Trước lúc ra về, người thương bình này tranh thủ chụp tấm hình lưu niệm
VRNs (27.8.2014) – Sài Gòn - Sáng 26.08.2014, trời mưa buồn, vậy mà không khí tại sân Hiệp nhất của Dòng
Chúa Cứu Thế vẫn rộn ràng lắm. Lúc 8h00 tôi tới thì các chú thương binh Việt Nam Cộng Hòa đã được chia thành
hai nhóm, một nhóm đi Taxi tới 2 phòng khám khác nhau, để làm xét nghiệm cận lâm sàng. Theo lời Cha Giuse Đinh
Hữu Thoại, thì chương trình thăm khám bệnh Tổng quát cho các chú đã bắt đầu từ 10h00 tối hôm trước và kết thúc
lúc 16h45 chiều chiều 26.08. Vì các ông phải nhịn ăn từ tối trước để sáng ra làm một số xét nghiệm cần thiết. Có
nhiều ý tưởng đến với tôi khi đặt bút viết bài viết này, tuy nhiên tôi sẽ không kể chi tiết chương trình, nhưng sau khi
cầu nguyện và tôi được Chúa soi sáng tựa đề của bài viết bằng một câu Thánh Kinh trong Tin Mừng Gioan :
“ Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1,5).
Các chú thương binh sau khi làm xét nghiệm cận lâm sàng xong, được đưa về Nhà Dòng và nghỉ ngơi, chuẩn bị cho
bữa cơm trưa và họp mặt huynh đệ. Mình quan sát thấy những gương mặt già nua, cái khốn khổ và tủi nhục suốt 40
năm, hôm nay đã nhường chỗ cho niềm vui và hy vọng, dù những dấu ấn bi tráng vẫn còn đọng lại sau những dấu
chân chim trên đuôi mắt của các chú thương binh. Hôm nay nụ cười của các chú, các bác mới quý giá làm sao, điều
đó đã khích lệ tinh thần cho quý Cha, quý Thầy và tất cả các Y Bác sĩ, các anh chị em tình nguyện viên để có thể
phục vụ cả ngày mà không thấy mệt. Như lời của bác thương binh Nguyễn Văn Sứng, 68 tuổi: “ Từ sáng đến giờ mà
thấy các Cha, các Thầy làm việc không nghỉ ngơi, mà lại ân cần hỏi han, bác thấy mừng và cảm động lắm cháu,
giống như mình được sống lại,…” nói đến đây, bác nghẹn ngào.
Các ông thương binh tập trung trên lầu 2 Nhà Sách, hội trường Giê-ra-đô để dùng cơm trưa, mỗi ông còn nhận
được một phần quà nho nhỏ. Hôm nay đặc biệt hơn, có sự tham dự của các chức sắc tôn giáo bạn và Hội đồng liên
tôn, trong đó có các vị như Hòa thượng Thích Không Tánh – đại diện Chùa Liên Trì; Mục Sư Nguyễn Hoàng Hoa,
cùng hai anh chị Hiền Huynh Hiền Tỉ của Phật giáo Hòa Hảo, hai anh chị em Chánh sự đạo Cao Đài. Tất cả mọi
người hôm nay đến với nhau, không phân biệt tôn giáo, quan điểm chính trị hay xã hội, vì tất cả là người Việt Nam,
đều có chung dòng máu Việt Nam, một bầu khí yêu thương tràn ngập, một đại gia đình rất lớn. Và chắc chắn, tình
thương yêu đó sẽ trở nên sự chữa lành cho những nỗi đau quá khứ và những vết thương trong tâm hồn những
người anh hùng Việt Nam Cộng Hòa – những người đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước, nhưng đã bị quên lãng
suốt gần 40 năm.
Bạn trẻ trong nhóm phục đang trao đổi và xin số điện thoại của Bác Lê Văn Minh
Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh ba bác Thương Binh, hai bác mù được một bác mắt mờ dắt đi. Ba bác là: bác Nguyễn Văn
Sứng, Lê Văn Minh và bác Chính. Theo lời Cha Giám Tỉnh, danh sách này mới chỉ là những bác thương binh ở
trong thành phố Sài Gòn, xa lắm là ở Quận 8 và Hóc Môn, tuy vậy, những giờ phút ngồi bên tâm sự với các bác, các
bạn mới cảm thấu được nỗi đau quá lớn mà suốt gần 40 năm qua họ đã phải chịu đựng.
Trước đây khi nghe kể về các thương binh VNCH, tôi chỉ cảm thương, nhưng hôm nay chứng kiến những cảnh đời
bất hạnh như bác Minh, bác Sứng, bác Đết,… lòng tôi cứ như bị xát muối. Từ nhỏ, tôi đã được nghe bố kể về cách
Nhà cầm quyền Cộng Sản đối xử với những Bà Mẹ VN anh hùng hay những liệt sĩ có công Cách Mạng: Họ dựng
những tượng đài “Tổ quốc ghi công”, xây những nhà tình nghĩa; bố tôi nói: “ Nhà nước này khôn lắm, đợi các bà già
gần đất xa trời mới xây nhà, bà này chết xong sẽ trao tặng nhà cho bà khác.” Và rồi tôi cũng chợt nhận ra, cách thức
mà họ đối xử với những người có công với họ, như nhạc sĩ Tô Hải, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý,… thì đối với những
người đối đầu với họ, là các anh em VNCH, chắc không còn nước nào để mà nói nữa.
Hôm nay, trước mặt tôi là bác Lê Văn Minh, 59 tuổi, thuộc Biệt động quân, bác bị thương sau năm 1972, lựu đạn
của người Cộng Sản cướp đi ánh sáng làm cả đôi mắt của bác bị mù. Bác kể cho tôi những năm tháng oanh liệt của
thời trai trẻ, bác cùng đồng đội mở đường và xông vào những vùng khói lửa, tại các chiến tuyến ác liệt, người Biệt
động quân là những người rất dũng cảm. Sau khi Cộng Sản nhuộm đỏ miền Nam, bác cũng như bao người Việt
khác, đói khổ, cực nhọc chẳng bút nào tả xiết. Bác kể cho tôi suốt từ những năm sau 1975, bác không đếm được
số lần bác bị công an đánh đập, lừa gạt, vu khống đủ điều. Bác nói trong sự cay đắng, tủi buồn: “ Hồi trước 1975,
khi con ra đường mà gặp người tàn tật, con sẽ nhận được sự kính trọng, mọi người yêu thương những người khổ
sở, còn từ hồi Cộng sản vào tới giờ, bác bị hành hạ không thể đếm được số lần nữa. Có lần bác đi buôn bị chúng
đánh bằng bán súng AK dù bác bị mù không nhìn thấy đường. Khoảng những năm 1984 trở đi, bác không còn vốn
buôn bán, nên chuyển sang bán vé số. Bác không đếm được số lần bị công an đánh đập, những lần bị bọn xấu lừa
gạt lấy hết tiền, mà không nhận được một sự giúp đỡ nào của chính quyền địa phương, ngoại trừ những miệt thị và
hắt hủi. Có lần ” gần dây nhất” họ vu cho bác tội bắt trẻ con đi bán vé số , không cần đưa ra bằng chứng, cả đám
công an, có cả nữ, xông vào đánh bác túi bụi rồi nhốt vào đồn. ” Từ lần đó, bác nghỉ luôn ko còn bán vé số nữa…”
Bác Minh chia sẻ thêm: những lúc đau khổ thê lương, bác chỉ cậy nhờ vào Thiên Chúa. Nhà bác gần Giáo xứ Tân
Chí Linh. Bác quả quyết khẳng định với tôi: “ Chẳng ai thực hiện được lý tưởng Xã hội chủ nghĩa, ngoại trừ Chúa
Yê-su.”
“Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” ( Ga 1, 5)
Hòa thượng Thích Không Tánh chia sẻ trong bữa ăn trưa về lòng cảm kích sâu sắc của ông, khi nhìn thấy buổi họp
mặt thân thương và ý nghĩa này. Sau bữa trưa, ở lại chụp hình, một người trong Hội Đồng liên tôn đã nói: “ Mọi
người có thấy các tôn giáo chúng tôi yêu thương nhau chưa?” Yêu thương là Ánh sáng của Chúa Yê-su, là chính
Chúa Yê-su, ánh sáng đó đẩy lùi bóng tối, và bóng tối không thể tận diệt ánh sáng. .. ( Còn tiếp)
Nón Lá