Người Mỹ hãnh diện vì thế giới coi xã hội Mỹ là rất nhân đạo; nhận xét này đúng, vì người Mỹ nhân đạo với loài vật, nhân đạo với loài người. Có thể nói Hoa Kỳ vượt trên mọi kỷ lục nhân đạo.
Một điển hình là trong lúc Âu Châu đóng cửa không cho người tị nạn vào sống trong nước họ, thì Hoa Kỳ vẫn đang đón nhận trên 40,000 thiếu niên Trung Mỹ chạy trốn nghèo, đói, chậm tiến, băng đảng, và nhiều tai ương khác trong một xã hội chậm tiến, tìm đường vào Mỹ.
Không chỉ nhân đạo với thiếu niên Trung Mỹ, người Mỹ còn đối xử nhân đạo ngay cả với tù nhân họ giam cầm, và dành cho người tù một số quyền -được gọi là tù quyền. Tù quyền có 10 mục, gồm những quyền không bị đối xử tàn ác, quyền được xét xử theo đúng thủ tục pháp lý, quyền được hưởng khoan hồng, giảm án, quyền được bảo vệ như mọi người, quyền được thông báo đầy đủ tội trạng họ bị truy tố, quyền được nhận văn bản giải thích những bằng cớ chứng minh tội phạm họ bị truy tố, quyền được đứng dân sự nguyên cáo kiện một người khác, và quyền được trị bệnh dù căn bệnh đòi hỏi điều trị dài hạn.
Tù nhân mắc bệnh tâm thần còn có thêm 5 tù quyền khác, như quyền được điều trần cho đến lúc được giam giữ tại một bệnh viện tâm thần; quyền được thăm viếng, quyền được nuôi dưỡng thích hợp, quyền được có một số tư sản như thuốc hút, đồng hồ, đồ trang điểm, và đồ ăn vặt; quyền chót hết là quyền được tắm đầy đủ.
Trên lý thuyết, mọi việc đều đúng, mọi chi tiết nhỏ đều được tiên liệu để người tù trong hoàn cảnh cô thế không bị ngược đãi; nhưng, đáng buồn là tù quyền chỉ có trên lý thuyết -ngoài thực tế bản chất độc ác của con người vẫn đủ để phá hỏng những lý thuyết hay ho nhất.
Những người độc ác tại Hoa Kỳ thường là những viên chức cảnh sát, và những quản ngục. Không biết bao nhiêu chục vụ, bao nhiêu trăm vụ, đã ghi nhận một đám bốn, năm cảnh sát viên xúm lại đánh một người đã bị họ đè xuống đường, bị họ còng tay, nhiều người là những ông già say rượu, những thiếu niên ăn cắp. Gót giầy da đứng trên lồng ngực nạn nhân, họ nhẩy lên cao, dậm gót xuống, khiến một ông cụ say rượu tại Houston bị gẫy nhiều rẻ xương sườn, rồi sau đó chết vì thương tích. Có thể nói họ thích thú khi được độc ác với những người không có khả năng chống cự.
Tù quyền bảo vệ tù nhân chặt chẽ nên việc quản ngục độc ác với tù cũng hơi khó hơn, nhưng tính độc ác đối với người thất thế vẫn chờ cơ hội để bộc phát; và cơ hội bằng vàng để giết người là cell extractions -lôi tù ra khỏi xà lim.
Tù nhân bị lôi ra khỏi xà lim, bị đè xuống, còng tay, mỗi khi anh phạm kỷ luật; mỗi toán phụ trách việc trục xuất tù ra khỏi xà lim gồm có 5 người lực lưỡng, đội nón an toàn, mặc áo giáp, mang bốt, và mang một miếng bố dầy bảo vệ đầu gối, để dùng đầu gối đè lên lưng tù nhân. Người đi đầu toán 5 người quản ngục sử dụng một tấm lá chắn bằng plastic để đẩy và đè tù nhân xuống.
Đôi khi họ phải đối đầu với sự kháng cự của tù nhân, và thỉnh thoảng họ cũng bị tấn công bằng một thứ vũ khí tự chế bằng muỗng, nĩa.
Mặc dù toán trục xuất không võ trang, nhưng, 5 người đè một, họ vẫn đủ sức tay không giết người; và ngày 17 tháng 5/2014, bà Jane Luna, mẹ của anh tù nhân Jason Toll, người tù bị toán trục xuất giết chết đứng ra kiện nha Cải Huấn, tiểu bang Tennessee.
Anh Toll -con trai bà- thọ án 30 năm tù giam, vì nhiều lần trộm, cướp và vượt ngục.
Vụ quản ngục giết anh xẩy ra từ 3 năm trước, nhưng giờ này bà Luna mới đâm đơn kiện vì bà vừa được biết việc bác sĩ John Davis -người phụ trách khám nghiệm tử thi anh Toll- phán quyết là con bà bị giết. Trong giấy chứng tử, bác sĩ Davis dùng chữ homicide. Ông viết Toll chết vì ngộp thở, và viết rõ là anh đã bị giết.
Nha Cải Huấn tiểu bang Tennessee kiểm soát lại việc trục xuất anh Toll ra khỏi xà lim, họ coi lại video quay cảnh trục xuất, phỏng vấn từng người trong toán 5 viên quản ngục, rồi cô Dorinda Carter, phát ngôn viên nha Cải Huấn, tuyên bố là toán trục xuất làm đúng thủ tục, không hề phạm pháp.
Giáo sư Martin Horn, giảng viên tại trường John Jay College of Criminal Justice thuộc City University of New York, nguyên là giám đốc cải huấn tại New York City và tiểu bang Pennsylvania, nhận định về chữ “homicide”.
Ông Horn nói, “Homicide chỉ có nghĩa là không chết vì tự tử, mà cũng không chết vì những nguyên nhân tự nhiên; homicide có nghĩa là bị giết, nhưng không nhất thiết là có kẻ giết người. Tuy nhiên việc anh Toll bị đè sấp mặt xuống đất suốt 10 phút đồng hồ lại là chuyện bất thường. Người ta chỉ cần đè anh xuống để tra còng vào tay anh; nhưng sau khi anh đã bị còng, và khiếu nại là anh không thở được, mà 4 người quản ngục vẫn cứ đè sấp anh xuống, thì chuyện đó không bình thường nữa”.
Sau 5 phút dài, chờ cho anh không còn cục cựa nữa, họ mới lật ngửa anh ra để nhận thấy là anh đã tắt thở.
Vài hôm sau, cũng trong ngục thất này, tù nhân Ryan Honeycutt khiếu nại là quản ngục đến xiềng tay, xiềng chân anh lại và đánh anh vì anh ca thán là không được tắm. Việc anh bị đánh khiến một người bạn tù -anh Todd White- khiếu nại; quản ngục đem tấm khiêng chống biểu tình có điện, đến đè vào cơ thể anh White, cho điện giật anh.
Biết thêm những hành động tàn ác này, bà Luna quyết định đưa việc con bà -anh Toll- bị giết ra tòa, đòi $25 triệu tiền bồi thường.
Gửi phóng viên đến điều tra về việc ngược đãi tù nhân, qua việc giết anh Toll, tờ The New York Times viết, “Việc đem tù nhân ra khỏi xà lim là chuyện thông thường, và đáng lẽ phải được thực hiện dễ dàng, lại đang trở thành việc nguy hiểm cho tù nhân -nhất là trong tình trạng 40% những người hiện đang ở tù, mắc bệnh tâm thần”.
Thẩm phán liên bang tại California, ông Lawrence K. Karlton, vừa cho phổ biến nhiều video về việc trục xuất tù nhân ra khỏi xà lim cho thấy quản ngục lạm dụng việc xịt hóa chất làm cay mắt để tù nhân phải ra khỏi phòng giam. Ông Karlton dùng chữ “horrific” (khiếp đảm) để mô tả việc làm của quản ngục.
Tháng 5 vừa qua, một tù nhân mắc bệnh tâm thần bị giam tại khám đường Charlotte Correctional Institution, Florida, đã chết trong cuộc “hành quân” trục xuất anh ra khỏi xà lim.
Luật sư Steve J. Martin, một viên chức liên bang chuyên nghiên cứu về việc bạo hành tù nhân, nhận định, “đúng ra việc dời chuyển tù nhân phải là việc bình thường và rất dễ dàng; vậy mà giờ này người tù bị di dời khiếp đảm mỗi lần bị dời chỗ”.
Tù quyền không bảo vệ được người tù; 5 tên quản ngục không võ trang vẫn có thể giết anh tù nhân Jason Toll bằng cách đè anh xuống cho đến lúc anh chết ngộp; và lòng nhân đạo của một dân tộc nổi tiếng là nhân đạo nhất thế giới cũng không cảm hóa được một số cảnh sát viên, một số quản ngục thích đánh đập, thích giết người.
Có lẽ thái độ độc ác của những viên chức cảnh sát và quản ngục Hoa Kỳ chỉ có thể tìm hiểu qua lăng kính “méo mó nghề nghiệp”. Và nếu cảnh sát Mỹ, quản ngục Mỹ mà còn độc ác đến như vậy, thì cảnh sát Việt Cộng, quản ngục Việt Cộng còn khiếp đảm đến mức nào!
Nguyễn đạt Thịnh