I. Chuyện hai người đàn ông trong đời một người đàn bà
Khi tôi ngồi viết lá thư này là lúc lòng tôi đã thanh thản hơn nhiều so với 5 năm về trước. Bây giờ tôi thấy mình hạnh phúc. Nhưng tôi vẫn mang một nỗi giày vò mặc dầu những người thân của tôi, đặc biệt là những người trong gia đình chồng tôi, đã thông cảm và an ủi tôi suốt bao nhiêu năm cho đến bây giờ.
Những ngày ở Đức, tôi đem lòng yêu một người thanh niên và đã có thai. Anh ta hứa sẽ đưa tôi về nước tổ chức lễ cưới. Cái thai ngày một lớn còn anh ta thì luôn tìm mọi lý do khi tôi hỏi về việc đám cưới. Thật sự, ngày ấy tôi không hề nghi ngờ gì về anh ta cả. Nhưng một hôm, lâu không thấy anh ta đến, tôi lo lắng sợ có chuyện gì xảy ra nên tới chỗ anh ta ở. Nhưng người ở đấy nói anh ta đã chuyển đi một thành phố khác. Một người bạn của anh ta cho tôi địa chỉ nơi anh ta đang ở. Tôi quyết định lấy vé tàu đến thành phố đó để tìm anh ta. Tôi đã tìm thấy và phát hiện anh ta đang sống với một người đàn bà khác và hai người đã có một đứa con bốn tuổi. Tôi bàng hoàng đau khổ.
Và tôi đau đớn hơn khi anh ta không chấp nhận đứa con tôi đang mang trong bụng. Anh ta đã phũ phàng đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi suy sụp hoàn toàn. Sự đau đớn và tuyệt vọng đã ảnh hưởng đến đứa con trong bụng tôi: tôi đẻ non. Đứa bé ra đời khi mới chỉ được hơn bảy tháng. Nếu không có sự giúp đỡ của bạn bè và các thầy thuốc người Đức thì có lẽ đứa bé sẽ chẳng thể thành người.
Sau khi sinh con, tôi viết thư cho anh ta nhiều lần với mong muốn anh ta hãy nghĩ lại và nhận đứa con máu thịt của mình. Nhưng anh ta đã phũ phàng chối bỏ giọt máu đó. Không những thế, anh ta còn vu khống tôi nhiều chuyện. Khi tôi nhận ra rằng anh ta không có lương tâm của một con người, tôi quyết định ôm con trở về Việt Nam.
Trở về nước, tôi xin vào làm ở một xí nghiệp tại Hải Phòng, quê hương tôi. Cuộc sống của hai mẹ con tôi rất khó khăn vì đồng lương quá ít ỏi. Vì tương lai của con mình, tôi dẹp bỏ sự tự ái để lại viết thư cho anh ta. Sau nhiều lá thư của tôi, anh ta trả lời với chỉ vỏn vẹn một câu: “Muốn mấy đồng bạc thì tôi gửi cho, đừng viết những câu đạo đức giả nữa”. Với lương tâm tồi tệ của anh ta như thế, tôi quyết định vĩnh viễn quên anh ta và coi như anh ta đã chết. Cũng trong thời gian đó, tôi gặp và quen N. – một người đàn ông hiền lành, từ một tỉnh khác tới làm việc ở Hải Phòng.
Anh N. hơn tôi một tuổi và chưa có gia đình. Rồi chúng tôi yêu nhau. Tôi đã cố trốn chạy tình yêu ấy, nhưng không được. Việc có con như trường hợp của tôi đã gây nhiều dị nghị trong làng xóm và xí nghiệp trong thời gian đầu. Tôi đã kể cho N. nghe về người đàn ông tồi tệ ấy để mong N. quên tôi. Nhưng N. càng yêu thương tôi hơn. N. đặt vấn đề đi tới hôn nhân với tôi. Tôi đã chối từ. Tôi nói với anh rằng tôi cũng yêu anh và đau khổ vì anh nhưng nếu tôi đồng ý lấy anh, có thể chúng tôi chỉ thêm đau khổ về sau.
Chính vì lý do đó mà tôi đã xa lánh anh gần một năm trời. Song mặc dầu tôi đối xử với anh vô cùng lạnh nhạt và nhiều khi có vẻ phũ phàng thì anh lại càng chân thành và tha thiết với tôi. Anh yêu tôi và giúp đỡ, an ủi mẹ con tôi một cách thầm lặng. Nhưng có lẽ số trời đã định, cuối cùng tôi không thể tự dối lòng mình. Chúng tôi tổ chức đám cưới thật giản dị. Đặc biệt, gia đình anh hoàn toàn không phiền trách gì khi tôi đã có một đứa con ngoài giá thú.
Một năm sau ngày cưới, chúng tôi có một cháu trai. Chồng tôi yêu cả ba mẹ con tôi. Anh cư xử với đứa con riêng của tôi như cha ruột của nó. Có lẽ không ai cảm thấy hạnh phúc hơn tôi. Bao nhiêu đau đớn, bạc bẽo mà trước đây tôi đã phải gánh chịu, bây giờ như được anh bù đắp.
Cuộc đời tôi tưởng như sẽ chẳng bao giờ phải chịu khổ đau thêm nữa. Nhưng một chuyện khó tin đã xảy ra đối với cái gia đình bé nhỏ của chúng tôi. Người đàn ông từ Đức trở về sau bao nhiêu năm biệt tích. Quý vị có biết người đó là ai không? Đó chính là em ruột của chồng tôi!
Hồi chuẩn bị làm đám cưới, N. cũng đã có lần nói đến người em ruột đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô cũ mà nhiều năm chẳng thèm liên lạc gì với gia đình. Tôi cũng là người xuất khẩu lao động, tôi biết có nhiều người đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô cũ sau đó sang Đức sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Nhiều người trong số họ, hàng chục năm không về hoặc không liên lạc với gia đình vì lý do gì đó do tình trạng trong nước lúc ấy hãy còn rất khó khăn. Khi nhận được tin người em từ nước ngoài trở về sau hơn mười năm xa cách, chồng tôi bèn đưa cả gia đình về quê để thăm em.
Khi chúng tôi vừa bước chân vào căn nhà ở quê thì người đối diện đầu tiên chính là em chồng tôi. Cả hai chúng tôi đều ngỡ ngàng, giật mình kinh ngạc. Không còn nghi ngờ gì nữa, trước mặt tôi chính là con người bội bạc ấy. Tôi kêu lên và đổ gục xuống, ngất đi. Khi tỉnh dậy, tôi đã sụp lạy bố mẹ chồng và chồng tôi, đồng thời kể lại tất cả.
Tôi không hề biết người đàn ông kia là em ruột chồng tôi, nhưng tôi vẫn thấy tôi là người có tội. Tại sao trời lại đày đọa tôi như thế. Tất cả hạnh phúc mà tôi hiện có được chợt tan biến trong khoảnh khắc. Điều kinh hoàng hơn nữa là tôi có con với cả hai anh em ruột. Tôi trở nên điên dại.
Sau khi biết chuyện cũ của tôi, gia đình chồng tôi như có tang. Riêng chồng tôi thì thờ thẫn như người mất hồn. Anh lên cơn sốt và mê sảng.
Tôi không thể ở lại ngôi nhà ấy thêm một ngày nào nữa, bèn bỏ cả hai đứa con, chạy trốn về Hải Phòng. Tôi mua thuốc ngủ và uống. Tôi không muốn sống. Tôi kinh hãi khi phải nhìn thấy chồng tôi. Tôi biết rằng tôi đã giết chết tình cảm của chồng.
Nhưng trời không cho tôi chết. Hàng xóm láng giềng đã phát hiện ra và đưa tôi đến bệnh viện. Khi tỉnh lại, tôi nhận ra chồng và hai con tôi đang ở bên cạnh. Tôi không thể nào tin vào lỗ tai mình khi nghe anh nói rằng nếu tôi chết thì anh và hai con biết sống thế nào.
Ra viện, tôi sống trong tâm trạng bất ổn. Tôi thường giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya và khóc như điên dại. Tôi thương chồng tôi vô hạn nhưng vẫn không quên từ bỏ ý định quyên sinh.
Một đêm, khi chồng con đã ngủ say, tôi lấy dây treo cổ tự vẫn. Nhưng dây đứt. Tôi rơi bịch xuống đất. Chồng tôi thức giấc và tìm mọi cách hô hấp nhân tạo, cứu sống tôi. Tôi tỉnh lại, sụp lạy chồng tôi, vừa khóc vừa xin anh hãy để cho tôi chết.
Chồng tôi đầm đìa nước mắt, ôm tôi vào lòng và an ủi tôi. Rồi mẹ chồng tôi từ quê nhà cũng tới thăm. Bà an ủi và khuyên nhủ tôi rằng tôi không có tội gì hết, hãy quên chuyện cũ để sống mà trông nom chồng con. Người em trai bội bạc của chồng tôi đã trở lại Đức. Trước khi đi, anh ta tới Hải Phòng gặp chồng tôi ở quán cà phê, nói lời xin lỗi anh trai mình.
Sau nhiều năm trôi qua, tinh thần tôi dần dần hồi phục. Tôi có thể sống được là bởi tình yêu chân thành của chồng tôi cũng như sự cảm thông đầy hiểu biết của gia đình nhà chồng. Nhất là mẹ chồng tôi, bà bao dung và rất thương xót tôi. Nếu không có sự an ủi của bà, tôi sẽ không biết sống ra sao.
Tôi đã chẳng may gặp trên đời một kẻ chẳng ra gì, rất vô lương tâm, nhưng cũng may mắn gặp trên đời những người nhân hậu, có lòng tốt và sự thông cảm như chồng tôi, mẹ chồng tôi và những người khác. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng chồng tôi đã được thần phật đưa đường chỉ lối từ nhỏ nên mới có lòng bao dung, rộng lượng như thế.
Nhưng dường như hạnh phúc trên đời này của tôi rất ngắn ngủi. Chồng tôi bất ngờ bị tai nạn giao thông và mất ngay sau khi được đưa vào bệnh viện. Với nỗi đau đớn ấy, tôi đã hóa điên một thời gian dài. Nay, bệnh tình của tôi đã khá ổn định. Các con tôi cũng rất thương mẹ. Nhưng cũng thật là lạ, lúc nào tôi cũng có cảm tưởng chồng tôi vẫn còn sống. Cứ mỗi tuần tôi lại đem quần áo của anh ra giặt giũ, phơi phong như ngày trước tôi vẫn làm. Buổi sáng tôi vẫn pha cà phê mời anh uống và trò chuyện với anh. Đến bữa cơm, tôi vẫn xới cơm, gắp thức ăn cho anh. Tôi hoàn toàn thấy anh luôn luôn ở bên cạnh vợ con. Tôi nói với hai con tôi rằng khi nào chúng lớn tôi sẽ kể câu chuyện về người cha của chúng.
Duy chỉ có một điều mà cho đến nay tôi vẫn không biết phải làm thế nào. Đó là việc xưng hô của hai con trai tôi. Đứa con lớn của tôi là con người em, còn đứa thứ hai lại là con người anh ruột. Tôi phải xử trí ra sao cho hợp tình hợp lý.
(Một người giấu tên)
II. Một câu chuyện có 3 người đau khổ
Vào những năm đầu thập niên 1980, tôi là một cán bộ kiểm lâm mới ra trường, được bổ lên mạn thượng du sát với biên giới phía Bắc. Quê tôi ở Hưng Yên, học tại Hà Nội. Là cán bộ lâm nghiệp, tôi đi suốt, lâu lắm mới có dịp về thăm bố mẹ xong lại ra đi. Lần nào cũng vậy, hễ về là bố mẹ tôi lại giục lấy vợ để có con cái cho các cụ mừng. Phần vì thương bố mẹ đã lớn tuổi mà chưa có cháu bế ẵm, phần vì thấy cô gái trong xóm do bố mẹ tôi chọn lựa cũng xinh xắn, nết na ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó, nên tôi nghe lời bố mẹ, lấy cô gái đó chứ chúng tôi đâu có dịp tìm hiểu nhau mặc dầu hồi nhỏ có chơi với nhau.
Đám cưới tổ chức được hơn một tuần, tôi lại phải về trên ấy. Lúc chia tay, vợ tôi bịn rịn tiễn tôi ra tận đầu làng. Trong túi xách của những người yêu nhau thường có thư từ, hình ảnh hay những đóa hoa đã khô – kỷ niệm ngày cưới – còn tôi thì không, chúng tôi làm đám hỏi đám cưới gấp gáp nội một tuần lễ, có thể nói là chưa có kỷ niệm hay chưa có thời gian để có tình yêu. Thật tình mà nói, tôi chưa hề yêu nhà tôi, còn cô ấy đối với tôi thì ngoài tình nghĩa vợ chồng theo quan niệm cổ xưa của các cô gái quê hiền lành mộc mạc từ bao đời nay, mặt khác hình như cô ấy cũng có đôi chút hãnh diện với bạn bè đồng trang lứa là có tấm chồng làm kỹ sư lâm nghiệp, đã từng tốt nghiệp Đại học Nông lâm Hà Nội. Riêng tôi, tôi chẳng hãnh diện một tí nào, mình còn trai trẻ, kỹ sư kỹ siếc nhưng sống trên rừng, thiếu thốn đủ thứ, khác xa Hà Nội. Chán ơi là chán.
Trong lúc buồn tình như thế, khi nào rảnh rỗi tôi thường vào trong bản chơi. Thế rồi tôi gặp Mén, một cô gái người dân tộc Hơ-mông nhưng biết nói tiếng Kinh rất thạo. Con gái Hơ-mông nổi tiếng là đẹp trong số các cô gái người dân tộc. Tôi yêu Mén, Mén cũng yêu tôi, nhưng chúng tôi chỉ dám nhìn nhau, trao nhau bằng ánh mắt nụ cười, bởi vì mình là nhân viên ăn lương nhà nước, đã có vợ, hễ tham lam, láng cháng với mấy cô gái người dân tộc, mà ngày trước người ta thường gọi là sơn nữ, là rất nguy hiểm, có khi ăn đạn súng kíp như chơi. Ở nơi rừng núi này, người ta tự chế tạo được súng kíp, ghen hay chẳng ghen, họ núp đâu đó, nổ cho mình một phát, chẳng ai biết đấy là đâu.
Tuy nhiên, tình yêu có tiếng nói riêng của nó. Tôi vẫn im lặng, song Mén cũng hiểu tình cảm của tôi. Tôi suy nghĩ lung lắm, nhiều đêm thức trắng vì mình đã có vợ, nếu yêu Mén thì chỉ làm khổ em thôi.
Thế rồi một hôm, trời tối sầm, mây đen phủ kín bầu trời, sấm chớp đùng đùng. Những giọt mưa ào ạt dội xuống. Mưa như trút nước. Gió rít ầm ầm bẻ gãy răng rắc cành cây. Mưa ở vùng thượng du đều như thế cả, không hề báo trước nhưng đã mưa là rất khủng khiếp. Tôi ẩn mưa vào nhà em. Cả nhà đi vắng, em ngồi một mình bên khung cửi.
Trông thấy tôi, em đứng dậy, chạy ra. Lúc này người tôi khá ướt. Tự nhiên em ôm choàng lấy tôi, áp mặt vào ngực tôi và em khóc. Tôi ghì chặt em trong vòng tay như sợ rằng chỉ lơi lỏng ra một chút là em sẽ biến mất. Thân hình em ấm áp, da thịt em mịn màng, hết sức mềm mại. Mùi lá cây rừng mà các cô sơn nữ dân tộc xinh đẹp thường nấu nước tắm hay gội đầu, thơm thơm, ngan ngát. Lòng tôi xao xuyến, khao khát tột bậc. Em mềm người đi trong vòng tay tôi. Lúc ấy đầu óc tôi mê muội, không còn biết là mình đang làm gì nữa, dù có “đấu tranh tư tưởng” hay tự giằng xé thì cũng vô ích…
Chỉ đến lúc em ngồi dậy và khóc rưng rức, bấy giờ tôi mới hiểu rằng mình đã làm một điều tồi tệ, đã ăn cắp cái quý giá nhất của người con gái mà mình không được quyền yêu thương…
Người ta nói đã ăn cắp lần đầu là sẽ ăn cắp nhiều lần khác nữa. Đúng là chúng tôi ăn nằm với nhau nhiều lần. Dần dần cơ quan khám phá ra mối quan hệ của hai đứa, họp kín để phê bình cá nhân tôi. Em nhận hết tội lỗi về mình. Tôi bị điều đi nơi khác cũng ở Tây Bắc nhưng rất xa với nơi cũ và phải làm bản cam kết không được liên lạc với em nữa. Từ đấy tôi không còn được gặp Mén nữa và phải xếp đồ đạc đi ngay, không được nấn ná. Mén khóc như mưa. Tôi thương em lắm nhưng đành tuân hành, chẳng biết phải làm sao.
Nhiều năm sau đó, hình ảnh tươi trẻ và đẹp như bông hoa rừng của Mén luôn luôn hiện ra trong trí óc tôi. Lúc chia tay, em lột tấm hình nhỏ xíu trong giấy Chứng minh Nhân dân giúi vào tay tôi, khóc ngất. Chỉ có vậy thôi, tội nghiệp người con gái Hơ-mông, hình như em chỉ luôn luôn ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm, chưa có thì giờ nghĩ đến chuyện chụp những tấm hình kỷ niệm như các cô gái khác.
Cùng với thời gian, giờ đây tôi đã lớn tuổi và đã được trở về làm việc ở Hà Nội từ lâu. Cuộc hôn nhân ở nơi quê nhà ngày trước tuy không có tình yêu nhưng vẫn bền chặt như mọi gia đình khác, vì người nhà quê ít khi bỏ nhau và chúng tôi đã có con cái. Tôi đưa vợ con lên Hà Nội. Cũng do gặp may trong việc đầu tư bất động sản nên ngày nay tôi cũng có được một ngôi biệt thự sang trọng trên khu đất rộng ở vùng ngoại ô. Chúng tôi có hai con trai, cháu lớn mới đi du học theo tính cách tư nhân ở bên Úc, còn cháu nhỏ thì mới thi đậu vào năm thứ nhất một trường đại học ở Hà Nội.
Một hôm, tôi và một số người bạn đi ăn đặc sản ở nhà hàng. Có năm cô gái trạc tuổi con tôi đi ra, son phấn lòe loẹt, váy áo ngắn ngủn. Người ta gọi những cô gái này là “gái nhà hàng” hay “gái gọi” gì đó tôi không biết rõ. Một cô đến chỗ tôi ngồi, rót bia cho tôi. Gái nhà hàng không được quyền ngồi với khách. Thoạt trông cô bé, tôi chợt nhớ ngay đến Mén. Cô bé này có gương mặt, giọng nói, ánh mắt và nụ cười giống hệt với Mén, cứ như là phiên bản của Mén. Tôi hỏi chuyện cô bé thì biết bố mẹ cô là người dân tộc, đúng vùng đất nơi tôi làm kiểm lâm ngày trước. Tôi hỏi cô có biết người nào tên là Mén không, cô nói “đó là mẹ cháu”.
Tôi đau xót, và để xác minh sự thật, ngay buổi chiều hôm sau tôi hẹn gặp cô bé ở một chỗ khác và đem tấm ảnh của Mén lột từ giấy Chứng minh Nhân dân ra. Cô bé ngắm kỹ tấm ảnh rồi ngạc nhiên hỏi “sao bác lại có ảnh của mẹ cháu?” Tôi giải thích sơ qua sau đó hỏi “bây giờ mẹ cháu ra sao, bố cháu thế nào?” Cháu nói “bố cháu bị bệnh mất cách đây mấy năm rồi, mẹ cháu cũng hay đau yếu và cháu có ba đứa em còn nhỏ đang ở quê nhà”. Tôi đã chuẩn bị sẵn nên đưa cho cháu một số tiền, khuyên cháu đừng làm nhà hàng nữa đồng thời hứa sẽ kiếm cho cháu một công việc khác, cháu rất mừng rỡ.
Mấy hôm sau tôi cùng cháu về thăm Mén. Thật sững sờ, Mén ngày trước trẻ trung, xinh đẹp vậy mà bây giờ già và tàn tạ quá với những nếp nhăn hiện rõ trên mặt. Mén nhìn tôi xúc động và chảy nước mắt, nhưng nước mắt bây giờ không như ngày trước nữa mà nó khô cạn và dường như không mấy làm tôi xúc động. Nàng cho biết cô bé dẫn tôi về đây chính là con tôi. Cái buổi chiều mưa hôm ấy và những lần gặp gỡ tiếp theo đã khiến cho nàng mang thai. Sau khi tôi bị đổi đi, nàng phải lấy chồng ngay lập tức bởi vì nếu chuyện không có chồng mà chửa lộ ra thì sẽ bị làng bắt vạ rất lớn, hàng chục con trâu, hàng chục ché rượu, tốn kém không sao chịu nổi. Mén đẹp, chồng Mén tuy biết nhưng yêu thương Mén nên không tiết lộ chuyện đó với ai, ngay cả con gái của Mén khi lớn lên cũng không được biết.
Tôi thương Mén lắm và thương cả đứa con gái giọt máu rơi của mình. Mười chín năm trời trôi qua, tôi đâu có biết ở nơi ấy có đứa con của tôi và một người phụ nữ vẫn nghĩ đến tôi. Con tôi phải đi làm nhà hàng hay làm gái gọi gì đó cũng là bất đắc dĩ, vì từ khi chồng Mén chết, Mén đau yếu, cháu phải nuôi ba em nhỏ, mà trình độ văn hóa của cháu chưa hết lớp mười.
Cho đến nay, thời gian đã qua gần hai năm nhưng tôi vẫn chưa dám nhận cháu là con. Tôi sợ vì nhiều lẽ, con gái tôi có chấp nhận một người bố đã không thèm đoái hoài gì đến con mình suốt bao nhiêu năm trời hay không? Những gì xảy đến với cháu cứ như dao cắt trong lòng tôi. Hóa ra tôi đã làm khổ không chỉ một người mà là ba người: vợ tôi, Mén, và con gái tôi. Nghĩ đến cảnh con gái tôi đã có những ngày tháng cơ cực ở vùng thượng du, sau đó tủi hổ với nghề “gái gọi” hay “gái nhà hàng”, dù không biết rõ cháu đã phải làm trong bao lâu song tôi cũng không ngăn được nước mắt.
Tôi đã đền bù cho cháu bằng cách thuê cho cháu một căn hộ nhỏ đầy đủ tiện nghi và cho cháu vừa đi học lại vừa đi học nghề may cắt. Cháu rất cảm động với sự giúp đỡ của tôi, vì cứ tưởng rằng tôi là bạn thân ngày trước của bố mẹ cháu. Còn nữa, cơ quan tôi sẽ nghĩ ra sao nếu biết tôi có đứa con rơi mà tôi thì đang là một cán bộ lãnh đạo? Rồi còn gia đình tôi nữa, liệu vợ tôi có thể chấp nhận được không nếu tôi đem về đứa con đã có với một cô gái miền thượng du mà nàng coi là thuộc loại “rừng rú” khi tôi còn ít tuổi, đang làm kiểm lâm ở đấy.
Từ hai năm nay tôi luôn kín đáo gửi số tiền ít ỏi lên giúp đỡ Mén. Và hằng tháng trợ cấp tiền cho con gái ăn học – cả tiếp tục học chữ lẫn học nghề – coi như tình nghĩa và trách nhiệm của người cha muộn màng. Tôi vẫn chưa đủ can đảm nói cho vợ tôi biết câu chuyện này mặc dầu vợ tôi rất hiền, tốt bụng và xưa nay vẫn thèm có đứa con gái vì chúng tôi chỉ có hai đứa con trai. Tôi có nên nói không, chính tôi cũng không biết rõ.
III. “Bố mẹ ơi con muốn ở nhà với bố mẹ…”
Thật không ngờ, khi nghe tôi cho biết cái kết quả xét nghiệm trước khi sinh con của vợ tôi là nàng bị dương tính với HIV, vợ tôi đã ngất xỉu. Những ngày sau đó, cô ấy suy sụp không kém gì tôi và khóc lóc nức nở, thú thật với tôi rằng người yêu trước đây của cô ấy nghiện hút. Chính vì phát hiện ra người yêu ghiền ma túy nên cô ấy đã chủ động cắt đứt, không ngờ làm liên lụy đến chồng và đứa con trong bụng…
Tôi viết những dòng này trong khi Sài Gòn đang trở rét. Nghe nói ở ngoài Bắc độ này lạnh lắm, cái lạnh của phương Bắc đã tràn tới phương Nam một ít chăng.
Sở dĩ tôi quyết định gửi bức thư này tới quý báo là bởi cách đây ít lâu, tôi đọc được trên báo câu chuyện: “Lời trần tình của đứa con tội lỗi”, trong đó là tâm sự của đứa con trai mắc nghiện nặng, bị gia đình kỳ thị, đang khát khao mong đợi được bố mẹ tha thứ để được trở về làm người lương thiện. Đọc câu chuyện ấy, tôi đã khóc, vợ tôi cũng khóc cạn khô nước mắt. Lâu nay tôi cứ nghĩ, những người đi vào con đường sai lầm, bệ rạc như cậu thanh niên kia thì xã hội mới không dung thứ, bố mẹ mới không cưu mang chứ mình là người đàng hoàng, làm gì có chuyện bị HIV.
Tôi vào Sài Gòn đến lễ Vu lan 15 tháng Bảy âm lịch vừa qua là tròn hai cái lễ xa quê. Tròn hai cái lễ tôi không đưa vợ con trở về thăm gia đình, báo hiếu bố mẹ. Đó là nỗi khổ của riêng tôi, không chia sẻ với ai được. Mỗi khi có dịp nghỉ hay sắp đến tết, nhìn thấy bạn bè tíu tít sắm sửa để về thăm quê là tôi lại thấy tủi thân.
Chắc quý báo nghĩ rằng tôi đã có lỗi lầm gì đó tày trời nên mới phải bỏ nhà ra đi biệt xứ thế này? Không, tôi không phải là kẻ ăn chơi, hư hỏng hay nghiện ngập, lại càng không phải là một tội phạm bị pháp luật truy nã. Điều chua xót là từ bé đến lớn tôi luôn sống một cuộc sống đàng hoàng, lương thiện, chưa bao giờ làm điều gì sai quấy, thế nhưng số phận oan nghiệt đã đổ lên đầu tôi một tai họa khủng khiếp. Mọi chuyện bắt đầu từ khi vợ tôi sinh đứa con trai đầu lòng và cũng là lúc tôi bất ngờ phát hiện ra là cả vợ tôi lẫn đứa con trai mới lọt lòng của tôi đã bị HIV/AIDS qua kết quả xét nghiệm trước khi sinh.
Tôi đã suy sụp tột cùng, đã kinh hoàng không tin vào mắt mình khi xem tờ giấy xét nghiệm. Vâng, tôi không tin bởi vì tôi tự nghĩ, HIV từ đâu tới, chẳng lẽ lại là tôi ư? Và tôi tự kiểm soát lại mình. Ngày trước tôi cũng có yêu nhưng người yêu của tôi là một nữ sinh viên cùng học trong trường đại học, chúng tôi chưa hề một lần vượt qua ranh giới tình yêu cho đến khi có sự ngăn cách do nàng cùng gia đình được bảo lãnh ra nước ngoài. Rồi sau khi đi dạy, tôi cưới vợ. Vợ tôi cũng là một cô giáo, hết sức hiền thục. Theo tôi hiểu, trước đây nàng cũng đã từng trải qua một vài mối tình nhưng vì tôn trọng nàng, tôi không hỏi nàng những gì đã xảy ra trong quá khứ. Vậy thì do đâu bỗng dưng tai họa kinh hoàng lại ập đến cái gia đình bé nhỏ của tôi? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, mất ngủ hàng đêm, người gầy xọp hẳn đi, hai mắt thâm quầng vì quá đau khổ. Nàng là cô giáo đàng hoàng, nghiêm túc, vậy thì lỗi này tại ai? Tại ai?
Thật không thể ngờ được, khi nghe tôi cho biết cái kết quả xét nghiệm trước khi sinh con của vợ tôi là nàng bị dương tính với HIV, vợ tôi đã ngất xỉu. Những ngày sau đó, cô ấy suy sụp không kém gì tôi và khóc lóc nức nở, thú thật với tôi rằng người yêu trước đây của cô ấy nghiện hút. Chính vì phát hiện ra người yêu ghiền ma túy nên cô ấy đã chủ động cắt đứt, không ngờ làm liên lụy đến chồng và đứa con trong bụng.
Người yêu của cô ấy sau đó đã đi trại cai nghiện, cô cũng đã đoạn tuyệt với mối tình đó một năm trước khi đến với tôi. Sự thật đã hé lộ ra được một ít, mặc dù liên tiếp đi từ cú sốc này đến cú sốc khác nhưng tôi vẫn phải đi đến tận cùng để tìm hiểu căn nguyên bất hạnh đang trút lên gia đình bé nhỏ của tôi. Theo sự chỉ dẫn của vợ, tôi đã tìm được đến nhà người yêu cũ của vợ tôi. Chao ôi, tôi gần như hoa mắt, chỉ muốn đổ sụp cả người xuống khi nhìn thấy trên bàn thờ khói hương là di ảnh người yêu cũ của vợ tôi vừa mất vì căn bệnh AIDS cách đây chưa lâu.
Đến nước này tôi còn biết nói gì với vợ tôi nữa. Xét cho cùng, vợ và con trai tôi cũng chỉ là nạn nhân của HIV/AIDS mà thôi. Tất cả đối với tôi đã sụp đổ hết. Hạnh phúc gia đình ngọt ngào, mọi tương lai phía trước bỗng chốc tan thành mây khói. Nhìn vợ khóc lóc, gầy mòn và suy sụp vì đau khổ, vì cảm thấy có lỗi với chồng con, tôi thương xót cô ấy đắng lòng, chỉ biết khuyên nhủ cô ấy hãy bình tĩnh để vượt qua mọi chuyện, trong khi đó bản thân tôi cũng rơi vào tâm trạng suy sụp cùng cực, hoang mang tột độ. Cái điều đáng sợ nhất mà cả tôi lẫn cô ấy đều không dám nói là tình trạng của tôi hiện nay ra sao. Tôi cần phải đi xét nghiệm để tìm cách phòng bệnh. Cuối cùng, lấy hết can đảm, tôi đi làm cái việc phải làm, nó có thể cho thấy một tương lai khá hơn, nhưng cũng có thể kết thúc cuộc đời vừa mới bắt đầu của tôi.
Cuối cùng thì sự sợ hãi lên đến đỉnh điểm của sự tuyệt vọng là tôi cũng bị dương tính với HIV. Cầm kết quả trong tay, tôi như người điên dại. Suốt đêm hôm đó, lần đầu tiên trong đời, tôi đã lang thang ngoài phố không trở về nhà. Vợ tôi đi tìm thấy tôi ở quán rượu trong tình trạng say mèm, rồi đưa tôi về nhà trong nước mắt.
Tai họa và bất hạnh của gia đình tôi như vậy. Tôi càng ngẫm nghĩ lại càng chua xót, tại sao số phận lại đổ lên đầu chúng tôi nỗi bất hạnh quá lớn như vậy? Còn con trai tôi nữa, cháu vừa mới ra đời, lẽ ra cháu sẽ được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, ngờ đâu những ngày sống hiện tại của cháu thật ngắn ngủi, không biết rồi đây, thần chết sẽ đến lúc nào để mang cháu đi. Liệu lúc ấy vợ chồng tôi có còn sống để lo cho cháu được không hay chúng tôi sẽ chết trước, bỏ lại cháu mồ côi và bệnh tật trên cõi đời này? Càng nghĩ vợ chồng tôi lại càng suy sụp tinh thần.
Quý vị ơi, điều khó nói của tôi là chúng tôi sống với bố mẹ. Cha mẹ tôi đều là nhà giáo tại một trường đại học trong thành phố Ninh Bình. Gia đình tôi là gia đình nền nếp, bố mẹ tôi nghiêm túc và rất trọng danh dự. Trong cuộc sống hằng ngày, bố mẹ tôi rất khắt khe khi nói về những người nghiện hút hoặc những kẻ ăn chơi, xấu xa, tội lỗi. Điều đó cũng đúng thôi, bởi vì môi trường của bố mẹ tôi là nơi đào tạo những thầy cô giáo tương lai, bố mẹ tôi không chấp nhận các thầy cô giáo mà mắc căn bệnh thế kỷ.
Vợ chồng tôi đã phải che giấu bệnh trạng của mình. Làm sao ông bà có thể tưởng tượng được vợ tôi là một cô giáo mà đã từng yêu và ăn nằm với một kẻ nghiện ngập, bị HIV? Bố mẹ tôi có thể chịu đựng nổi không khi cả cái thành phố ấy đều biết tin gia đình của tiến sĩ H. có người con trai duy nhất thì lại bị HIV/AIDS cả hai vợ chồng, làm lây sang đứa cháu đích tôn ông bà quý như hạt ngọc.
Cực chẳng đã tôi phải làm cái việc tôi đã suy nghĩ rất kỹ là đem vợ con ra đi để cứu vớt danh dự gia đình. Tôi nói dối bố mẹ là tôi muốn vào trong Nam sinh sống. Vợ chồng tôi sẽ nghỉ dạy học, vào trong Nam tìm cách mở một công ty để có thể kiếm được khá hơn chứ hai vợ chồng cùng đi dạy, mòn đời cũng không khá được.
Khi nghe tôi tuyên bố sẽ rời khỏi nhà để vào trong Nam, bố mẹ tôi sững sờ và đã khuyên can tôi hết nhẽ. Sau cùng, trước thái độ kiên quyết của tôi, bố mẹ tôi vô cùng giận dữ. Bố mẹ tôi không tài nào lý giải nổi, từ một đứa con ngoan ngoãn, hiếu nghĩa, sao bỗng dưng tôi thay tính đổi nết, nghe vợ nên muốn từ bỏ bố mẹ để ra đi. Khi biết tôi quyết định sẽ đưa gia đình vào Nam, mẹ tôi chỉ khóc, còn bố tôi thì nói với tôi một cách chua xót: “Chúng tôi đã làm điều gì không nên không phải với anh chị để đến nỗi anh chị phải bỏ nhà mang cháu tôi ra đi? Tôi chỉ có mình anh là con trai và đứa cháu đích tôn, chúng tôi sai ở đâu để phải chịu nỗi bất hạnh là tuổi già mà mất con mất cháu. Anh hãy trả lời tôi đi!”.
Nói thật, trong tình trạng đau đớn như vậy, tôi không còn đủ sức để giải thích cho bố mẹ tôi hiểu để tha thứ cho hành động của tôi. Tôi đã quá tuyệt vọng nên im lặng đưa vợ con rời thành phố trong khi rất muốn quỳ xuống và khóc nói với bố mẹ: “Bố mẹ ơi, con muốn ở nhà với bố mẹ nhưng không thể được”. Lỗi này tại ai, tại ai, tại ai?… (P.T.)
Đoàn Dự ghi chép