63 tuổi đời, 30 năm với nghề, con cái đã trưởng thành ông cụ vẫn rong ruổi từ miền Tây đến miền Đông, sang cả Campuchia và khắp các nẻo đường Sài Gòn để thổi sáo bán nhang mưu sinh với cái tên ‘Tư mù’.Tiếng sáo của ông Tư mù như lạc lõng, giữa dòng xe Sài Gòn. (Credit: ABC) Người tử tếHai giờ chiều ông rời căn phòng chưa đầy 10m2 mà ông và hai người con đang sống với cây sáo trúc, túi nhang nặng chừng 5 kg, cây gậy dẫn đường bắt đầu một ngày làm việc.
Đến góc ngã tư Trần Hưng Đạo–Ngô Quyền, quận 5, Sài Gòn, ông chọn đứng ngay ngã tư để nghỉ chân. Không dám ngồi, theo lời ông, “đứng ở đây để khách dừng xe đèn đỏ thấy mua”.
Hơn 30 phút trôi qua, dòng người vội vã của đường phố Sài Gòn dường như không kịp thấy túi nhang trên người ông lão mù nhỏ thó. Men theo lề đường Trần Hưng Đạo về hướng chợ Lớn, ông cất lời rao qua ống sáo trúc với bài hát “mùa thu cho em” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên.
5 bài nhạc tiền chiến nỉ non qua ống sáo, đoạn phố dài 500m đã bỏ lại sau lưng vẫn chưa có thẻ nhang nào rời khỏi túi xách đeo bên mình. Vẫn lạc quan ông nói, “chắc hôm nay họ thắp chưa hết nên không mua”.
Thấy ông như hành khất, một phụ nữ chừng 60 tuổi chờ xe buýt tiến đến nhét vào túi đựng nhang tờ 5 nghìn đồng. Ông quyết không nhận, rồi giải thích với người khách lạ: “tôi đi bán nhang, không phải ăn xin”.
Chị An bán nước trên vỉa hè đường Tản Đà, quận 5 cho biết: “ông lão này kỳ lắm chỉ bán nhang, cho tiền không lấy. Người Sài Gòn ai cũng như ông lão tử tế này thì đẹp biết mấy”. Còn ông giải thích: “bán hết 80 chục thẻ nhang thường, 20 thẻ nhang trầm lời được khoảng 100 nghìn đã đủ sống. Tôi không lấy tiền kiểu ăn xin để hôm sau họ gặp mình sẽ vui vẻ hơn”.
Tiếng sáo mưu sinhThời trai trẻ ông từng vào rẫy chẻ cũi, đốt than để bán, đến buôn gạo thời bao cấp. Toàn nghề mà với người sáng mắt vẫn khó và ông đã nhận ra, “bán nhang mới là công việc thích hợp với mình”.
Tư mù bán nhang không bằng lời rao mà qua tiếng sáo. Chị Kiêm Toán, nhà 68, đường số 4, cư xá Đô Thành, quận 3 kể: tôi mua nhang của ông Tư hơn hai chục năm nay. Thấy ông khó, nhưng đầy tự trọng nên tôi không mua nhang ở ngoài mà chờ đến khi ông đi bán. Nhiều đêm dù đã đóng cửa, nhưng khi nghe tiếng sáo réo rắt vẫn xuống mua, mong ông bán nhanh về sớm.
Không thể đọc, cứ nghe máy hát ông thuộc giai điệu tập thổi. Hơn 40 năm với ống sáo trúc ông không nhớ hết “kho nhạc” của mình có bao nhiêu bài. “Khi tập sáo do thích, nhưng giờ lại giúp mình mưu sinh một cách đàng hoàng”, ông tự sự.
“Tôi vậy nhưng cũng tự mình xuất ngoại rồi đó”, nhắc đến đây khuôn mặt nhăn nheo ông như trẻ lại. Ông kể: lúc còn trẻ đã đi khắp miền Tây, miền Đông và sang tận Campuchia để bán nhang. “Giờ già rồi sức khỏe không cho phép mang nhiều nhang, đến tiền tàu xe cũng đắt hơn nên chỉ bán ở TP.HCM”, ông Tư mù nói.
Nhọc nhằn chưa buông tha Tuy mắt không sáng, ông vẫn lạc quan, chăm chỉ có lẽ vì thế năm ngoài 30 tuổi một cô gái đã đồng ý làm vợ và có với nhau ba đứa con. Cuộc sống dù không khá giả, nhưng vợ chồng con cái có nhau sau những giờ vất vả ông không mong gì hơn. Nhưng hạnh phúc gia đình có đủ vợ chồng, con cái không ở mãi với Tư mù.
Hơn 10 năm chung sống, trong một lần đi bán nhang về ba đứa con nhỏ ôm nhau khóc, sờ thấy đồ vợ không còn, ông biết bà đã bỏ đi không nói một lời nào.
“Buồn lắm, nhưng lúc đó vì ba đứa con tôi không cho phép mình gục ngã”, ông nhớ lại. Nỗi buồn dường như vẫn chưa nguôi, ông đưa tay lên lau nước mắt vẫn rỉ ra từ hai hốc mắt chỉ còn thấy chỗ da đen, nhăn nheo.
Các con giờ đã trưởng thành, có đứa đã lập gia đình, nhưng với nghề lao động phổ thông cũng chẳng giúp gì được cho bố. Anh em tuy đông, nhưng bản thân họ phải nhọc nhằn với ve chai, vé số. Không ai giúp được, hằng tháng ông còn góp tiền để nuôi bố hiện đã 90 tuổi.
Tuy vậy, Tư mù vẫn lạc quan: “tôi thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều người, khi vẫn tự đi trên đôi chân của mình, tự lao động để kiếm sống, chưa làm phiền ai”.
Source: ABC Australia