Hát Bội ở Miền Nam là một loại văn nghệ trình diễn cổ truyền ở Việt Nam.Từ trước năm 1930 ở miền Nam nước Việt chỉ có hát bội là nghệ thuật sân khấu duy nhứt để cung ứng cho nhu cầu giải trí của các tầng lớp dân chúng. Hát bội dùng vào các lễ cúng Kỳ Yên cho đình thần mỗi làng, cho các tiệc tùng đăng quan tiến chức, ngay cả các cuộc cầu siêu lớn tại chùa chiềng.
Hát bội là nghệ thuật do phong kiến đẻ ra bởi giai cấp quan lại, cựu trào cho nên nội dung nó cũng phải phục vụ cho phong kiến là lẽ dĩ nhiên. Đức Tả Quân Lê văn Duyệt không thích gì hơn là hát bội và đá gà. Cụ Bùi Hữu Nghĩa lúc bị đày đi làm đốc quân trấn vùng biên giới Việt Miên cũng không giải trí bằng gì hơn là hát bội. Từ Đức Tả Quân cho đến cụ Bùi Hữu Nghĩa đều biết soạn tuồng. Soạn tuồng cho lính hát cho dân xem. Dân thấy quan quân thích hát bội nên cũng tập tành dựng lên những đoàn hát bội đi hát đó đây. Quan trên khích lệ, thì bộ môn nghệ thuật ấy sống dễ dàng. Hát bội được phổ biến sâu rộng trong dân chúng một thời là vì vậy.
Theo một tài liệu trong lịch sử, hát bội có từ thời vua Lê Ngọa Triều, tính đến nay khoảng gần 1000 năm. Đầu tiên có một phường chèo người Tống tên Lâm Thủ Tiên sang nước ta vào hầu vua Lê, dạy cung nữ hát tuồng. Đến đời Nhà Trần, Đức Hưng Đạo Vương thắng quân Nguyên bắt được Lý Nguyên Cát, một nghệ sĩ trứ danh về lối hát cổ.
Lý Nguyên Cát được lưu lại làm thầy tuồng, dạy con quan và dân hát. Đến đời Trần Dụ Tôn ngài tỏ ra ham thích môn hát bội, bắt các vương hầu thi nhau soạn tuồng. Những tuồng hay ngoài việc được đưa ra trình diễn ở hội đình, người viết còn được ban thưởng.
Về hát bội có câu: “Có chồng say như trong chay ngoài bội. Ngó vô nhà như hội Tầm Dương”. Dư luận cũng tỏ ra khắt khe với nghề hát nên có câu: “Trồng trầu trồng lộn dây tiêu. Con theo hát bội mẹ liều con hư”. Cũng vì thành kiến xướng ca vô loại trên mà Đào Duy Từ, thời Lê Trịnh truất đi khi ông ra Bắc thi đậu thủ khoa. Lấy cớ ông là con nhà hát bội.
Hát bội là một bộ môn nghệ thuật cổ điển có tánh cách văn chương, mỗi giọng hát được soạn ra theo một thể văn, hoặc lục bát, hoặc song thất lục bát, hoặc tứ tuyệt, cho đến lối nói thường cũng phải đối và vần. Nghệ sĩ khi ra sân khấu vừa chú ý đến điệu bộ diễn xuất, lại vừa chú ý đến câu hát cho đúng với bổn tuồng. Lỡ sai một chữ hoặc sơ xuất trong cử chỉ nào đó, gặp phải người cầm chầu sành sỏi, họ sẽ đánh trống để hỏi cho ra lẽ. Diễn viên hát bội vì thế đòi hỏi nhiều công phu trong lúc tập luyện. Từ lối đi đứng, lối cầm một cây roi ngựa cho đến giọng hát, nhất cử nhất động đều phải phù hợp. Ngày xưa, các diễn viên vào nghề phải gia công học tập ít ra cũng vài ba năm mới mong thành thục được.
Nói tới hát bội thì người ta nghĩ ngay đến các cốt truyện trong truyện Tàu, và khán giả bộ môn nghệ thuật cổ truyền này đã quá quen thuộc với các nhân vật. Lưu Kim Đính, Phàn Lê Huê, Chung Vô Diệm, Điêu Thuyền, Tiết Ứng Luông, La Thông v.v... Nhưng cũng có soạn giả đã đưa nhân vật lịch sử Việt Nam lên sân khấu hát bội: Soạn giả Đinh Bằng Phi với vở tuồng Phạm Ngũ Lão tùng chinh. Soạn giả Thành Tôn và Hồ Văn Lang với vở tuồng Nguyễn Huệ bình Thăng Long. Đây là một sự cải tiến mạnh mẽ và hợp lý hợp thời của sân khấu cổ mà ai nấy đều phải hoan nghinh. Vào năm 1962 vở hát bội Nguyễn Huệ bình Thăng Long được trình diễn cúng Kỳ Yên tại Đình Nam Chơn, Đa Kao, khán giả đi coi chật đình, và khen ngợi từng diễn viên như sau:
Trước tiên là kép Thành Tôn và cô đào Ba Út thật xuất sắc trong vai vợ chồng tướng Ngô Văn Sở. Vì Thành Tôn là một trong hai soạn giả của tuồng nầy nên thuộc rành lớp lang và lột tả một cách rất điệu nghệ vai Ngô Văn Sở. Còn cô Ba Út chỉ diễn tuồng nầy đâu có một vài lần, mà cũng làm tròn vai một cách đáng khen. Đến kép Mười Sự từng vang danh với những vai tướng trung như Quan Công, thì hôm đó diễn vai anh hung Nguyễn Huệ nghiêm chỉnh và sắc bén vô cùng. Còn cô Năm Đồ làm say sưa khán giả với vai Ngọc Hân Công Chúa, trong lớp anh hùng ngộ thuyền quyên, ai ai cũng tán thưởng. Quạt giấy bay lên sân khấu như bướm luyện vườn Xuân. Hội Khuyến Lệ Cổ Ca hân hoan khi thấy vở hát thành công ngoài sức tưởng tượng, càng thấy sự lo lắng duy trì nền cổ kịch phải được xúc tiến mạnh mẽ hơn.
Một màn hát bội trong thời kỳ phục hồiTuy khán giả đông đảo và khen đáo để, mà không biết tại sao hát bội ngày càng tàn lụn!
Khi xưa ở trong Nam có hát bội Nam Phần, với những đoàn hát bội chuyên hát cúng đình cúng miễu, và hàng tuần trên đài phát thanh, đài truyền hình cũng có chương trình hát bội Đinh Bằng Phi, hát bội Ban Vân Hạc. Song song đó thì ở ngoài Trung cũng có nghệ thuật hát bội mà người ta gọi nôm na là “Hát Bội Bình Định”, đã một thời được khán giả mến chuộng.
Nhắc đến Bình Định mà quên nói đến hát bội thực là một thiếu sót to lớn. Nếu miền Nam nổi tiếng với môn cải lương, miền Bắc với chèo cổ, thì Bình Định có hát bội góp mặt. Hát bội Bình Định nổi tiếng nhờ hai yếu tố: Tuồng tích giá trị và diễn viên điêu luyện. Nếu như ở trong Nam có những nghệ sĩ hát bội vang bóng một thời như kép Thành Tôn, đào Ba Út, Năm Đồ, Năm Nhỏ... thì hát bội Bình Định cũng có đào kép lừng danh là đào Ngọc Cầm, Thu An, và kép Long Trọng...Thế nhưng, thời kỳ cải lương xuống dốc thì hát bội Nam Phần lẫn hát bội Bình Định cũng xuống theo, mà còn trầm trọng hơn nhiều, gần như tê liệt.
Chính quyền thời kỳ trước 1975 đã có nhiều biện pháp nhằm cứu vãn hai thành phần hát bội này để không sớm bị mai một, mà cụ thể là vào khoảng đầu năm 1972 Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa, đã tổ chức 3 đêm trình diễn hát bội tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, gọi là “đối chiếu nghệ thuật hát bội hai miền Nam và miền Trung”. Đêm đầu là vở hát “Ngũ Hổ Bình Tây” do nghệ sĩ Bình Định, kịch đoàn Tây Sơn, Hội Khổng Học trình diễn. Đêm thứ hai cũng vở hát “Ngũ Hổ Bình Tây” do nghệ sĩ Miền Nam, và đêm thứ ba Hội Khuyến Lệ Cổ Ca trình diễn vở tuồng “Tiết Cương tế Thiết Khưu Phần”.
Khán giả trong lúc xem một số người nói hát bội Bình Định rất dễ nghe, nhưng thiếu phần huê dạng như hát bội Nam Phần. Nhờ cái hôm trình diễn đối chiếu hát bội Nam - Trung này, người ta mới gặp lại cặp tài danh hát bội Bình Định là Long Trọng – Thu An (đào hát bội Thu An chớ không phải soạn giả Thu An của cải lương). Hỏi dạo này “Ý Hiệp Ban”, tức ban hát bội nổi tiếng một thời ngoài Trung có còn hoạt động hay không, thì Long Trọng lắc đầu chán nản đáp: “Dạo này hát khó sống cho nên vợ chồng tôi đây đã mở quán cà phê hủ tiếu để kiếm ăn, thỉnh thoảng có lễ hội mời thì vợ chồng tôi mới hát thôi”! Người ta lại hỏi thăm cô đào tài sắc của miền Trung là Ngọc Cầm thì cặp Long Trọng – Thu An cho biết cũng mở quán phở như vợ chồng anh thôi. Rõ ràng là nghệ thuật không nuôi sống nổi con người chuyên nghiệp.
Ai đã làm cho sân khấu cổ truyền sụp đổ như vậy? Một hành động cụ thể khác cũng nhằm bảo tồn bộ môn nghệ thuật hát bội của chính quyền thời đó, là khuyến thích việc đào tạo mầm non bằng cách trợ cấp tiền hàng tháng cho học viên, nhưng rồi cũng chẳng đạt được bao nhiêu, nếu không nói là thất bại.
Năm 1969 lớp dạy hát bội của trường Quốc Gia Âm Nhạc Kịch Nghệ, lúc đầu ghi tên 15 người, nhưng hôm khai giảng chỉ có 10 học viên. Dạy được một thời gian người ta nhìn lại thì con số 10 người đã nghỉ học hết 7 còn lại 3. Thêm thời gian nữa thì nghỉ hết 2 còn 1 (như trong câu sấm Trạng Trình). Vậy mà lớp vẫn còn y nguyên, các giáo sư vẫn tiếp tục dạy như thường. Có người hỏi Giáo Sư Đinh Bằng Phi rằng lớp chỉ còn có một ngoe thì dạy cái nỗi gì chớ! Giáo sư trả lời: “Còn người học thì còn dạy chớ sao”!
Theo RFA