Băng ở hai cực tan nhanh hơn do tác động biến đổi khí hậu Tảng băng Sheldon với núi Barre phía sau, vịnh Ryder, gần trạm nghiên cứu Rothera, đảo Adelaide, Nam Cực
REUTERS/British Antarctic Survey/HandoutTrong 20 năm qua, băng ở hai cực đã tan nhanh hơn do tác động của hiện tượng khí hậu Trái đất nóng lên, góp 20% vào việc làm tăng mực nước các đại dương, theo thẩm định của chính xác nhất từ trước đến nay, vừa được công bố hôm qua 29/11/2012. Công trình nghiên cứu này, với sự cộng tác của 47 nhà khoa học, được đăng trên tạp chí khoa học Science đúng vào lúc đang diễn ra hội nghị Liên Hiệp Quốc về biển đổì khí hậu ở Doha, Qatar.
Theo các nhà nghiên cứu, từ năm 1992 đến nay, mực nước biển trên hành tinh chúng ta đã dâng cao trung bình hơn 55 mm, trong đó 11,1 mm được cho là do hậu quả của việc băng tan ở Bắc cực và Nam cực.
Thật ra những thẩm định nói trên không khác xa so với báo cáo của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu ( Giec ) đưa ra năm 2007. Nhưng theo các nhà khoa học này, vào lúc đó, giữa các dữ liệu có những cách biệt quá lớn, khiến họ không thể xác định được là băng ở Nam cực đang giảm đi hay tăng lên.
Những thẩm định mới nhất, chính xác hơn nhiều, xác nhận là băng ở vùng Groenland, Bắc cực và ở vùng Nam cực từ năm 1992 tan ngày càng nhanh. Các tác giả bản báo cáo nói trên dự báo rằng hiện tượng hâm nóng khí quyển Trái đất sẽ tiếp diễn và như vậy sẽ khiến băng tan nhanh hơn trong thời gian còn lại của thế kỷ 21. Dựa trên nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học sẽ có thể dự đoán tốt hơn mức tăng của mực nước biển từ đây đến cuối thế kỷ này
Source: RFI