Món ăn trông vừa ngon vừa dễ như thế thì chắc bản thân mình cũng làm được’ là điều mà Youtuber người Đà Nẵng mong muốn từ những khán giả của mìnhChính thức ra mắt vào tháng 5/2011, Helen’s recipes, kênh YouTube dạy nấu các món ăn Việt Nam hiện đang thu hút được nhiều sự chú ý. Chỉ sau khoảng một năm rưỡi, cô gái Đà Nẵng Helen Lê, người sáng lập kênh YouTube vừa kể đã chính thức trở thành một YouTube partner – đối tác chính thức của YouTube. Sau khoảng ba năm hoạt động, giờ đây kênh Helen’s recipes đã có khoảng 136,000 subscribers (người đăng ký theo dõi nhận các video mới nhất). Các video được tải lên thu hút tổng cộng khoảng 18 triệu lượt xem và đặc biệt, đối tượng người xem đến từ nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, Úc, Canada, Việt Nam... Helen’s recipes đã ra đời như thế nào và tại sao kênh YouTube này nhận được nhiều sự đón nhận từ đông đảo người xem như vậy?
Tải để nghe Youtuber Đà Nẵng đem văn hóa Việt tới gần hơn với thế giới
http://av.voanews.com/cl...e7-b2d5-f2025b17dd5b.mp3Người ta thường nói ‘một bức hình bằng cả một ngàn lời nói’ và đối với Helen Lê, ‘một video bằng cả một ngàn bức hình như vậy.’ Helen Lê, cô gái Đà Nẵng đang làm việc cho một công ty marketing tại Hamburg, Đức, đồng thời là chủ nhân kênh YouTube Helen’s recipes đã nói như vậy khi được hỏi tại sao lại chọn hướng dẫn nấu các món ăn Việt Nam qua video, một việc dường như mất nhiều thời gian hơn là viết công thức nấu ăn ra và đính kèm theo các bức hình như nhiều trang blog vẫn làm. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần trong câu trả lời của cô mà thôi:
Bún thang Hà Nội“Tại vì mình lười viết (cười…) Mình cũng thấy là có nhiều blog các anh chị chụp hình rất đẹp. Có rất nhiều blog viết bằng tiếng Việt còn blog tiếng Anh cũng có nhưng mà không nhiều lắm. Những blog tiếng Anh là của những người sinh ra ở nước ngoài thì những bài viết của người ta nó không đậm chất Việt Nam, còn những blog của Việt Nam thì hình ảnh rất đẹp nhưng lại viết bằng tiếng Việt, vì thế mà người nước ngoài không đọc được. Ngoài việc truyền đạt được hình ảnh cách làm (món ăn) một cách cụ thể, nó còn truyền đạt được tính cách của người viết. Đó là cách mà mình muốn tiếp cận gần gũi hơn với khán giả xem những video của mình. Nó không chỉ là chia sẻ món ăn, cách làm món ăn, mà nó còn chia sẻ thêm văn hóa của Việt Nam.”
Vốn thích nấu ăn từ nhỏ và sau này cũng theo dõi thường xuyên các kênh dạy nấu món ăn Hàn Quốc, Nhật trên YouTube, trong khi viết luận văn thạc sĩ ở Đức, Helen đã chọn cách nấu ăn, quay lại những video hướng dẫn nấu, và tải lên facebook chia sẻ với bạn bè như là một cách để xả stress. Những video ban đầu của Helen được thực hiện một cách khá thô sơ vì cô nói lúc mới bắt đầu, cô chưa biết một chút gì về làm video:
“Lúc đó mình chỉ dùng chương trình Windows Movie Maker, thu âm cũng chỉ bằng một chiếc điện thoại linh tinh, quay phim bằng một chiếc máy bác mình bỏ không dùng nữa, rất là cũ. Lúc đó mình chọn nói bằng tiếng Việt vì khi thu mình phải nói liên tục một lần thôi, nhưng mà sau đấy mình muốn giới thiệu món ăn đến người nước ngoài cho nên mình thu bằng tiếng Anh. Nói chung lúc mình bắt đầu thì mình không biết bất cứ một cái gì hết. Mình chỉ biết là mình thích nấu ăn và mình muốn chia sẻ niềm đam mê đó thôi, còn những cái khác thì đều là vừa học vừa làm.”
Sản phẩm bánh mì cuối cùng cũng thành công sau khoảng 'mấy chục sản phẩm gần giống bánh mì'Đối với Helen, sự khó khăn khi sản xuất những video như vậy không chỉ nằm ở vấn đề kỹ thuật mà còn là sự khác biệt trong các nét văn hóa ẩm thực ở Việt Nam:
“Ban đầu mình chỉ làm những món mình tự tin nhất, tức là những món của Đà Nẵng như bánh bột lọc hay gì đó. Còn sau này mình mới bắt đầu mở rộng ra và làm thêm những món Hà Nội hay Sài Gòn…Cũng hơi run tại vì chẳng hạn như các bạn ở Hà Nội thì khá là khắt khe với ẩm thực của Hà Nội, còn những người ở miền Nam thì nếu những người khác làm món đấy hơi khác một tí cũng ok, nhưng mà ở Hà Nội thì nó như thế là phải như thế. Chỉ cần khác đi một chút thì sẽ là không đúng. Lâu lâu có những bạn vào góp ý thì mình cũng đón nhận những ý kiến đó. Nhưng mà có những món như bún thang thì rất ít người biết đến, mình nghĩ là cũng nên thoải mái hơn một tí thì những người ở vùng miền khác hay nước khác thì người ta có thể đón nhận món ăn của mình dễ dàng hơn.”
Bánh mì Việt NamTuy nhiên, ngay cả đối với một người Việt Nam nấu ăn nhiều như Helen cũng gặp phải những ‘ca khó’ khi nhiều người xem đưa ra yêu cầu hướng dẫn những món ăn không mấy dễ khi thực hiện ở nhà:
“Có những món mình làm rất nhanh, còn có những món phải học rất lâu, chẳng hạn như món bánh mì (cười.) Mình không hiểu tại sao người ta muốn làm bánh mì tại vì lúc ở Việt Nam thì cứ đi ra ngoài mua chứ không bao giờ nghĩ tới chuyện là một ngày nào đó mình sẽ làm bánh mì. Mình rất thuần kiểu Việt Nam là chỉ nấu nướng chứ không làm bánh. Tại vì có rất nhiều người yêu cầu nên mình cũng muốn xem thử là làm bánh Việt Nam như thế nào. Kết quả là mình làm khoảng mấy chục lần (cười)…ăn bánh mì hoài luôn. Tới lúc làm ra được cái bánh mì thì mới là ăn bánh mì còn trước đó chỉ là ăn những cái giống bánh mì thôi chứ không phải là bánh mì (cười.)”
Không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn nấu những món ăn nổi tiếng, đậm chất Việt hay tùy theo yêu cầu, Helen còn ‘thử thách’ tinh thần của người xem qua hai video những món ăn mà đối với người phương Tây, là khá kì quặc, thậm chí có phần ‘kinh dị’:
“(cười) Video đầu tiên mình làm thì mình giới thiệu trứng vịt lộn với ốc. Trước khi tải lên thì mình cũng rất run, không hiểu là tải lên rồi sẽ bị như thế nào đây, có thể sẽ bị mọi người vào phê bình hay gì đấy. Khi mình post lên video đầu tiên đó thì mọi người lại nói là mấy món đó bình thường mà, có gì đâu mà sợ. Đến video thứ hai thì mình giới thiệu những món có vẻ hơi ghê hơn một tí thì mình cảm thấy cũng có nhận được khá nhiều phản hồi không tốt cho lắm. Lúc đầu thì mình cũng chỉ quay chọc chơi thôi, nhưng cũng có một số bạn vào bình luận hơi gay gắt thì lúc đó mình cũng có hơi chột dạ. Có một số bạn góp ý là có lẽ nên giới thiệu những món hơi kinh dị một tí nhưng kèm theo lời giải thích tại sao người Việt ăn những món đấy. Mình thấy ý đó cũng rất hay. Ví dụ mình ăn những món như là rươi của miền Bắc, trông nó rất ghê, nhưng mà nó rất bổ cho sức khỏe. Đúng là mình nên đề cập đến những yếu tố đấy để người ta hiểu là tại sao mình ăn những món đấy, chứ không phải là để người ta ghê tởm mình về món đấy. Mình làm thì cũng chỉ để chơi chơi cho vui thôi, cũng không nghĩ kỹ lắm. Mình rút kinh nghiệm và có thể là ở video thứ ba, mình sẽ đi theo hướng đó và mình nghĩ đó cũng là một cái hay. Nhưng mà bây giờ cũng sẽ hơi căng thẳng một tí khi mà giới thiệu những video như vậy.”
Theo Helen, ẩm thực Việt Nam đa dạng đến mức mà khi một người bạn của cô hỏi chừng nào sẽ thôi không làm video nữa, cô trả lời rằng ngay cả khi làm video thứ 500 cũng không thể nào làm hết các món ăn của Việt Nam được, cô chỉ biết nói rằng cô sẽ dừng chừng nào cạn ý tưởng mà thôi. Còn hiện tại, cô đang phát triển kênh YouTube của mình theo hướng du lịch kết hợp với ẩm thực:
“Bây giờ mình muốn phát triển kênh của mình theo hướng mình đi du lịch, mình ăn món đấy và mình thử nấu lại theo vị mà mình được ăn. Mình cũng muốn giới thiệu, ghép thêm một số cảnh mà mình ăn món đấy..tức là có trải nghiệm món đấy ở Việt Nam để người xem có thể thấy một phần nào đó cái văn hóa ẩm thực của Việt Nam.”
Không thần tượng một đầu bếp nào đó, không có ý định mở nhà hàng riêng, không nghĩ tới việc trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp, cũng không nhận bản thân mình là một người nấu ăn giỏi, tất cả những video mà YouTuber người Đà Nẵng Helen Lê đã và đang thực hiện chỉ đơn giản xuất phát từ sở thích nấu ăn của bản thân. Nhưng quan trọng hơn, thông qua những video chỉ kéo dài vài phút trên kênh Helen’s recipes của mình, Helen hy vọng có thể giúp một người nước ngoài yêu thích món ăn Việt, hoặc những bạn trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, chưa từng có dịp thử những món ăn đậm chất Việt ở Việt Nam, khi nhìn vào những món Việt Nam vốn rất phức tạp sẽ có suy nghĩ rằng ‘món ăn trông vừa ngon vừa dễ như thế thì chắc bản thân mình cũng làm được.’ Và đó chính là cách mà cô giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với người xem của mình.
Theo VOA