Tóm lược: "Sương Trắng Miền Quê Ngoại" là một bài hát chứa chan tình yêu thương mẹ của một anh lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trong lúc đi hành quân. Tác giả diễn tả tình yêu thương mẹ đó với những hình ảnh sâu sắc và thơ mộng trong phần đầu. Cách dùng chữ và kỹ thuật viết rất có hiệu quả và gây cảm xúc mạnh. Phần sau không được hay bằng, nhưng vì khía cạnh nhạc (giai điệu, hòa âm, và nhịp điệu) và phần đầu quá sáng chói nên người nghe quên đi hoặc bỏ qua vài khuyết điểm ở phần sau. Bài hát là một thí dụ cho thấy sức sáng tạo kỳ diệu và sức mạnh của âm nhạc miền Nam trước năm 1975.
Năm 1970, Duy Khánh, ca sĩ nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam, trình bày bài "Sương Trắng Miền Quê Ngoại" lần đầu. Bài hát làm rúng động nền âm nhạc bấy giờ vì giai điệu tuyệt vời và lời nhạc tha thiết, nói về lòng thương nhớ của một người lính về quê ngoại. Một điểm kỳ lạ là nhạc sĩ của bài hát là một người hầu như không ai biết đến lúc bấy giờ. Tên nhạc sĩ là Đinh Miên Vũ. Một điểm kỳ lạ hơn thế nữa là trong suốt cả thời gian sau đó cho tới năm 1975 khi miền Nam bị rơi vào ách đô hộ của cộng sản, Đinh Miên Vũ không hề sáng tác thêm một bài nào. (Bài hát "Xin Em Đừng Khóc Vu Quy" mà hiện nay nhiều nơi ghi tên tác giả là Đinh Miên Vũ - Linh Phương thật ra tác giả chính xác là Minh Phương.) Thông thường, khi tác giả một bài hát đạt thành công rực rỡ với tác phẩm đầu tay, người đó sẽ viết các tác phẩm kế tiếp, nhất là trong thời gian đó, nền âm nhạc ở miền Nam đang ở tột đỉnh với hàng trăm bài hát trên radio và sau này là truyền hình. Sự kỳ lạ đó chưa chấm hết. Cho đến nay, năm 2014, tác giả thực sự của bài hát vẫn chưa được xác định hoàn toàn.
Câu chuyện bí ẩn ai là Đinh Miên Vũ được Nguyễn Ngọc Ngạn, MC của chương trình âm nhạc Thúy Nga, thuật lại trong bài "Kỷ Niệm Sân Khấu" (Nguyễn Ngọc Ngạn). Đại khái, khi ca sĩ Quang Lê trình bày bài tại San Jose, một người đến gặp anh và cho biết ông ta là Đinh Miên Vũ, tên thật là Đinh Miên, đang cư ngụ ở Bắc California, và là tác giả bài "Sương Trắng Miền Quê Ngoại." Sau đó, Đinh Miên viết bài "Hai Quê" và bài đó được Quang Lê trình bày tại Korea. Năm 2008, một người tên là Vũ (hay Võ) Hữu Bình, cư ngụ tại Miami, Florida, viết thư cho Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết ông ta là một trong ba người tác giả của bài hát. Hai người bạn kia của ông tên là Đinh Trụ và Miên Thành. Tên Đinh Miên Vũ là tên ghép từ họ của ba người. Ba người cùng sáng tác bài hát lúc đóng quân ở phi trường Đồng Hới, Đông Hà, Quảng Trị. Võ Hữu Bình chỉ muốn nhờ Thúy Nga loan báo để tìm lại hai người bạn đồng đội đó vì sau khi cùng nhau sáng tác và gởi cho Duy Khánh, họ mất liên lạc. Nguyễn Ngọc Ngạn móc nối để Võ Hữu Bình liên lạc với Đinh Miên để xem Đinh Miên có phải là một trong hai người Đinh Trụ và Miên Thành không. Kết quả là Đinh Miên không phải là Đinh Trụ và Miên Thành, và cả hai đều duy trì là họ là tác giả của bài hát, Đinh Miên là tác giả duy nhất và Võ Hữu Bình là đồng tác giả với Đinh Trụ và Miên Thành.
Cả hai người, Đinh Miên và Võ Hữu Bình, đều không nhận tiền tác quyền. Do đó, tiền bạc không phải là lý do họ nhận là tác giả. Tiếng tăm chắc cũng không phải là lý do, vì cả hai đều có vẻ muốn sống cuộc đời ẩn dật. Người duy nhất có thể biết sự thật là ca sĩ Duy Khánh, người đã mua tác quyền của bài hát lúc ở Việt Nam. Nhưng Duy Khánh đã mất năm 2003; và do đó, chuyện ai là tác giả bài "Sương Trắng Miền Quê Ngoại" sẽ vĩnh viễn là một bí mật trừ phi có thêm chứng cớ mới đáng tin cậy.
Vì tác giả thực sự của bài hát chưa được xác định rõ rệt, tôi sẽ không viết thêm về tiểu sử tác giả. Bạn đọc có thể đọc tiểu sử Đinh Miên trên mạng (Wikipedia 2014). Tuy nhiên, cái tên Đinh Miên Vũ là danh xưng không ai phủ nhận. Do đó, tôi sẽ dùng Đinh Miên Vũ là tên tác giả, cho dù đó là Đinh Miên hoặc ba người Đinh Trụ, Miên Thành, và Võ Hữu Bình.
Với vỏn vẹn một bài hát và tác giả chưa được xác định, rất khó viết về ý tưởng và các nhận xét khác về bài hát. May thay, như đa số các bài hát khác của miền Nam Việt Nam trước 1975, bài "Sương Trắng Miền Quê Ngoại" tự nó có đầy đủ chứng cớ cho một bài hay với nội dung đầy tình cảm và cách diễn tả tuyệt vời tuy có vài khuyết điểm, mà không cần tra cứu gì thêm về tác giả.
Tôi đã viết về bài "Về Đâu Mái Tóc Người Thương" (Cao-Đắc 2014a) và "Một Mai Giã Từ Vũ Khí" (Cao-Đắc 2014b). Trong bài này tôi sẽ không lập lại những gì đã viết về hai bài đó.
Phẩm chất hoặc giá trị của một bài hát thường dựa vào hai khía cạnh: nhạc (music) và lời (lyric). Khía cạnh nhạc thường gồm có ba yếu tố: giai điệu (melody), hòa âm (harmony), và nhịp điệu (rhythm). Khía cạnh lời gồm có nội dung câu chuyện, ý nghĩa câu ca, từ ngữ, cách dùng chữ, cú pháp, cách hành văn. Ngoài hai khía cạnh trên, còn có các khía cạnh khác như nhạc cụ, ca sĩ, nhạc cảnh, phụ diễn (vũ công, người mẫu, v.v.). Tôi tin rằng những bài hát hay cần phải hay cả nhạc lẫn lời. Có những bài hay vì khía cạnh nhạc, nhưng lời không xuất sắc lắm. Một thí dụ điển hình là bài "Những bước chân âm thầm" của Y Vân. Có rất ít bài hay chỉ vì lời. Lý do đơn giản là âm nhạc dựa vào âm thanh, và âm thanh chỉ có thể cảm nhận bằng nghe, chứ không thể bằng đọc hoặc nhìn được. Nếu ai chỉ muốn thưởng thức lời thì họ có thể tìm được ở một bài văn hoặc một bài thơ. Tuy nhiên, lời nhạc đóng góp một phần quan trọng trong giá trị của bài nhạc. Nhiều khi chỉ một câu trong bài nhạc cũng đủ làm cho người nghe xao xuyến. Thí dụ như câu "Hồn lỡ sa vào đôi mắt em" như tôi phân tích trước đây.
Bài "Sương Trắng Miền Quê Ngoại" hay cả nhạc lẫn lời, tuy lời chỉ xuất sắc ở phần đầu như sẽ được phân tích sau. Như trong hai bài trước, tôi sẽ chỉ chú trọng về khía cạnh văn chương của lời nhạc.
Nguyên văn lời bài hát như sau.
Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm
Sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm
Chim muông buồn rủ nhau bay về đâu
Ngẩn ngơ lũ vượn gọi nhau
Nào những khi ôm thép súng tê tay
Đăm mắt theo bao hư ảo thở dài
Nơi chốn xa buồn thương mẹ quàng gánh
Em còn khêu sáng ánh đèn từ sương mai
Mẹ biết bây giờ con ngồi hố nhỏ, gió hẹn mưa thề
Một khi con về quê ngoại xưa, để mẹ nhắn lời thăm
Đường làng cũ năm nào,
khi con còn bé nhỏ theo mẹ đến trường
Giờ đây con đường xưa còn đó
Tóc liễu vờn gió ru buồn...
Bận hành quân nên chắc khó thăm nhau
Nhưng có nhau như hơi thở vào đời
Tóc em còn có thơm hương cỏ may
Để anh nói chuyện ngày mai
Bạn bè anh theo lớp tuổi ra đi
Dăm đứa thân nghe tin chẳng trở về
Xin có em nguyện cầu cho đời anh
Đá mềm chân cứng để mẹ còn tương lai...
Như đa số nhiều bài hát khác, lời nhạc thường bị ghi chép sai lầm, hoặc ca sĩ sửa đổi lời nhạc, vô tình hay cố ý. Có những sửa đổi vô hại, nhưng có những sửa đổi làm mất ý nghĩa của câu. Trong bài, có vài chỗ lời bị thay đổi. Thí dụ như "buốt" thay vì "ướt" trong câu "Sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm," "cuộc đời" thay vì "buồn thương" và "quẳng" thay vì "quàng" trong câu "Nơi chốn xa buồn thương mẹ quàng gánh," "phố" thay vì "hố" trong câu "Mẹ biết bây giờ con ngồi hố nhỏ," "liều" thay vì "liễu" và "hoài" thay vì "buồn" trong câu "Tóc liễu vờn gió ru buồn," "đôi khi" thay vì "nghe tin" trong câu "Dăm đứa thân nghe tin chẳng trở về." Tất cả những sửa lời này làm mất, và có khi còn làm trái ngược, ý nghĩa của bài hát. Thí dụ như "quẳng gánh" là vất gánh xuống, trong khi "quàng gánh" là vác gánh lên vai. Câu ca đang nói về ban mai, khi người mẹ gánh hàng ra chợ bán, cô em còn "khêu sáng ánh đèn từ sương mai" thì làm sao mà quẳng gánh được?
Tình yêu thương mẹ được thể hiện tuyệt vời với lối diễn tả đơn giản nhưng táo bạo và độc đáo Nội dung bài hát là lời nói của anh lính xa nhà. Trong lúc đi hành quân trong vùng núi rừng, anh nhớ đến mẹ anh và hồi tưởng ngày thơ ấu đi theo mẹ đến trường. Anh có người yêu, và anh muốn người yêu cầu nguyện cho anh để anh hoàn thành sứ mạng.
Bài hát không chú trọng vào cốt chuyện duy nhất về người mẹ. Anh lính đề cập đến cuộc sống lính tráng của anh, chuyện tình, và bạn bè của anh. Vì vậy, người nghe có thể bị phân tán, và có cảm tưởng tình tiết không được chặt chẽ. Tác giả cố móc nối chuyện tình anh với mẹ anh bằng câu chót, nhưng ý nghĩa câu chót mơ hồ và sự móc nối lỏng lẻo nên không tạo được tính chất mạch lạc chặt chẽ của các ý tưởng. Tuy nhiên, với kỹ thuật diễn tả điêu luyện và cách dùng chữ tài tình, tác giả đã làm nổi bật lòng thương yêu mẹ và tình quê ngoại của anh lính.
Mở đầu, anh lính nói đến cuộc hành quân của anh. Anh phải "lội bùn dơ" và đi ngang qua đám lau sậy trong nước chằng chịt khiến anh phải cố lách qua và phải đi như vậy suốt cả đêm. Nơi anh đi chắc phải là vùng rừng núi. Sương rơi trên vai làm ướt áo anh. Chắc là anh không đi một mình và có các bạn đồng đội đi theo. Nhưng anh và đồng đội anh phải đi qua lạch đầy bùn và lau sậy một cách yên tịnh, có thể vì sợ quân địch khám phá, vì anh có thể thấy đàn chim bay và nghe tiếng khỉ vượn hú.
Nơi anh đi hành quân ở đâu? Dựa vào nhan đề bài hát "Sương trắng miền quê ngoại" và "sương trắng rơi vai" anh "ướt lạnh mềm", ta có thể hiểu được là anh đang đi hành quân ở miền quê ngoại. Vì vậy anh nhớ đến mẹ và em anh. Mẹ và em anh đang ở "nơi chốn xa" và không ở miền quê ngoại. Trong lúc hành quân, anh phải ngồi chờ, có thể chờ quân địch hoặc chờ chỉ thị hoặc tiếp viện. Ngồi trong "hố nhỏ" trong cơn mưa gió, anh nhìn về phía xa xa và tưởng tượng hình ảnh gia đình anh lúc đó. Bấy giờ là sáng sớm, mẹ anh đang vác gánh lên vai để mang hàng ra chợ bán. Em của anh đang khêu đèn để có ánh sáng vì mặt trời chưa mọc.
Chắc anh cũng thường xuyên liên lạc thư từ với mẹ anh, nên mẹ anh biết anh đang "ngồi hố nhỏ" trong cơn mưa gió trong khung cảnh hoang vu của rừng núi ("Mẹ biết bây giờ con ngồi hố nhỏ"). Với chi tiết anh biết mẹ anh đang quàng gánh lúc sáng sớm mai, và mẹ anh biết anh đang ngồi hố nhỏ trong chuyến hành quân, tác giả cho thấy mối liên hệ mẹ con của anh lính rất mật thiết, kể lể tâm sự với nhau nhiều lần. (Để ý là "mẹ biết" có thể là một câu hỏi: "Mẹ có biết... không?" Cho dù đó là câu hỏi, ta vẫn thấy anh lính kể lể mọi chuyện về anh cho mẹ anh nghe.) Mẹ anh còn nhắn lời thăm họ hàng quyến thuộc vẫn còn ở quê ngoại khi anh có dịp đi qua quê ngoại.
Anh chợt nhớ đến ngày thơ còn bé. Mẹ anh dắt anh đi trên con đường làng tới mái trường xưa. Bây giờ con đường đó vẫn còn, nhưng hình ảnh mẹ anh đi trên con đường đó lúc mẹ còn trẻ không còn nữa, vì mẹ anh hiện đang ở xa.
Đây có lẽ là đoạn cao đỉnh của bài hát. Tác giả dùng lời lẽ thật bình thường nhưng vẽ ra một hình ảnh có tác dụng mãnh liệt: "Đường làng cũ năm nào khi con còn bé nhỏ theo mẹ đến trường." Chỉ với nhóm chữ/ cụm từ "theo mẹ đến trường," tác giả cho thấy hình ảnh thơ ngây của cậu bé, lẽo đẽo đi theo mẹ trên con đường làng. Hình ảnh đó cho thấy cái nhỏ bé, ngơ ngác, sợ sệt, dè dặt của một cậu bé phải dựa vào sự chăm sóc, lo lắng của mẹ. Một hình ảnh chứa chan tình cảm tràn trề, có tác dụng trên tất cả mọi người thương yêu mẹ. Cho dù bạn không đi theo mẹ đến trường lúc còn bé, hoặc không đi trên đường làng, bạn vẫn có thể hình dung ra được và có nỗi cảm xúc bồi hồi. Có những nhóm chữ/ cụm từ rất đơn sơ, nhưng rất tượng hình, tượng thanh, và gây xúc động mạnh. Thí dụ như "con níu chân cha" trong "Trộm Nhìn Nhau" của Trầm Tử Thiêng, "mẹ lần mò" và "nắm áo người xưa" trong "Ngày trở về" của Phạm Duy, và "lá ngủ thật mê say" trong Hoa Trinh Nữ của Trần Thiện Thanh.
Anh nhớ gì về mẹ anh nhất trong khoảng thời gian đó? Một cách bất ngờ và độc đáo, tác giả vẽ ra một hình ảnh kỳ diệu: "tóc liễu vờn gió ru buồn." Ít có người con trai nào nghĩ đến mẹ mình qua những sợi tóc rũ dài bay theo làn gió nhẹ thoảng. Cậu bé còn cắp sách tới trường đó đã là một thi sĩ! Ta có thể hình dung hình ảnh người mẹ dắt cậu bé đi học trên con đường làng tới trường. Mẹ cậu bé, có lẽ có lúc đi nhanh hơn cậu bé, và cậu bé đi sau mẹ nên mới có dịp ngắm tóc mẹ rũ dài bay theo làn gió. Cậu bé không biết cách diễn tả ra sao, nhưng chỉ ghi nhận hình ảnh đó mãi mãi trong đầu óc, để cho đến khi cậu bé trưởng thành, trở thành một thi sĩ, nhạc sĩ và có đủ ngôn từ diễn tả, anh mới bật ra "tóc liễu vờn gió ru buồn." Để hiểu cái độc đáo của tình yêu thương anh lính dành cho mẹ anh, bạn hãy tự hỏi bạn có giữ hình ảnh gì của mẹ bạn từ lúc bạn còn bé.
Tác giả rất táo bạo khi dùng câu "tóc liễu vờn gió ru buồn" để tả những sợi tóc mẹ. Sự táo bạo đó có thể khiến người nghe không hiểu. Vì hình ảnh đó thật đột ngột, và "tóc liễu" thường dùng để tả một cô gái, ít ai có thể hiểu được anh đang tả mẹ anh lúc bà còn trẻ. Do đó, rất nhiều người hơi ngỡ ngàng khi nghe câu này. Ngoài ra, với lối tả như thể đó là hình ảnh trong hiện tại, người nghe không nhận ra được ý anh muốn nói là "Giờ đây con đường xưa còn đó" nhưng "tóc liễu vờn gió (ru buồn)" của mẹ không còn nữa, vì mẹ anh không còn ở quê ngoại, hoặc vì mẹ anh đã trở thành người đàn bà trung niên làm việc lam lũ và không còn tóc liễu nữa. Tuy nhiên, vì "theo mẹ đến trường" và "tóc liễu vờn gió (ru buồn)" quá mạnh, tạo ấn tượng sâu đậm trên người nghe, sự mơ hồ này không có ảnh hưởng lắm và người nghe dễ dàng bỏ qua.
Quả thật vậy, theo tôi nghĩ, cả toàn bài, hình ảnh cậu bé theo mẹ đến trường trên con đường làng và tóc liễu bà mẹ vờn gió là hình ảnh đẹp đẽ và thơ mộng nhất. Cái ý tưởng cậu bé ghi nhận hình ảnh tóc mẹ bay trong gió từ lúc còn bé ngây thơ theo mẹ đến trường cho đến lúc anh trưởng thành, trở thành một chiến sĩ xông pha trận mạc, lội bùn lách lau sậy trên đường hành quân, tay ôm súng thép, bảo vệ non sông, là một ý tưởng không những thơ mộng, hồn nhiên, mà còn gây xúc động mãnh liệt. Chính cái hình ảnh này khiến người nghe muốn nghe đi nghe lại bài hát, đưa hồn vào giọng ngân cao dài của ca sĩ diễn tả. Chỉ đoạn đó thôi làm người nghe quên hết tất cả những lỗi nhỏ nhặt khác.
Rồi ý nghĩ anh lính miên man tiếp tục. Anh nhớ tới người yêu anh. Tác giả đổi cảnh một cách đột ngột. Từ hình ảnh người mẹ, anh chuyển sang người yêu. Tuy chuyện đó rất là bình thường cho một người lính ngồi trong hố nhỏ miên man nghĩ đến những người thương yêu, tác giả khiến người nghe ngỡ ngàng, hơi bị "chưng hửng" vỉ đang bị cảm xúc mạnh sau hình ảnh đẹp đẽ và thơ mộng còn đang vương vấn. Sau khi được nốt nhạc đưa lên cao với "tóc liễu vờn gió ru buồn", người nghe mong mỏi một chuyển tiếp nhẹ nhàng, có thể là một hình ảnh khác, một cảm tưởng khác về bà mẹ. Tiếc thay, anh lính đổi cách xưng hô vì anh chuyển sang nói với người yêu anh. Đang từ "mẹ con" biến thành "anh em." Chưng hửng là còn nhẹ. Người nghe có thể thất vọng. Có thể tác giả cố tình, có thể tác giả thiếu kinh nghiệm. Dù do lý do gì, tác giả không giữ được sự liên tục của các hình ảnh cho người nghe.
Với người yêu, anh không mô tả nàng. Anh chỉ cảm thấy ấm cúng vì "có nhau như hơi thở vào đời." Nhưng anh không rõ người yêu anh còn trông chờ anh hay không. Ở đây, tác giả dùng "thơm hương cỏ may" để ám chỉ sự trung thành, trang tiết của cô gái chờ đợi người yêu. Cỏ may thường được kết hợp với câu chuyện một cô gái đi tìm người yêu nhưng sau đó chết vì mòn mỏi kiếm mãi không thấy anh khắp nơi (Xem, thí dụ như, Dân 2007). Ý nghĩa của câu chuyện đó thường liên kết với tình yêu mạnh mẽ và trung thành. Trong bài hát này, anh lính mong là người yêu anh vẫn còn trông đợi anh và anh sẽ "nói chuyện ngày mai" về tương lai hai đứa.
Rồi anh lính nhắc đến các bạn học đã đi lính như anh. Vài đứa bạn thân đã "nghe tin chẳng trở về." Anh nhờ người yêu anh cầu nguyện cho anh, không phải vì anh sợ chết mà anh muốn sống để hoàn thành nhiệm vụ "đá mềm chân cứng" để mẹ có tương lai. Tác giả dùng sự ra đi biệt tin của những người bạn thân anh để dẫn đến chuyện anh mong người yêu cầu nguyện cho anh. Cách chuyển đổi hơi gượng ép và khiến người nghe hơi bị "chưng hửng" lần nữa vì sự móc nối không được tự nhiên. Tác giả không cần phải dùng sự ra đi biền biệt của mấy người bạn anh, vì chuyện anh ta là lính đủ cho biết anh sống chết ngày nào không biết.
Câu chót "Đá mềm chân cứng để mẹ còn tương lai" có nhiều vấn đề. Trước hết, "đá mềm chân cứng" có ý nghĩa lạ lùng. Ý nghĩa dễ hiểu nhất là anh lính tiếp tục đi hành quân, bước trên những con đường sỏi đá nhiều đến độ chân anh trở nên chai cứng và đá sỏi phải mềm đi vì bước chân của anh. Nhóm chữ/ cụm từ này cũng xuất hiện trong bài "Một lòng đợi bạn" (Anh ra đi đá mềm chân cứng/ Em ở nhà hãy vững như đồng). Nó cũng có thể ám chỉ sự kiên tâm trì chí. Nhưng trong bối cảnh anh lính đi hành quân, ý nghĩa bước chân đi khắp nơi trong các cuộc hành quân có lẽ đúng nhất.
Nhóm chữ/ cụm từ "để mẹ còn tương lai" hơi yếu ớt, như thể tác giả chợt nhớ là bài hát này là cho mẹ nên cố móc nối lại hình ảnh người mẹ. Quan trọng hơn, cách diễn tả của câu chót rất khó hiểu và kỳ quặc. Làm sao mà "đá mềm chân cứng" có thể đem tương lai cho mẹ anh? Từ "đá mềm chân cứng" tới "mẹ còn tương lai" người nghe phải đi qua nhiều giai đoạn suy luận:
Đá mềm chân cứng → Đi hành quân nhiều → Đem chiến thắng → Hòa bình trở lại → mẹ có tương lai.
Lối diễn giải có chuỗi suy luận gồm có nhiều mệnh đề luận lý như trên thường được coi là "ngụy biện luận lý" (logical fallacy) trong lý thuyết về tranh luận (argument). Một cách bình dân, ta có thể nói đó là lối "chuyện bé xé to." Trong lối diễn giải này, nhiều mệnh đề luận lý được chắp nối vào nhau trong đó phần kết luận (conclusion) của một mệnh đề là phần giả thuyết/thiết (premise) của mệnh đề được chắp nối kế tiếp, theo một cách mà từ phần giả thuyết/thiết của mệnh đề đầu tiên đến phần kết luận của mệnh đề cuối cùng là một bước nhảy luận lý vĩ đại (giant leap of logic). Sau đây là một thí dụ:
Nếu trời mưa, tôi ở nhà.
Nếu tôi ở nhà, tôi vào trang mạng Dân Làm Báo.
Nếu tôi vào trang mạng Dân Làm Báo, tôi đọc các lời phê bình của dư luận viên cộng sản.
Nếu tôi đọc các lời phê bình của dư luận viên cộng sản, tôi dễ nổi giận.
Do đó, tổng kết lại, nếu trời mưa thì tôi dễ nổi giận. Cái sai lầm của ngụy biện này rất hiển nhiên.
Kiểu ngụy biện luận lý trên được gọi là dốc trơn (slippery slope) hoặc Domino fallacy (Xem, thí dụ như, Damer 2009, 185). Khi bạn tuột xuống một dốc trơn, bạn sẽ lôi kéo cả một đống vật cản trở dọc đường, và cuối cùng thì các vật này dồn lại thành một đống vĩ đại, tương tự như phản ứng dây chuyền do bởi những miếng dominoes ngã lên nhau.
Lẽ dĩ nhiên, đây là một bài hát, không phải là một bài dùng luận lý. Nhưng văn thơ nhạc dựa vào suy diễn tương tự như luận lý. Các biến dạng của suy diễn này là nghĩa đen/ nghĩa bóng và ẩn dụ. Văn sĩ hoặc thi sĩ rất thường dùng kiểu suy diễn này để diễn tả ý tưởng một các gián tiếp. Nhưng các suy diễn nên đơn giản, thông thường, được nhiều người chấp nhận, hoặc chỉ cần một hay hai bước suy diễn. Không ai muốn diễn tả quá phức tạp làm ý nghĩa trở nên khó hiểu hay kỳ quặc. Ở đây, "đá mềm chân cứng" là một nhóm chữ/ cụm từ it ai dùng. Từ "đá mềm chân cứng" để suy ra nghĩa bóng là "đi hành quân nhiều" đòi hỏi một trí tưởng tượng không nhỏ. Từ "đi hành quân nhiều" để suy ra "chiến thắng trên chiến trường" là hơi vất vả. Cứ thế, bạn sẽ thấy tác giả khiến người nghe phải có trí tưởng tượng thật là phong phú mới hiểu được tại sao "đá mềm chân cứng" sẽ cho "mẹ còn tương lai."
Ngoài chuyện suy diễn cực nhọc đó, cái kết luận "mẹ còn tương lai" có vẻ mơ hồ. "Tương lai" có vẻ mơ hồ. Anh lính chắc cũng khoảng lứa tuổi hai mươi. Mẹ anh, chắc cũng còn trẻ (dựa vào câu "tóc liễu vờn gió ru buồn" hàm ý mẹ anh khoảng hai, ba mươi tuổi khi anh lên 6, 7 còn cắp sách theo mẹ đến trường), có thể bốn, năm mươi tuổi lúc ấy. Do đó, tương lai cũng còn dài. Nhưng tương lai gì? Anh lính muốn tương lai mẹ anh thế nào? Không còn cực khổ gánh hàng tần tảo? Sống lâu khỏe mạnh? Lập lai gia đình? Tác giả không cho chi tiết đặc thù và chỉ muốn cho một ý tưởng đại khái.
Chuyện đó không có gì sai, nhưng thiếu hiệu quả. Như tôi trình bày trong bài "Một Mai Giã Từ Vũ Khí," một kỹ thuật viết hiệu quả là chú trọng vào chi tiết rõ rệt, dù chi tiết đó chỉ là một trong nhiều chi tiết khác. Cho một chi tiết rõ rệt giúp người nghe tưởng tượng ra được các chi tiết khác. Thí dụ như thay vì nói, "Hôm nay tôi cảm thấy sung sướng," bạn có thể nói, "Hôm nay tôi huýt gió trong giờ làm việc làm mấy đồng nghiệp ngạc nhiên." Chỉ với chi tiết đó người nghe biết là bạn đang sung sướng và còn biết thêm vài chi tiết về bạn nữa. Trong bài này, câu "mẹ còn tương lai" quá mơ hồ và không đem lại tác dụng mạnh. Người nghe có thể sẽ bỏ qua và không có chút gì suy nghĩ thêm, và tác giả đã thất bại trong việc lôi cuốn người nghe. Người nghe xong bài hát sẽ không "huởn" mà cố suy nghĩ mẹ có tương lai gì.
Theo tôi nghĩ, tác giả dùng "mẹ" trong câu chót không phải chỉ mẹ anh lính. Có vẻ tác giả muốn dùng "mẹ" để ám chỉ mẹ Việt Nam, hàm ý tổ quốc. Với nhóm chữ/cụm từ "đá mềm chân cứng," tác giả nhấn mạnh ý chí chiến đấu của anh lính đem lại hòa bình cho đất nước. Do đó, mục đích chiến đấu của anh là cho tổ quốc, cho mẹ Việt Nam, chứ không phải cho mẹ anh. Tuy nhiên, cách diễn giải đó cũng chưa chắc đúng. Hoặc tác giả cố tình mơ hồ để người nghe muốn hiểu sao thì hiểu. Dù diễn giải thế nào, tôi nghĩ nhóm chữ/ cụm từ "mẹ còn tương lai" rất yếu.
Tóm lại, bài hát có ý nghĩa thật hay và táo bạo trong phần đầu (2/3). Phần sau (1/3) không đem lại hoàn mỹ cho bài hát mà lại còn có thể làm loãng ý. Tuy nhiên, bài hát vẫn có giá trị nhờ lối tả cảnh và cách dùng chữ thật độc đáo ở phẩn đầu như được trình bày sau đây.
Lối tả cảnh và cách dùng chữ thật sáng chói trong phần đầu lấn át vài khuyết điểm trong phần sauTương tự như phần nội dung và ý tưởng, có sự không đồng đều trong kỹ thuật diễn tả và cách dùng chữ. Tuy nhiên, những điểm đặc sắc quá sáng chói làm lu mờ những khuyết điểm.
Ngay lúc mở đầu, tác giả có lối tả cảnh tuyệt vời. Tác giả tận dụng những kỹ thuật hay nhất trong chuyện viết để trình bày cảnh anh lính đang đi hành quân và nghĩ đến mẹ anh. Người nghe tưởng tượng ra được ngay cảnh anh lính đang hành quân trong vùng núi non rừng rú. Tác gỉả dùng hai kỹ thuật tôi trình bày trong bài "Một Mai Giã Từ Vũ Khí": "Cho thấy, đừng kể" và "Chú trọng vào chi tiết rõ rệt."
Tác giả cho thấy cuộc hành quân qua cảnh "lội bùn dơ," "băng lau lách," "xuyên đêm," thay vì kể lể hành quân cực khổ thức khuya cả đêm. Ngoài ra, tác giả còn dùng các chữ/từ mạnh (lội, băng, xuyên, sương trắng rơi, rủ nhau, gọi nhau, tê tay, đăm mắt, hư ảo) làm sống động hình ảnh. Đi theo với cách cho thấy, tác giả dùng những chi tiết rõ rệt của cuộc hành quân qua vùng núi non rừng rú vắng vẻ: lội bùn, băng lau, xuyên đêm, đàn chim bay, khỉ vượn hú.
Tác giả dùng "sương" hai lần: "sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm" và "Em còn khêu sáng ánh đèn từ sương mai." Ngoài ra "sương" còn được dùng trong nhan đề. Ta phải hiểu rõ hai loại sương. Tiếng Việt mơ hồ trong chữ/ từ "sương." Tiếng Anh phân biệt rõ các loại sương: dew (sương mai/ đêm), mist (sương mù mỏng), fog (sương mù dày). Trong "sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm," tĩnh từ "trắng" cho thấy đó là sương mù vì không ai tả giọt sương mai/ đêm màu trắng. Giọt sương mai/ đêm trong như giọt nước. Chỉ có sương mù mới tạo ra hình ảnh trắng đục. Ngoài ra, sương mai/ sương đêm tạo ra do bởi cô đọng (condensation) và thường xuất hiện trên các vật mỏng lộ ra như cỏ, lá cây, hoa, mui xe. Ngược lại, sương mù tạo ra khi hơi nước đọng lại thàng những giọt nước li ti trong không khí. Chỉ có sương mù mới "rơi" xuống, chứ sương mai/ sương đêm không có rơi xuống. Câu "sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm" có ít nhất hai tác dụng: thiết lập quy chiếu về thời gian (cộng thêm với "xuyên đêm") là sáng sớm, và cho thấy chuyến đi hành quân lâu đến nỗi vai anh lính thấm sương trở nên lạnh mềm.
"Chim muông buồn rủ nhau bay về đâu" vẽ ra hình ảnh các đàn chim bay trên trời không có định hướng. "Ngẩn ngơ lũ vượn gọi nhau" gợi ra cảnh tượng đám khỉ vượn kêu réo nhau một cách vô tư (ngẩn ngơ) chứ không phải hỗn loạn phá phách.
Bốn câu đầu dàn dựng bối cảnh của câu chuyện. Tác giả xác định rõ không gian (vùng núi non rừng rú) và thời gian (sáng sớm) và những diễn tiến của cuộc hành quân. Cách diễn tả rất tài tình tạo ra một hình ảnh sống động và cho người nghe có ý niệm rõ rệt.
Không những thế, tác giả còn dùng một kỹ thuật viết rất hiệu quả trong việc tả cảnh hoặc tình cảm là dùng nhiều giác quan trong ngũ quan (nhìn, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc/ cảm nhận/ va chạm). Bằng cách dùng nhiều giác quan, người viết lôi cuốn độc giả vào cảnh vì độc giả liên tưởng đến những hình ảnh, mùi, vị, âm thanh, và cảm giác trong lúc tưởng tượng ra cảnh tượng hoặc tình cảm.
Anh lính nhìn thấy đàn chim bay trên trời (Chim muông buồn rủ nhau bay về đâu), nghe tiếng khỉ vượn hú (Ngẩn ngơ lũ vượn gọi nhau), tiếp xúc/ va chạm sương rơi ướt lạnh và súng ̣đến tê tay (Sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm/ Nào những khi ôm thép súng tê tay). Chỉ thiếu ngửi và nếm nhưng đủ lôi cuốn người nghe. Dùng nhiều giác quan quá không nhất thiết là hay vì con người thường cảm nhận cùng lúc chỉ qua hai, ba giác quan mà thôi. Rất ít có tình trạng nào mà bốn hay năm giác quan được dùng. Người viết cũng phải nên cẩn thận, và đừng lạm dụng các giác quan. Chỉ nên dùng bốn, năm giác quan trong trường hợp thật đặc biệt. Thí dụ như trong bài "Uy Lực" (Cao-Đắc 2014c), tôi dùng cả năm giác quan khi tả cảnh sáu con sư tử trở vể lãnh thổ chúng (thấy cây bao báp cổ, ngửi mùi hương quen thuộc của những bụi cây keo, nếm không khí khô hoài cổ, nghe tiếng gió xào xạc trên bãi cỏ, và cảm nhận bãi đất núi lửa mềm gợi nhớ). Lý do là tôi muốn nhấn mạnh dùng các con sư tử trẻ là ẩn dụ cho tuối trẻ Việt Nam, trong nước và hải ngoại, đã bị mất nước dưới nền đô hộ cộng sản với lý thuyết ngoại bang, và họ trở về để lấy lại đất nước và khôi phục lại chính nghĩa. Vì đó là bài thơ văn xuôi nên tôi có thể kéo căng cái nhấn mạnh đó.
Như trình bày ở trên, hình ảnh tuyệt vời nhất của cả bài nhạc là hình ảnh cậu bé đi theo mẹ đến trường trên con đường làng. Tác giả dùng chữ đơn giản, không cầu kỳ, nhưng có tác dụng mạnh.
Để ý tác giả dùng "theo mẹ đến trường" thay vì "mẹ dẫn con đến trường." Tác giả vẽ ra cảnh tượng dưới góc nhìn của cậu bé, để chuẩn bị cho hình ảnh "tóc liễu vờn gió ru buồn" ngay sau đó. Trong việc viết, chọn góc nhìn (viewpoint) cho nhân vật rất quan trọng. Người nghe hay người đọc sẽ đứng vào vị trí của góc nhìn đó để tham gia vào cảnh tượng. Người viết nên giúp người nghe/ đọc đứng ở vị trí trong suốt cảnh một cách nhất quán. Thay đổi góc nhìn trong một cảnh dễ tạo ra lẫn lộn và làm giảm tác dụng trên người nghe/ đọc, trừ phi người viết cố tình chuyển góc nhìn.
Đinh Miên Vũ dùng góc nhìn của anh lính một cách đồng nhất khi tả cảnh anh nhớ lại ngày xưa còn bé. Anh lính nhớ "khi con còn bé nhỏ" và "theo mẹ đến trường." Nhờ vậy anh mới ghi nhận được hình ảnh tóc mẹ bay trong gió. Bằng cách dùng góc nhìn của anh lính (thay vì một người bàng quan nào đó đứng trên đường), tác giả chuẩn bị cho hình ảnh sau đó.
Hình ảnh tóc mẹ anh bay trong gió được mô tả sống động với câu "tóc liễu vờn gió ru buồn." Cũng như câu "Hồn lỡ sa vào đôi mắt em" trong bài "Về Đâu Mái Tóc Người Thương" của Hoài Linh, câu "tóc liễu vờn gió ru buồn" có lối dùng chữ sâu sắc và gợi hình thật tuyệt diệu.
Trước hết, "tóc liễu" thường được dùng để tả mái tóc dài rũ xuống của các cô gái trẻ. "Liễu" là loại cây có lá thuôn dài và cành mảnh dẻ. Liễu rũ thường dùng làm cảnh trồng bên bờ hồ hoặc bờ sông. Liễu thường được dùng để ám chỉ phái nữ (liễu yếu đào tơ, phận liễu). Tóc liễu mô tả mái tóc chảy dài có những nhánh chẻ ra và không phải dày dặc. Rất nhiều thi sĩ dùng "tóc liễu" để tả mái tóc cô gái.
Tóc liễu xanh xanh vẫy tóc người,
Tay em cầm nhẹ lấy tay tôi...
Lần đầu ân ái trao bằng mắt
Rồi để tình thương đến trọn đời
(Tình Xa - Hồ Dzếnh)
Suốt trời hôm ấy thê lương quá,
Tóc liễu bờm xơm, sóng vỗ hồ,
Mây rối trên trời, cây rối lá,
Giường cô xuân nữ gối chăn xô...
(Thu - Hồ Dzếnh)
Môi khô tóc liễu thân gầy,
Anh xa, em kẻ lông mày với ai?
(Không hẹn ngày về - Nguyễn Bính)
Vừa rồi tỏ mặt Hằng Nga
Mây vương tóc liễu son pha má đào.
(Tỳ bà truyện - Nguyễn Bính)
Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều
Bên màu hoa mới thắm như kêu;
Nỗi gì âu yếm qua không khí,
Như thoảng đưa mùi hương mến yêu
(Nụ Cười Xuân - Xuân Diệu)
Sửa bởi người viết 07/09/2014 lúc 06:06:27(UTC)
| Lý do: Chưa rõ