Càng ngày đời sống của loài người càng gắn chặt hơn với những kỹ thuật hiện đại. Nói cách khác, chúng ta đang
sống trong một thế giới mà máy móc đang trở thành một phần của đời sống chúng ta. Ngày nay những chân tay
nhân tạo đã ngày càng được sử dụng rộng rãi để thay thế cho những chân tay thật của chúng ta, mà vì một lý do
nào đó không còn hoạt động nữa. Do đó, hiện nay đã có một số nhà khoa học cho rằng sắp tới đây chúng ta sẽ trở
thành một thứ cyborgs – tức nửa người nửa máy.
Chúng ta ngày càng lệ thuộc vào những máy móc đó hơn bao giờ hết cũng vì máy móc giúp làm tăng năng suất ở
các nhà máy, tạo được những thành quả to lớn trong kỹ thuật y học và mang lại cho đời sống con người nhiều tiện
lợi hơn.
Nhìn vào mức độ phát triển quá nhanh của những kỹ thuật khoa học hiện đại, một số nhà khoa học lo lắng và đưa ra
những cảnh báo nói rằng chỉ độ khoảng 30 hay 40 năm nữa thôi máy móc sẽ trở nên thông minh hơn loài người.
Một số khác cho rằng nói như vậy là quá sớm. Tuy nhiên, phần đông các nhà khoa học tin rằng cái ngày mà loài
người không còn là giống thông minh nhất trên trái đất này và bị thay thế bởi máy móc rất có thể là vào cuối thế kỷ
21 này.
Máy móc thông minh hơn loài người ở những trò chơi – như đánh cờ hay ở những cuộc thi về kiến thức tổng quát
như chương trình Jeorpardy người ta đã chứng kiến máy điện toán Watson của công ty IBM đã đánh bại liên tiếp
hai nhà vô địch của chương trình này. Chẳng những thế, máy móc còn thông minh hơn loài người ở mọi lãnh vực, từ
toán học và kỹ thuật đến khoa học và y học. Rất có thể trong tương lai sẽ không còn bao nhiêu công việc dành cho
các tài tử, nghệ sĩ, nhà viết kịch và những công việc đòi hỏi tính sáng tạo, những máy móc điện toán rồi đây sẽ có
khả năng tự lập trình những công việc đó, tự mình hấp thụ một khối lượng lớn những kiến thức mới, và biết sử dụng
những phương pháp lý luận mà loài người chỉ có thể tưởng tượng một cách lờ mờ. Và máy móc có khả năng để
làm những công việc ấy liên tục suốt ngày mà không cần phải ngủ hay nghỉ giải lao.
Có người cho đây là điều kỳ diệu, vì thời điểm mà loài người và máy hợp lại với nhau thành một thì đó chính là bước
đầu để biến con người thành bất tử. Nó cũng là chìa khóa đưa chúng ta bước vào một thời đại mới với đầy đủ hoặc
có khi dư thừa thực phẩm, nước uống cho tất cả. Nhưng cũng có người nghi ngại nếu điều đó xảy ra và lo lắng về
những hậu quả mà những người máy đó ảnh hưởng tới công ăn việc làm của chúng ta. Ngoài ảnh hưởng tới thị
trường việc làm trong tương lai, khi người máy trở nên thông minh, chúng còn có thể đe dọa loài người trực tiếp hơn
bằng cách cạnh tranh ráo riết với chúng ta để tranh giành và kiểm soát tài nguyên.
Phần đông con người vẫn coi thường những lời cảnh báo về nguy cơ của người máy trong tương lai. Họ cho đây là
chuyện nực cười, nói rằng những người đưa ra lời cảnh báo đã bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những phim ảnh tưởng
tượng. Hơn nữa, chúng ta hiện nay chỉ có những kế hoạch và dự báo cho một tương lai gần: chúng ta lo lắng về
những mảnh thiên thạch có thể va chạm vào trái đất, về sự suy giảm quá mức của nguồn năng lượng hóa thạch và
về sự hâm nóng toàn cầu, nhưng chúng ta lại hoàn toàn không lo lắng chút nào về hiểm họa người máy. Tuy nhiên,
đã có một số nhà khoa học trình bày những ý kiến và suy đoán của họ dựa trên những thành quả khoa học đã đạt
được và cho rằng chúng ta cũng nên ít ra phần nào bắt đầu lo lắng về hiểm họa này ngay từ bây giờ.
Một khi máy móc có thể nhận diện được các vật thể và hiểu biết được môi trường xung quanh, chúng có thể tự do
chuyển dịch khắp thế giới. Và một khi những người máy robots trở nên lưu động, chúng sẽ ngày càng có khả năng
tiến tới trình độ của loài người hoặc xa hơn nữa là thay thế vị trí của loài người.
Những loại xe lái tự động, người máy làm việc trong những công xưởng và những máy móc nông nghiệp hiện đại
đã là những loại máy móc lưu động tỏ ra có khả năng làm được rất nhiều công việc. Mà quả thật, những tiến bộ
vượt bực trong lãnh vực “thị giác nhân tạo” (computer vision) chỉ là một trong một loạt những kỹ thuật “trí tuệ nhân
tạo” (artificial intelligence) – những kỹ thuật khác như nhận diện tiếng nói, điều khiển những cử động tay chân nhân
tạo và kỹ thuật dò đường (navigation) – đã có những thay đổi to lớn vượt xa lãnh vực máy điện toán cá nhân và
internet, là những kỹ thuật đã xác định vị thế của thế giới điện toán trong suốt ba thập niên qua.
Thời gian gần đây, công ty IBM cho trình làng sản phẩm đặc biệt là chiếc máy siêu điện toán Watson, có thể tiếp
cận với khoảng 200 triệu trang tài liệu được cất giữ ở những trung tâm lưu giữ, có khả năng hiểu được tiếng người
và trả lời những câu hỏi.
Công ty sản xuất máy điện toán này lúc đầu dự tính đem thử nghiệm hệ thống điện toán Watson như một cố vấn
chuyên môn cho các bác sĩ, với ý tưởng là nhờ sự hiểu biết rất rộng của Watson về điều kiện sức khỏe cá nhân để
có thể phụ giúp một chuyên viên chẩn đoán bệnh của bệnh nhân, cũng như đóng góp kiến thức chuyên môn ở
những lãnh vực khác của y học.
Mới đây, IBM đi một bước xa hơn nữa là sẽ sử dụng hệ thống điện toán Watson như một trung tâm hỗ trợ kỹ thuật
(technical support center) và người gọi tới có thể hỏi bất cứ điều gì. Công ty cho biết hiện nay có tới 61% những cú
gọi cần sự giúp đỡ kỹ thuật đã không nhận được những câu trả lời đầy đủ và chính xác cho khách hàng vì sự hiểu
biết của những nhân viên làm việc tại những trung tâm hỗ trợ kỹ thuật chỉ có giới hạn.
Người cần hỗ trợ kỹ thuật có thể đánh những câu hỏi gửi vào trang mạng hay có thể nói chuyện thẳng qua điện
thoại. Nghĩa là máy điện toán Watson có khả năng làm việc như một người thường nhưng với một vốn kiến thức
bao la. Thử tưởng tượng một bộ óc như Watson được gắn vào một người máy nào đó thì cho dù bất cứ ai tự cho
là thông minh xuất chúng cũng không thể nào so sánh được với nó.
Nếu thật sự rồi đây người máy sẽ vượt qua loài người, và hầu như tất cả những ai trong giới nghiên cứu về lãnh vực
kỹ thuật trí tuệ nhân tạo đều tin như thế, thì câu hỏi thật sự quan trọng và thực tế về những tiêu chuẩn đạo đức cá
nhân là: chúng ta làm thế nào để đưa những tiêu chuẩn đó vào trong những người máy, và chúng ta phản ứng ra
sao nếu những tiêu chuẩn đó của người máy sẽ rất khác với chúng ta?
Chúng ta không thể cứ vô tình cho rằng những người máy thông minh nhất thiết sẽ có chung những tiêu chuẩn đạo
đức và giá trị tinh thần có liên quan đến sự phát triển kiến thức và tri thức với chúng ta như: tính thích tìm hiểu khoa
học, biết quan tâm đến người khác, có sự giác ngộ và suy ngẫm tâm linh, biết hy sinh những đòi hỏi vật chất, biết
quý trọng những nét văn hóa đẹp hoặc đơn giản là biết hưởng thụ cuộc sống, khiêm tốn và vị tha. Và khi người máy
có đủ thông minh để tự học thì chúng có khả năng để tiếp thu ngay những điều mà loài người phải mất bao nhiêu
thế hệ gạn lọc cho được những tinh hoa đó hay không?
Nhà vật lý Louis Del Monte và Giám đốc Kỹ thuật của công ty Google Ray Kurzweil, dựa trên mức độ tiến bộ của
khoa học kỹ thuật hiện nay là cứ mỗi 18 tháng tăng gấp đôi, nghĩ rằng khoảng năm 2045 là lúc mà máy móc sẽ vượt
qua loài người.
Nhưng cũng có người bác bỏ ý kiến đó, như giáo sư khoa tâm lý Steven Pinker nghĩ rằng giả thuyết về một tương
lai như thế là điều hết sức ngớ ngẩn, cho rằng đó chỉ là tưởng tượng và không có bằng chứng gì cho thấy cái ngày
đó có thể xảy ra. Cũng như những tưởng tượng của con người trước đây về những thành phố xây trong lồng kính,
con người di chuyển trên đường phố bằng những phương tiện phản lực, những thành phố dưới biển, những tòa nhà
chọc trời cao ngút và xe chạy bằng nhiên liệu nguyên tử – tất cả chỉ là những ước mơ không bao giờ đến.
Tuy nhiên, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại rõ ràng là có khả năng tạo nên những nguy cơ có thể còn
mơ hồ đối với nhiều người. Nhưng ở thời đại internet có thể nối kết đến tận mọi ngóc ngách của thế giới và sự bùng
nổ của những trung tâm dự trữ dữ liệu khổng lồ thì không ai có thể biết được những dữ liệu đó được thu thập,
được cập nhật và sử dụng như thế nào. Phải chăng nguy cơ về một hiểm họa đang nằm chờ chúng ta ở phía
trước? Không ai thật sự biết rõ điều đó, nhưng chúng ta có quyền nêu câu hỏi.
Huy Lâm