HÀ NỘI (NV) - Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo CSVN đã chính thức công bố bỏ các kỳ thi đại học mà chỉ tổ chỉ chức một kỳ thi quốc gia sau nhiều lần bàn cãi.
Theo Thanh Niên, ngày 9 tháng 9, Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo CSVN đã quyết định bắt đầu từ năm 2015, Việt Nam chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia, gọi là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng thay vì tổ chức 2 kỳ thi để thực hiện 2 mục đích riêng rẽ như trước đây.
Liệu một kỳ thi quốc gia có làm người dân Việt Nam đỡ mệt mỏi và tốn kém? (Hình: báo Thanh Niên)
Mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn thi tối thiểu gồm: 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý.
Thí sinh không học môn ngoại ngữ sẽ được chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định do Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông môn ngoại ngữ.
Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để ghi danh xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.
Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền ghi danh thi thêm các môn thi còn lại của kỳ thi để sử dụng cho việc tuyển sinh vào đại học, cao đẳng theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường.
Nhiều ý kiến băn khoăn, liệu đổi mới cách thi thì học sinh có cần bổ sung thêm kiến thức gì để có thể đạt kết quả cao trong một kỳ thi quốc gia nhằm 2 mục đích này.
Tuy nhiên, theo bộ này, những đổi mới của kỳ thi đều nhằm theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, tạo cho học sinh nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp.
Băn khoăn lớn nhất của xã hội với việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” vẫn là mức độ tin cậy của kỳ thi này
Theo báo Người Việt