Không mắc nợ không phải là người Mỹ. Câu nói đó chúng ta nghe khá thường (nhất là hồi mới đến Hoa Kỳ). Sống ở Mỹ không muốn mang nợ (thực ra) cũng khó. Bởi lẽ chuyện đi vay tương đối dễ, nhất là cơ hội để mình mua chịu, mua thiếu, trả góp có rất nhiều. Nào là nhà cửa, xe cộ, tủ lạnh, tivi, máy giặt, máy sấy, ghế massage… Đã vậy nhiều lúc cũng nên có chút tín dụng (credit) phòng thân, nên bà con mình xin credit card rồi xây dựng sự tin tưởng về khả năng mượn và trả nợ – build up credit, từ từ. Xài riết quen tay. Hoặc có lúc cần mua, cần xài những khoản lớn. Vé máy bay. Sửa máy lạnh. Bảo hiểm… Cứ việc lấy thẻ ra cà. Cuối cùng là mang nợ.
Nợ là một phần của văn hóa Hoa Kỳ. Ở những nước khác đời sống chật vật hơn ở Mỹ nhưng khái niệm nợ nần của họ rất khác với nợ ở Hoa Kỳ, vì nợ ở những nước đó thiếu tính hệ thống và không có bài bản như ở Mỹ. Lấy Việt Nam hay Trung Quốc làm ví dụ, nợ có, nhưng nợ ở hai nước này rất khác với nợ ở Hoa Kỳ. Thứ nhất, ở Hoa Kỳ, người dân chỉ cần build up tín dụng và chịu khó đi làm có income là có thể vay tiền. Ngoài ra hệ thống kiểm tra lý lịch cá nhân (background check) ở Mỹ đã hoàn thiện. Chỉ cần đưa số an sinh xã hội (social security number), tên tuổi, ngày sanh… là xong. Nhưng cái khổ của việc vay nợ quá dễ dãi nếu việc làm bị mất, hoặc do mua sắm, thiếu chịu quá nhiều, cuối cùng nợ không trả được, sẽ rơi vào tình trạng delinquency. Sau đó trở thành nợ xấu (bad debt), nợ khó đòi (insolvent debt), bước sau cùng là món nợ đó được bán cho các công ty chuyên mua nợ xấu, hoặc các công ty đòi nợ chuyên nghiệp (collection company) đứng ra đòi hộ. Từ đây chuyện nhỏ biến thành chuyện lớn. Đôi khi có thể là bị kéo nhà, kéo xe, rất phiền toái.
Theo Urban Institute, hiện nay có tới 35% người Hoa Kỳ mắc nợ, trong đó có những khoản nợ không thể trả được (unpaid bills). Phần lớn các khoản nợ này do bị ngâm quá lâu nên bị chuyển qua văn phòng collection agencies. Bắt đầu từ đây là cảnh bị các công ty này làm khó, gây sức ép, sách nhiễu đủ điều, tạo ra nhiều căng thẳng trong cuộc sống.
Vậy những khoản nợ này là gì? Đó là khoản nợ tiền nhà trả hằng tháng (mortgage), nợ xe hơi, nợ tiền mượn học đại học dồn đống lại, càng ngày càng lưu cữu trở thành nợ không trả nổi (unpaid debt). Ngoài ra còn có nhiều khoản nợ nhỏ hơn. Lắt nhắt như hóa đơn điện thoại, tiền membership của phòng gym, tiền ký hợp đồng điện thoại, tiền bệnh viện. Thậm chí cả những khoản tiền vô duyên như chạy xe qua những đoạn đường toll-way không có trạm thu tiền; máy chụp được bảng số rồi gởi bill về. Sơ ý quên trả. Cuối cùng tiền phí toll-way chẳng đáng bao nhiêu nhưng khi bị chuyển qua collection agencies thì hóa thành chuyện lớn bởi bao nhiêu thứ fees khác chồng chất lên.
Nợ ở Hoa Kỳ thực ra ai cũng có. Nợ nhưng trả được thì không sao. Miễn là trả khoản bắt buộc tối thiểu, minimum balance, là được; tức trả theo kiểu nuôi chủ nợ. Còn không trả là không xong. Nợ xấu sẽ ảnh hưởng xấu tới lý lịch cá nhân, đi phỏng vấn xin việc hay đi thuê nhà sẽ khó khăn hơn (chứ đừng nói chuyện mua nhà). Người Mỹ biết vậy nhưng họ không tránh nổi. Kết quả là rất nhiều người mang nợ. Theo Caroline Ratcliffe, một thành viên của Washington-based Think Tank: Cứ 1 trong số 3 người ta gặp ngoài đường đang bị đòi nợ.
Số dân Mỹ bị đòi nợ (tức các khoản nợ được chuyển sang collection agencies) chính xác là 35.1%. Vậy, số nợ trung bình của họ là bao nhiêu. Ước tính trung bình khoảng $5.178 (tính vào thời điểm 09/2013). Cũng theo báo cáo của Urban Institute, hiện tượng mắc nợ bị collection agencies đòi đang trở thành một xu hướng định hình (relative constant) tại Hoa Kỳ.
Công bằng mà nói, không ít người Mỹ quyết định trả dứt nợ. Ví dụ như từ giữa năm 2009 (tức thời điểm suy thoái kinh tế bắt đầu chậm lại) khá đông dân Mỹ tìm mọi cách giảm hẳn những khoản nợ thẻ tín dụng của họ. Cụ thể theo ABA (American Bankers Association), nếu ta căn cứ trên thu nhập, số nợ tín dụng (tính theo phần trăm của thu nhập) hiện đang ở mức thấp nhất so với cả thập niên vừa qua. (Hình như) dân chúng Hoa Kỳ đang bảo nhau cố gắng trả nhiều hơn mức tối thiểu, minimum balance, hoặc trả dứt khoản nợ nếu có thể được. Hiện nay số người trễ nợ, overdue, 30 ngày hoặc lâu hơn (tính trung bình trong thời điểm 15 năm vừa qua là 3.82%) chỉ còn 2.44%. Nếu không thì tình trạng nợ nần bị chuyển sang collection agencies còn cao hơn nữa.
So sánh với nghiên cứu của Urban Institute thực hiện chung với tổ chức CCRI (Consumer Credit Research Institute) ta thấy kết quả khá gần với báo cáo của Federal Reserve hồi năm 2004 với khoảng 36.5% người Mỹ mắc nợ bị chuyển sang các công ty chuyên đi đòi nợ – collection agencies. Vậy, số người mắc nợ hiện nay tuy có giảm bớt nhưng vẫn còn rất cao, mức giảm hầu như không đáng kể (từ 36.5% xuống 35.1%).
Đây là lý do giải thích tại sao kỹ nghệ đòi nợ chuyên nghiệp (collections industry) tại Hoa Kỳ hoạt động rất náo nhiệt với công suất làm việc đáng kinh ngạc. Theo chi nhánh Philadelphia của Federal Reserve, hiện tại Hoa Kỳ có khoảng 140.000 nhân viên làm việc trong kỹ nghệ đòi nợ đòi về (recover) khoảng 50 tỷ Mỹ kim mỗi năm. Cách thức làm việc của họ thật gắt gao, đủ kiểu, đủ cách; nhất định đòi tiền về bằng được mới thôi!
Dân tại các vùng khác nhau của Hoa Kỳ tình trạng nợ không trả được bị chuyển sang collection agencies không đều nhau, nhiều nơi tệ hại hơn so với những nơi khác. Các tiểu bang miền Nam và phía Tây của Hoa Kỳ tình hình xấu nhất, trong đó Texas bị khá nặng: Dallas (44.3%), El Paso (44.4%), Houston (43.7%), McAllen (51.7%), và San Antonio (44.5%). Còn dân Las Vegas thì tình hình càng u ám hơn. Gần một nửa dân Las Vegas có nợ bị chuyển qua collection agencies – có lẽ tại đây bị khủng hoảng bất động sản tác động quá mạnh, đời sống khó khăn hơn nên chuyện thanh toán các hóa đơn dễ bị trễ nãi hơn. Các thành phố khác như Orlando và Jacksonville của Florida; Memphis của Tennessee; Columbia của South Carolina; và Jackson của Mississippi tình trạng dân bị đòi nợ cũng không mấy sáng sủa hơn.
Tuy nhiên, vẫn có một số nơi khác của Mỹ tình trạng nợ bị đòi không quá đáng ngại. Tại Minneapolis chỉ có 20.1% người mắc nợ bị chuyển qua collection agencies. Các thành phố khác như Boston, Honolulu hay San Jose số người bị đòi nợ cũng tương đối ít hơn so với các nơi khác. Tại sao có chuyện này, theo phân tích của giới chuyên môn tại đây, bất động sản có giá trị cao, người ta sẽ cố gắng trả cho mortgages nhiều hơn, vì nếu không sẽ mất nhà. Chẳng hạn như dân San Jose nợ trung bình lên tới $97,150 (chủ yếu nợ tiền nhà), trong khi đó dân McAllen của Texas mắc nợ chỉ có $23,546 mà số nợ không trả được bị chuyển qua collection agencies đạt mức kỷ lục cao nhất Mỹ.
Ngoài ra, theo Urban Institute, hậu quả của kinh tế trì trệ, thu nhập giảm sút cũng là nguyên nhân các món nợ bị chuyển qua collection agencies. Mặt khác tuy nạn lạm phát ở Mỹ không cao, nhưng vì các khoản phải chi vẫn không ngừng gia tăng nên dân Hoa Kỳ có vẻ túng tiền hơn. Báo cáo của Bộ Lao động (Labor Department) cho thấy thu nhập không tăng (mà lại giảm) nên lạm phát thấp vẫn tác động lên đời sống dân Mỹ. Theo Wells Fargo, trong khoảng 5 năm trở lại đây, lương sau trừ thuế (after-tax income) trung bình của người Mỹ đã giảm xuống 20%.
Dân Mỹ là vậy. Còn người Việt mình có bao nhiêu phần trăm mắc nợ bị collection agencies đòi? Nên biết bị collection agencies đòi nợ không có nghĩa là món nợ nhiều, mà nhiều khi là khoản nợ rất nhỏ, rất vô duyên, chẳng hạn như tiền nợ quên trả toll-way, bỏ ngang hợp đồng điện thoại, lạc mất thư từ (trong đó có hóa đơn cần thanh toán), hoặc do đãng trí quên đi một khoản đã trót tiêu xài nhưng không nhớ nữa.
Có lẽ người Việt mình với tâm lý sợ mắc nợ nên vội vã trả chứ không như người Mỹ – Họ tự hào về tín dụng của mình nên pay minimum balance là chuyện bình thường. Có điều chỉ e là, khi một biến cố bất lợi xảy ra ngoài dự đoán (như mất việc chẳng hạn), nhất là trong hoàn cảnh kinh tế bấp bênh hiện nay, không trả được hóa đơn và bị collection agencies đòi nợ là chuyện tất nhiên; đặc biệt là hiện nay người Mỹ có rất nhiều hóa đơn khác nhau – Và đây cũng là cái giá phải trả cho đời sống hiện đại, tiện nghi của xứ sở này.
Nguyễn Thơ Sinh