Ông Ban Ki Moon và ca sĩ Psy cùng nhảy Gangnam Style (Reuters) Nếu người đến từ sao Hỏa đổ bộ xuống địa cầu vào thời điểm này, chắc hẳn họ không khỏi băn khoăn : không biết nhân loại nhiễm bệnh gì mà từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, đâu đâu cũng thấy cảnh tượng kẻ múa như điên, người nhảy như cuồng. Điệu nhảy có tư thế của người đang cưỡi ngựa, tay trái cầm cương, tay phải quay roi. Hỏi ra, người ngoài hành tinh mới biết đó là Gangnam Style.
Nếu người dân sao Hỏa đã nhiều lần xuống thăm Địa cầu, thì mấy lần trước, họ đã học cách hất váy đá chân của french cancan, nhảy cặp uốn mình như lambada, khua tay múa chân như macarena. Người dân đến từ sao Hỏa cũng biết rung đùi lắc hông như ông hoàng Elvis the Pelvis, hay lướt chân đi thụt lùi theo kiểu Moon Walk của Michael Jackson. Nhưng từ trước tới nay, họ chưa bao giờ chứng kiến tận mắt cái điệu nhảy cưỡi ngựa cực kỳ vô duyên, tột cùng kỳ quái của một ca sĩ Hàn quốc tên là Psy. Cách giải thích hợp lý nhất cho dù vẫn còn hơi khoa học viễn tưởng, vẫn là : Sao Hỏa đất đỏ khô cằn, tuyệt đối không có một giọt nước. Mà không có nước thì làm sao để nuôi ngựa. Không có ngựa thì làm sao mà sáng chế điệu nhảy Gangnam Style. Go figure !!!
Người dân sao Hỏa xuống thăm trái đất lần này đúng vào ngày 21 tây tháng 12 năm 2012, bởi vì nghe đâu theo truyền thuyết của lịch Maya cổ đại, đó là ngày tận thế của nhân loại. Dân Hỏa tinh đáp xuống Địa cầu vì mục đích hòa bình. Trong trường hợp Trái đất bị hủy diệt thì họ sẽ cho loài người đi quá giang bằng một cuốc xe ôm, nói cho chính xác là đĩa bay ôm : đó là thượng sách. Còn lỡ như có đánh nhau như trong kịch bản phim Independance Day hay là Mars Attacks, thì nói theo kiểu cưỡi ngựa, họ vẫn chiếm thế thượng phong, cho dù đánh nhau nhân dịp năm mới gần kề vẫn là hạ sách. Sao Hỏa không có biển đảo hay tài nguyên mà họ vẫn không thôn tính lấn chiếm các hành tinh láng giềng. Trái với thái độ hiếu chiến của Trung Quốc, dân tình sao Hỏa coi vậy mà hiền.
VIDEO Lạ lẫm thay, ngày 21 tháng 12 năm 2012 chính là cái ngày mà ca sĩ Psy với điệu nhảy Gangnam Style phá kỷ lục với hơn một tỉ lượt người truy cập trên mạng YouTube. Kỷ lục này trước đó do ca sĩ tí hon Justin Bieber nắm giữ với 800 triệu lượt người xem. Cậu bé Justin rốt cuộc đành phải ra chỗ khác mà chơi, về nhà khóc òa với mẹ, nhưng sao dỗ hoài mà không chịu nín. Quá đỗi tò mò, người ngoài hành tinh mới truy cập internet, và khám phá là trên Facebook hay Twitter, cư dân trên mạng đồng loạt rủ nhau vào YouTube đúng vào ngày ‘‘tận thế’’ để giúp cho ca sĩ xứ kim chi lập kỷ lục thần kỳ, gõ đầu thằng nhóc Justin Bieber : để lập kỷ lục Psy chỉ cần có vài tháng trong khi Justin phải mất đến hai năm. Dù có tài tiên tri cách mấy, người Maya cũng không thể đoán rằng : làn sóng thần đổ ập vào đất liền lại đến từ xứ bình minh yên tĩnh.
Hóa ra sức mạnh của Gangnam Style một phần là do các mạng xã hội. Người này rỉ tai người nọ, tiếng đồn tựa như con vi trùng sinh sôi nẩy nở, tỏa rộng lan truyền. Người không muốn xem cũng đâm ra tò mò : điệu nhảy cưỡi ngựa là cái quái gì mà ai ai cũng nhắc tới : từ Tổng thư ký Ban Ki Moon tại trụ sở Liên Hiệp Quốc đến Thủ tướng Anh David Cameron. Từ ngôi sao nhạc pop Madonna tại Madison Square Garden cho tới các thành viên nhóm Spice Girls, từ thần tượng điện ảnh Hugh Jackman trong vai Dị nhân móng sắt Wolverine, đến nhân vật Iron Man Người Sắt, mỗi người đều muốn thử một lần cho biết thế nào là ‘‘cưỡi ngựa’’ ảo.
VIDEO Có một điều mà mọi người sao Hỏa có lẽ đều biết mà dân Địa cầu lại không biết là một tỉ lượt người xem trên YouTube (con số chính xác là 1.000.382.639 vào lúc 16g GMT) càng giúp cho ca sĩ Psy giàu thêm mà không cần phải bán bất cứ một đĩa hát nào cả. Theo tạp chí kinh tế Expanssion, tính trung bình mạng YouTube trả cho tác giả tải phim video lên mạng, một đôla cho mỗi ngàn lượt người xem. Chỉ riêng với tác quyền này, ca sĩ Psy có được một triệu đô la bỏ túi.
Ấy là chưa kể đến doanh thu của các video clip khác, làm theo dạng bắt chước khôi hài, hay châm chọc nhái lại (parody). Tính tổng cộng, tất cả dòng sản phẩm, các hợp đồng quảng cáo có khai thác hình ảnh hay nhạc nền của Gangnam Style đã đem về 20 triệu đô la chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng. Nhờ thế hệ 2.0 và cư dân mạng, ca sĩ Psy hái ra tiền, hốt bạc triệu. Không mua vé số mà vẫn trúng độc đắc. Không tài kinh thiên mà vẫn động địa.
Nếu dân sao Hỏa biết đọc báo, thì họ sẽ thấy truyền thông Địa cầu phản ứng trái ngược nhau. Tạp chí Billboard nói đến tác động của một bản nhạc đầy hiệu quả, đúng theo nghĩa phổ thông đại chúng của nhạc pop. Tờ The Washington Post , thì cho rằng : từ một vũ điệu mà thoạt nhìn cực kỳ ngu xuẩn, Gangnam Style lại trở nên rất mát mắt đối với giới trẻ. Theo hãng thông tấn Associated Press, Andy Warhol cho rằng mỗi người trong đời đều có thể có 15 phút danh vọng, vũ điệu cưỡi ngựa chính là cái khoảnh khắc vinh quang của ca sĩ xứ Hàn.
VIDEO Đối với The Guardian, bài hát của Psy là một ca khúc dành cho sàn nhảy rất tầm thường. Tờ Sydney Morning Herald thì đánh giá video clip của bản nhạc chẳng có nghĩa gì cả đối với người Tây phương. Le Monde nói về sự lấn lướt của tiếp thị lan truyền đối với công nghiệp quảng cáo toàn cầu. Libération đề cập đến một ca khúc pop dance với ca từ ngây ngô, với điệu nhảy ngốc ngếch. Báo Anh Mỹ gọi một bản nhạc ăn khách là hit, báo chí Pháp gọi đó là tube (dịch sát nghĩa là một cái ống), nhưng chữ tube có hàm ý chê bai vì theo định nghĩa của nhà văn Boris Vian, bản nhạc ăn khách giống như một ống đèn neon, sáng ngời ở bên ngoài nhưng rỗng tuếch ở bên trong. Kẻ bênh, người chống , giới truyền thông vô tình nuôi dưỡng hiện tượng Gangnam Style, dù có thích hay không.
Cộng đồng cư dân mạng phản ứng một cách tương tự : kẻ hí hửng vui mừng, người thẹn thùng chưng hửng. Giới trẻ Pháp xem Gangnam Style là một bài hát nghe để nhảy nhiều hơn là nghe để thưởng thức. Có lẽ cũng vì thế mà ca từ tiếng Hàn trong ca khúc dù họ chẳng hiểu nhưng vẫn không quan trọng cho lắm. Đổi lại, điệu cưỡi ngựa do rất dễ tập, dễ nhảy cho nên rất hợp với phong trào flash mob, nơi mà hàng ngàn bạn trẻ từ New York sang Paris, từ Luân Đôn đến Roma. Tokyo đến Hồng Kông tập hợp lại một chỗ để cùng nhảy múa với nhau.
Cộng đồng mạng ở Hàn Quốc lại càng chưng hửng hơn : Seoul chi nhiều kinh phí để quảng bá văn hóa Hàn : phim ảnh, ẩm thực và gần đây hơn nữa là phong trào K-pop, nhưng rốt cuộc điều mà cả thế giới giữ lại trong tâm trí lại là một điệu nhảy trông rất buồn cười, coi chẳng giống ai. Psy không thuộc vào phong trào K-pop, nơi mà các ca sĩ băng nhóm dựa trên cùng một khuôn mẫu, khai thác cùng những bí quyết thành công thương mại : ngoại hình hấp dẫn, vũ đạo thuần thục, công nghiệp lăng-xê, quảng cáo rầm rộ.
Từ ngoại hình đến phong cách, Psy không theo phong trào này mà lại giống như một kẻ phá đám. Nhân vật này khôi hài, có lúc châm chọc mỉa mai, đôi khi bị cho là sống sượng thô tục, một tên hề thích pha trò và có vẻ như không màng đến hình ảnh nghiêm túc của các ngôi sao Hàn Quốc. Trên trường đua, Psy là một con ngựa điên nhưng lại về ngược.
VIDEO Nói đến đây thì người ngoài hành tinh không khỏi buồn cười. Bởi vì nghe đâu Gangnam Style tiêu biểu cho điều mà giới chuyên ngành gọi là "haunting melodies", có thể hiểu đó như là những giai điệu ám ảnh tâm trí. Thuật ngữ này do nhà phân tâm học người Áo Theodor Reik lập ra vào năm 1925. Học thuyết này những thập niên sau, đã được nhiều chuyên gia tâm lý, khoa thần kinh, thậm chí khoa triết như Philippe Grimbert, Peter Szendy hay Oliver Sacks bỏ công nghiên cứu.Theo đó, trong âm nhạc hàn lâm hay phổ thông, có những giai điệu đơn âm khi được lặp đi lặp lại, trở nên dễ nhớ dễ nghe như ca khúc thiếu nhi, làm cho ta liên tưởng đến tiếng nói bập bẹ dễ thương của một đứa bé.
Chữ Gangnam Style hay Oppa Oppa, lặp đi lặp lại trong bài hát cũng không khác gì cho lắm điệp khúc Waka Waka của Shakira, đoạn mở đầu bài hát Bad Romance của Lady Gaga (Rah-rah-ah-ah-ah! Roma-roma-ma! Ga-ga-ooh-la-la!), bài hát Da Da Da của nhóm, hay là Da Doo Ron Ron mà Phil Spector đã viết vào năm 1963cho ban nhạc de The Crystals. Trong các trường hợp này, nhạc điệu ca từ cần sự hiệu quả, ý nghĩa thật ra không có gì là quan trọng.
Sau điệu nhảy Gangnam Style, liệu ca sĩ Psy có thể trụ lại được lâu? Rất nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là một hiện tượng nhất thời. Đơn thương độc mã, chàng kỵ binh xứ Hàn tiếp tục cuộc hành trình từ nước này qua nước nọ. Số lượng một tỉ lượt người truy cập sẽ tiếp tục tăng cho đến khi nào mọi người đã nhàm chán và chuyển qua bàn tán đến một hiện tượng khác. Những người không muốn nghe hay xem điệu nhảy cưỡi ngựa chỉ còn có hai cách : một là tắt máy bịt tai, hai là xin phép người ngoài hành tinh cho mình lên đĩa bay, tị nạn trên sao Hỏa.
Source: RFI