Sau khi bài “Nhạc cổ điển và nghệ thuật ứng tấu” được đăng lên báo, người viết đã nhận được những email rất thú vị từ một số độc giả. Tựu trung những email ấy đều nêu lên một vài câu hỏi đại loại như thế này: “Sau nhiều năm chơi nhạc cổ điển chính xác theo bài bản, bây giờ muốn chơi ứng tấu thì nên bắt đầu từ đâu? Có thể học chơi ứng tấu được không?” Những câu hỏi này thật khó mà trả lời. Do đó, thay vì cố gắng trả lời một cách vụng về, người viết xin kể một vài câu chuyện về kinh nghiệm của những người chơi nhạc cổ điển chuyển sang chơi ứng tấu.
Hình chụp lại từ một trong những đĩa nhạc của vĩ cầm thủ thượng hạng Hilary Hahn. (Hình: Hãng nhạc Sony)
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã biết nhạc sĩ dương cầm lừng danh Leon Fleisher. Năm nay cụ Leon Fleisher đã 85 tuổi và đã trải qua một cuộc đời âm nhạc đầy thành công sáng chói với rất nhiều giải thưởng quốc tế về nghệ thuật trình tấu dương cầm, và cụ sẽ để lại cho hậu thế rất nhiều đĩa nhạc cổ điển tuyệt vời mà cụ đã thực hiện. Thế nhưng, trong bài báo “Concerto on the fly: Can classical musicians learn to improvise” trên tờ The Washington Post (June 15, 2012), phê bình gia âm nhạc Anne Midgette có kể lại câu chuyện như sau: Năm cụ Leon Fleisher 83 tuổi, trong một buổi chuyện trò với Anne Midgette (người ghi chép những lời kể của cụ để viết thành một cuốn hồi ký), cụ đã nói rằng “niềm mơ ước lớn nhất” của cụ là có thể chơi ứng tấu, nhưng cụ liền thú nhận rằng dù đã bỏ ra cả một đời trên những phím dương cầm, cụ vẫn “không thể nào ứng tấu.”
Tâm sự của Leon Fleisher cũng giống y như tâm sự của vĩ cầm thủ Yehudi Menuhin, và chắc hẳn cũng giống y như tâm sự của rất nhiều nhạc sĩ cổ điển lừng danh thời bây giờ. Thế thì chơi ứng tấu phải chăng là điều bất khả đối với những ai đã trải qua nhiều năm chơi nhạc cổ điển chính xác theo bài bản? Không, có lẽ không phải là điều bất khả đâu! Có những người đã làm được điều đó một cách tuyệt vời. Này nhé...
Hilary Hahn là một trong những vĩ cầm thủ thượng hạng, thế mà suốt bao nhiêu năm qua cô vẫn nghĩ rằng ứng tấu là điều bất khả đối với cô. Tuy nhiên, một chuyện bất ngờ đã xảy ra khi cô được mời đệm nhạc trong một đêm trình diễn của danh ca Josh Ritter. Sau khi hân hoan nhận lời mời, Hilary Hahn đã bỏ thì giờ nghe những đĩa nhạc của Josh Ritter và tự soạn trước phần nhạc đệm cho những bài mà anh ấy sẽ hát. Thế nhưng, khi cô mang những bài soạn ấy đến nơi trình diễn để dượt qua với Josh Ritter trước khi lên sân khấu, thì cô mới toát mồ hôi lạnh vì anh ấy quyết định hát những bài ấy ở một “tông khác”! Không còn thì giờ để chuyển cung cho những bài nhạc đệm đã soạn sẵn, Hilary Hahn đành liều mạng... Cô kể lại: “Tôi đã bước lên sân khấu chỉ với vài ý tưởng lơ mơ và hai đầu gối tôi run lập cập, rồi tôi chơi một cái gì đó. Tôi đã không làm hỏng bài hát và anh ấy khá hài lòng. Tôi vô cùng phấn khởi. Ồ, thì ra ứng tấu là vậy đó!” Thế là từ đêm trình diễn liều mạng thành công đó, Hilary Hahn đã cùng Josh Ritter du diễn khắp nơi. Càng tự tin, cô chơi càng hay, rồi cô tham gia trình diễn ứng tấu với nhiều nhạc sĩ “không cổ điển,” và cuối cùng cô hợp tác với dương cầm thủ “không cổ điển” Hauschka [Volker Bertelmann] để thu một đĩa nhạc ứng tấu, gọi là “Silfra” (đã phát hành năm 2012). Ðó là một đĩa nhạc tuyệt vời.
Tuy nhiên, lối ứng tấu của Hilary Hahn có khác với lối ứng tấu của Hauschka. Trong khi anh ấy có vẻ như chơi hoàn toàn tự do theo cảm hứng của mình, thì Hilary Hahn ứng tấu theo một cách khác. “Tôi ứng tấu theo những cấu trúc sẵn có, chẳng hạn theo mô hình của những bài hát. Tôi không ứng tấu một cách đột hứng. Ðiều đó thật là tuyệt vời. Tôi không biết bắt đầu từ đâu. Bạn có thể bắt đầu từ một nốt nhạc, nhưng rồi bạn sẽ làm gì cho nốt nhạc tiếp theo?” Nghĩa là cô đã dựa trên một câu nhạc nào đó để khởi sự, rồi từ đó cô mới bay lên theo cảm hứng. Cô nói: “Bạn có thể chơi như thế. Hãy nhấc cây đàn lên và chơi như thế. Thật là một cảm giác mới mẻ.”
Tất nhiên, trong thế kỷ 20 cũng có những người chơi nhạc cổ điển rất hoàn hảo nhưng vẫn có thể ứng tấu hoàn toàn theo đột hứng, chẳng hạn như đại danh cầm thủ Jascha Heifetz (1901-1987). Gần đây nhất, nữ dương cầm thủ Gabriela Montero cũng là một trường hợp hết sức thú vị. Bắt đầu học dương cầm từ năm 4 tuổi, Gabriela Montero đã chứng tỏ là một thần đồng và trình tấu nhạc cổ điển trước khán giả lúc cô mới 5 tuổi. Năm lên 8 tuổi, Gabriela Montero đã trình tấu trọn vẹn bản Piano Concerto cung Rê trưởng của Haydn với dàn Orquesta Nacional Juvenil de Venezuela dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Jose Antonio Abreu. Gabriela Montero đã có khả năng ứng tấu từ năm 4 tuổi, nhưng đến năm 8 tuổi thì bị gia đình và các thầy dạy nhạc bắt phải tập trung vào việc chơi hoàn toàn chính xác những nhạc phẩm cổ điển. Cô đã bỏ ra suốt 20 năm để chơi nhạc cổ điển và trở thành một dương cầm thủ lừng danh. Tuy nhiên, dần dần cô cảm thấy không còn thích trình diễn nữa. Cô nhận ra rằng tài ứng tấu của cô đã bị “giam cầm” suốt hai thập kỷ. Cô muốn “thể hiện mình như chính mình,” và được sự khuyến khích của đại danh cầm Martha Argerich, cô trở lại sân khấu như một nhạc sĩ trình diễn ứng tấu.
Ban đầu, Gabriela Montero ứng tấu hoàn toàn theo đột hứng, nhưng rồi cô nhận ra rằng “khán giả chẳng biết tôi đang làm gì.” Thế là cô chuyển sang trình diễn ứng tấu theo những giai điệu mà khán giả đề nghị. Chẳng hạn, khán giả nói “Jingle Bells,” thế là cô ứng tấu theo sườn giai điệu của “Jingle Bells” nhưng biến nó thành nhạc tango kiểu Argentina, hay kiểu tẩu khúc (fugue) của J.S. Bach, hay kiểu lãng mạn theo phong cách Chopin, rồi thình lình chuyển sang kiểu Blues... và khán giả được một dịp thưởng thức vô cùng khoái trá.
Trở lại với những câu hỏi: “Muốn chơi ứng tấu thì nên bắt đầu từ đâu? Có thể học chơi ứng tấu được không?” Hilary Hahn cho rằng muốn chơi ứng tấu thì cứ nhảy đại vào, đừng e ngại, vì chính cô cũng không thể ngờ mình lại có thể chơi ứng tấu nếu cô không trải qua một lần liều mạng đệm nhạc cho Josh Ritter. Còn Gabriela Montero thì nói rằng ứng tấu là một thứ nghệ thuật không thể dạy được. Thế nhưng vĩ cầm thủ Gottfried von der Goltz lại nói là có thể dạy ứng tấu được, và anh đã dạy cho một số nhạc sinh chơi theo những mô thức giai điệu và tiết tấu có sẵn cho đến khi họ tự tin đủ để chơi ứng tấu trong phạm vi nhạc baroque. Trên thế giới đã có một số nhạc viện có dạy môn ứng tấu, chẳng hạn Nhạc Viện New England ở Boston đã có dạy môn này từ năm 1973. Giáo sư Hankus Netsky, chủ nhiệm môn ứng tấu của nhạc viện ấy, nói: “Một nhạc sĩ đương đại mà không ứng tấu thì quả là một sự bất tiện to lớn trong thế giới âm nhạc hôm nay.”
Nói tóm lại, nghệ thuật ứng tấu có thể là một tài năng bẩm sinh (như trường hợp của Gabriela Montero và của nhiều nhạc sĩ jazz và pop), có thể là một tiềm năng nằm sẵn trong một nhạc sĩ đã có đủ trình độ nhạc học và kỹ thuật, chờ có cơ hội để được phát hiện (như trường hợp của Hilary Hahn), và có thể là một kỹ năng mà người ta cần sự rèn luyện để đạt được. Và tất nhiên là có vô hạn lối ứng tấu khác nhau.
Trong những bức email mà người viết nhận được, có một câu hỏi rất thú vị: “Có phải tài ứng tấu trong âm nhạc thì cũng giống như tài 'xuất khẩu thành thơ' hay không?” Người viết xin mạo muội trả lời rằng, “Có thể là như thế lắm đấy chứ, nhưng để biết mình có tài ‘xuất khẩu thành thơ’ hay không thì bạn hãy ‘xuất khẩu’ trước đã, và ‘thành thơ’ ra sao thì... rồi sẽ biết! Chúc bạn thành công!”
Hoàng Ngọc-Tuấn