Các đồ vật thất lạc được sắp xếp thứ tự để đợi ngày trở về với chủ cũ. DRSau khi đến thăm tháp Eiffel hay viện bảo tàng Louvre nổi tiếng của Paris, một số du khách đã kết thúc chuyến du lịch thủ đô nước Pháp bằng một vòng tham quan cơ sở chuyên giữ đồ vật thất lạc, để tìm chiếc ví bị mất trong métro hay chiếc áo pull để quên trên ghế xe buýt.
Trong khi dân Paris thường để quên nhiều nhất là các chùm chìa khóa và mắt kính, du khách lại thường bị mất máy ảnh, thẻ căn cước, hộ chiếu, bóp đựng tiền. Ông Patrick Cassignol, người chịu trách nhiệm cơ quan Đồ vật thất lạc của Paris, hiện lớn nhất châu Âu, nhận xét như trên.
Mỗi ngày tại Paris có đến hàng ngàn món đồ vật để quên được thu nhặt lại, ở ngoại ô và các sân bay. Được mang đến giao cho đồn cảnh sát hay nhét vào một hộp thư bưu điện nào đó, các món đồ này kết thúc chuyến chu du tại cơ quan được thành lập từ 200 năm trước, do Sở Cảnh sát Paris quản lý.
Đứng đầu trong số các đồ vật bị để quên là ba món : thẻ căn cước, chìa khóa và mắt kính. Ông Cassignol nói : « Cảm động nhất là khi trả lại một con thú nhồi bông cho một em bé. Nhìn mắt của đứa bé ánh lên niềm vui, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc ».
Đội ngũ 36 người làm việc ở đây đảm nhiệm việc vào sổ, dán nhãn và phân loại các đồ vật để quên và tìm ra người chủ. Trong năm ngoái đã có 186.000 món đồ được thu thập, nhưng tỉ lệ « vật hoàn cố chủ » trong số các đồ vật đã đăng ký, chỉ có 60%.
Va-li, bóp đựng tiền, điện thoại di động, sổ tay…những món đồ dùng cá nhân này được sắp xếp cẩn thận trên các tủ ngăn bằng kim loại cao ngất. Chúng bị để quên tại các viện bảo tàng, nhà hàng, khách sạn và nhất là trên các phương tiện vận chuyển công cộng : 40% số đồ để quên là do Công ty Đường sắt Paris thu nhặt.
Đôi khi có những đồ vật để quên rất kỳ lạ : chân giả, bình đựng tro hỏa táng, một thanh gươm, kèn túi…Mỗi ngày có khoảng 300 người đến đây, hy vọng sẽ tìm được món đồ thân thuộc của mình trong « sào huyệt của Ali Baba » này.
Samy Mansouri, 17 tuổi, người đảo Réunion trở ra một cách nhẹ nhõm. Anh cho biết : « Tôi bị thất lạc thẻ căn cước trong xe điện cách đây hai tuần. Giờ tôi đã nhận lại được, đỡ biết bao nhiêu là phiền phức khi phải đi làm lại giấy tờ ».
Nếu giấy tờ được giao lại cho chủ nhân miễn phí, người được trao món đồ thất lạc sẽ phải trả 11 euro nếu đồ vật đó trị giá dưới 762 euro. Còn nếu món đồ có giá cao hơn thì phải trả 3% giá trị. Ông Cassignol cười nói : « Chúng tôi có những khách hàng trung thành, họ đến tìm đồ vật để quên, xong rồi lại bỏ quên lần nữa khi trở ra ».
Bà Michèle Dosser, 36 tuổi, mẹ của bốn cậu con trai từ 15 tháng đến 13 tuổi, than thở : « Chúng tôi mất biết bao nhiêu là đồ, từ máy chơi game, điện thoại di động, một cây đàn ghi-ta, cho đến quần áo các loại ». Lần này bà hy vọng tìm lại được một cây vợt tennis và một áo khoác trẻ em. « May là có những người đàng hoàng » - bà vui vẻ nói.
Tất cả những đồ vật có giá trị dưới 100 euro được giữ lại bốn tháng. Nếu đắt tiền hơn thì chúng sẽ được lưu giữ trong vòng một năm, rồi sau đó sẽ thuộc về người đã tìm thấy món đồ, và người này có thể đến nhận trong sáu tháng sau. Một người may mắn tìm thấy một chiếc nhẫn, sau đó đã được sở hữu chiếc nhẫn này, có trị giá lên đến khoảng 22.000 euro.
Còn nếu người tìm ra món đồ thất lạc là vô danh, thì các đồ vật giá trị trên 100 euro sẽ được bán đấu giá, tiền thu được nộp vào ngân sách nhà nước. Những món giá trị ít hơn được một người buôn bán đồ cũ mua lại, và các sản phẩm y tế thì được tặng cho các hiệp hội nhân đạo.
Tuy nhiên, ông Cassignol cảnh báo, du khách không nên có ảo tưởng sẽ tìm lại được vũ khí hay ma túy giấu dưới đáy va-li. Ông nói : « Người ta đã mang lại cho chúng tôi một túi xách trong đó có một khẩu súng đã lắp đạn. Chủ nhân của khẩu súng có đến đây tìm, và anh ta đã trở ra cùng với lực lượng an ninh, hai tay bị còng ».
Source: RFI