CHICAGO - Patricia Nguyễn, một sinh viên bậc tiến sĩ đang học khoa trình diễn nghệ thuật, tại Trường Truyền Thông thuộc viện đại học Northwestern University, đã nhận được học bổng Paul and Daisy Soros Fellowship for New American năm 2014
Soros Fellowship trao tặng học bổng cho 30 “Người Mỹ Mới” – gồm những thường trú nhân, công dân nhập tịch, con cái của công dân nhập tịch – để trả tiền học phí và hỗ trợ lương bổng lên tới $90,000 Mỹ kim và giúp cho nền giáo dục đại học ở Hoa Kỳ. Các sinh viên hưởng học bổng được lựa chọn căn cứ trên công trạng, với sự nhấn mạnh vào óc sáng tạo, tính cách độc đáo, sáng kiến và thành tựu bền vững.
Là người thành thạo cả ba môn xã hội học, chính trị học và các nghệ thuật trình diễn, cô Patricia Nguyễn hiểu những thảm kịch có thể truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, và cô dự định sử dụng nghệ thuật để vượt qua những rào cản chính trị, bồi đắp những khoảng trống để chữa lành. Cô sinh ra ở Chicago, nhưng có gia đình từ Việt Nam, trước thời chiến tranh và sau đó trở thành những người tị nạn ở Mã Lai và Ấn Độ. Do đó cô cũng nhận thấy mình là một công dân của thế giới.
Sau khi tốt nghiệp một văn bằng xã hội học từ trường đại học Pomona College, Nam California, Patricia Nguyễn tham gia vào chương trình Fulbright Student Program. Với tư cách một tình nguyện viên của Pacific Links Foundation, cô đã sử dụng nghệ thuật để phát triển các mối quan hệ đầy ý nghĩa với các phụ nữ sắc tộc thiểu số sống ở một nơi tạm cư tái hòa nhập ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc, nơi mà cô thành lập chương trình giáo dục nghệ thuật đầu tiên dành cho các nạn nhân của nạn buôn bán tình dục.
Chương trình nghiên cứu trình diễn nghệ thuật của Northwestern University đã cho phép Patricia sáp nhập lý thuyết và thực hành trình diễn với chính sách công cộng và chính trị quốc tế. Thông qua các nghiên cứu của mình, cô đã tìm cách để kết hợp kịch nghệ, diễn thơ, múa và lịch sử truyền khẩu. Cô sử dụng những kỹ thuật này để giao tiếp với những người khác, chia sẻ những câu chuyện của họ và thực hiện cuộc nghiên cứu.
Patricia lấy cảm hứng từ nguồn gốc của cha mẹ cô là những người tị nạn từ Việt Nam. Cô nói, “Tôi lớn lên nghe kể lại những câu chuyện về cuộc sống của cha mẹ tôi trước và sau chiến tranh, và nó ở lại với tôi, sống chỉ trong trí tưởng tượng của tôi. Tôi muốn sống và hít thở những khoảnh khắc này: Những hình ảnh mà tôi đã chỉ biết được thông qua các câu chuyện.”
Trong một những chuyến đi Việt Nam, một người bà con chỉ cho cô thấy cột đèn đường mà cha cô ngồi học sau khi mẹ của ông tắt đèn trong nhà để tiết kiệm tiền trong thời chiến tranh.
Người bà con ấy nói với cô, “Đó là nơi mà cha của cô bỏ ra hàng giờ đọc sách ban đêm. Hồi đó các đường phố đều nguy hiểm, và ánh đèn cũng không sáng lắm; nhưng cha của cô đã ra sức đến cùng, và đó là lý do tại sao ông đạt thành công. Học vấn là chìa khóa; đừng quên điều ấy. Chúng tôi tin cậy nơi cô.”
Đối với Patricia, khoảnh khắc ấy xác nhận giá trị chuyến đi Việt Nam của cô. Cô nói, “Bằng cách trở lại chỗ cột đèn mà cha tôi từng đứng bên dưới mà học, tôi hiểu được học vấn là quan trọng như thế nào đối với ông, và hiểu được mối nguy hiểm mà ông đã trải qua để đạt thành công.”
Theo báo Viễn Đông