Chẳng phải là nhà ngôn ngữ học, cũng dễ thấy ngôn ngữ người ta đang dùng phản ảnh nhiều góc độ của một xã hội đương thời, nếu không nói là một phần quan trọng chân dung của xã hội ấy.
Như khi người ta hay nói “vãi”, gợi nhớ đến chuyện ngắn “Người vãi linh hồn” của nhà văn Vũ Bảo, mô tả một người lính trong chiến trận luôn sợ hãi đến vãi cả nước tiểu, mà nói theo cách điệu văn chương là “vãi linh hồn”, sau này lại trở thành anh hùng, được ca ngợi đủ bề. Cái sự khái quát về nỗi sợ hãi và về nhân cách “Lý Thông” này có tính giễu nhại, điển hình và dường như nói lên rất nhiều về một thế hệ, một thời kỳ đất nước vốn nhập nhằng giữa anh hùng và những người “ăn theo anh hùng”. Nên không lạ sao truyện ngắn trở nên nổi tiếng vào thời đó.
Ngày nay có lẽ nhiều người không biết đến truyện ngắn này nhưng cũng hay nói “vãi”, vẫn biết đó là khiếp, là sợ, là hãi, là ghê gớm lắm. Như “sến vãi”, “đẹp vãi”, “ngon vãi”… Thỉnh thoảng “dân gian” dùng tiếng lóng cũng biến tấu thêm chút thời sự như “vãi Luyện”, sau vụ Lê Văn Luyện giết ba người trong gia đình một tiệm vàng.
Thời này, chuyện công thần hay cơ hội thời bao cấp có vẻ cũng đã nhạt nhòa, nhưng đến thời của hoa hậu và đại gia, nên tiền và sex lại lên ngôi, là thước đo các giá trị. Chẳng phải tự nhiên cả báo chí, cả các trang mạng cứ hay nói “khủng”. Lướt qua trang chủ báo nào cũng thấy ít nhất một cái tít có từ “khủng”. Báo chí lá cải lên ngôi, chạy theo mô tả chuyện hàng hiệu khủng, xế khủng, ngực khủng, mông khủng… Nói nhiều thành từ chính thống. Chuyện lá cải lặp đi lặp lại cũng thành ra chuyện nghiêm túc, chuyện quan trọng. Như ngân hàng lãi khủng, xuất khẩu cũng khủng. Khủng mãi cũng chán, lại đến “siêu”. Siêu xe, siêu dự án, siêu sexy, cả siêu giường.
Khủng hay siêu lại kéo theo “nóng”, “bỏng mắt”, “thiêu đốt mọi ánh nhìn”. Mà để nóng tự nhiên không thôi chưa đủ, phải “khoe”, phải “lộ” cơ, mới hấp dẫn. Lộ clip sex, lộ ảnh giường chiếu, “hé lộ” biệt thự sang, khoe vòng một vòng hai vòng ba, khoe cả nội y…
Có lẽ thấy khủng với siêu mãi cũng nhàm, rồi người ta xoay ra “mủi lòng”, “đắng lòng”, “ứa nước mắt”, cho nó có tí tâm hồn. “Đắng lòng”, từ ký trái cây bán không bằng ly trà đá đến những chuyện chẳng biết thật hay giả, như đắng lòng phát hiện chồng có bồ nhí, quan hệ với em gái…
Chẳng biết đấy là một thất bại hay thành công của “truyền thông đắng lòng”, nhưng chuyện dân mạng giễu nhại cách dùng từ “đắng lòng” cùng với sự nở rộ của facebook thật đáng kinh ngạc. Trào lưu “đắng lòng” lan nhanh như bệnh dịch. Ai cũng phải chêm từ “đắng lòng” vào đâu đó, không là không chịu được, là như thể mình không thức thời, không sành điệu. Chẳng biết thật hay hư, có cả chuyện một bạn nhậu bị giết chết chỉ vì cứ nói “đắng lòng” nhiều quá. Từ trào lưu “đắng lòng”, người ta lại ào ào chuyển sang mê mẩn điên cuồng lên với “ca sĩ” hát dở ẹc nhưng có cái tên đỉnh hơn cả đỉnh “đắng lòng”, ấy là Lệ Rơi!
Người ta làm sao vậy nhỉ, người ta phát cuồng rồi ư? Mà cuồng cũng không phải chuyện lạ. Chuyện fan cuồng, cuồng yêu, cuồng dâm, lại cuồng tình đến nỗi chỉ vì bị từ chối mà giết, mà đốt người tình cứ nhan nhản.
Cách đây chưa lâu, một họa sĩ có công tìm những thành ngữ tiếng lóng mà dân mạng, hay giới trẻ hay dùng, rồi vẽ hình minh họa bán (chưa chắc chạy), nhưng vì bị cấm, nên sách càng nổi tiếng hơn, càng được tìm kiếm nhiều hơn. “Tiền thì anh không thiếu, nhưng nhiều thì anh không có”; “ngon lành cành đào”; “xấu nhưng biết phấn đấu”; “nhan sắc có hạn nhưng thủ đoạn thì vô biên”… Người ta cũng thích thú, khoái trá phát ra những câu thành ngữ vô nghĩa ấy, hay nếu có nghĩa thì cũng như một sự thách thức, phá vỡ mọi chuẩn mực đạo đức. Cả xã hội cuồng lên vì những thứ vô nghĩa nhất. Họ muốn chứng tỏ họ không còn tin vào những gì được xem là chuẩn mực nữa.
Từ vãi đến cuồng, có xa lắm không? Từ chỗ nhập nhằng giả với chân, xã hội đã đi đến chỗ phủ nhận những giá trị vốn có. Ai bảo là không có mối quan hệ nhân-quả?
Chỉ hy vọng, như một quẻ bói trong Kinh Dịch, rằng “không có gì đi mãi mà không trở lại”, một ngày nào đó, cái Chân, Thiện, Mỹ sẽ tìm lại được chỗ đứng, và những cuồng loạn, đảo điên này rồi sẽ biến mất đi.
Thanh Hương
Theo kinh tế Sài Gòn