Sữa nguyên chất béo, sữa nguyên kem, sữa tách kem, sữa ít kem, sữa ít béo, sữa không béo - người tiêu dùng sẽ không biết lựa chọn loại sữa nào là tốt cho mìnhBằng chứng hiện nay cho thấy mối liên hệ giữa sản phẩm sữa và bệnh tim phức tạp hơn ta tưởng (Credit: ABC Licensed) .Từ nhiều năm nay, mọi người được khuyến cáo nên bớt lượng mỡ bão hòa trong khẩu phần ăn nếu muốn giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Sữa là nguồn cung cấp phổ biến các chất béo bão hòa bất lợi cho sức khỏe nên các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người tiêu dùng chuyển sang uống sữa ít béo hoặc các sản phẩm sữa khác.
Bằng chứng hiện nay cho thấy mối liên hệ giữa sản phẩm sữa và bệnh tim phức tạp hơn ta tưởng. Một số nghiên cứu gần đây cho rằng sữa nguyên chất béo không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mà hầu như không có mối liên hệ nào, thậm chí còn bảo vệ con người tránh những nguy cơ tiềm ẩn.
Vậy bằng chứng mới có đủ tin cậy để người tiêu dùng không dùng sản phẩm sữa ít béo nữa?
Có nên thay đổi hướng dẫn chế độ ăn?Một báo cáo thẩm định các nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa chất béo trong sản phẩm sữa với bệnh tim mạch đã đặt ra một thách thức với giá trị của sản phẩm sữa ít béo.
“Khi tập hợp các nghiên cứu, các kết quả hiện nay không chứng tỏ nhận định cho rằng tiêu thụ chất béo trong sản phẩm sữa liên quan tới nguy cơ mắc bệnh tim mạch gia tăng,” các nhà nghiên cứu viết trên Tạp chí dinh dưỡng Châu Âu. “Theo các bằng chứng từ nghiên cứu, không có lý do nào buộc người tiêu dùng phải tránh chất béo từ sản phẩm sữa.”
Cùng với các nghiên cứu khác, ngành sữa đang sử dụng kết quả nghiên cứu thẩm định được tài trợ độc lập này để thuyết phục Hội đồng Nghiên cứu Y khoa và Sức khỏe Quốc gia (NHMRC) khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng sữa nguyên chất béo thay cho sản phẩm sữa ít béo trong văn bản hướng dẫn chế độ ăn mới.
Tuy nhiên, nhà dinh dưỡng học Rosemary Stanton, một thành viên trong ủy ban soạn thảo bản hướng dẫn chế độ dinh dưỡng mới sắp được công bố, nêu quan điểm chỉ trích báo cáo thẩm định.
Bà Stanton nói công trình này thẩm định lại những nghiên cứu xem xét nguy cơ mắc bệnh tim mạch khi cắt giảm chất béo bão hòa trong sản phẩm sữa và thay thế bằng carbohydrates chứ không chỉ đơn thuần theo một hướng.
“Như vậy, không thể nói chất béo bão hòa trong sữa không phải là một nguyên nhân liên quan tới bệnh tim mạch,” bà Stanton nói.
Bà Stanton cho rằng không phải chất béo bão hòa trong sữa bảo vệ cơ thể phòng bệnh tim mạch mà có thể các a-xít béo omega-3 trong sữa từ bò nuôi trên đồng cỏ đã làm giảm nguy cơ này. Tuy nhiên còn quá sớm để khẳng định.
Theo một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí ‘American Journal of Clinical Nutrition’ hồi năm nay, vấn đề lựa chọn sản phẩm sữa thậm chí trở nên phức tạp hơn.
Nghiên cứu theo dõi hơn 5000 người trong vòng 10 năm để xác định chất béo bão hòa trong thịt liên quan tới nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhưng chất béo bão hòa trong sữa lại là yếu tố làm giảm nguy cơ này. Kết quả nghiên cứu cho thấy không phải tất cả các chất béo bão hòa, hay thực phẩm chứa chúng, có tác dụng như nhau.
Về bằng chứng mà NHMRC và Quỹ Tim mạch Quốc gia (National Heart Foundation - NHF) sẽ dựa vào để không khuyến cáo người dân sử dụng sữa ít béo nữa, bà Stanton cho rằng “cần thực hiện thêm nghiên cứu để tìm hiểu tác động đối với sức khỏe.”
Tiến sĩ Robert Grenfell, giám đốc quốc gia phụ trách sức khỏe tim mạch của NHF, tán đồng ý kiến trên.
“Các nhà nghiên cứu luôn thẩm định bằng chứng và hiện tại vẫn chưa thay đổi ý kiến về chất béo trong sữa, sản phẩm bơ sữa và nguy cơ bệnh tim mạch,” ông Grenfell nói, đề cập đến khuyến cáo hiện nay của NHF cho rằng mỗi người nên uống sữa không béo hoặc ít béo 2 – 3 lần mỗi ngày.
Tuy nhiên, ông khẳng định NHF đang thẩm định bằng chứng về mối liên hệ giữa chất béo trong sữa với bệnh tim mạch và sẽ công bố báo cáo khẳng định quan điểm vào đầu năm 2013.
Mối liên hệ với LDLGiáo sư Peter Clifton từ Viện Nghiên cứu Tiểu đường và Bệnh tim Baker IDI Heart cho rằng tìm ra bằng chứng là vấn đề phức tạp. Ông Clifton nói: “Theo lý thuyết, không có lý do gì để nghi ngờ sản phẩm sữa không làm tăng cholesterol LDL nhưng khó có thể xác định được tác dụng của chất béo trong sữa đối với sức khỏe tim mạch.”
Vậy người tiêu dùng nên hiểu thế nào về những bằng chứng mạnh mẽ khuyến cáo giảm lượng chất béo bão hòa trong sữa hàng ngày sẽ giảm lượng cholesterol LDL và nguy cơ mắc bệnh tim như lời khuyên của các bác sĩ?
Câu trả lời của ông Clifton có thể khiến mọi người ngạc nhiên.
Ông Clifton đề cập tới một số nghiên cứu đối chiếu trong đó một nhóm ăn chế độ ăn có lượng sản phẩm sữa cao và một nhóm tiêu thụ sản phẩm sữa thấp. Khi so sánh trọng lượng cơ thể, mức glucose hoặc lipid máu, các bác sĩ không thấy sự khác biệt.
Theo ông Clifton, bằng chứng này trái ngược với các kết quả từ nghiên cứu bệnh dịch học. Chẳng hạn, Nghiên cứu ‘Nurses' Health Study’ cho thấy những người tiêu thụ ít chất béo từ sản phẩm sữa có xu hướng ít bị đau tim hơn.
Bằng chứng cũng cho thấy lối sống của những người dùng sản phẩm sữa ít béo góp phần giảm nguy cơ bệnh tim mạch chứ không chỉ riêng sản phẩm sữa ít béo.
Tại sao chọn sản phẩm sữa ít béo?Ông Clifton cho rằng sản phẩm sữa ít béo tốt, đặc biết nếu người sử dụng muốn giám lượng ca-lo cơ thể hấp thụ.
“Người tiêu dùng trong ngưỡng trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và không có tiền sử hoặc nguy cơ mắc bệnh tim mạch có thể dùng sữa hoặc phó-mát nguyên kem,” ông Clifton nói. “Tuy nhiên, ½ dân số bị thừa cân hoặc béo phì và với họ, việc giảm lượng ca-lo từ sản phẩm sữa có tác dụng cân bằng trọng lượng cơ thể.”
Bà Stanton thống nhất quan điểm cho rằng sản phẩm sữa ít béo có vị trí trong việc duy trì trọng lượng cơ thể nhưng cho rằng mọi người mới chú trọng vào một nguồn thực phẩm và bỏ qua các nguồn khác.
Bà Stanton né tránh không sử dụng thuật ngữ ‘ăn các món với lượng vừa phải’.
“Mọi người cho rằng họ ăn uống vừa phải,” bà Stanton nói. “Nhưng không may ở Australia lại không phải như vậy.”
Source: ABC Australia