Quỹ Giáo dục Việt Nam tổ chức ba chương trình, trong đó có một chương trình học bổng cho các sinh viên xuất sắc sang du học tại Hoa Kỳ.Tải để nghe bài phỏng vấnTrong phóng sự vào tháng 5 năm 2012, chúng tôi đã có dịp nói chuyện với bà Nguyễn Phúc Anh Lan về Quỹ Giáo dục Việt Nam, gọi tắt là VEF, khi bà vừa được tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm làm một thành viên trong Hội Đồng Quản Trị của quỹ này. Sau khi chính thức nhậm chức và làm việc 6 tháng trong Hội Đồng Quản Trị, bà Nguyễn Phúc Anh Lan dành cho chúng tôi buổi nói chuyện để trình bày những tin tức mới nhất của quỹ VEF.
NPH: Xin chào chị Anh Lan, xin chị vui lòng cho thính giả đài VOA biết những hoạt động chính của VEF trong mấy tháng vừa qua?
Anh Lan: Trong tháng 11 vừa qua, chúng tôi đã chuẩn phê cho ngân sách của quỹ học bổng năm khóa 2014. Tức là quá trình tuyển sinh cho khóa học 2013 đã xong. Bây giờ trên Website của quỹ Giáo Dục Việt Nam đã bắt đầu có hồ sơ để cho các thí sinh của khóa 2014 có thể bắt đầu nộp đơn vào và hạn chót là cuối tháng 4 năm 2013. Từ đây đến đó quỹ Giáo Dục Việt Nam sẽ có những chương trình để giúp phổ biến rộng rãi về chương trình học bổng này cho các em sinh viên Việt Nam để các em có thể tham dự vào.
NPH: Chúng tôi được biết quỹ Giáo Dục Việt Nam có ba chương trình tài trợ giáo dục, xin chị cho biết mục đích của mỗi chương trình như thế nào?
Anh Lan: Chương trình chính vẫn là chương trình học bổng dành cho sinh viên Việt Nam đang năm cuối hay học năm thứ 3 đại học và chuẩn bị để vào học hậu đại học, và cho các ngành khoa học kỹ thuật, toán học và y tế. Gần đây họ cho thêm ngành về môi trường. Chương trình này để giúp cho các SVVN có thể theo học ở một số đại học Hoa Kỳ với 2 văn bằng, hoặc là văn bằng Cao học là 2 năm, hoặc là văn bằng Tiến sĩ là 4 năm. Chương trình này sẽ đài thọ hết chi phí ăn ở, di chuyển và chi phí học hành trong suốt 4 năm. Quỹ Giáo dục Việt Nam đã thực hiện chương trình này từ năm 2003 cho đến nay và năm 2013 kỷ niệm 10 năm thực hiện chương trình quỹ Giáo dục Việt Nam.
NPH: Thế còn hai chương trình kia thì ra sao?
Anh Lan: Hai chương trình khác thì ngân sách không nhiều bằng, là chương trình Học Giả Việt Nam tức là những người đã tốt nghiệp tiến sĩ ở Việt Nam có thể qua tham dự vào các khóa học chuyên tu về ngành nghề của mình trong khoảng 1 năm hay năm rưỡi, gọi là visiting scholars, tức là học giả từ Việt Nam sang Hoa Kỳ. Và chương trình thứ ba là các giáo sư đại học Hoa Kỳ có thể tham dự vào chương trình giảng dạy ở Việt Nam. Họ có thể giảng dạy bằng cách về Việt Nam trong vòng 6 tháng, hoặc là về Việt Nam khoảng thời gian ngắn và sau đó dạy bằng online hoặc video conference. Đó là chương trình Faculty Scholars thì dành cho các vị học giả Hoa Kỳ này về VN để dạy ngắn hạn.
NPH: Chương trình học bổng quỹ Giáo Dục Việt Nam được phổ biến ra sao tại Việt Nam và các điều kiện để được tuyển chọn như thế nào?
Anh Lan: Quỹ GDVN có văn phòng ở Hà Nội. Các nhân viên trong tổ chức GDVN, cũng có những chương trình bằng truyền thông, truyền hình, báo chí để liên lạc với các đại học trên toàn nước Việt Nam. Theo chỗ chúng tôi biết thì họ cũng có dùng truyền thông online nhưng chúng tôi không biết rõ lắm về hiệu quả, chỉ biết là có bao nhiêu em nộp đơn mỗi kỳ. Nhưng một điều mà chúng tôi nghĩ có thể làm tốt hơn, đó là càng nhiều người biết về chương trình học bổng này và giúp phổ biến thì chúng tôi càng có nhiều cơ hội để cho các em, ở các vùng sâu, vùng xa thành phố nhưng mà các em có khả năng thì vẫn có thể nộp đơn được qua mạng lưới của quỹ Giáo Dục VN. Chúng tôi cũng xin nhắc là trang mạng của quỹ Giáo Dục Việt Nam là
www.vef.gov và gần đây chúng tôi có luôn cả phần tiếng Việt. Tất cả hồ sơ tài liệu, mọi thứ là có ở trên website.
NPH: Điều kiện căn bản để được nộp đơn xin học bổng có khó lắm không?
Anh Lan: Không có một đòi hỏi nào ngoài tiêu chuẩn chính là điểm Toefl để chứng tỏ mình có đủ Anh ngữ đi học ở ngoại quốc, và điểm Toefl là khoảng 500 trở lên, và điểm GRE tức là Graduate Record Examination và điểm học của mình thì phải 7 trên 10. Thì đó là 3 điều kiện tiên quyết, các em sinh viên có đủ 3 điều kiện này và sẽ ra trường năm 2014 thì có quyền nạp đơn.
NPH: Trong những năm vừa qua, dường như quỹ không tìm được đủ số các em có đủ khả năng để cấp học bổng, phải không chị?
Anh Lan: Số học bổng có là 50 mỗi năm nhưng không phải năm nào cũng có được 50 em, đủ tiêu chuẩn qua Hoa Kỳ để học. Cho nên chúng tôi quan niệm là mình nên có một số lượng các em nộp đơn thật đông, ít ra mình tìm được một số đủ tiêu chuẩn là 50 thí sinh sẽ được học bổng này.
NPH: Nhiều người quan tâm về vấn đề làm sao để học bổng đến được với người có khả năng thì Qũy Giáo dục Việt Nam có những biện pháp nào để đạt được mục tiêu đó?
Anh Lan: Quá trình tuyển sinh của họ rất minh bạch. Người đi tuyển sinh là những giáo sư, hoặc giảng sư trong viện hàn lâm Hoa Kỳ, được gửi về Việt Nam để phỏng vấn các em thí sinh. Cho nên vấn đề đút lót, hối lộ không xảy ra được. Những em nào đã được interview thì phải giỏi mới được đi Hoa Kỳ để học và tất cả các em sinh viên ở Việt Nam đều có thể apply cho chương trình này. Toàn bộ quá trình apply là ở trên website, không thông qua bất cứ một nhân viên nào. Mình nộp đơn lên online, sau đó nếu mình có đủ tiêu chuẩn mình sẽ được interview và interview đó sẽ do những giáo sư ở Hoa Kỳ. Và dĩ nhiên mình phải giỏi tiếng Anh tại vì nếu không đủ Anh Ngữ thì sẽ bị loại. Chương trình này được đến năm 2018 là xong. Cho nên năm cuối cùng tuyển sinh là 2016. Từ đây đến 2016 chỉ còn 3 đợt nữa thôi, chúng tôi mong rằng quí vị nào có con em học năm thứ nhất, năm thứ hai mà muốn đi chương trình này thì điều kiện duy nhất là học giỏi, phải có đủ khả năng về Anh ngữ và phải chuẩn bị trước để mà khi đi vào phỏng vấn được tốt đẹp.
NPH: Chị có điều gì muốn gửi đến phụ huynh và các em sinh viên tại Việt Nam trước khi chia tay?
Anh Lan: Chúng tôi muốn kêu gọi quý đồng hương nào ở Việt Nam nghe được chương trình này mà biết được những nhân tuyển xứng đáng để được học bổng thì xin giới thiệu các em đó để tìm hiểu ngay trên website của Qũy Giáo dục Việt Nam, đó là
www.vef.gov. Xin vui lòng phổ biến rộng rãi vì chúng tôi mong muốn các tài năng của thanh niên Việt Nam ở khắp nơi trên các mọi miền đều có được cơ hội giống như nhau để nạp đơn vào quỹ học bổng này.
NPH: Xin cảm ơn chị Anh Lan về buổi nói chuyện hôm nay.
Source: VOA