Một khu xóm ở Đất Mũi Cà Mau.
Người ta hay nói về vẻ thơ mộng của mùa thu Hà Nội, vẻ quyến rũ của núi rừng Tây Bắc mùa thu hoặc vẻ bồn chồn, ngập ngừng vào thu của thành phố vốn dĩ nhộn nhịp và hối hả như Sài Gòn, nhưng ít ai nói về mùa thu miền Tây Nam Bộ, cách Sài Gòn không xa cho lắm, nhưng xứ sở này lại có một mùa thu miên man sông nước và có những cuộc đời cũng vàng vọt như lá thu trôi giữa dòng. Có lẽ, không có mùa thu ở đâu lại cho cảm giác hết sức lạ lẫm và tạo ra cảm giác mơ hồ, thương cảm cuộc đời như mùa thu ở Tây Nam Bộ, và cái Tết Trung Thu của các bé thơ ở đây tạo ra cảm giác buồn khó tả.
Ít cơ hội cảm nhận mùa thuMột người mẹ tên Thu của bốn đứa trẻ ở Năm Căn, Cà Mau nói về quê chị: “Rất là khó khăn, ví dụ như trường gần thì có thể 6 giờ nó đi, nhưng xa hơn chút thì từ 3 giờ nó đã thức dậy nó đi rồi. Đó là học trung học đó, còn học cấp 3 thì người ta phải tạo điều kiện thuận lợi cho tụi nó ra ngoài mướn nhà ở lại chứ làm sao đi thế đâu. Đi bằng đò nhỏ đó, nguy hiểm lắm, sông sâu nước chảy. Giông gió cỡ nào cháu cũng đi học, 3 – 4 giờ sáng thì cũng có mưa, nhưng mưa thì cháu cũng đi, người ta có điều kiện người ta che đò lại để đi nhưng mà cũng cực khổ.”
Theo chị Thu, trẻ em miệt Tây Nam Bộ ít có cơ hội cảm nhận mùa thu cũng như ít có điều kiện để được hưởng một cái Tết Trung Thu đúng nghĩa. Ngoại trừ một số trẻ em con nhà khá giả, cha mẹ có đủ tiền bạc thì chúng được hưởng Tết Trung Thu ấm áp, vui vẻ, còn những em bé nhà nghèo chiếm số đông hiện tại không có Tết Trung Thu vì nhiều lý do khác nhau, nhưng lý do lớn nhất vẫn là bởi thiếu thốn mọi bề.
Chị Thu cho biết thêm là phần đông trẻ em ở Tây Nam Bộ nói chung và ở Năm Căn nói riêng đều có cuộc sống hết sức vất vả, khó khăn. Chỉ riêng việc đến trường, có nhiều em mỗi sáng phải thức dậy lúc 4 giờ và sau đó ăn qua quýt lưng chén cơm với khô sặc nướng hoặc cá kho quẹt để lên xuồng ba lá, cha mẹ sẽ chở chúng đi mất hết gần hai giờ đồng hồ để đến lớp bởi tuy đoạn sông không dài nhưng phải bơi luồn lách để tránh sóng và tránh những luồng nước dữ. Việc đến lớp của trẻ em ở đây hết sức khó khăn, chính vì thế, ít có em theo đuổi việc học.
Đó là chưa nói đến trường hợp học phổ thông trung học, các em phải lên thị trấn hoặc thị xã thuê nhà trọ để ở lại học chứ tại các xã không có trường cấp ba. Chính vì việc học cấp ba quá tốn kém và khó khăn nên đa phần học sinh tốt nghiệp xong trung học cơ sở, tức cấp 2 thì bỏ học, lên thành phố đi làm thuê hoặc quanh quẩn ở nhà học nghề đan lưới, phụ giúp cha mẹ… Chỉ riêng việc học không thôi cũng đã quá vất vả như vậy thì lấy đâu ra tiền để vui Trung Thu.
Các Em nhỏ ở Cà Mau chuẩn bị đi bắt ốc phụ giúp gia đình. RFA PHOTO
Chị Thu đã lắc đầu, buồn bã đưa ra kết luận như vậy về Tết Trung Thu và còn cho chúng tôi biết thêm là mùa thu lục tỉnh rất buồn, cảm giác miên man, ảm đạm, sầu rớt thường kéo về theo gió mùa và mây trời u uẩn. Sự u uẩn này còn nhân lên gấp bội mỗi khi nghe giữa xóm vắng, một cô nào đó cất lên bài vọng cổ ru con với giọng buồn ai oán và có chút gì đó hụt hẫng, tiếc nuối một thời xuân sắc đã vuột bay.
Xa lạ Tết Trung ThuBé Duyên, ở Đất Mũi, chia sẻ: “Khi mình đi trường học, ăn trung thu ở lớp cũng vui nhưng mà về nhà không vui, tại vì trung thu thấy cũng bình thường thôi, người ta không tổ chức gì lớn, trong này người ta thấy trung thu cũng bình thường, không có gì quan trọng, còn trẻ em thì ở lớp thôi.”
Theo em, Tết Trung Thu là một thứ gì đó quá xa lạ đối với trẻ con ở Đất Mũi mặc dù mỗi khi nghe tiếng trống múa lân vang vọng đâu đó, em vẫn náo nức muốn đi xem. Nhưng hoàn cảnh gia đình em cũng như nhiều bạn trong xóm chài của em không cho phép những đứa bé được vui chơi. Vì mỗi ngày, em cùng các bạn trong xóm phải đi bắt ốc cùng với cha mẹ, đa phần các bạn đều nghỉ học hồi còn lớp một, lớp hai, riêng em may mắn vẫn đang đi học nhưng thời gian đi học và phụ giúp gia đình không cho phép em vui chơi bất kể lúc nào, kể cả việc xem truyền hình mỗi tối.
Và mỗi ngày, tiêu chuẩn phải đạt được của Duyên cũng như nhiều bạn trẻ trong xóm Lò phải là từ ba cho đến bốn ký lô ốc len. Với mùa nước cạn, việc bắt ốc len có phần thuận tiện hơn, em cùng các bạn trẻ trong xóm chỉ việc mang giỏ, mang thùng lội vào rừng đước và dán mắt xuống bùn, thấy ốc nổi trên mặt sình thì lượm bỏ vào giỏ, giỏ đầy thì trút vào thùng, mỗi giỏ nặng chừng hai ký, bữa nào trúng đậm cũng được ba đến bốn giỏ, bán được từ bốn chục ngàn đồng đến sáu chục ngàn đồng tùy phiên chợ. Nhưng đó là chuyện trúng đậm, năm thì mười họa, còn hằng ngày, chỉ cần bắt được hai ký, bán được từ mười lăm đến hai lăm ngàn đồng là đã quá đủ với Duyên cùng các bạn trong xóm.
Theo chân Duyên về nhà, chúng tôi bắt gặp một khu xóm trên Đất Mũi hiện ra trước mắt làm ngỡ ngàng rằng mình đang lọt vào tiền sử, nhà cửa xiêu vẹo, tạm bợ trên những thân cột bằng gỗ đước cắm xuống lòng sông, xuyên qua lớp sình đen đúa và cho cảm giác những ngôi nhà xụp xệ này có thể bị nhấn chìm xuống sình và nước đen bất kì giờ nào. Dường như trong xóm không thấy bóng dáng đàn ông, chỉ toàn phụ nữ và trẻ con, hỏi ra mới biết là đàn ông đã ra khơi hoặc đi làm thuê ở xa, ít có người đàn ông nào trụ nổi ở nhà bởi cái đói và sự khó khăn thôi thúc đôi chân họ phải đi càng xa càng tốt.
Quang cảnh xóm Lò ở Đất Mũi và những khu xóm nghèo ở huyện Năm Căn, Cà Mau khiến chúng tôi chỉ biết lắc đầu thở dài và thầm thán phục những cuộc đời nghèo khổ vĩ đại. Cái nghèo, sự khốn cùng đã đạt đến tầm mức vĩ đại và không thể bình luận gì thêm. Tự dưng, tiếng trống thu đâu đó vọng lại nghe rưng rức nỗi buồn và đầm đìa tiếng khóc của những người mẹ trẻ, của những đứa bé trót sinh ra nơi vùng đất nghèo khổ, u uẩn này.
Đã có nhiều mùa thu như thế đi qua miệt Tây Nam Bộ.
Theo RFA