Người máy "Kodomoroid" trong cuộc họp báo tại Bảo tàng Quốc gia về Khoa học và Sáng tạo mới ở Tokyo (Credit: AFP) .
Các nhà khoa học Nhật vừa giới thiệu người máy đọc tin trên truyền hình đầu tiên trên thế giới. Người máy này có ngoại hình giống một nữ biên tập viên với tính cách hài hước và kỹ năng ngôn ngữ hoàn hảo.
Người máy trẻ có tên gọi Kodomoroid, đây là từ ghép giữa hai từ trong tiếng Nhật ‘kodomo’ có nghĩa là em bé và ‘android’ – người máy, đọc bản tin về một vụ động đất và cuộc truy tìm của FBI tại Tokyo trong phần ra mắt của mình.
Photo: Hai người máy giống con người mới 'Otonaroid' (Trái) và 'Kodomoroid' (Phải) được chụp hình trong buổi họp báo (AFP: Yoshikazu Tsuno)
Cô còn đùa với người sáng tạo ra mình, giáo sư hàng đầu về người máy Hiroshi Ishiguro, “Ông bắt đầu nhìn giống một con rô bốt đấy!”.
Kodomoroid có giọng đọc hoàn hảo đi cùng với một rô bốt trưởng thành có tên là Otonaroid - ‘otona’ có nghĩa là người lớn.
Otonaroid có chút bối rối trên sân khấu và bị vấp khi được đề nghị giới thiệu về bản thân. Cô xin lỗi sau khi được khởi động lại, “Tôi hơi bối rối một chút.”
Cả hai người máy này sẽ làm việc tại Bảo tàng Quốc gia về Khoa học và Sáng tạo mới ở Tokyo, tiếp xúc với người tham quan dể lấy dữ liệu cho nghiên cứu của ông Ishiguro về phản ứng của con người với người máy.
“Chúng ta sẽ có thêm nhiều người máy hơn trong cuộc sống tương lai,” ông nói.
“Bạn có thể đưa người máy của tôi lên máy bay, cất cơ thể vào hành lý ký gửi còn đầu để ở hành lý xách tay.”
Ông Ishiguro có một người máy bản sao của ông để gửi đi nước ngoài giảng dạy.
“Nó giúp tôi bớt các chuyến công tác,” ông nói.
“Kỹ thuật tân tiến có nghĩa là người máy sẽ nhìn và hoạt động giống người hơn, điều đó khiến chúng ta nghĩ nhiều hơn đến giá trị của mình.”
Otonaroid trông có vẻ cần được chỉnh lại trước khi bắt đầu nhận nhiệm vụ là người hướng dẫn ở bảo tàng, miệng của nó không cùng nhịp nói và di chuyển của cổ có cảm giác như một người có mất ngủ.
Tuy nhiên ông Ishiguro khẳng định cả hai đều có giá trị rất lớn trong nghiên cứu của ông khi những người đến thăm quan tiếp xúc và giao tiếp với những người máy.
“Nó sẽ cho chúng tôi rất nhiều những phản hồi quan trọng khi chúng tôi tìm câu trả lời cho điều gì được xem là giống với con người,”ông nói.
“Chúng tôi muốn người máy ngày càng thông minh hơn.”
Một người máy thích nói chuyện, có vẻ ngoài giống con người có tên Pepper, thiết kế bởi SoftBank, được dùng là một người bạn trong các gia đình sẽ được đem bán với giá khoảng 2000 đô la Mỹ tại Nhật vào năm tới sau khi giới thiệu rất thành công với công chúng.
“Nó chỉ bằng giá của một chiếc máy tính xách tay,” ông Ishiguro nói.
“Thật đáng kinh ngạc.”
Theo BBC