Cụ Võ Thị Bài 104 tuổi
Thưa quý bạn, hình như trước đây Đoàn Dự tôi đã kể hầu quý bạn một câu chuyện nho nhỏ – rất nhỏ – là năm 1971 ông đạo diễn Lê Dân quay một cuốn phim dựa trên một tác phẩm của tôi. Phim được quay cùng lúc với cuốn Hồng Yến của nhà văn Bình Nguyên Lộc, do các diễn viên Trần Quang và Kiều Chinh đóng.
Trong cuộc liên hoan bấm máy chung cho cả hai cuốn phim, tôi được xếp ngồi cùng bàn với bác Bình Nguyên Lộc, nhà thơ Hoàng Hương Trang và nhà thơ Phổ Đức. Bữa đó, nhà thơ Nguyễn Vỹ – tác giả câu nói bất hủ trong bài thơ “Gửi Trương Tửu” khiến nhà thơ Tản Đà nổi giận: “Nhà văn Annam khổ như chó” – vừa mới qua đời cách đấy hai hôm do tai nạn giao thông tại cầu Bến Lức, Long An (ông Nguyễn Vỹ lái xe đi công việc gì đó, tới cầu Bến Lức, xe đụng vào trụ cầu, chết, thọ 57 tuổi). Bác Bình Nguyên Lộc kể cho tôi nghe rồi nhân câu chuyện, đố tôi: “Tôi đố cậu giáo biết năm 70 tuổi người ta kêu là thượng thọ, thế năm 80 tuổi thì kêu là gì?”. Tôi nói kêu là đại thọ. Bác nói, không đúng, kêu là thiên liễu. Rồi bác giải thích, thiên là trời, liễu là hết, là kết thúc; thiên liễu nghĩa là đã đi hết vòng trời rồi, mọi việc đều đã trải qua rồi, không còn nuối tiếc gì nữa. Sau đó bác kể rằng, ngày trước khi vua đi kinh lý nơi đâu, nếu vùng đó có các cụ đã 80 tuổi thì các quan phải tâu cho vua được biết. Vua sẽ tới thăm, vấn an, đi bộ vào nhà chứ không ngồi kiệu hay ngồi cáng; cụ già không phải quỳ lạy và vua sẽ tặng cụ tiền cộng với một tấm vóc đại hồng dùng để may khăn áo, sẽ mặc trong lễ mừng thọ hoặc lúc lâm chung.
Cuối cùng, bác kết luận rằng từ phong tục rất đẹp này, dân chúng nước ta có thói quen hễ cha mẹ 70 tuổi thì làm lễ “thượng thọ” và 80 tuổi làm lễ kêu là “đại thọ” chớ sự thiệt phải kêu là “thiên liễu” mới đúng.
Thưa quý bạn, theo tôi nghĩ, ngày trước do vấn đề y tế chưa tiến bộ nên con người sống không thọ lắm, mới 70 tuổi đã gọi là “xưa nay hiếm” (“Nhân sinh thất thập cổ lai hi” – thơ Đỗ Phủ). Vua Khải Định mới 40 tuổi đã làm lễ mừng “tứ tuần đại khánh”. Ngày nay, cả trong nước lẫn ngoài nước, các cụ ta 80 tuổi là… chuyện nhỏ, có khi còn thọ hơn nữa. Bây giờ, xin mời quý bạn thưởng thức vài câu chuyện mà các nhân vật trong đó toàn là các cụ đã trên 80 tuổi cả.
Các cụ này rất “chì” phải không thưa quý bạn? Ở Việt Nam phải “chì” như thế thì mới tồn tại được chứ nghèo muốn chết, có trợ cấp xã hội gì đâu, hễ hở ra một chút là bị bọn đầu trộm đuôi cướp bắt nạt, mất mạng như chơi. Đây, xin mời quý bạn coi…
I. Cụ bà 104 tuổi tay không bắt cướp!
Ở cái tuổi mà những người “đồng trang lứa” chắc không còn nhiều, nhưng cụ bà Võ Thị Bài, 104 tuổi, ngụ tại Ấp 6, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, chẳng những còn sống mà còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và… tay không tóm được tên cướp 22 tuổi.
Khi các phóng viên tìm đến trước nhà cụ Bài, họ phải chờ đợi một lúc để thuyết phục cụ mở cửa, bởi vì: “Tui phải cẩn thận kẻo tụi nó trả thù thì sao…” Đến khi có mặt người con gái của cụ, cụ Bài mới yên tâm mở cửa tiếp họ và kể lại câu chuyện bắt cướp kỳ lạ.
Từ một chuyện vô tình
Chuyện xảy ra ngày 29/6/2014, khi gia đình cụ Bài thuê Vũ Văn Tú (22 tuổi, ngụ tại Ấp 8, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đến làm rẫy. Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, Tú hỏi mượn cụ 50 ngàn đồng để xài vào việc gì đó. Trong lúc lấy tiền từ chiếc túi nhỏ đeo phía trong áo, cụ Bài vô tình để cho Tú thấy một xấp tiền loại 50 ngàn đồng (sự thực, cụ cho biết là trong túi 900 ngàn đồng, tức tương đương với khoảng 45 đô la, tiền các con đưa, nhờ cụ giữ giùm để chi tiêu lặt vặt trong gia đình), do đó Tú sinh lòng tham.
Đến khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, trong lúc cụ Bài đang ngủ trưa, Tú vào nhà bằng cửa sau, mở cửa trước, dọn dẹp những thứ có thể cản đường tẩu thoát của y. Sau khi chuẩn bị xong, y đến bên giường cụ Bài, dùng tấm mền vẫn để trên giường chụp lên mặt cụ rồi một tay đè chặt tấm mền, tay kia gỡ túi tiền cụ đang đeo trong áo.
Cụ kể: “Đang ngủ, thấy mặt mình bị trùm mền kín mít, tui giựt mình tỉnh dậy, cố vùng vẫy đẩy tấm mền ra thì thấy thằng Tú đã tháo được túi tiền của tui. Tui nắm chặt lấy tay nó rồi hỏi tại sao mày lấy tiền của tao? Nó cãi là không có lấy tiền rồi đạp tui, tay kia đấm vào mặt tui để buộc tui buông tay nó ra. Nhưng tui buông làm sao được, tiền của cả nhà tới 900 ngàn đồng chớ ít gì sao. Thấy tui không buông, nó nắm ngực áo, kéo tui té lăn xuống đất rồi cứ thế đạp vô ngực tui, đấm vô mặt tui, trúng bên mắt trái nổ đom đóm mắt, đau muốn chết nhưng tui vẫn giữ thiệt chặt không buông nó ra. Tui vừa giữ tay nó vừa la lớn: Cướp! Cướp! Bớ làng xóm cứu tui với!…”.
Kẻ xấu bị tóm
Chị Đỗ Thị Lý (66 tuổi, con gái cụ Bài) đang làm cỏ rẫy cây tiêu ở gần đó, nghe tiếng mẹ kêu bèn chạy về thì thấy tên Tú đang đạp cụ lia lịa để tìm cách thoát khỏi tay cụ. Chị nhào tới đánh tên Tú và miệng cũng kêu: “Cướp! Cướp! Bớ bà con làng nước ơi, thằng Tú ăn cướp…”.
Người nhà và bà con từ phía ngoài rẫy nghe tiếng chị Lý kêu, chạy về và bắt tên Tú giao cho Công an xã Lâm San.
Dù đã 104 tuổi nhưng cụ Bài vẫn kể vanh vách về chuyện bị cướp và nói: “Ở tuổi này rồi tui đâu có sợ bị nó đấm, nó đạp. Chỉ ngán nó là người quen, mình biết mặt, hễ mình buông tay là nó giết mình để phi tang. Quê tui gốc ở Cai Lậy, ngày trước ông già là thầy dạy võ, tui cũng có học được mấy miếng võ gia truyền, bẻ tay, đá chơn, chịu đòn nọ kia… Già rồi, tui quên mất nhiều nhưng đâu có ngán mấy thằng ăn cướp!”
II. Cụ ông 85 tuổi hạ gục 3 tên cướp có hung khí!
Đã 85 tuổi nhưng một mình cụ vẫn quật ngã được 3 tên cướp có hung khí trong đêm tối. Giờ nghĩ lại cụ thấy… tội nghiệp cho tên cướp đã bị cụ đánh trọng thương, phải nhập viện và bị công an canh giữ ngày đêm.
Đó là cụ ông Mai Văn Ở (85 tuổi, ngụ tại Ấp 4, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, Sài Gòn). Một mình cụ chống lại 3 tên cướp có hung khí đang đêm xông vào trong nhà hòng cướp chiếc xe gắn máy của cụ. Cụ Ở kể: “Chiều ngày 30/1/2014, có hai thanh niên khoảng 25 tuổi, thân hình to cao, ôm con gà đá đến nhờ tui “xem tướng” giúp. Thấy chiếc xe gắn máy hiệu Dream của tui dựng ở góc chòi cạnh giường ngủ, một tên khen đẹp. Đây là chiếc xe do người con trai mua cho tui từ lâu, nhưng tui giữ kỹ, lại ít sử dụng nên trông vẫn còn mới. Do túng tiền tiêu nên tôi đang muốn bán. Nghe người thanh niên ôm gà đó định mua với giá 14 triệu đồng, tôi cứ nghĩ là gặp được khách xịn”.
“Qua chiều hôm sau, hai thanh niên này trở lại nói với tui là sẽ mua và yêu cầu tui đưa chìa khóa để họ nổ máy, thử xe. Sau đó, họ ngắm nghía chiếc xe hồi lâu rồi đi”.
Đến khoảng 3 giờ sáng đêm hôm đó, trong lúc cụ Ở đang ngủ thì cụ bỗng giật mình tỉnh giấc vì thấy có tiếng động lạch cạch và bóng hai người đã mở khóa, đang dắt chiếc xe gắn máy của cụ ra cửa. Cụ ngồi nhổm dậy thì bị một tên khác gí dao vào cổ: “Ngồi im, nếu không tao giết chết!”.
Cụ Mai Văn Ở với cặp nhị côn khúc
Trước sự nguy hiểm, có thể bị mất chiếc xe, cụ giơ hai tay lên giả bộ đầu hàng cho nó yên tâm rồi đứng dậy, lùi dần về phía vách chòi. Lợi dụng lúc nó sơ hở, cụ tung một cú đá vào tay cầm dao của nó đồng thời chộp lấy cây gậy tầm vông vẫn dựa sẵn bên vách chòi. Tên cướp đâm cụ tới tấp nhưng đã có cây gậy tầm vông, cụ quật văng dao của nó.
Cùng lúc đó, một trong hai tên cướp đang dắt xe của cụ, bèn bỏ xe, nhào vô chém cụ tới tấp với một con dao lớn khác trên tay. Cây gậy tầm vông có một đầu nhọn, cụ đâm cho nó một gậy trúng ngực. Nó kêu rú lên, đánh rơi con dao, hai tay ôm ngực, lảo đảo lết ra cửa, đứng bám lấy thành cửa. Thấy đồng bọn bị thương, tên thứ ba buông chiếc xe, lượm được con dao, nhào đến đâm cụ phụ với bạn. Nhưng cụ đã lùi lại, chụp được cặp côn nhị khúc để ở đầu giường, múa nhị côn khúc chống cự lại chúng và cuốn văng cả hai con dao của chúng. Vừa đánh bằng cặp côn nhị khúc cụ vừa hét lớn: “Cướp! Cướp! Muốn chết hả…”.
Nghe tiếng la hét, hàng xóm láng giềng biết là có chuyện bèn vác hèo chạy tới. Hai tên cướp vội vàng bỏ chạy còn thằng bị thương thì đã lết đi từ trước rồi.
Khi công an huyện Nhà Bè tới thì chỉ còn có việc thu giữ hai con dao của ba tên cướp. Chiếc xe Dream nằm kềnh càng trên mặt đất nhưng vẫn còn nguyên vẹn.
Trời sáng dần. Lần theo dấu máu và các vết chân, công an tìm thấy tên bị thương đang nằm thở khò khè mệt nhọc phía sau bức tường của một ngôi nhà dân gần đấy. Y là người địa phương, mới mãn hạn tù về được ít lâu nay. Tên bị thương này khai ra hai tên kia. Chúng cũng thuộc thành phần bất hảo ở địa phương.
Nói chuyện với các nhà báo, cụ Ở có vẻ ân hận: “Cái thằng cướp bị tôi đâm trọng thương chắc là nặng lắm các chú ạ. Tôi xem lại, thấy vết máu ở đầu nhọn của cây gậy tầm vông sâu đến 5-6 phân, máu chảy cùng khắp. Từ bữa xảy ra câu chuyện đến giờ, đêm nào tôi cũng thao thức không ngủ được, thấy tội nghiệp cho nó, chỉ lo nó trúng chỗ phạm mà chết”.
Được biết, vợ chồng cụ Ở có tới 5 người con nhưng chẳng ai khá giả gì nên cụ phải dựng chòi để trông nom mấy con bò trên mảnh đất trống gần đấy.
III. Cụ bà 82 tuổi leo cây như sóc!
Một ngày không được leo lên cây hồng xiêm (cây sa-pô-chê) hay các cây khác trong vườn thì cụ Lan lại cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Gia đình cụ cũng khá giả chứ đâu có nghèo nàn gì. Cụ Lan nói: “Đối với tôi, việc leo cây chẳng những không mệt mà còn thấy khỏe. Ngày nào tôi cũng đạp xe cả mấy cây số đi chợ. Nhiều hôm, hễ hơi nhức đầu tôi lại leo lên cây thật cao, nhìn ra xa cho mát một lúc là hết đau liền”.
Cụ Lan có thói quen leo cây từ nhỏ. Năm nay đã 82 tuổi nhưng cụ Nguyễn Thị Lan (ngụ ở khu phố Đan Nhiệm, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) vẫn còn leo cây nhanh nhẹn, dễ dàng như thời trẻ tuổi. Ngày nào không được leo lên cây hồng xiêm, cây nhãn, cây ổi hay các cây khác trong vườn thì cụ Lan lại cảm thấy bứt rứt. Đối với cụ, leo trèo là một cách tập thể dục, nó không chỉ giúp cụ có được sức khỏe bền bỉ mà còn luyện cho cụ tay chân nhanh nhẹn và sự thận trọng: không được phép té, hễ té là rất nguy hiểm. Đối với dân chúng Nam Đàn, cụ Lan là một nhân vật đặc biệt có tài leo trèo.
Một ngày không leo cây cả ngày mệt mỏi
Ở vùng quê thuần nông của xứ Nghệ này, dường như không ai là không biết đến cụ Lan bởi khả năng leo cây đặc biệt và cũng rất khác thường của cụ. Nhiều người yêu mến đặt cho cụ các biệt danh như: “Tôn Ngộ Không”, “Dị nhân leo cây”, “Vận động viên hái trái”, v.v… Bà Nguyễn Thị Thành, một phụ nữ đứng tuổi ở thị trấn Nam Đàn dẫn đường cho các nhà báo, nói: “Nếu có môn thể thao nào về leo cây thì chắc cụ Lan sẽ đạt thành tích cao lắm”. Bà kể thêm: “Đã ngoại bát tuần nhưng cụ leo cây nhanh thoăn thoắt, mấy cậu thanh niên nỏ có ai vượt nổi cụ. Ai đứng coi cụ leo cây cũng phải xuýt xoa khen ngợi. Nói thiệt, thấy cụ leo cao tụi tôi ngán lắm nhưng cụ mô có sợ. Cụ nhanh thoăn thoắt, vin ra thật xa hái trái giống như con sóc”. ]
Cụ Lan, thân hình nhỏ bé, mái tóc bạc nhưng nước da trắng hồng, ăn trầu đỏ tươi và dáng điệu hết sức nhanh nhẹn. Vừa thấy các nhà báo cụ lên tiếng ngay: “Leo cây là chuyện bình thường, có đặc biệt chi mô mà các nhà báo phải lặn lội đường xa, rét mướt, về tận đây coi cho khổ. Chung quy chỉ tại tôi hay leo trèo, bà con sợ tôi té nên truyền tai nhau đồn đại rứa thôi”.
Cụ kể rằng cụ sinh ra trong một gia đình nghèo có ba chị em tại Nam Đàn – vùng quê nổi tiếng là nghèo nhưng hiếu học. Hồi chiến tranh, hai chị em lưu lạc mỗi người một nơi, chỉ còn mình cụ ở lại với cha mẹ già và làm đủ mọi nghề để mưu sinh.
“Đói thì trục quý (đầu gối) phải bò. Nhà nghèo, cha mẹ già không làm được công việc nặng nhọc, tôi phải xoay đủ thứ nghề để có cái ăn. Năm 12 tuổi, trong vườn có mấy cây táo, trái nhiều lắm nhưng không nhờ ai hái giùm được, tôi phải leo lên thật cao, dùng sào hái những trái chín đem đi bán lấy tiền đong gạo. Nhiều lần làm như rứa hóa quen, chẳng còn biết sợ là gì nữa. Rồi lớn lên, đến khi lập gia đình, có con có cái, cũng có miếng ăn không cần phải leo cây như trước nữa nhưng tôi cứ thích leo. Thà mình leo, hái trái bán còn hơn để nó chín quá, rụng uổng”.
Cụ Lan còn cho biết thêm, ngày xưa, mỗi khi cụ leo cây là bạn bè thường đứng dưới gốc chọc ghẹo hoặc rung cây hù dọa nhưng cụ không sợ. Thậm chí, có nhiều người lớn trong làng, khi nhìn thấy cụ leo tận chót vót ngọn cây cao đã hoảng hốt chạy đến nhà mách với cha mẹ cụ để họ ngăn cản không cho con leo trèo như thế nữa, nhưng không ai biết rằng vì hoàn cảnh gia đình mà cụ phải làm vậy để có thêm đồng ra đồng vô trong nhà.
Không chỉ leo nhanh như sóc lên các cây có cành, có chỗ bám bất kể trời mưa hay trời nắng, cụ Lan còn leo lên cả những thân cây suông đuột như cây cau, cây dừa mà không cần bất cứ một thứ hỗ trợ nào. Chính vì thế, vào những dịp lễ tết, giỗ chạp, cụ thường tự mình leo lên cây cau hái trái.
Tất nhiên, cụ Lan cũng đã từng phải “trả giá” cho tính thích leo cây của mình. Đó là lần cụ vừa bước qua tuổi 30, sau một trận bão, cây cối đổ ngã nghiêng, cụ phải leo lên chặt cành xoan đè trên mái bếp. Không may cụ trượt chân ngã nhào xuống dất, tuy không bị thương nặng nhưng cũng khá đau. Một vài lần khác cụ cũng bị té nhưng đều chỉ bị trầy xước ngoài da. Chồng con khuyên can nhưng tính cụ thích như vậy nên không bỏ được.
Đạp xe đường dài
Một khả năng khác của cụ Lan là ngay khi đã ngoài 80 tuổi cụ vẫn cỡi xe Honda hay đạp xe đạp bon bon. Cụ đạp xe thoăn thoắt hàng chục cây số trên đường đất nhà quê không khác gì thanh niên. Cụ ông Nguyễn Văn Nghị (chồng của cụ Lan) nói rằng, hơn 20 năm trở lại đây, ngoài 60 tuổi nhưng nhà nghèo quá mà lại đông con, hằng ngày cụ Lan vẫn phải đạp xe cả đi lẫn về tổng cộng mỗi ngày cỡ chừng 30 cây số để cất hàng từ lúc trời còn tối – rau cỏ, cá mú – để đem về bán tại chợ Nam Đàn. “Đã vậy lại còn phải chở nặng nữa, lấy công làm lời chứ thuê người ta chở thì lấy gì mà ăn! Đến lúc có được chiếc xe Honda thì đỡ hơn, bà ấy chạy ào ào chẳng ai theo kịp…”.
Anh Nguyễn Văn Khánh – con trai cả của cụ Lan – hãnh diện nói: “Mẹ tôi cả đời tần tảo, cực khổ nuôi con chứ không được sung sướng như người ta. Nhưng may mắn là ông trời ngó lại, ban cho cụ sức khỏe ít người có được. Trông cụ nhỏ người như vậy chứ gần như chẳng bao giờ đau ốm nên không cần biết tới thuốc men. Năm nay cụ 82 tuổi rồi, tuổi “ta” là 83. Ở nhà, cả bố tôi lẫn chúng tôi thường nói đùa cụ là “phái mạnh” trong gia đỉnh”.
IV. Cụ ông mù 83 tuổi leo cây mướn ở chợ Bình Thủy
Ở chợ Bình Thủy trong thành phố Cần Thơ, có một cụ già mù cứ ôm khư khư bọc quần áo và mấy cuộn dây thừng như đang chờ đợi ai. Có khách trong quán thương tình mua cho ông hộp cơm. Ông già lắc đầu: “Tui không phải là hành khất…”.
Dứt lời, ông đứng lên, lần mò rời khỏi quán. Đó là cụ ông Lê Văn Hòa, 83 tuổi (sinh năm 1931), ngụ tại phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Từ 50 năm nay ông cụ mù này đã nuôi thân, nuôi vợ và gia đình bằng nghề leo cây mướn.
Cuộc sống nhọc nhằn
Cụ Hòa sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông con. Cha mẹ gồng gánh quanh năm không đủ cho 6 anh em ăn học. Bước sang tuổi 15, cậu bé Hòa hứng chịu bất hạnh khi đôi mắt tự nhiên mờ dần rồi mù hẳn. Mọi thứ chỉ còn là bóng tối và Hòa phải tập làm quen với nó.
Khi thuộc đường đi trong nhà, Hòa nài nỉ cha dẫn đi giăng câu, thả lưới. Nhiều người trong xóm châm biếm: “Sáng mắt còn chưa kiếm được cá huống chi đui mà bày đặt, vẽ chuyện!”. Rồi có người bảo cha mẹ Hòa cho cậu con trai mù ra chợ ăn xin. Nhưng Hòa từ chối quyết liệt: “Tôi chỉ mù mắt chớ tay chơn còn nguyên vẹn, mần ăn được mà đi ăn xin thì nhục nhã lắm!”.
Làm nghề chài lưới được vài năm, Hòa theo cha mẹ chuyển sang giữ vườn mướn. Một lần nọ, cha Hòa bị té ngã trọng thương trong khi leo cây thuê. Gạt nỗi đau, Hòa muốn thay cha cáng đáng công việc, bèn xin cho mình thử leo cây. Mẹ Hòa can ngăn: “Mày có nhìn thấy đường đâu mà đòi leo trèo”. Nhưng cậu bé mù quyết tâm nên làm được những điều tưởng như không thể.
Ban đầu, leo được khoảng hơn 2 mét, Hòa muốn hụt hơi, tay chân bủn rủn. Nhưng nghĩ rằng gia đình chỉ biết trông chờ vào nguồn sống này nên cậu bé mù đành cắn răng chịu đựng, leo tiếp… Riết rồi thành thói quen cho đến tận bây giờ.
Ở miệt Bình Thủy, Long Tuyền,… nhà vườn nào cần tỉa nhánh cây, cưa cây làm cột, xẻ ván, đều tìm đến ông Tám mù. Có cây dừa già cao chót vót gần 20 mét, thợ chịu thua vì leo lên sợ ngọn yếu dễ ngã. Thế nhưng, hễ gặp ông Tám thì cây nào cũng ngoan ngoãn chịu phép. Điều lạ là hơn 50 năm sống bằng nghề leo cây, chỉ có một lần duy nhất ông Tám bị người bạn vô tình kéo dây làm rớt xuống đất từ độ cao …11 mét. Nhưng ông chỉ bị chết giấc một lúc rồi tỉnh lại.
Không chỉ leo cây, các công việc như bổ củi, dọn dẹp vườn tược đều được ông già mù 83 tuổi làm rất rành rẽ. Ông Bảy Hạt, một “mối ruột” của ông Tám mù, nói: “Thấy hoàn cảnh anh Tám rất đáng thương, mỗi khi cần tỉa nhánh cây là tui nhờ anh Tám làm. Mà anh Tám mần kỹ lắm, giao việc cho ảnh là mình yên tâm”.
Hơn 50 năm làm nghề leo cây, đôi bàn tay to bè của ông Tám đầy nốt sần sùi, chai cứng và những vết trầy xước đã xóa đi các đường chỉ tay. Ông cụ Hòa cười nói, “Nhờ nó mà hơn năm mươi năm qua tôi sống khỏe với cái nghề leo dừa mướn, tỉa nhánh cây, chặt củi”.
Chuyện tình thời trẻ tuổi
Năm 18 tuổi, tuy mù lòa nhưng cậu thanh niên Tám Hòa vẫn cưới được một người vợ sáng mắt, xinh đẹp. Hai năm sau, cô vợ trẻ đẹp bỏ người chồng mù lòa tội nghiệp để chạy theo tiếng gọi của tình yêu nơi thành thị. Thất tình, cậu Tám Hòa như người mất hồn, không còn thiết đến mần ăn gì nữa. Nhưng ít lâu sau, cậu lại lọt “mắt xanh” của một người đàn bà góa bụa, có ba con, tên là Nguyễn Thị Tám.
Tình cờ, trong một buổi đi mần cỏ thuê, chị Tám gặp cậu Tám mù đang đốn cây mướn. Thấy cậu hì hục hạ cây bạch đàn dài hơn 6 mét, rồi cưa cành, cắt thân cây ra làm mấy khúc, cột dây và hì hục kéo… Chị thấy tội nghiệp bèn xắn tay kéo phụ, khúc cây bạch đàn chạy ro ro. “Cha, ai mà kéo khỏe vậy?”. “Tui, Tám-giá ở gần nhà anh đây…”. “Chà, giỏi quá, cám ơn nghen!”. Vậy là hai người quen nhau.
Vợ chồng cụ già mù Lê Văn Hòa
Bà Tám nhớ lại: “Hồi đó tui dạn lắm. Tui hỏi: “Anh có muốn cho tui đi theo phụ việc anh không? Mỗi ngày tui chỉ xin ít gạo để nuôi con thôi. Hổng ngờ ổng gật đầu cái rụp rồi dần dần tụi tui nên vợ nên chồng…”
Từ đó đến nay, người dân xứ Bình Thủy đã quá quen với cảnh đôi vợ chồng nghèo dắt tay nhau đi khắp các khu vườn để đốn cây, cưa cành, bửa củi mướn… Tình cảm của cặp vợ chồng này “kết trái” với 4 đứa con chung lần lượt chào đời dưới mái tranh nghèo lụp xụp.
Hiện nay, các con riêng, con chung của ông bà Tám – 7 người tất cả – đều đã có cuộc sống ổn định, có thể nói là hạnh phúc. Tuy nhiên, ông bà quyết định vẫn sống tự lập bằng nghề leo cây mướn, không chịu nhận tiền cấp dưỡng của các con. Ông Tám nói: “Mỗi ngày vợ chồng già tụi tui cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng. Khi nào không còn leo cây được nữa thì tụi tui mới tính đến chuyện nhờ vả các con…”, ông Tám vừa nói vừa cười khà khà rất vui vẻ và hãnh diện.
Đoàn Dự ghi chép