Máy scan dùng MRI trị giá gần 2,5 triệu đô la tại Canberra (ABC) (Credit: ABC) .Theo một nghiên cứu phối hợp Mỹ-Úc, chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging - MRI) để xác định giai đoạn ung thư vú trước khi phẫu thuật có thể ‘lợi bất cập hại’.
Hình ảnh chụp bằng phương pháp MRI rõ nét hơn nhiều so với chụp x-quang và siêu âm. Phương pháp xét nghiệm này được chỉ định để tìm kiếm các khối u sớm ở phụ nữ có nguy cơ ung thư vú gia tăng. Tuy nhiên, theo báo cáo trên tạp chí Annals of Surgery (Niên khảo Phẫu thuật), việc áp dụng thường xuyên công nghệ này để chẩn đoán với mọi phụ nữ có thể dẫn tới những ca phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn vú nhưng không đem lại lợi ích gì.
Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy 26% phụ nữ chụp cộng hưởng từ trước khi phẫu thuật nhằm xác định kích cỡ và mức độ nghiêm trọng của khối u sẽ bị cắt bỏ vú hoàn toàn so với khoảng 18% phụ nữ được các chuyên viên phẫu thuật xác định đặc điểm của khối u theo phương pháp truyền thống.
“Tôi không ngạc nhiên trước phát hiện trên. Điều tôi cảm thấy bất ngờ là số liệu thu được,” bà Monica Morrow, đồng tác giả nghiên cứu, trưởng bộ phận ung thư vú thuộc Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering tại New York, cho biết.
Do MRI nhạy hơn chụp x-quang vú, một số bác sĩ cho rằng đó là một công cụ tốt để xác định chính xác đặc điểm mô ung thư. Tuy nhiên, một số bác sĩ khác đã bắt đầu nghi vấn liệu xét nghiệm hình ảnh này có phải là nguyên nhân khiến các phẫu thuật viên cắt bỏ nhiều mô vú hơn mức cần thiết hay không.
Hơn nữa, những phụ nữ từng chụp cộng hưởng từ trước khi phẫu thuật vẫn có khả năng phải phẫu thuật lại để cắt bỏ thêm các mô ung thư.
Một nghiên cứu công bố hồi tháng 9/2012 phát hiện thấy trong số hơn 300 phụ nữ được phẫu thuật ung thư vú, những người từng chụp cộng hưởng từ trước lần phẫu thuật thứ nhất phải phẫu thuật lại.
Trong nghiên cứu, bà Morrow cùng với giáo sư Nehmat Houssami và tiến sĩ Robin Turner từ Đại học Sydney đã thu thập số liệu từ 9 nghiên cứu trước đó để tìm hiểu liệu MRI có ảnh hưởng tới số phụ nữ phẫu thuật cắt bỏ vú lần đầu hoặc lần hai hay không. Từ 9 nghiên cứu, các nhà nghiên cứu tìm được thông tin về 3112 phụ nữ từng phẫu thuật ung thư vú.
Tổng thể, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy 16% số phụ nữ từng chụp MRI bị cắt bỏ vú hoàn toàn trong lần phẫu thuật thứ nhất, so với số người không chụp MRI là 8%.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy chụp MRI trước phẫu thuật không ảnh hưởng tới việc phụ nữ có cần phẫu thuật lại để cắt bỏ thêm các mô ung thư hay không. Trong mỗi nhóm đối tượng nghiên cứu, khoảng 11–12% bệnh nhân phải phẫu thuật lại.
Sau khi tìm hiểu phẫu thuật lần đầu và lần thứ hai, các nhà khoa học tính toán khoảng 26% bệnh nhân chụp MRI sẽ phải cắt bỏ hoàn toàn vú so với 18% số phụ nữ không làm xét nghiệm này.
“Chụp cộng hưởng từ làm số ca cắt bỏ vú hoàn toàn tăng nhưng không làm giảm số phụ nữ muốn phẫu thuật cắt bỏ khối u vú và cần phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn,” bà Morrow nói về xét nghiệm chụp cộng hưởng từ trước khi phẫu thuật.
Nghiên cứu không xác định kết quả lâu dài hay tìm hiểu việc sử dụng MRI khám vú bên kia để tìm ra dấu hiệu ung thư di căn. Kết quả nghiên cứu cũng không áp dụng với một số nhóm bệnh nhân, bao gồm những người có biến thể gen dẫn tới nguy cơ dễ bị ung thư.
“Một số trường hợp cần chụp MRI để xác định bệnh nhưng hầu hết phụ nữ bị ung thư vú không cần chụp MRI,” bà Morrow nói.
Source: ABC Australia