Sinh viên kiến trúc thực tập ngoài trời. AFP
Mỗi khi hè đến, tại Việt Nam lại có hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học – cao đẳng gia nhập vào thị trường lao động và cũng ngần đó sĩ tử đi thi tuyển sinh đại học – cao đẳng. Các em chọn ngành nghề gì, trường nào, khối thi nào ảnh hưởng rất lớn tới chính tương lai của các em cũng như với thị trường lao động.
Sự lựa chọn của các em liệu có được sự tư vấn, góp ý hay định hướng từ gia đình, nhà trường và từ những điều các em tự tìm hiểu hay không, 4 bạn trẻ Khoa Trần, Gia Bảo, Quý Anh và Đỉnh Thiên cùng trò chuyện với Chân Như.
Chân Như: Xin chào các bạn, đầu tiên các bạn có thể chia sẽ đôi điều về tầm quan trọng của việc hướng nghiệp đối với học sinh cũng như nên hướng nghiệp như thế nào, ở độ tuổi nào và dựa trên yếu tố nào?
Gia Bảo: Xin chào các bạn, ngày nay việc hướng nghiệp cho học sinh rất là quan trọng. Hướng nghiệp giúp cho học sinh có được sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với khả năng cũng như sở thích của từng học sinh và giúp cho các bạn cảm thấy bớt bỡ ngỡ hay hoang mang trước định hướng tương lai cho mình. Ví dụ như chúng ta có thể quan sát một học sinh xem học sinh đó có sở trường gì; Các em thích hoạt động trong lãnh vực nào; Khả năng của các em có thích hợp với những công việc mà các em thích và muốn hướng đến hay không.... Từ đó phụ huynh và nhà trường có thể hướng dẫn cho các em lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai dễ dàng hơn.
Quý Anh: Mình đồng ý với ý kiến là phải dựa trên sở thích của học sinh để mình lựa chọn tương lai nghề nghiệp; Nhưng mà mình nghĩ độ tuổi không cần tới khi gần thi đại học mình mới hướng nghiệp mà phải sớm hơn nữa, có thể trong bậc trung học khoảng lớp 6 lớp 7 thì nên hướng nghiệp cho các em thì nó sẽ tốt hơn.
Đỉnh Thiên: Ý kiến của anh Gia Bảo em rất đồng ý. Ý của anh nói là đầy đủ rồi. Em chỉ đưa ra cái dẫn chứng đó là những năm 2009, đa số việc lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn trường thi đại học của sinh viên Việt Nam nó diễn ra một cách ồ ạt. Tỉ lệ thi vào những trường có ngành kinh tế tài chính rất lớn. Chỉ trong vòng 2 năm sau, người ta thấy được số lượng tốt nghiệp ra trường và hầu như họ thất nghiệp, không tìm được việc làm. Khi tình trạng này diễn ra thì người ta đặt ra câu hỏi tại sao?
Câu trả lời đó là việc hướng nghiệp không rõ ràng đến nơi đến chốn làm cho sinh viên không có dữ liệu rằng ngành nghề đó hoặc công việc đó thứ nhất có phù hợp với bản thân hay không? Thứ hai sau này có bắt kịp với kinh tế xã hội hay không? Câu trả lời đó cho thấy việc hướng nghiệp rất quan trọng. Có thực trạng là bố làm nghề y thì con thi bác sĩ, bố làm nhà giáo thì con cũng thi sư phạm. Thực ra vấn đề hướng nghiệp ở Việt Nam nó có thực trạng như vậy và cách hướng nghiệp vẫn chưa được tốt.
Khoa Trần: Mình thấy mỗi bạn đều có những ý kiến rất là hay. Theo mình thì hướng nghiệp đúng là phải dựa trên hứng thú hiện tại của học sinh sinh viên vì các bạn có niềm đam mê thì các bạn mới làm tốt được công việc đó. Có niềm đam mê không thì vẫn chưa đủ mà phải đi kèm với khả năng của mình nữa. Còn độ tuổi nữa, bây giờ hướng nghiệp ở lứa tuổi cấp 3 thì quá muộn. Ở Việt Nam bây giờ mình thấy hướng nghiệp phát triển ở độ tuổi sớm hơn rồi. Mình nghĩ đó là bước tiến ở Việt Nam theo việc hướng nghiệp.
Chân Như: Xin cám ơn phần chia sẻ của các bạn. Sau đây mời các bạn nghe đoạn chia sẻ của các thi sinh dự thi đại học năm nay về việc định hướng nghề nghiệp trong trường phổ thông!
“Nhà trường cũng có định hướng cho các học sinh ở trong trường, nên em cũng theo nhà trường định hướng”
“Dạ, trường có định hướng từ đầu năm lớp 12, chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp sau này hoặc là tương lai chọn trường của mình”
“Nhà trường định em thi luật”
“Khi em học cấp 3 trường em có tổ chức dạy nghề, sau đó thì có hướng nghiệp cho bọn em”
Điểm sáng trong hướng nghiệp Chân Như: Sau khi nghe qua phần chia sẻ vừa rồi, theo các bạn đây liệu có phải là điểm sáng trong cải cách giáo dục ở VN?
Gia Bảo: Dạ đây đúng đây chính là điểm sáng. Ví dụ cách đây khoảng 10 năm điều này chưa phổ biến lắm. Đa số các bạn học sinh đều chọn trường một cách tùy tiện. Một số thì nghe theo lời định hướng của gia đình mặc dù chẳng biết là mình có thích nghề nghiệp đó hay không. Còn một số thì nghe theo lời rủ rê của bạn bè. Nhưng trong những năm gần đây giáo dục Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng của việc hướng nghiệp cho học sinh. Các tiết học định hướng nghề nghiệp được đưa vào những tiết sinh hoạt hay những tiết hoạt động ngoại khóa. Điều này giúp học sinh có thêm sự tự tin bản lĩnh và theo đuổi đến cùng những sự lựa chọn của mình.
Quý Anh: Mình không hiểu điểm sáng ở đây là sáng như thế nào nhưng mình cảm thấy có vẻ hơi trễ khi mà định hướng cho học sinh ở lớp 11-12. Thời gian để thi đại học quá sát nên các bạn đăng ký đại luôn. Mình nghĩ nó không phải là tốt lắm. Mình thích nhà trường hướng nghiệp cho các em sớm hơn.
Đỉnh Thiên: Thật ra nói về điểm sáng em nghĩ nó không đúng vì nó chỉ là điểm sáng lẻ loi trong rất nhiều những bất cập khác. Em đang là sinh viên đại học nhưng vì mới tốt nghiệp cấp III nên em có nhìn nhận khá rõ về vai trò môi trường giáo dục. Ý kiến của một số bạn đều cho rằng mình đã được hướng nghiệp cụ thể rất là tốt rồi. Tuy nhiên em thấy nó vẫn chưa đủ để tạo nên nguồn nguyên lực tốt để phát triển đất nước bởi vì định hướng nghề nghiệp là một cái gì đó rất là mờ nhạt trong việc đi đến quyết định chọn lựa số ngành số trường cho những thí sinh sau này. Hiện nay có một số ngành chủ đạo trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam. Thứ nhất là ngành kinh tế, thứ hai số ngành về kỹ thuật, thứ ba số ngành sư phạm. Điều này cho thấy việc định hướng nghề nghiệp ó chưa được cụ thể và để thấy rằng nhà trường không làm tốt, khi mà làm cho sinh viên vẫn còn có quyết định trọn trường theo xu hướng của xã hội, và không theo khả năng của mình. Nhưng cũng nên nói thẳng thắng là cho đến thời điểm này thì người ta (học sinh) có nhận thức rất rõ về việc hướng nghiệp rồi. Tuy nhiên vẫn chưa có phương pháp tốt để làm cho học sinh có nhận thức tốt hơn.
Khoa Trần: Mình nghĩ hướng nghiệp hiện nay so với thời điểm của những năm trước thì nó đúng là một điểm sáng vì theo chia sẻ của các bạn thì chúng ta thấy là các bạn được hướng nghiệp dựa trên sở thích, trên khả năng, trên cung cầu của xã hội. Đó là những điều mà trước đây hướng nghiệp của Việt Nam chưa làm được. Còn về vấn đề độ tuổi như bạn Quý Anh chia sẻ thì mình thấy là Việt Nam mình cũng đang cố gắng đẩy việc hướng nghiệp ở độ tuổi sớm hơn. Mình nghĩ cứ trông chờ vào tương lai xem có được thực hiện không. Nếu thực hiện được thì hướng nghiệp Việt Nam đang làm tốt.
Chân Như: Chân như thấy ảnh hưởng của gia đình lên hướng nghiệp cũng không nhỏ, không biết các bạn có nhận thấy được việc đó không? Trước khi các bạn nhận xét thì mời các bạn cùng nghe 1 vài chia sẻ về vai trò của gia đình trong hướng nghiệp !
“Gia đình em thì ủng hộ, không ủng hộ thì em vẫn cứ thi bởi vì em thích”
“Gia đình cũng tham gia đóng góp, và có sự đồng ý của gia đình nên em có nhiều động lực cố gắng”
Các bạn trẻ cầu khấn tại chùa trước ngày thi Đại học. AFP photo
“Gia đình thì không, phụ thuộc vào lựa chọn của em”
“ Gia đình em thì phản đối vì khối C xin việc khó, thế nên em phải thi một trường công nghiệp”
“Dạ bố mẹ em thì không tham gia mà chỉ là định hướng cho em chọn nghề tùy theo năng lực của mình”
Chân Như: Các bạn có nhận xét gì về những chia sẻ này?
Gia Bảo: Như các bạn cũng đã biết để giáo dục một học sinh thì cần phải có sự quan tâm và góp phần từ nhiều phía. Gia đình là những người gần gũi nhất với các bạn học sinh, cho nên những bậc phụ huynh rất dễ hiểu về tâm tư sở thích cũng như nguyện vọng của các em từ đó có thể đưa ra những định hướng tích cực. Có thể trong quá trình các em học hoặc tiếp cận với môi trường thì các em có thể nhận ra là mình thích những môn học nào hay ngành nghề nào thì từ đó có thể dựa vào những góp ý của phụ huynh và đưa ra những sự lựa chọn tốt nhất cho mình, chứ không hẳn là phải nghe theo 100% về phụ huynh.
Quý Anh: Sau khi nghe chia sẻ của các bạn học sinh thì mình thấy phần lớn gia đình cũng có ảnh hưởng đến quyết định của các bạn ấy. Mình nghĩ là có lẽ xã hội Việt Nam nhìn chung họ chạy theo vật chất, ví dụ một số bạn nói cần học một trường nào đó để khi tốt nghiệp có việc làm. Mình nghĩ cũng rất hợp lý, nhưng về lâu dài phải chọn cái mà mình thích, bởi vì khi mà mình thích một cái gì đó thì mình mới có thể làm việc hết sức được và tận hưởng được cuộc sống. Nếu mình là bạn học sinh đó thì mình cũng không đặt nặng lắm về áp lực từ phía gia đình.
Khoa Trần: Theo ý kiến của mình thì hiện nay tác động của gia đình là luôn luôn nắm vai trò quan trọng khi chọn nghề, chọn trường vì chắc chắn là các bạn ở Việt Nam đều phụ thuộc tài chính vào gia đình. Khi bạn chọn ngành mà ba mẹ không ủng hộ thì bạn lấy đâu ra nguồn tài chính để trang trải cho việc học của mình? Ý kiến cá nhân của mình, việc được gia đình ủng hộ trong việc hướng nghiệp rất là quan trọng.
Đỉnh Thiên: Đúng, thật sự gia đình là yếu tố quan trọng nhất để định hướng nghề nghiệp. Nhân câu hỏi ảnh hưởng của gia đình thì mình muốn lấy một dẫn chứng như thế này: đó là hầu hết các gia đình ở Việt Nam đều muốn con mình sẽ phải vào một trường đại học nào đó để học và hầu hết những người trẻ đều mong muốn rằng mình sẽ học đại học. Thế thì cái hướng nghiệp ở đây mình chỉ đang tập trung vào vấn đề làm sao để chọn những trường tốt đúng khả năng. Chúng ta lại chưa đi sâu vào liệu rằng có nên học đại học hay không hoặc có nên chọn không thi đại học. Điều đó mình muốn nói rằng việc hướng nghiệp ngay từ gia đình đã tạo nên cho mỗi sinh viên một sức áp lực là chỉ có một lựa chọn duy nhất đó là thi đại học, học đại học. Nhiều bạn chia sẻ có nhiều điểm như là các bạn có thể tự lựa chọn trường học của mình, ngành nghề của mình, tuy nhiên đấy vẫn là ảnh hưởng của gia đình và ảnh hưởng gia đình rất lớn. Đa số chúng ta đang bị chi phối bởi cái suy nghĩ học đại học để có nhiều lợi tốt hơn mà không hiểu rằng còn nhiều các nghề nghiệp khác. Cái tư duy về việc hướng nghiệp của chúng ta còn theo cái tư duy đám đông hoặc theo xu thế của xã hội, hoặc theo sĩ diện của gia đình.
Chuyện dạy thêm, học thêmChân Như: Xin cám ơn phần chia sẻ của các bạn, tuy nhiên khi nhìn nhận lại về chất lượng giáo dục tại Việt Nam, các em học sinh và phụ huynh cũng có nhiều đánh giá rất khác nhau, mời quý vị và các bạn nghe sau đây:
“ Ôi giáo dục Việt Nam thì nát lắm, nói thật học sinh học quan trọng là phải tự giác thôi, ở Hà Nội chúng tôi tốn tiền học thêm lắm, triền miên. 12 năm cho con đi học thêm mà không cho đi học thêm cũng không được, phong trào, tốn kém lắm”
“Theo em thì chương trình giáo dục của Việt Nam thì chưa được tốt lắm. Cải cách giáo dục thay đổi mọi thứ. Nhất là đề thi tuyển sinh đại học làm bọn em rất là hoang mang, chưa định hình được gì”
“Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay còn nhiều thiếu mắc bởi vì ngành giáo dục ta có sự đổi thay vẫn chưa được hợp lý cho lắm”
“Theo bản thân em thì em nghĩ là giáo dục hiện nay của Việt Nam ít được thực hành và nặng quá về lý thuyết. Đôi khi học cuối cấp, học sinh còn bị áp lực vào những công thức từ số liệu khó nhớ”.
Chân Như: Các bạn có đồng tình với những nhận xét vừa rồi về giáo dục việt nam hiện nay hay không? Đánh giá của các bạn và so với thế hệ của các bạn thì sao?
Gia Bảo: Như chúng ta đã biết thì việc dạy thêm, học thêm ở Việt Nam trong những năm gần đây rất là phổ biến. Em cảm giác như đây là nhu cầu của học sinh hay nói cụ thể hơn là của phụ huynh. Vì chương trình học thì nặng về lý thuyết nhiều hơn thực hành và một tiết học chỉ 45 phút, nên đó chính là nhu cầu các phụ huynh muốn con em mình đến với các lớp học thêm để rèn luyện cho mình những kỹ năng làm bài nhiều hơn. Theo như em đánh giá thì lớp trẻ có nhiều ưu thế về viêc chọn trường nhiều hơn các thế hệ của bọn em ngày trước. Vì thế các em có được sự tự tin mạnh dạn thể hiện bản thân mình và quyết liệt theo đuổi ước mơ của chính mình.
Quý Anh: Mình thấy hệ thống giáo dục bên Việt Nam có sự chênh lệch giữa bậc trung học và bậc đại học. Mình đã học qua rồi nên mình thấy chương trình quá khó và nhiều áp lực. Mình chỉ mong muốn là có lẽ bậc trung học mình có thể giảm bớt lại để có thể phân ngành rõ học sinh nào sẽ tốt hơn về khối A, khối B hay khối C tập trung nhiều hơn với bậc đại học bởi vì khi thi đại học thì mọi người rất giỏi nhưng khi vào đại học rồi thì có vẻ không được nghiêm túc và hơi lơ là.
Khoa Trần: Mình nghĩ vấn đề về giáo dục luôn là điều đáng bàn bởi vậy bộ giáo dục luôn đổi mới, nâng cấp nhưng mà cứ thường xuyên như vậy (khiến) hoang mang cho cả phụ huynh lẫn học sinh. Mình nghĩ để bàn về chất lượng giáo dục Việt Nam thì cần có hệ thống đánh giá riêng. Đứng trên tốc độ của người học ngày xưa thì mình thấy là vấn đề học ở Việt Nam thiên về hướng học thuật nhiều hơn. Ngay cả trên thế giới họ cũng đánh giá Việt Nam có nhiều tiến sĩ nhưng mà những phát minh sáng chế không có bao nhiêu. Vì vậy mình nghĩ chất lượng giáo dục Việt Nam cần phải có sự thay đổi. Việc thay đổi như thế nào thì chúng ta còn phải chờ vào bộ giáo dục.
Quý Anh: Đúng như là nhiều các bạn đã nói đó, giáo dục của Việt Nam mình nghiêng về học thuật nhiều hơn. Mình rất là đồng ý bởi vì mình đã trải qua rồi nên mình cảm thấy mình học nhưng rất mơ hồ, không biết học để làm gì. Học là chỉ để trả nợ cho thày cô, trả nợ cho gia đình. Về nền giáo dục thì quá nặng về bài vở trong khi những tiết học về thực hành, âm nhạc, mỹ thuật, khả năng giao tiếp trước cộng đồng, khả năng nói chuyện giữa đám đông thì mình không hề có; Thành ra một sinh viên tốt nghiệp ra trường rồi thì rất là thụ động so với các sinh viên ở nước ngoài. Mình có may mắn là được đi học ở nước ngoài và mình thấy là sinh viên quốc tế họ rât tự tin. Họ biết cách thuyết phục vấn đề chắc chắn hơn sinh viên Việt Nam. Mình nghĩ vấn đề đó cần phải thay đổi sớm.
Đỉnh Thiên: Tất cả những ý kiến của các bạn đưa ra thì chúng ta nhìn thấy một điều là chúng ta chưa làm tốt chương trình hướng nghiệp. Thứ hai nữa là các bạn học sinh chọn trường cũng rất mơ hồ, ồ ạt; Cốt học để lên đại học và học thêm rất nhiều. Chương trình cấp III của Việt Nam chỉ tập trung làm sao để cho sinh viên lên được đại học thôi chứ chưa tập trung để đào tạo cho người ta làm sao có một số kỹ năng khác quan trọng hơn. Nếu giả như một bạn nào đó không học đại học thì dường như kiến thức của chương trình cấp III không còn giá trị nữa. Để nói về hướng nghiệp thì ngoài tư duy của người học cho đến tư duy của nền giáo dục, tư duy của những người thầy người dạy thì chúng ta đang bị trật hướng đi, không đúng với bản chất của nó tạo ra việc tuyển sinh ồ ạt. Mọi sự không theo một nguyên lý nào để tạo nên một nền nguyên lực đúng theo định hướng của mình.
Chân Như: Xin cám ơn bạn Khoa Trần, Đỉnh Thiên, Quý Anh và Gia Bảo đã giành thời gian đến với Diễn Đàn Bạn Trẻ kỳ này.
Chân Như cũng hy vọng các bạn đang nghe chương trình cũng sẽ tham gia vào hội luận để hầu nêu lên chính kiến của mình, đó là quyền bày tỏ mà mỗi con người trên trái đất này đều phải có.
Theo RFA