trong máy giặt và máy rửa chén đĩa.
Chúng ta đổ tiền xuống cống như thế nào?
Ông Vermon Schmidt, một kỹ sư trong ngành sửa chữa máy gia dụng hành nghề 35 năm nay, phát biểu, “Đa số
chúng ta dùng quá nhiều xà bông.” Nhưng dường như ít ai tin như vậy, đến nỗi ông phải viết cả một cuốn sách
“Cẩm Nang Về Máy Gia Dụng Dành Cho Phụ Nữ: Những Điều Đơn Giản Mà Ngay Cả Một Người Đàn Ông Cũng
Hiểu Được.” (A! ông này ăn nói có duyên lắm: Qua cái tiêu đề trên, có phải ông muốn nói là phụ nữ thường thông
minh hơn … đàn ông hay không? Thì đây, nguyên bản là “Appliance Handbook for Women: Simple Enough Even A
Man Can Understand,” các bạn giỏi tiếng Mỹ xem lại và sửa giúp nếu Hằng hiểu sai nhé!) Trong cuốn sách, ông
Schmidt than thở, “Đa số chúng ta dùng xà bông nhiều gấp 10 lần hoặc 15 lần hơn số lượng cần thiết, đúng là đổ
tiền xuống cống!”
Chúng ta đã đổ tiền xuống cống như thế nào? Trước tiên, khoa học kỹ thuật tiến nhanh quá, chúng ta không kịp thay
đổi não trạng để thích ứng: Máy giặt, cũng như máy rửa chén đĩa, ngày nay có thể dùng ít nước và ít xà bông hơn
rất nhiều so với các loại máy cũ, và phẩm chất của xà bông bây giờ cao hơn, chỉ cần dùng một chút thôi cũng đủ
hiệu quả. Có thể cái máy giặt ở nhà bạn đã xài gần 15 năm nay vẫn còn chạy tốt. Nhưng nếu vô tình nó hư, buộc
bạn phải chạy đi mua máy mới thì nhiều phần bạn vẫn giữ nguyên thói quen chế xà bông ở liều lượng như máy cũ!
Chứ chưa thể tin rằng bớt hẳn đi theo lời khuyên của nhà sản xuất mà lại có thể giặt quần áo sạch sẽ như trước
được. Làm như vậy, mình chứng tỏ hai điều: Một là vẫn tưởng như mình còn sống ở thế kỷ thứ 20 (thực ra chúng ta
đã sang thế kỷ 21 được 14 năm rồi nhé); Hai là, sự suy nghĩ của bạn còn cao hơn các nhà khoa học một bậc.
Thì đây, cô Christina Saunders, phát ngôn viên của tổng công ty bột giặt Procter & Gamble, là nơi sản xuất những
nhãn hiệu xà bông rất nổi tiếng trên thị trường như Tide, Cheer, Gain … cho biết, công ty đã phải thuê rất nhiều
chuyên gia, và đã giặt thử hàng ngàn lố quần áo trước khi đề nghị lượng xà bông cần thiết phải sử dụng trong máy
giặt. Vậy mà đa số chúng ta vẫn dùng nhiều xà bông hơn mức đề nghị vì sợ rằng không đủ để giặt sạch quần áo.
Điều đó không chứng tỏ chúng ta còn “khôn” hơn những nhà khoa học đó ít nhất… một cái đầu là gì?
Hậu quả của sự “khôn ngoan” đó là: Đổ tiền xuống cống! Hơn thế nữa, làm hại quần áo (vì quần áo được chế ra để
“diện,” chứ không phải là để “giữ” xà bông) và làm hư máy!
Về chuyện làm hư máy, chúng ta hãy nghe giới sản xuất lên tiếng: Cô Jill Notini (Lại cô! Không phải là phụ nữ
thường thông minh và giỏi giang hơn sao?), phát ngôn viên của Hiệp Hội Sản Xuất Máy Móc Gia Dụng tại Hoa Kỳ,
cho biết, dùng quá nhiều xà bông sẽ làm cho quần áo cứng lại, và máy móc thì chóng hư, chưa kể là nấm mốc có
thể phát triển bên trong lòng máy, tỏa mùi hôi vào quần áo.
Điều gì hợp lý hơn?
Vậy động tác hợp lý đầu tiên của chúng ta là đọc hướng dẫn về cách dùng máy, cách dùng xà bông, và… bớt tay
phóng xà bông vào máy. Thực ra, các nhà sản xuất chẳng có lợi gì khi khuyên chúng ta hạn chế cả. Mình dùng càng
nhiều họ càng thích: Xà bông sẽ bán được nhiều hơn, máy móc sớm hư họ lại bán được máy mới. Nhưng họ vẫn
phải đưa ra những lời khuyên ngược lại quyền lợi của mình, bởi vì đó là niềm hãnh diện của khoa học, là vì lương
tâm chức nghiệp, và cũng có thể là vì sự bó buộc của luật pháp.
Việc thứ hai rất nên làm tiếp đó là nghiên cứu lời khuyên của ông Schmidt, tác giả những lời khuyên rất đơn giản mà
ngay cả một người đàn ông (cả đẫn) cũng hiểu được, đó là “chỉ dùng chừng 1/8 hoặc nhiều lắm là một nửa số
lượng xà bông được đề nghị cũng là quá đủ”. Dùng hơn mức đó là quá nhiều.
Bạn không tin ư? Kỹ sư Schmidt sẽ giúp bạn làm một cuộc thử nghiệm để thấy kết quả nhãn tiền. Hẹn gặp bạn lần
sau nhé.
Vũ Hằng