Ông Trương văn Chính ở Đan Mạch nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:
Shiver down the spine and cold feet
Cảm giác lạnh xương sống và lạnh bàn chân
Ông Trương Văn Chính, 56 tuổi, Đan Mạch, hỏi về cảm giác lạnh trong lưng và bàn chân.
Gần đây tôi đã trả lời một câu hỏi của thính giả về chứng lạnh tay chân, mặc dù ở người mạnh khỏe. Thính giả ở đây mấy tháng là đi khám sức khỏe một lần, và bác sĩ cho biết không tìm ra nguyên nhân cảm giác trên.
Theo tôi nghĩ, nếu bs ở Đan Mạch đã khám và theo dõi kỹ, hy vọng khám nghiệm và kết luận họ không sai. Thường bs kiểm tra xem các động mạch dẫn máu tới ngoại biên có bình thường không và thử máu xem cơ năng tuyến giáp trạng (thyroid function) có ở mức bình thường không.
Tuy nhiên, tôi xin nhận xét một số điểm như sau:
1) Một số người có cơ địa hệ thần kinh tự động (autonomic nervous system) thiên về phía kích thích thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system), thường có những triệu chứng như dễ xúc động, hồi hộp, tim đập nhanh, tay chân ướt mồ hôi. Một số cảm xúc mạnh như sự lo lắng (anxiety), sợ hãi có thể kích thích hệ giao cảm làm các mạch máu ngoài da co lại, mồ hôi tay hoặc chân toát ra, và người đó có cảm giác ‘mồ hôi lạnh’. Một số khoái cảm cũng tác dụng tương tự: có những người lúc thưởng thức một bản nhạc thật hay có thể cũng cảm thấy lạnh xương sống như chúng ta mô tả ở đây, và kiến thức y văn tây y mà tôi đọc được cũng chưa giải thích dứt khoát hiện tượng đó. Những giả thuyết khác nhau cho rằng những chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitters) như adrenalin (epinephrin), dopamin, serotonin có thể đóng vai trò trong việc tạo ra cảm giác này. Việc này cũng có thể liên quan đến hiện tượng nổi da gà, rùng mình lạnh tay chân trong một số trường hợp cảm xúc mạnh. Người ta cho rằng đây là một loại phản ứng tụ vệ của cơ thể chúng ta đứng trước hoàn cảnh gây stress: cơ thể bị đe dọa, phải “đánh lại hoặc tránh/chạy trốn” (fight or flight response) bằng cách tiết ra những chất tương tự như adrenalin. Do adrenalin tim đập nhanh, động mạch các bắp cơ nở ra, cuống phổi nở ra để oxy vào nhiều hơn, trong lúc đó máu của những nơi tạm không cần ưu tiên như ngoài da, nội tạng, bộ phậm sinh dục, mạch máu co lại, máu đến chỗ đó giảm tối đa, và cho ta cảm giác lạnh xương sống tay chân. Nhân đây cũng có thể nhắc đến hiện tượng lạnh hay sợ nổi da gà (goose bumps) gây ra cũng bởi phản ứng đánh hoặc tránh nói trên. Người ta cho rằng, cả triệu năm trước trong quá trình tiến hoá của loài người, chúng ta cũng phản ứng như các con chim, con nhím lúc chúng ta bị đe dọa. Con chim, loài sói, con nhím có những sợi cơ nhỏ (arrector pili) ở gốc của sợi lông chúng. Các sợi cơ này co rút lại do tác dụng adrenalin, có mục đích làm lớp lông con vật dày ra và giữ nhiệt tốt hơn lúc trời lạnh, cũng như làm cho con vật có vẻ to hơn, đáng sợ hơn trước mắt kẻ thù. Chúng ta đã tiến hoá rất xa, lông tóc chúng ta không xững đứng như ở các loài khác, nhưng các sợi cơ nhỏ dưới da vẫn còn tồn tại, kéo dưới chân lỗ chân lông, và làm chúng ta “nổi da gà “ lúc lạnh, hồi hộp hay sợ sệt.
Tóm lại, cảm giác lạnh xương sống chúng ta bàn ở đây có thể là một hiện tượng vừa sinh lý, vừa tâm lý khó lý giải một cách dứt khoát. Người mắc chứng này có thể thuộc tạng người dễ xúc cảm, có thể có một chứng lo âu (anxiety) hay có ưu tư quá đáng về sức khoẻ của mình (hypochondriasis). Một người đi khám check up nhiều lần trong năm mặc dù bs không tìm thấy gì bất bình thường có thể cũng có một mức lo âu đáng kể. Có thể nên thử những phương pháp về vệ sinh đời sống như ăn uống điều độ, tránh quá nhiều chất kích thích như thuốc lá cà phê, ngủ đủ giờ, xét lại các thuốc mình đang uống, tập thể dục đều đặn, dùng các biện pháp giảm stress, thư giản. Nếu triệu chứng làm mình lo âu quá nhiều, nên hỏi ý kiến tâm lý gia (psychologist) hoặc bs tâm thần (psychiatrist).
Source: VOA