FOUNTAIN VALLEY (NV) - Buổi trưa hè oi ả, nhóm phóng viên nhật báo Người Việt đến thăm nhạc sĩ Lam Phương tại tư gia của ông. Chúng tôi đến nơi cũng vừa lúc ông mới đi bác sĩ về, trông ông lúc này khác hẳn thời gian trước, khuôn mặt đầy đặn, da dẻ hồng hào và nụ cười rất tươi nở trên môi khi chào đón chúng tôi.
Nhạc sĩ Lam Phương. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
“Chú lúc này trông đẹp hẳn ra.”
Ông cười, nụ cười tươi, phúc hậu: “Chú ăn ít, nhưng nhờ ngủ nhiều, nên lúc này thấy khỏe.”
Tôi hỏi ông lúc này có sáng tác gì nữa không? Ông lắc đầu quầy quậy nói: “Tay chú như vầy sao sáng tác gì nữa chứ, ý tưởng đến thì nhiều lắm, nhưng mình không đánh máy, hay viết tay được nên đành chịu.”
“Chú ở như vậy, có buồn không?”
“Không, quen rồi, có con cháu đến thăm chú thường xuyên nên cũng đỡ buồn,” nhạc sĩ Lam Phương chia sẻ.
Ðể có được ngày hôm nay, ông phải tập luyện rất nhiều, ông kể thỉnh thoảng có người y tá đến viếng và làm massage xoa bóp chân tay cho ông.
“Nghe nói lúc này chú đi show nhiều lắm?”
Ông nói, nhờ Trời thương nên dù bệnh tật như thế này mà ông vẫn được rất nhiều khán giả nhắc nhở, thương mến, cũng như những chương trình nhạc chủ đề “Tình Ca Lam Phương” tổ chức khắp nơi trên thế giới, ông đều được ban tổ chức mời đến tham dự.
Ông kể:”Thật ra mang tiếng đi show, chứ mỗi lần đi như vậy, chú chỉ ngồi đó, chứng kiến và đợi đến cuối chương trình, người ta đẩy xe chú lên sân khấu, chào khán giả thế thôi.”
Ông nói nhiều khi mệt lắm, nhưng vì yêu mến, tôn trọng khán giả, cũng như giữ lời hứa với bầu sô nên ráng cố gắng leo lên máy bay để đi tham dự các chương trình ca nhạc.
“Chú có tất cả bao nhiêu tác phẩm rồi chú hả?”
“Có khoảng 200 ca khúc, đó là những bài đã trình làng, chứ còn khá nhiều những sáng tác chưa bao giờ gửi cho bất cứ ca sĩ nào hát hết,” nhạc sĩ cho hay.
Ông cho biết lúc sắp bị bệnh cũng là thời gian ông sửa soạn cho ra mắt thêm tập nhạc Lam Phương số 4 nữa, nhưng rồi “người tính không bằng Trời tính,” bởi vậy muốn đóng thêm một tập nhạc nữa thì phát bệnh, và cho đến bây giờ những dự tính ấy đành gác lại mãi mãi.
“Hồi chú còn sáng tác được, mỗi lần viết một bài, phải tốn bao nhiêu thời gian?”
“Vô chừng lắm, có khi vài tuần, nhưng có lúc chỉ là buổi sáng, hay buổi tối, hoặc đôi ba ngày. Những sáng tác chú viết thường dựa theo tâm tình, những chuyện mình chứng kiến tận mắt hay đôi lúc viết theo đơn đặt hàng của các trung tâm ca nhạc.”
Nhắc đến khán giả, nhạc sĩ Lam Phương khoe, có nhiều người hâm mộ ông, sau những buổi diễn, họ lên sân khấu, tìm gặp, xin chữ ký, chụp hình chung và đôi khi xin cả số điện thoại, địa chỉ nhà của ông, rồi có ngày đẹp trời, họ tìm đến nhà, thăm hỏi.
“Cuộc đời chú bây giờ chỉ còn những tình cảm nồng hậu của khán giả dành cho mình là niềm an ủi, giúp chú vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống,” nhạc sĩ Lam Phương tâm tình.
“Chú nghĩ sẽ có ngày chú về Việt Nam thăm lại quê hương, cũng như để khán giả ở đó được hâm mộ chú tận tay, tận mặt không?”
“Thật sự có rất nhiều bầu sô từ trong nước sang đây, đến tận nhà mời chú về Việt Nam, với một giá cả rất hậu hĩnh, kèm theo nhiều điều kiện khá tốt, thế nhưng chú từ chối, và chú chỉ nói với họ 'bác sĩ không cho phép' đành chịu,” nhạc sĩ Lam Phương khẳng định.
“Người xưa có đến thăm chú không?”
Nhạc sĩ Lam Phương cười mỉm, ông xua tay, không cho bất cứ câu trả lời nào.
Ðức Tuấn/Người Việt