Cô Janay Rice dùng chữ real love, xin dịch là tình yêu đích thực, mặc dù hai chữ đích thực không nói lên đủ ý của chữ real đơn giản. Janay Rice là vợ Ray Rice, anh cầu thủ của đội bóng bầu dục Baltimore Ravens; nguyên văn câu nói của cô là, “Cuộc sống của chúng tôi là chuyện riêng của chúng tôi, quý vị không biết gì hết. Nhưng nếu dụng tâm của quý vị là tấn công chúng tôi, là làm cho chúng tôi khốn khổ, làm chúng tôi cảm thấy cô đơn, và là cướp đi hạnh phúc của chúng tôi, thì quý vị không chỉ thành công thôi, mà còn thành công rất nhiều lần. Tuy nhiên, tôi xin nói để quý vị biết là chúng tôi sẽ tiếp tục sống với nhau để cho mọi người hiểu tình yêu đích thực là cái gì”.
Điều mà Janay gọi là cuộc “tấn công” của mọi người là cuồn video quay cảnh Ray đánh cô, đánh tàn nhẫn đến mức cô ngã xuống đất và bất tỉnh, ngày hai người chưa cử hành hôn lễ, cô còn là vị hôn thê của Rice.
Cô Janay trách dư luận quần chúng quá khắc nghiệt tạo áp lực khiến đội bóng Baltimore Ravens phải sa thải anh Ray hôm thứ Hai 08/09, và nặng hơn nữa anh bị Nghiệp đoàn bóng bầu dục treo giò vĩnh viễn. Cả hai quyết định này cùng căn cứ vào việc anh đánh Janay.
Trong bức Instagram post lên mạng hôm thứ Ba 09/09, Janay trách cứ quần chúng, “tôi thức dậy sáng nay với cái cảm giác mình đang sống trong một cơn ác mộng, và cảm giác mình đang khóc thương một người thân vừa nằm xuống; nhưng ác mộng không đến trong giấc ngủ, mà lại là sự thật -một cơn ác mộng mở mắt. Không ai chia sẻ với tôi nỗi khổ đau mà truyền thông và lời phê phán của quần chúng tạo ra cho gia đình tôi -những lời phê phán vô tội vạ mà tôi không xin, không mời gọi”.
Nhiều người thích thú, quan tâm đến biện pháp sa thải và treo giò Ray Rice, trong lúc Janay phản đối, “việc tước bỏ sự nghiệp của người tôi yêu quả là khiếp đảm, ảnh bỏ ra nhiều năm, đầu tư nhiều nỗ lực để tạo dựng địa vị của ảnh trên sân cỏ”.
Trước kia tổ chức NFL (National Football League–Liên Đoàn Bóng Bầu Dục Hoa Kỳ) chỉ phạt treo giò Ray Rice 2 trận đấu, giờ này lại ấn định thêm một biện pháp mới, đòi bất cứ đội bóng nào muốn đón nhận Ray Rice phải xin và được sự chấp thuận chủ tịch NFL -ông Roger Goodell.
Dư luận trong giới bóng bầu dục tỏ ra khắt khe với Rice; ông Robert Kraft, chủ đội bóng New England Patriots, tuyên bố với hãng tin CBS, “Tôi không nghĩ là Rice sẽ có cơ hội ra sân thêm một lần nữa; tôi cũng không tin sẽ có hội bóng nào tuyển dụng anh”.
Rice có công lớn trong việc đem chiến thắng Super Bowl 2013 về cho hội Ravens; anh nói trên đài ESPN, “Vì thương Janay, tôi sẽ không bỏ cuộc; vợ tôi không khiếp nhược, vợ chồng chúng tôi tâm đầu ý hợp trong nỗ lực tranh đấu cho sự nghiệp của tôi, chúng tôi sẽ nâng đỡ lẫn nhau. Ngoài ra, còn có rất nhiều người đang cầu nguyện cho chúng tôi”.
Website TMZ của giới nổi tiếng trình chiếu cảnh Rice lôi vợ ra khỏi thang máy trong tình trạng Janay bất tỉnh tại Revel casino thuộc tỉnh Atlantic City; chính cảnh tượng này khiến Goodell quyết định phạt treo giò Rice trong 2 trận bóng sắp tới. Biện pháp này bị chỉ trích là quá nhẹ, do đó NFL đưa ra những quy điều khe khắt hơn, như treo giò 6 trận đấu cho những cầu thủ bạo hành trong gia đình, và treo giò vĩnh viễn cho những cầu thủ tái phạm.
Dĩa video quay cảnh Rice đánh vợ chưa cưới do máy video tự động của sòng bạc ghi nhận; ban giám đốc casino nộp tài liệu chứng tích này cho cảnh sát.
Goodell nói trong cuộc phỏng vấn truyền hình của đài CBS là NFL không hỏi, mà cũng không biết về dĩa video này trước lúc dĩa được truyền thông phổ biến ngày 01/09/2014. Ông xác nhận, “Mọi hành động được ghi nhận rất rõ, và chúng tôi đã có quyết định ngay”. Dĩa video ghi nhận cuộc đánh lộn giữa hai vợ chồng Rice, kết quả Rice đánh vợ đo ván.
Huấn luyện viên John Harbaugh cũng kể lại là sau khi xem video, anh đến gặp ông Steve Bisciotti, chủ đội bóng Ravens, cùng với chủ tịch và quản lý đội bóng này, ông Dick Cass và ông Ozzie Newsome, để thảo luận và đi đến quyết định sa thải Rice.
Một cảnh sát viên Atlantic City tuyên bố là Rice gây “thương tích cho Janay Palmer, đánh Janay bằng tay, làm cô bất tỉnh”.
Rice, 27 tuổi, nhìn nhận hành động của anh quả không thể tha thứ được. Bênh vực cho Rice, luật sư Michael Diamondstein, từ chối không bình luận về mọi sự việc. Năm nay, Rice đã nhận $4 triệu thù lao, và theo khế ước, dù không được ra sân, anh vẫn còn nhận thêm $10 triệu trong 3 năm sắp tới.
Chuyện Rice đánh cô Janay Palmer, xảy ra từ ngày 15 tháng Hai 2014, lúc Janay còn là vị hôn thê của anh. Hiện trường tội phạm là sòng bạc Revel Casino tại Atlantic City, tiểu bang New Jersey. Cơ quan tư pháp thụ lý vụ án này là Công tố viện quận Atlantic.
Cho đến tháng Chín 2014–bảy tháng sau–nội vụ mới bùng nổ, và Rice mới bị hội bóng Ravens và hiệp hội NFL trừng phạt, sau khi dĩa video ghi nhận cảnh đánh nhau được mạng TMZ trình chiếu.
Trên bình diện pháp lý, ngày 27 tháng Ba 2014, một đại bồi thẩm đoàn truy tố Rice về tội bạo hành cấp 3, với mức án tối đa từ 3 đến 5 năm tù giam và $15,000 tiền phạt vạ.
Ngày hôm sau, 28/03/2014, Rice và Palmer cử hành lễ cưới; vụ án hình sự được hủy bỏ vì Rice tình nguyện theo chương trình counseling (khuyên giải) do tòa án kiểm soát.
Trong lúc Janay Rice phiền trách truyền thông, phiền trách dư luận, và thách thức mọi người chống mắt ra mà xem “chúng tôi sẽ tiếp tục sống với nhau để cho mọi người hiểu tình yêu đích thực là cái gì”, thì dư luận vẫn tỏ ra lo lắng cho cô.
Bà Kristin Brumm, phụ tá giám đốc SAFEHOME, lên tiếng, “người đàn bà bị chồng đánh đập không chỉ thọ thương trên cơ thể, mà còn thọ thương trong tâm thần và trong tình cảm nữa. Nhiều bà còn cho là mình bị chồng đánh là lỗi tại mình”. Hoạt động tại Overland Park, Kan., SAFEHOME cung cấp chỗ ở cho những phụ nữ mất gia đình.
Một nhân vật khác–bà Beverly Gooden, sáng lập viên mạng WhyIStayed (tại sao tôi vẫn cứ ở lại)–liệt kê hàng chục lý do tại sao người đàn bà không ly dị mà vẫn ở lại chịu đựng ông chồng vũ phu.
Bà liệt kê nhiều lý do, như “tình thương chồng, mặc cảm tội lỗi, vướng mắc tôn giáo, con cái, sợ miệng tiếng chê bai, mang tâm trạng vô vọng, chung thủy, mệt mỏi, chịu áp lực gia đình, không có tiền sinh sống, thiếu sự giúp đỡ của thân hữu, thân nhân. Sợ hãi, sợ cô đơn, sợ tổn thương, sợ bị hiếp đáp, bị giết”.
Việc Janay quyết định ăn đời ở kiếp với Rice để chứng minh là vợ chồng cô “thực sự” yêu thương nhau là việc còn cần nhiều thời gian để có thể chứng minh; nhưng việc cô và Rice quyết liệt chống lại những quyết định của đội bóng Ravens, và của nghiệp đoàn NFL đuổi Rice ra khỏi sân cỏ, không cho anh đầu quân với bất cứ đội bóng nào khác, có nhiều hy vọng thành công. Lý do là 2 quyết định đó căn cứ trên một lời nói dối của ông Steve Bisciotti, chủ đội bóng Ravens. Bisciotti nói, trước tháng Chín 2014 ông không hề biết việc Rice đánh Janay, và cũng không hề biết là có dĩa video ghi nhận cuộc cãi lộn, rồi trở thành đánh lộn trong thang máy.
Tuy nhiên, một viên chức cảnh sát tại quận Atlantic lại nói với phóng viên AP là vào tháng Tư 2014, ông ta gửi cho NFL một bản sao dĩa video ghi nhận vụ đánh nhau trong thang máy, trong lúc cả ông Bisciotti lẫn ông Goodell đều cả quyết là họ chỉ mới biết nội vụ sau khi xem chương trình trên mạng TMZ, hôm thứ Hai mùng 1 tháng Chín 2014.
Luật sư Michael Diamondstein sẽ biết cách kết nối lời nói dối của NFL và Ravens về thời điểm họ biết vụ Rice đánh Janay, và giải thích liên hệ giữa lời nói dối đó với quyết định sa thải Rice, để đòi chủ đội bóng, và chủ tịch nghiệp đoàn bóng dài hủy bỏ quyết định sa thải Rice.
Vợ chồng Rice cần thắng trong cuộc đấu tranh ngắn hạn này trước; rồi sau đó thư thả thắng thêm cuộc thách đời về chân giá trị của tình yêu đích thực, cuộc thách thức còn kéo dài vài chục năm hạnh phúc trong gấu ó–yêu nhau lắm, nhưng cắn nhau cũng rất đau.
Ấy là chưa kể đến hai cái ơn vợ, mà Rice nặng mang: ơn Janay xin miễn tố hình sự, để Rice không ngồi tù về tội đả thương cô, và ơn phục nghiệp–Janay đang đi tiên phong trong việc đồng vợ, đồng chồng đòi NFL thu hồi lệnh cấm Rice chơi foot ball.
Nguyễn đạt Thịnh