Đại học phi lợi nhuận
Các cổ đông biểu quyết về nhân sự trong phiên họp bất thường Trường Đại học Hoa Sen sáng 2/8/2014. Courtesy of vietstock.vn. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, từng là Giám đốc Nha khảo thí Đại học
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, từng là Giám đốc Nha khảo thí Đại học Quốc gia TP HCM nói về những suy nghĩ của bà về việc tranh chấp ở Đại học Hoa sen, cũng như ý tưởng về một mô hình Đại học tư nhân ở Việt Nam phù hợp với tình hình kinh tế xã hội Việt Nam hiện tại, qua cuộc trả lời phỏng vấn với Kính Hòa.
TS Vũ Thị Phương Anh: Không có thông tin bên trong, tôi chỉ biết thông qua báo chí. Tôi cảm thấy một điều rất là đáng tiếc trong cuộc tranh cãi giữa đôi bên. Chưa biết là ai đúng ai sai, hai bên đều giữ phần đúng về mình, nó gây ra một sự bất ổn về mặt tâm lý cho giảng viên và sinh viên, rất là buồn, và nó làm tổn hại đến thương hiệu của Đại học Hoa Sen đã gây dựng bao nhiêu năm nay, và điều đó rất là đáng tiếc. Nó cũng làm tổn hại hình ảnh giáo dục đại học Việt Nam nói chung, nhất là khối ngoài công lập, vốn chưa gây dựng được nhiều sự tin tưởng của xã hội.
Kính Hòa: Thông tin được đưa ra rằng đây là sự tranh chấp giữa Lợi nhuận và Phi lợi nhuận. Tiến sĩ nghĩ thế nào về mô hình Đại học phi lợi nhuận ở Việt Nam hiện nay?
TS Vũ Thị Phương Anh: Nói đến phi lợi nhuận thì những người làm giáo dục như tôi đều mong một mô hình lý tưởng giống như các đại học phi lợi nuận ở Mỹ với các trường rất thành công và có danh tiếng.
Loại trường Đại học như vậy ở Việt Nam hiện nay tôi cho là không tưởng.
Ở Việt Nam hiện nay đang thiếu những trường Đại học tử tế. Đây là từ của bà Bùi Trân Phượng hiệu trưởng trường Hoa Sen cho đến giờ. Tôi rất thích từ này và tôi cho là ở Việt Nam hiện đang thiếu những trường Đại học tử tế, cả công lẫn như tư.
Với trường tư thì ở Việt Nam chúng ta không có một truyền thống hiến tặng, truyền thống mạnh thường quân, có những quĩ phi lợi nhuận để làm giáo dục. Chuyện đó ngay bây giờ không có, và tôi nghĩ trong tương lai gần vài chục năm cũng sẽ khó khăn. Chúng ta phải chấp nhận rằng các trường tư thục ở Việt nam, theo như định nghĩa của Mỹ là những trường lợi nhuận. Còn lợi nhuận đến đâu thì chấp nhận được và nên hạn chế các loại trường chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp những chuyện khác, thì đó là chuyện của nhà nước và của chính sách.
Kính Hòa: Theo nguồn tin từ Đại học Hoa sen thì khi mới thành lập, những người chủ trương trường Đại học Hoa Sen cho rằng nếu hoàn toàn là một trường phi lợi nhuận thì theo như Tiến sĩ vừa nói rằng có sự thiếu vắng một truyền thống, thì rất là khó, cho nên mới đề ra việc cổ phần hóa đại học Hoa sen. Nhưng cũng có người nói rằng nếu đã là cổ phần thì không thể phi lợi nhuận được. Vậy theo Tiến sĩ thì ý tưởng của những người thành lập Đại học Hoa Sen có quá kỳ vọng vào sự hy sinh cho giáo dục của người Việt Nam không?
TS Vũ Thị Phương Anh: Tôi nghĩ chúng ta không nên đặt vấn đề hy sinh.
Tôi cho rằng Việt Nam đang lung túng. Một mặt thì rất lý tưởng muốn có một mô hình phi lợi nhuận đúng nghĩa. Nhưng mà phi lợi nhuận thì phải có một nguồn nào đó, tức là các nhà giáo dục cứ việc làm giáo dục mà không lo tới chuyện kiếm lời. Lúc đó mới có phi lợi nhuận được, chứ không thể phi lợi nhuận từ nước lã.
Khi đã gọi là nhà đầu tư, cổ đông, v. v … thì đã công nhận nó là một doanh nghiệp, tức là có lợi nhuận rồi.
“ Hoa sen cho tới giờ là một trường tư tử tế, và cái chuyện tranh cãi giữa hai bên rất là đáng tiếc, tôi nghĩ rằng họ có thể ngồi lại với nhau mà thỏa thuận, thương lượng một cách tốt hơn.
- TS Vũ Thị Phương Anh ”Từ khi có luật giáo dục Đại học 2013, thì mới có định nghĩa rõ hơn phi lợi nhuận là thế nào, tức là chia lãi không được cao hơn trái phiếu nhà nước. Điều đó chưa được áp dụng. Và đó là cái mà bà Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen muốn áp dụng, nhưng lại gây ra sự tranh cãi. Mà cái mức áp dụng thực sự cũng không phải như vậy, theo báo chí mà tôi đọc được thì là 20%. Như vậy là nói một cái kỹ thuật thì Đại học Hoa Sen từ trước đến giờ chưa bao giờ là một Đại học phi lợi nhuận theo định nghĩa của Việt nam chứ chưa nói tới định nghĩa của Mỹ.
Kính Hòa: Câu hỏi cuối cùng thưa Tiến sĩ là một mô hình giáo dục đại học cho hiện nay.
TS Vũ Thị Phương Anh: Hiện nay chúng ta không thể đặt vấn đề là có một trường đại học phi lợi nhuận lý tưởng như mọi người mong đợi. Tôi đặt vấn đề là một mô hình dung hòa giữa một bên là quyền lợi của các nhà đầu tư với bên kia là mong muốn, kể cả quyền lợi của giảng viên, tức là giữa khối làm hàn lâm và khối làm kinh tế.
Hiện nay mọi người rất là dị ứng với cái từ vì lợi nhuận. Tôi thấy cái mô hình Mã Lai mà tôi có theo dõi nhiều thì họ rất là thành công. Mà đa số của họ là vì lợi nhuận, miễn là làm một cách tử tế. Lợi nhuận cũng được nhưng phải làm tử tế, và cái đó nó phụ thuộc vào cơ chế giám sát của toàn xã hội, của các hội nghề nghiệp, của kiểm định, của nhà nước nữa. Cái đó là cái mà Việt Nam cần xây dựng.
Tôi mong có những trường tư tử tế. Hoa sen cho tới giờ là một trường tư tử tế, và cái chuyện tranh cãi giữa hai bên rất là đáng tiếc, tôi nghĩ rằng họ có thể ngồi lại với nhau mà thỏa thuận, thương lượng một cách tốt hơn.
Kính Hòa: Xin cảm ơn Tiến sĩ.