Nhạc sĩ Bảo Chấn Photo kênh 14.vn
Âm nhạc Việt Nam giai đoạn gần đây dường như đang đi vào bế tắc, không chỉ từ phía người sáng tác mà ngay cả thị hiếu của người nghe. Và hôm nay, chúng tôi mời quí vị cùng nghe ý kiến của một vài nhạc sĩ, những người đã và đang chứng kiến sự đổi thay trong âm nhạc Việt Nam. Trước hết là ý kiến nhạc sĩ Bảo Chấn.
Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Bảo Chấn, ông có thể đánh giá đôi nét về thị hiếu của người nghe nhạc tại Việt Nam thời gian gần đây được không thưa ông?
N.S Bảo Chấn: Thật ra có nhiều dòng nghe khác nhau, nhưng ai cũng thấy rõ là giới trẻ bây giờ ở Việt Nam họ không thích những gì giáo điều, chính thống… cách bài bác của họ là họ nghe nhạc Hàn bởi họ nghĩ rằng trong nước cũng có nhiều bài bản để đáp ứng điều đó. Trong suốt một thời gian sau thời gian của tụi tôi thì những loại nhạc đó cứ lan man, liên miên không có gì đổi mới và thêm nhiều thứ nở rộ như các show các chương trình mà họ mua từ nước ngoài như The Voice, American Idol… họ bắt chước làm, nhưng dưới dạng thấp hơn, những điều này đang làm người ta (nghe nhạc) đang bị lẫn lộn lung tung hết, người ta không xác lập được một gu nghe. Tất nhiên còn nhiều điều như vậy, nhưng tôi tin là vẫn có những khán giả thầm lặng, họ vẫn có những tai nghe, với những yêu cầu khác hơn, lớn hơn, trí thức hơn… thì nó vẫn nằm ở đâu đó trong khán giả, thành ra, tôi không bao giờ thất vọng. Nhưng phải nói rằng, hiện giờ thị trường như người ta nói là “bát nháo”, nhưng đây là sự “bát nháo” cần thiết để xốc lại, để thành hình một cái gì đó và cùng với sự tiến triển chung của xã hội nó có thể làm cái gu của người ta tiến lên.
Vũ Hoàng: Với những gì mà ông vừa trình bày, thì chắc hẳn thị trường bây giờ tác động lên những người viết nhạc rất nhiều đúng không ạ?
N.S Bảo Chấn: Đúng rồi, có chứ. Chẳng hạn lứa già như chúng tôi, các nhạc sĩ như Dương Thụ, Phó Đức Phương, Phú Quang… hầu hết bây giờ họ lui hết rồi, bởi người ta không thể tìm ra được, không lý giải được cái gu bây giờ của quần chúng số đông, thành ra họ hoãn hết, không viết nữa, bởi vì người ta biết rằng viết kiểu đó cũng không còn số khán giả như ngày xưa nữa. Bao giờ cũng vậy, bài hát được sáng tác ngoại trừ một số người sáng tác cho vui, thì đâu đó người ta sáng tác vì thị phần, muốn kiếm thị phần mà không hiểu rõ khán giả nghe bài hát của mình là ai, nghe như thế nào, thường họ sẽ hoảng hốt và ít ai viết nữa.
Tôi nghĩ rằng, giới trẻ cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam đang cựa mình để tìm một phong cách (style), một điều gì riêng của thế hệ của họ mà tụi tui không hội nhập được, và khi không hội nhập được thì tất nhiên là khó rồi, cho nên tới khi nào hiểu được họ thì mấy nhạc sĩ già mới sáng tác lại được.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Bảo Chấn, gần đây, giới phê bình âm nhạc cũng chỉ ra một số nguyên nhân khiến Việt Nam hiếm có những bài hát hay như thời của ông, của nhạc sĩ Dương Thụ, Phú Quang hay Phó Đức Phương, ông đánh giá về điều này như thế nào?
N.S Bảo Chấn: Thật ra là như vậy, có 2 đẳng cấp nghe, một là nhạc thị trường và hai là nhạc đỉnh cao. Bạn phải thấy rằng nhạc thị trường luôn có số đông, còn nhạc đỉnh cao thì người nghe hiếm lắm, tức là những anh nào rảnh thời gian, chắc là thất nghiệp có thời gian nghe rỉ rả… thì anh sẽ tôn thờ bài hát đó, do đó, bài hát nhạc đỉnh cao khán giả rất ít nhưng rất chung thủy, mà bạn muốn đi đường đó thì bạn phải chấp chỉ có một hai người thích thôi, người ta đam mê, say mê bạn suốt đời. Và thứ hai là bạn có thị trường âm nhạc nhưng theo không nổi, bởi vì hầu như tôi nghĩ rằng từng ngày họ có mười bài mới như hip hop, alternative… để giải quyết ngay những nhu cầu mà người ta gọi là “đường phố.” Thành ra tụi tôi chủ quan nghĩ mình muốn gia nhập đội ngũ viết đỉnh cao thì chịu khó ế khách, đại khái vậy thôi, đợi đến lúc nào, ngày nào đó sẽ có một cái gu tổng hợp lại được, vừa hợp với giới trẻ vừa có nội lực, vừa có sức mạnh về nội dung đàng hoàng… chúng tôi đang chờ và chắc chắn nó sẽ tới.
Vũ Hoàng: Cám ơn nhạc sĩ Bảo Chấn đã có những chia sẻ với chúng tôi. Sau đây, mời quí vị cùng nghe nhạc phẩm Nỗi Nhớ Dịu Êm của nhạc sĩ Bảo Chấn khá nổi tiếng khoảng 15 năm về trước qua tiếng hát Lam Trường:
Trong chương trình âm nhạc kỳ trước, chúng tôi cũng đã gửi tới quý vị một vài ý kiến của nhạc sĩ Tuấn Khanh về âm nhạc Việt Nam giai đoạn hiện nay và bây giờ chúng tôi phát phần còn lại trong cuộc trò chuyện với câu hỏi đặt ra là “với những nhạc sĩ có tâm huyết như ông cần phải làm gì để làm “sạch” âm nhạc Việt Nam hiện được xem là quá dễ dãi, hời hợt và chạy theo thị trường?”
NS Tuấn Khanh: Đây là một câu chuyện dài và có rất nhiều chi tiết để nói đến, hôm nay mình chỉ chia sẻ ngắn gọn thế này. Tôi kể một câu chuyện rằng tôi đã chứng kiến một bài duyệt của một nhạc sĩ trước năm 1975, ông viết chi tiết và chỉn chu tất cả mọi thứ, thậm chí là ông rất cẩn trọng với từng từ ngữ, từng nốt nhạc một. Nhưng ngay lập tức lên phòng kiểm, anh ta bị bác bài hát đó vì bài có gì đó mang âm hưởng của thời kỳ trước năm 1975 chứ không phải âm nhạc của thời kỳ sau năm 1975. Nhưng tôi cũng chứng kiến có những bài hát mang ngôn tình thì lại được duyệt rất nhanh và được khuyến khích để xuất hiện trong đời sống nhà nước, ru ngủ thanh niên. Tôi nhận thấy ở đây có cả một chiến lược để làm như vậy của các nhà kiểm duyệt và các nhà làm tư tưởng văn hóa VN trong nước lúc này.
Những người nhạc sĩ có tâm hiện đang phải đối diện với một vấn đề quá lớn, đó là họ đang đối diện với một nhà nước có chính sách không rõ ràng về tự do văn hóa. Hiện nay, một trong những đối đầu lớn nhất với sự kiểm duyệt của nhà nước độc tài đó là internet, những trang mạng xã hội hay youtube… đang là một thách thức rất lớn. Và những nhạc sĩ mà tôi tạm gọi là “tử tế” họ giữ lại “phần tử tế” của mình và chờ đợi thời điểm thay đổi đến, ở đây, có thể là nhà nước sẽ nhận thức ra những điều tốt nhất để có thể thay đổi những điều đó hoặc thay đổi nữa là họ quyết định đi đến câu chuyện là trở thành những người nghệ sĩ tự do không có kiểm duyệt nữa.
Những điều đó đang diễn ra, ngay ở lúc này hay bất kỳ lúc nào thì thính giả của đài ACTD đều có thể vào youtube hay google để tìm ra những bài hát tạm gọi là ngôn ngữ âm nhạc underground, tức là không qua kiểm duyệt, họ đưa lên đó những bài hát của mình, những suy nghĩ của mình chân thật, có thể trong đó có những bài hát còn non kém, có những bài hát vượt quá những sự cần thiết về mặt ngôn từ phải chấn chỉnh lại… Nhưng nói một cách nào đó, sự tự do của những người sáng tác và những sự cẩn trọng cho bản thân mình đã được tìm thấy trên đó mà không đi qua hệ thống kiểm duyệt. Do đó, tôi muốn nói là sự thay đổi không phải từ con người mà từ nhiều thứ thưa quí vị, và trào lưu đó, tôi thấy ngày càng lớn mạnh ở trong nước.
Theo RFA