logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 07/09/2014 lúc 09:49:02(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
UserPostedImage

Thưa quý bạn, từ hồi còn học trung học tôi đã từng nghe các bản nhạc “Đò chiều”, “Tình thắm duyên quê” của nhạc sĩ Trúc Phương với những giai điệu rất hay và rất nổi tiếng, ngang với bản “Tà áo cưới” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lúc ấy. Thế rồi mải lo học hành, thi cử, tôi cũng quên đi, không để ý đến nữa. Cho tới năm 1965, sau khi tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn, được bổ về dạy tại trường Trung học Bạc Liêu cách Sài Gòn 276 cây số, mấy anh em chúng tôi ở chung, mỗi người một phòng trong một ngôi biệt thự cổ ở đường Lý Thường Kiệt tại trung tâm thị xã cùng với gia đình bác chủ. Ở tỉnh thì buồn, mỗi buổi tối anh em thường rủ nhau đi uống cà phê hoặc ngồi co chân trên ghế salon trong phòng khách, nói chuyện tầm phào. Phải ngồi co chân chứ không thôi Bạc Liêu gần với Cà Mau, nhiều muỗi lắm. Riêng tôi thì viết tiểu thuyết cho mấy tờ báo ở trên Sài Gòn. Lúc đi dạy tôi có đem theo xuống tỉnh một cây đàn accordéon và một cây đàn ghi-ta, thỉnh thoảng kéo chơi giải trí mặc dầu tôi chơi cũng chẳng hay ho gì. Bạc Liêu có Sư đoàn 21 Bộ binh đóng, những lúc rảnh rang, ông Hoàng Thành, đại tá, chỉ huy trưởng pháo binh Sư đoàn 21 – em ruột của nhạc sĩ Hoàng Trọng – thường đến chơi, chuyện trò hoặc hòa tấu nhạc. Tôi kéo accordéon, ông đệm ghi-ta. Ông giỏi nhạc lắm, có thể chơi được nhiều thứ như ghi-ta,

măng-đô-lin, flute, kể cả accordéon. Người ông nho nhỏ, không mập như nhạc sĩ Hoàng Trọng, và ông để râu, hai hàng ria mép cá chốt rất đẹp, còn nhạc sĩ Hoàng Trọng thì không để râu. Tôi gọi ông bằng bác, ông gọi tôi bằng ông mặc dầu tôi chỉ đáng tuổi con hay cháu ông. Do kiến thức rộng về âm nhạc, ông chỉ dẫn cho tôi nhiều điều và giúp tôi có cái nhìn rộng rãi hơn về âm nhạc.

Vào thời kỳ đó – nhất là khoảng các năm 1966-1967 trở đi – hễ ra quán uống cà phê là từ quán sang cho tới quán tầm tầm bình dân, quán nào cũng mở nhạc Trịnh Công Sơn. Còn vào trong trường, ngày lễ ngày tết, hễ có chương trình gì liên quan đến văn nghệ là các em hát nhạc Trúc Phương. Nói chung, ở tỉnh nhỏ nơi tôi sống lúc ấy, nhạc Trịnh Công Sơn và nhạc Trúc Phương có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân chúng trong tỉnh. Riêng đối với tôi, thỉnh thoảng cũng chơi nhạc Trịnh Công Sơn nhưng hình như nhạc Trúc Phương gần gũi với tôi hơn. Vốn là một anh chàng thầy giáo chuyên viết tiểu thuyết lãng mạn, thú thật là những câu “Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa…” hoặc “Người chết hai lần, thịt da nát tan…” trong các bản nhạc của Trịnh Công Sơn ít phù hợp đối với tôi bằng các câu “Một chiều nào trên bến cô liêu, xóm bên sông tiêu điều, buồn hắt hiu mây chiều…” hoặc “Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn. Đôi khi lầm lỡ đánh mất ân tình cũ, có đau chỉ thế, tiếc thương chỉ thế khi hai mơ ước không chung lối về…”. Nói chung, với kiến thức hạn hẹp của mình, tôi yêu nhạc Trúc Phương hơn nhạc Trịnh Công Sơn.

Nay, với tình yêu ấy, ngoài ra cũng sắp đến kỷ niệm ngày mất của Trúc Phương (18/9/1996), tôi xin trình bày với quý bạn một số tài liệu về người nhạc sĩ tài hoa nhưng bạc phận đó. Một điều tôi muốn thưa với quý bạn rằng, Trúc Phương sinh năm 1933, mất năm 1996 chứ không phải sinh năm 1939, mất năm 1995 như một số tài liệu đã ghi. Tại sao như thế? Bởi vì trên mộ bia của Trúc Phương ở Lái Thiêu ghi như vậy thì phải chính xác. Mặt khác, tại sao trước khi qua đời Trúc Phương lại nghèo xơ xác, không nhà không cửa, không nơi trú ngụ đến nỗi mỗi buổi tối phải nằm trên vỉa hè ở bến xe như ông đã tâm sự trên Asia 55 khi ông còn sống? Dễ hiểu thôi. Sau 1975, ông vượt biên 3 lần không thoát, bị bắt, bị tịch thu nhà cửa và bị tù đày, khi được thả về lại bệnh hoạn thì phải nghèo thôi. Trước năm 75, ông có nhà ở số 301 ngoài mặt đường Lý Thường Kiệt thì đâu có nghèo? Trúc Linh, con trai của ông (hiện ở bên Mỹ), nói: “Gia đình tui cũng không nghèo, ba tui thường lái Mazda và Peugeot 404”, điều này đúng chứ không phải sai. Sau đây xin mời quý bạn coi cho biết về người nhạc sĩ tài hoa nhưng về lúc cuối đời rất đáng thương đó.

I. Thân thế và sự nghiệp
UserPostedImage

Trúc Phương sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Cuối thập niên 1950 ông sinh hoạt văn nghệ tại Ty Thông tin tỉnh Vĩnh Bình (tức tỉnh Trà Vinh, được đổi tên thành Vĩnh Bình thời ông Diệm) một thời gian ngắn rồi lên Sài Gòn. Trúc Phương bắt đầu học nhạc tại lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng chung với Đỗ Lễ, Thanh Thúy, Ánh Tuyết… và lập nghiệp tại Sài Gòn. Sáng tác đầu tay của ông là bản Tình thắm duyên quê viết vào năm 1957, sau đó là Chiều làng em (1958) và Đò chiều (1959). Bản nhạc Tàu đêm năm cũ bất hủ của ông được viết vào đầu năm 1960, tặng cho các sĩ quan QĐVNCH xa nhà.

Trúc Phương có số lượng lớn các sáng tác, khoảng 70 bài hát (Thanh Thúy nói là 65, không kể những bài ông không phổ biến). Những bản như Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ niệm, Thói đời, Hai lối mộng, Kẻ ở miền xa, v.v… của ông được viết trong những năm 1960 và rất nổi tiếng.
Cuối thập niên 60, ông mở một lớp nhạc ở số 33/230 đường Gia Long, Gò Vấp, đặt tên là lớp nhạc “Trúc Phương Tự Lực” nhưng không mấy thành công.

Sau 1975, Trúc Phương vẫn tiếp tục sống tại Sài Gòn. Ông vượt biên lần thứ nhất năm 1976 nhưng không thành công, do vậy bị tịch thu nhà cửa, bị bắt và bị tù đày nhiều năm. Khi được thả, ông lại vượt biên thêm 2 lần nữa, lại bị bắt, bị tù và bị tịch thu hết giấy tờ tùy thân để khỏi vượt biên tiếp. Lúc ra tù, vợ con ly tán (về sống tại quê ngoại ở Bến Tre), ông lang thang không nhà cửa, không giấy tờ, không tiền bạc (nhưng thỉnh thoảng được bạn bè giúp đỡ chút ít và sau đó có quà của ca sĩ Thanh Thúy từ bên Mỹ gửi về). Khoảng giữa năm 1985, ông được nhận vào làm hội viên Hội Văn nghệ Vĩnh Long, được cấp một căn phòng tại số 6 Hưng Đạo Vương, thị xã Vĩnh Long, nhưng… không có lương, nên ông lại phải trở về Sài Gòn.

Sau 3 lần vượt biên không thoát, ông sống lây lất khắp nơi (các con trai của ông ở Bến Tre đã may mắn vượt biên thành công sang Mỹ và Úc trước đó). Tuy hoàn cảnh vô cùng bi đát nhưng ông không hề xin ai một đồng nào kể cả những người rất thân với ông lúc trước.
Trúc Phương mất ngày 18 tháng 9 năm 1996 vì bệnh sưng phổi, được gia đình và bạn bè an táng tại nghĩa trang Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương.
Lúc Trúc Phương mất, nhạc sĩ Nhật Ngân (định cư tại Mỹ) có viết tặng ông bài Gửi người về cát bụi với lời nhạc có nhắc đến tên một số bài hát của ông.
Năm 2014, lần thứ hai Trung tâm Asia thực hiện chương trình đặc biệt “Trúc Phương – ông hoàng của dòng nhạc Bolero” (DVD Asia 74) để vinh danh ông sau DVD Asia 55 lần thứ nhất khi ông còn sống.

II. Nhà báo Nguyễn Trung viết về Nhạc sĩ Trúc Phương
Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc. Ông sanh năm 1939 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình) ở vùng hạ lưu sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Cha ông là một nhà giáo sống thầm lặng và nghiêm khắc. Nhưng tâm hồn của chàng trai Thiện Lộc thì rất lãng mạn, yêu thích văn nghệ nên đã tự học nhạc, và bắt đầu sáng tác những bài hát đầu tiên lúc vừa 15 tuổi. Xung quanh nhà ông có trồng rất nhiều tre trúc, nên từ nhỏ ông đã yêu mến những âm thanh kẽo kẹt của tiếng tre va chạm với nhau và sau này đã chọn tên là Trúc Phương để nhớ về thời thơ ấu của ông với những cây tre trúc. Cuối thập niên 1950, ông sinh hoạt văn nghệ với các nghệ sĩ ở Ty Thông Tin tỉnh Vĩnh Bình một thời gian ngắn, rồi lên Sài Gòn dạy nhạc và bắt đầu viết nhạc nhiều hơn. Bài hát “Chiều làng em” được ông sáng tác vào thời gian này để nhớ về khung cảnh thanh bình ở làng xóm của ông, một bài khác cũng rất nổi tiếng với giai điệu trong sáng, vui tươi là “Tình thắm duyên quê”.

Không tiền bạc và không một ai thân quen ở đô thành Sài Gòn, ban đầu Trúc Phương ở trọ trong nhà một gia đình giàu có bên Gia Định và dạy nhạc cho cô con gái của chủ nhà. Không bao lâu sau thì cô gái này đã yêu chàng nhạc sĩ nghèo tạm trú trong nhà, vì con tim cô ta đã dần dần rung động trước tài năng của Trúc Phương. Biết được chuyện này, cha mẹ của cô gái bèn đuổi Trúc Phương đi nơi khác.

Sau chuyện tình ngang trái này, Trúc Phương càng tự học thêm về âm nhạc và càng sáng tác hăng hơn. Nhưng những bài hát sau này lại nghiêng về chủ đề tình yêu đôi lứa với những nghịch cảnh chia lìa.

Trúc Phương sáng tác rất dễ dàng, nhưng với bản tính trầm lặng, bi quan và khép kín sau cuộc tình dang dở, những bài hát sau này của ông thường mang âm điệu u buồn, thê lương như phảng phất nỗi sầu của cổ nhạc miền Nam. Nổi tiếng nhất là “Nửa đêm ngoài phố” với tiếng hát liêu trai Thanh Thúy. Sau đó là “Buồn trong kỷ niệm” với những câu hát đớn đau, buốt nhói tim gan người nghe, ví dụ: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn. Đôi khi lầm lỡ đánh mất ân tình cũ, có đau chỉ thế, tiếc thương chỉ thế. Khi hai mơ ước không chung lối về…”.

Có người cho là bài hát này ông đã viết ra sau khi bị thất tình một cô ca sĩ lừng danh thời đó.
Nhạc của Trúc Phương có giai điệu rất đặc biệt của riêng ông, mà khó lầm lẫn với người khác được. Nhạc của ông có âm hưởng cổ nhạc miền Nam, nó có vẻ trầm buồn, ray rứt, ưu tư trước thời cuộc dạo đó (là chiến tranh triền miên) và buồn phiền vì những mối tình dang dở, trái ngang. Nên khi soạn hòa âm cho những bài hát của Trúc Phương, nhạc sĩ hòa âm phải sử dụng ít nhất là một trong vài loại nhạc khí cổ truyền của miền Nam như đàn bầu, đàn tranh, hay đàn cò (hoặc violon) thì mới có thể diễn tả hết cái hay của dòng nhạc Trúc Phương và người nghe lại càng thấm thía với nỗi muộn phiền, nhức nhối tim gan của ông sau này.

Điều trớ trêu là tuy tên tuổi và tài năng sáng chói, nổi bật so với những người viết nhạc thời bấy giờ, nhưng tình duyên của nhạc sĩ Trúc Phương thì vô cùng lận đận. Khoảng năm 1970, Trúc Phương được một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, cao sang đài các đem lòng yêu thương ông, do sự rung cảm truyền đạt từ tài năng và những tác phẩm tuyệt vời của ông. Kết cuộc là cả hai đã nên duyên chồng vợ. Tuy sống trong cảnh nghèo nàn, nhưng đời sống của họ rất là nghệ sĩ. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Trúc Phương và sức sáng tạo nghệ thuật của ông càng sung mãn hơn bao giờ hết với hàng chục bài hát ra đời mỗi năm. Nhưng niềm vui của đôi uyên ương này lại không kéo dài được lâu bền. Bởi vì sau một thời gian chung sống với nhau, những tình cảm ban đầu trở nên phai lạt dần theo năm tháng và hai người đã lặng lẽ chia tay nhau. Câu hát ngày nào lại rơi đúng vào trường hợp này “khi hai mơ ước đã không cùng chung hướng về” và “đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn”. Giờ thì nhạc sĩ Trúc Phương âm thầm đau khổ trong cô đơn và lại vùi đầu vào men rượu để sáng tác thêm nhiều bài hát trong nỗi đau thương cùng cực, pha chút chán chường cho nhân tình thế thái. Bạn bè thường gặp ông ngồi yên lặng bên những ly rượu nơi một quán nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, gần nhà của ông. Có lẽ đó là một cách làm cho nhạc sĩ tạm quên đi những cay đắng của tình đời. Đó cũng chính là lúc bài hát “Thói đời” được sáng tác với những câu như “Bạn quên ta, tình cũng quên ta, nên chung thân ta giận cuộc đời, soi bóng mình bằng gương vỡ nát, nghe xót xa ngùi lên tròng mắt”… và “Người yêu ta rồi cũng xa ta…”, “Cỏ ưu tư buồn phiền lên xám môi…”. Thực ra phải nói là “cỏ tương tư” tức “tương tư thảo” là tên gọi văn hoa của thuốc lá. Khi những người đang yêu nhau, nhớ nhau, hẹn hò nhau thì châm điếu thuốc thả khói mơ màng, nhìn rất thơ mộng và nghệ sĩ “Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần. Anh nói khẽ, gớm sao mà nhớ thế (Hồ Dzếnh)”. Nhưng đối với Trúc Phương trong “Thói đời” thì điếu thuốc lá “cỏ tương tư” lại biến thành ra “cỏ ưu tư” làm cho đôi môi trở nên màu xám xịt qua những nỗi đau thương, nhung nhớ ngập tràn. Những giọt rượu nồng của cõi “trần ai” này lại càng gợi thêm “niềm cay đắng” để cho nỗi ưu tư “in đậm đường trần” và ông đã than thở “Mình còn ai đâu để vui? khi trót sa vũng lầy nhân thế”?

Bài hát “Thói đời” đã gây xúc động cho hàng triệu con tim cùng chung số phận nghiệt ngã của cuộc đời. Với riêng bản thân Trúc Phương thì “Thói đời” lại như là một lời tiên tri thật chính xác cho quãng đời còn lại của ông suốt gần 25 năm sau đó (1971-1995).

Sau năm 1975 thì sự nghiệp sáng tác nhạc của ông dừng lại, tất cả những ca khúc của ông đều bị cấm phổ biến và trình diễn. Không có nghề nghiệp gì trong tay, ông làm đủ mọi việc để sinh sống. Với hai bàn tay trắng, ông trở về quê cũ sống nhờ vả bạn bè, mỗi nơi một thời gian ngắn. Có người hỏi sao ông không về quê ở hẳn với thân nhân, Trúc Phương đã trả lời: “Má của tôi thì già yếu đang ở dưới quê Cầu Ngang (Trà Vinh), nhưng bà nghèo quá, lại phải nuôi đám cháu nheo nhóc, không đủ ăn nên tôi không thể về đó để làm khổ cho bà thêm nữa”.

Ở tỉnh nhà Trà Vinh với bạn bè xưa cũ một thời gian, Trúc Phương lại tìm đường về Sài Gòn. Ban ngày ông làm thuê, làm mướn đủ mọi thứ nghề và lang thang khắp nơi.

Có thể nói một điều rằng, suốt mấy chục năm trời và cho đến hôm nay, đã có rất nhiều ca sĩ, trung tâm băng nhạc, hãng đĩa, v.v… đã thu âm, hát nhạc của ông, nhưng chắc chắn là ít có người biết tin ông đã âm thầm từ giã cõi đời trong cảnh nghèo nàn, bi đát và cô đơn trong căn phòng trọ tồi tàn, nhỏ hẹp ở quận 11, Sài Gòn, vào ngày 18 tháng 9 năm 1995, tài sản của ông có được lúc đó là một đôi dép….
III. Con trai của Nhạc sĩ Trúc Phương là Trúc Linh ở bên Mỹ cải chính
OK, tui không biết Nguyễn Trung là ai, nhưng ổng viết bài này có mục đích bôi bác ba tôi và cả gia đình tui, nên tui phải lên tiếng.
1- Ba tui sanh năm 1933.
2- Ba tui không bao giờ uống rượu.
3- Ba tui lấy má tui trong những năm cuối 50 chớ không phải sau năm 70, năm nay tui cũng 5 bó rồi, hehe.
4- Má tui con nhà giáo, gia đình cũng khá, nhưng nhà ở Bến Tre.
5- Chiều Làng Em là bài ba tui viết cho má tui.
6- Ông già tui không phải tự học nhạc, mà có thầy dạy đàng hoàng.
7- Chung quanh nhà bà nội tui ở Trà Vinh không hề có tre trúc gì hết ráo, mà nhà má tui ở Bến Tre thì có nhiều.
8- Gia đình tui cũng không nghèo, ba tui thường lái Mazda và Peugeot 404. Thời xưa cũng có lúc khó khăn khi ông còn viết nhạc, nhưng sau này ba má tui làm ăn cũng khá lắm. Khi ‘giải phóng vào’ thì có sa sút, nhưng đó là tình trạng chung của tất cả dân miền Nam thời bao cấp.
9- Gia đình tui có tới 6 anh chị em, có nghĩa là ba và má tui chung sống cũng khá lâu. Họ ly dị vào khoảng năm 1979.
10- Nguyễn Trung viết rằng khi ba tui qua đời, gia tài chỉ còn đôi dép là nói LÁO. Ông không giàu có gì, nhưng cũng không đến nỗi thê thảm như vậy. Tui đã từng về thăm ông 3 tháng trước khi ông mất, cho thấy điều này ông Trung quá bôi bác gia đình chúng tôi. Nói như ông Trung có nghĩa là các con của ông không hề quan tâm tới ông. Điều này KHÔNG ĐÚNG sự thật. Chúng tôi lúc nào cũng quan tâm đến ông.

Cái bài lá cải này, Nguyễn Trung không biết nhiều chi tiết nhưng đã viết như chính Trung là nhân vật chính. Đọc bài này xong tui rất bất bình vì có quá nhiều chi tiết không đúng sự thật mà có quá nhiều người đọc. Đến nỗi Việt Dzũng trung tâm Asia cũng lấy bài này làm tài liệu và cũng có lên trên Asia nói rằng khi ba tui mất, ông chỉ còn đôi dép. DVD còn nói rằng đám ma ba tui phải nhờ bạn bè quyên góp để làm mộ cho ông. Điều này cũng không đúng luôn. Gia đình chúng tôi đã chôn cất ông đàng hoàng mà chưa từng lấy một đồng tiền phúng điếu nào của ai hết. Đây là điều không công bằng với má tui, vì tui có đọc vài bài, họ mô tả má tôi như một người đàn bà không đàng hoàng. Thực sự má tui đã từng khổ vì tánh ba tui bay bướm, họ ly dị vì chính nguyên nhân này.

IV. Lời kể của Nhạc sĩ Trúc Phương trên DVD Asia 55 khi ông còn sống
“Sau biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rày đây mai đó, “bèo dạt hoa trôi”. Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng nói no thì chẳng có ngày nào gọi là no. Tôi không có một mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng khổ nỗi hoàn cảnh của họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được… Hơn nữa lúc đó vấn đề an ninh rất khe khắt, bạn bè không ai dám chứa tôi trong nhà cả vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người. Tôi nghĩ ra được một cách là tìm nơi nào có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ… Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu. Một chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng. Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng. Mà nói anh (tức Nam Lộc trong Asia 55 –ĐD) thương, khổ lắm, hôm nào có tiền đi xe lam ra sớm được, khoảng chừng 5 giờ có mặt ngoài đó thì thuê chiếc chiếu trải được ở chỗ lịch sự, tương đối vệ sinh một chút, còn hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết những chỗ sạch sẽ vệ sinh mất rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ “có mấy thằng cha đi tiểu vỉa hè”, cũng phải nằm thôi. Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát mà lẽ ra nên buồn cho hoàn cảnh. Nhưng không bao giờ tôi buồn. Tôi nghĩ còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này…”.

V. Danh ca Thanh Thúy viết về Nhạc sĩ Trúc Phương
“Anh Trúc Phương, một ngôi sao sáng của vòm trời âm nhạc Việt Nam vừa vụt tắt. Tin anh qua đời đến với tôi khá đột ngột. Tôi đã bàng hoàng xúc động với sự mất mát lớn lao này.
Anh và tôi không hẹn, nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi anh và tôi như đã gắn liền với nhau: nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy.
Như một định mệnh, tôi vào đời ca hát đúng vào thời điểm anh say mê sáng tác, và tình cờ trở thành vị sứ giả đem tâm sự anh đến mọi người, những người không nhiều thì ít cùng mang một tâm sự với anh. Tâm sự về tuổi thơ mộng, về tình yêu dịu dàng của đôi lứa (dù trong bối cảnh đau thương của đất nước), về chuyện tình dở dang, về cuộc đời…

Đến khi nhạc phẩm “Nửa Đêm Ngoài Phố” ra đời, tên tuổi anh đã vang dậy khắp nơi. Với thể điệu Rumba quen thuộc, diễn tả tâm trạng đau buồn của một người khi người yêu không đến nữa, “Nửa Đêm Ngoài Phố” đã ăn sâu vào lòng tất cả mọi người, từ những người lớn tuổi, cho đến lớp người trẻ lúc bấy giờ. Bất cứ buổi trình diễn nào tôi cũng được yêu cầu trình bày “Nửa Đêm Ngoài Phố”, từ các sân khấu phòng trà, khiêu vũ trường cho đến Đại Nhạc Hội, từ các thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi. Ngoài ra, trong những chương trình phát thanh của đài Sài Gòn và đài Tiếng nói Quân đội, vào bất cứ chương trình nhạc nào cũng có bài này…
Tôi còn nhớ hoài một lần đi lưu diễn ở Đà Lạt. Vừa hát xong phần mình, tôi quay về khách sạn ngay (khách sạn ở gần rạp hát tôi trình diễn). Tại rạp, chẳng bao lâu sau khi vở kịch chấm dứt, khán giả lũ lượt kéo nhau ra về. Đứng trên lan can nhìn xuống đường, tôi đã chứng kiến được cảnh nhiều nhóm người cùng nhau vừa đi vừa hát, vừa huýt sáo bài “Nửa Đêm Ngoài Phố”. Bỗng dưng tôi đã cảm động và để mặc hai hàng lệ tuôn. Tôi chỉ là một ca sĩ, hát lên nỗi niềm của anh mà còn xúc động đến như vậy, nói chi đến anh, người sáng tác, còn xúc động biết dường nào.

Hăng say trước sự thành công vượt bực của “Nửa Đêm Ngoài Phố”, và để đền đáp lại tình thương của thính giả, anh đã viết thêm một loạt những nhạc phẩm nổi danh khác. Mỗi lần viết xong một bản nhạc mới, anh đều chạy đến nhà tôi vào sáng sớm, nhất định phải đánh thức tôi dậy cho bằng được để dợt nhạc: “Cô Tư, cô Tư! Anh mới có bài này mới, cô Tư dợt với anh để hát giùm cho anh chứ…”. (Tôi thứ tư trong gia đình nên được bà vú già gọi là cô Tư. Khi đến tìm tôi, các anh đều nghe “Cô Tư còn ngủ”, hoặc “Cô Tư đi hát”… nên có nhiều người bắt chước gọi tôi bằng danh từ này).
Anh là một nhạc sĩ đầy nghệ sĩ tính, đầy mộng mơ. Nhạc của anh rất giản dị, thân thiết, và dịu dàng ngay cả khi anh trách móc, giận hờn người yêu cũ hoặc thói đời. Hình như anh chỉ sống với kỷ niệm, sống cho kỷ niệm. Qua bao nhiêu tác phẩm của anh, lúc nào cũng thấy có kỷ niệm. Anh quý kỷ niệm, anh gìn giữ kỷ niệm, và rồi trân trọng trao gửi vào lời ca, tiếng nhạc. Chỉ cần đọc tên bản nhạc, người ta đã thấy được điều này: “Buồn Trong Kỷ Niệm”, “Đêm Tâm Sự”, “Chuyện Chúng Mình”, “Hình Bóng Cũ”, v.v…
Ta hãy nghe anh tha thiết yêu cầu người yêu ghi dấu kỷ niệm:
“Gửi giúp đến cố nhân mua nụ cười, và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi…” (Nửa Đêm Ngoài Phố)
“Anh ơi, dù hai chúng mình, mộng xưa khó thành, biết nhau chiều hôm nay xin nhớ mãi về sau này…” (Chiều Cuối Tuần)
“Nếu ta còn nhớ mắt môi người cũ, xin mang theo tiếng yêu khi gọi Anh với Em…” (Buồn Trong Kỷ Niệm)
“Khi trót gửi những hình ảnh của tim vào lòng đêm, những kỷ niệm cho nhau nếu mất đi xin đừng quên…” (Mưa Nửa Đêm)
Anh đã lưu giữ kỷ niệm, và vào đời với một hình bóng cũ không bao giờ phai:
“Xinh xinh đây nét mực nghiêng trong lưu bút ngày xanh anh đã viết tặng tôi…” (Chuyện Chúng Mình)
“Lòng bâng khuâng, mơ hình bóng đã ghi mãi trong lòng…” (Hình Bóng Cũ)
“Nhớ mãi mấy tình của mẹ quê nâu sòng, của người em mơ mộng…” (Chiều Làng Em)
“Còn tôi đêm mơ, còn tôi đợi chờ, thì dù xa xôi tôi vẫn là của người…” (Đêm Tâm Sự)
Và rồi giận hờn, trách móc khi cuộc đời đã chia hai lối mộng:
“Xin giã biệt bạn lòng ơi, trao trả môi người cười, vì hai lối mộng, hai hướng trông…” (Hai Lối Mộng)
“Muốn lên phố xưa tìm thăm người bạn hiền, đường không xa, nhưng mình đã cách hai lối mộng rồi…” (Hình Bóng Cũ)
Cũng như “Nửa Đêm Ngoài Phố”, những nhạc phẩm này đã trở thành gần gũi với mọi người và đã giúp tôi leo cao hơn trên nấc thang sự nghiệp. Các bài này gồm có: Nửa Đêm Ngoài Phố, Buồn Trong Kỷ Niệm, Hai Lối Mộng, Chiều Cuối Tuần, Mưa Nửa Đêm, Tàu Đêm Năm Cũ, Hai Chuyến Tàu Đêm, Chuyện Chúng Mình, Đêm Tâm Sự, Hình Bóng Cũ, Đò Chiều, Chiều Làng Em…

Thế rồi, theo như anh đã hơn một lần tâm sự, đường đời đã chia đôi chúng tôi ra hai ngã, hai hướng đi. Tôi đã giã từ sân khấu, giã từ lời ca tiếng nhạc, giã từ tất cả, theo chồng đi đến những phương trời xa. Còn anh vào quân ngũ, và vẫn tiếp tục hăng say sáng tác, hầu hết những nhạc phẩm đều nói về đời người lính phong sương, xa nhà, xa thành phố, xa người em nhỏ hậu phương… (24 Giờ Phép, Bông Cỏ May, Kẻ Ở Miền Xa, Trên 4 Vùng Chiến Thuật…)
Vào thời điểm này, Anh Duy Khánh, Anh Chế Linh và Hoàng Oanh có lẽ là những ca sĩ đã hát nhạc của anh rất nhiều.

Kiếp tằm chưa dứt, tôi đã trở lại với sân khấu, với ánh đèn màu. Trở lại với “Nửa Đêm Ngoài Phố”, với “Buồn Trong Kỷ Niệm”…
Rồi lại thêm một lần cuộc đời lại chia đôi chúng tôi ra hai ngã: anh bị kẹt lại nơi quê nhà, tôi sống đời lưu vong. Tôi đã tìm đủ mọi cách để liên lạc hầu mong gởi về những gói quà biếu anh. Sự liên lạc trong những năm đầu thật khó khăn, cho mãi tới sau này, qua một số bạn bè và qua Trần Quốc Bảo, tôi mới có thể liên lạc thường hơn với anh. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng về bịnh tình anh do Trần Quốc Bảo kể lại. Nhìn những tấm ảnh anh gởi qua đăng trên Thế Giới Nghệ Sĩ, trông anh gầy gò, đau yếu, tôi đã không sao cầm được nước mắt. Tôi đã bàn với Trần Quốc Bảo thực hiện một cuốn băng với toàn nhạc của anh, hầu có thể giúp anh phần nào trên phương diện vật chất lẫn tinh thần. Chợt nghe tin anh đau nặng… Chợt nghe tin anh qua đời…
Anh đã đến trong cuộc đời này, để lại bao kỷ niệm nhẹ nhàng qua nhiều nhạc phẩm chất chứa ân tình, rồi lặng lẽ ra đi âm thầm thật cô đơn nơi trời Nam xa xôi. Tôi đã mất Anh, nhưng tôi sẽ không bao giờ mất đi những kỷ niệm giữa Anh và tôi, cũng như bao lời ca tôi đã thuộc nằm lòng. Nơi đây, bây giờ và mãi mãi, tôi sẽ vẫn còn cất tiếng hát, đem đến cho đời những lời tâm sự của Anh. Xin Anh hãy yên nghỉ, Anh nhé”.
(Trích trong “Thế Giới Nghệ Sĩ”, số đặc biệt tưởng niệm Nhạc sĩ Trúc Phương)

VI. Nguyên văn bài “Nửa Đêm Ngoài Phố”
“Buồn vào hồn không tên. Thức giấc nửa đêm, nhớ chuyện xưa vào đời. Đường phố vắng đêm nao quen một người. Mà yêu đương trót trao nhau trọn lời. – Để rồi làm sao quên. Biết tên người quen biết nẻo đi đường về. Và biết có đêm nao ta hẹn hò. Để tâm tư những đêm ngủ không yên.
Nửa đêm lạnh qua tim. Giữa đường phố hoa đèn. Có người mãi đi tìm. Một người không hẹn đến. Mà tiếng bước buồn thêm. -Tiếc thay hoài công thôi. Phố đã vắng thưa rồi. Biết rằng chẳng duyên thừa. Để người không gặp nữa. Về nối giấc mơ xưa…
Ngày buồn dài lê thê. Có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về. Làm rét mướt qua song len vào hồn. Làm khô môi biết bao nhiêu lần rồi. – Đời còn nhiều bâng khuâng. Có ai vì thương góp nhặt ân tình này. Gởi giúp đến cố nhân mua nụ cười. Và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi”.

VII. Thay lời kết luận: tính chất nghệ sĩ của Nhạc sĩ Trúc Phương
Boléro và kỷ niệm với Nhạc sĩ Trúc Phương
Khoảng giữa năm 1985, nhạc sĩ Trúc Phương – người từng được xem như là “ông hoàng” của dòng nhạc Boléro – được nhận vào làm hội viên Hội Văn nghệ Vĩnh Long và được cấp một căn phòng tại số 6 Hưng Đạo Vương, thị xã Vĩnh Long để ở. Trúc Phương có dáng người cao, lưng hơi tôm. Anh bị cận thị, lãng tai và mắc bệnh suyễn nặng. Anh có thói quen ăn mặc rất chỉnh tề, thích ăn ngọt và không uống rượu. Sau khi chia tay vợ, đã có mấy phụ nữ thoáng qua cuộc đời anh… Mỗi khi quen với chị nào, anh thường tặng nhạc do anh mới sáng tác cho mỗi chị. Hà, vợ tôi, là liên lạc viên rất tích cực cho những cuộc tình chóng vánh này.

Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi là vào năm 1988, lúc này Trúc Phương đang sống ở Sài Gòn, tôi đang theo học trường Đại học Mỹ thuật. Ngoài giờ học, tôi cùng một số bạn bè đi làm thêm về mỹ thuật cho nhà hàng Đại Dương (nằm trên đường Kỳ Đồng, gần nhà thờ Chúa Cứu Thế, Q.3) do thầu khoán Chín Củi lãnh xây dựng. Anh Chín Củi gốc là dân Trà Vinh, quen thân với anh Trúc Phương, đã cưu mang anh trong thời gian này.
Gần chỗ công trình đang xây dựng có một quán cơm bụi giá rẻ như bèo. Hằng ngày, chúng tôi thường cùng ra ăn cơm ở đấy. Hôm đó nhằm chiều Thứ bảy cuối tuần, anh Chín Củi dẫn cả bọn tôi ra quán cơm bụi này để bồi dưỡng… cơm bình dân và lai rai rượu thuốc. Anh Trúc Phương dù không uống rượu nhưng cũng ngồi chung với chúng tôi. Cuộc vui kéo dài nửa chừng, trời bắt đầu mưa tầm tã. Bất chợt có hai người hành khất, một cụt chân, một mù hai mắt đội mưa bước vào. Cả hai – một đàn guitar thùng, một hát bài Mưa nửa đêm.
Lúc đó ánh mắt của anh Trúc Phương tối sầm lại. Anh lẩm bẩm: “Nhạc của mình biến thành nhạc ăn mày rồi!”

Thấy vậy, anh Chín Củi đứng dậy, kéo tay hai người hành khất kia, miệng nói:
- Lại đây hai chú em, ngồi xuống cùng ăn cơm và lai rai với chúng tôi cho vui.
Khi cả hai cùng ngồi xuống, bất chợt Trúc Phương buột miệng:
- Hai chú mày hát nhạc của ai, biết không?
Một người nhanh nhảu trả lời:
- Dạ biết, nhạc Trúc Phương đó!
Trúc Phương cười buồn, mắt ngân ngấn nước:
- Trúc Phương chính là anh, chính tác giả đây!
Hai người ăn mày sửng sốt trong giây phút, rồi người cụt chân chợt quỳ sụp xuống, hai tay nâng cây đàn lên ngang mày, miệng nói:
– Ôi, em xin bái kiến sư phụ. Em hát nhạc của sư phụ, mãi đến hôm nay mới được diện kiến sư phụ. Xin sư phụ chỉ giáo cho em!
Trúc Phương cầm lấy cây đàn:
- Để anh hát tặng mấy chú em bài hát này nhé!
“…Tôi muốn hỏi có phải vì đời chưa trọn vòng tay. Có phải vì tâm tư giấu kín trang thư còn đây. Nên những khi mưa nửa đêm làm xao xuyến giấc ngủ chưa đến tìm…” Anh hát say sưa giữa hè phố Sài Gòn, hát tặng những người hành khất trong một quán cơm nghèo! Những người lao động có mặt trong buổi chiều mưa hôm đó ngồi lặng lẽ rồi lần lượt đến vây quanh anh. Cô bé con chủ quán cơm xúc động, giơ tay dụi mắt giấu lệ! Hôm ấy, Trúc Phương hát như một lời than đau đớn…
Ấy vậy mà đã 16 năm trôi qua, kể từ ngày anh qua đời, 21-9-1996.
Tôi ghi lại những dòng này để thay nén hương tưởng nhớ hương hồn anh, một nhạc sĩ đã để lại cho đời những bài nhạc Boléro đi sâu vào lòng người như: Mưa nửa đêm, Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ niệm, Đò chiều, Tàu đêm năm cũ, Hai chuyến tàu đêm….
Tín Đức
Hội viên Hội Văn nghệ Vĩnh Long
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.287 giây.