Người nhà bệnh nhân (mặc áo đen) cầm ghế đòi đánh bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai ngày 25/7/2014. Courtesy VTC
Truyền thông Việt Nam vừa đưa tin chuyện bác sĩ bị côn đồ xông vào phòng cấp cứu đánh làm vỡ quai hàm. Trước
đó cũng có nhiều vụ bác sĩ bị hành hung, thậm chí có bác sĩ còn bị đâm chết. Nguyên nhân vì sao dẫn tới những
việc này và liệu có phương cách gì giúp giảm tình hình hay hay không?
Trong vòng hai năm trở lại đây, có ít nhất 10 vụ người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ. Điển hình có một vụ người
nhà bệnh nhân đâm chết bác sĩ sau khi ông không cứu được bệnh nhân. Trước đó, họ cũng dọa nạt sẽ hành hung
nếu bệnh nhân không qua khỏi. Mới đây vào ngày 23/9, một bác sĩ trẻ ở bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội bị đánh vỡ
quai hàm trong lúc đang điều trị cho một bé gái.
Người nhà bệnh nhân (mặc áo đen) đánh bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai ngày 25/7/2014 bị bắt tại trụ sở công an. Courtesy ĐSPL
Mâu thuẫn bác sĩ - bệnh nhân Chuyện bác sĩ bị hành hung mới được truyền thông đưa tin trong thời gian gần đây nhưng việc người nhà bệnh nhân
uy hiếp chửi mắng bác sĩ không phải là hiếm. Bác sĩ Việt Hùng, từng làm việc trong bệnh viện của công an ở Sài
Gòn, cho hay anh bị người nhà bệnh nhân chửi như cơm bữa:
“Bệnh nhân với bác sĩ nhiều khi không tương đồng về chuyên môn. Khi mà vào viện, chúng tôi làm thì cái gì cần cấp
cứu thì chúng tôi làm trước, cái gì nhẹ thì chúng tôi làm sau. Người bị nhẹ đâu có hiểu là mình bị nhẹ hay bị nặng
hơn cái người đang nằm hiện tại đó. Nhiều khi nó mâu thuẫn với nhau chỗ đó. Bức xúc, bị chửi tùm lum, tà la hết cả
lên.”
Bác sĩ Minh Quang ở bệnh viện Nhiệt đới, chuyên chữa trị cho những người nhiễm virus HIV. Theo ông, đa phần
các bệnh nhân của ông là những “thành phần phức tạp” như buôn bán ma tuý, mại dâm, người nghiện chích hút.
Ông nói làm việc với những bệnh nhân như thế này nguy cơ bị đánh là thường trực. Bác sĩ Quang cho biết:
“Hệ thống bảo vệ bác sĩ cực kỳ kém, nên không bao giờ sợ bác sĩ, chỉ sợ bệnh không được chữa thôi. Họ hùng hổ,
chỉ cần nói trệch một chút là họ đánh liền. Tôi mà chờ tới công an, cảnh sát thì tôi chết lâu rồi.”
Vì thái độ bác sĩ? Nhà tâm lý học, tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai cho rằng nguyên nhân của việc đánh bác sĩ cũng là do người nhà không
hài lòng với thái độ của bác sĩ.
Giải thích về điều này, bác sĩ Minh Quang cho hay bác sĩ không thể nào đối xử với các bệnh nhân giống như nhau.
Ông nói:
“Một người bác sĩ, không phải lúc nào cũng tươi tỉnh với tất cả được và cũng không có một ông bác sĩ nào nhăn nhó
cả ngày được. Ví dụ gặp một cô gái xinh đẹp, ăn nói lễ phép thì bác sĩ sẽ vui. Gặp người nhà đưa ra những câu hỏi
dở hơi thì bác sĩ không vui.”
Bác sĩ Minh Quang cho hay một ngày bình thường ông phải khám và chữa bệnh cho ít nhất 60 người, trong đó, số
người thường xuyên phải theo dõi bệnh là 15 người, gấp ba lần con số mà ông cho là hợp lý. Trong khi đó, lương
chính thức của những bác sĩ như anh chỉ là 4 triệu đồng một tháng. Việc các bệnh nhân đưa tiền biếu bác sĩ cũng
dẫn tới việc bác sĩ đối xử với người này niềm nở hơn người khác. Bác sĩ Quang cho biết:
“Bác sĩ sống nhờ vào lòng thương của bệnh nhân, nếu thương bác sĩ thì cho bác sĩ vài đồng. Những người có
trách nhiệm lo cho chúng tôi, cứ tạm cho là “bố mẹ” đi, thì không lo được. Chúng tôi không được phép nhận phong
bì tuy nhiên nếu người nhà bệnh nhân thực sự thật tâm muốn cảm ơn thì không thiếu gì cách. Tôi cảm thấy tôi hoàn
toàn xứng đáng với đồng tiền đó và không làm điều gì trái pháp luật cả.”
Đạo đức xã hội xuống cấp? Tiến sĩ xã hội học Nguyễn Xuân Mai cho rằng nguyên nhân sâu xa của tình trạng người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ
là do các giá trị xã hội đã bị đảo lộn. Theo ông, ngày càng nhiều người tìm tới bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn
trong xã hội. Ông nhận định:
“Nó thể hiện một phần những cái xung đột, mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống. Bây giờ người ta có xu hướng giải
quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, chẳng hạn như các vụ đụng xe, xây dựng nhà cửa ảnh hưởng tới hàng xóm. Trong
trường hợp này thì những dịch vụ trong bệnh viện không được đáp ứng. Trước kia người ta sống nhân hoà và xử
sự có tình người hơn. Giờ đây nhiều khi họ nghĩ nếu không tranh chấp thì không đạt được mục đích.”
Truyền thông và giáo dục có một vai trò rất lớn tuy nhiên chính truyền thông lại cổ vũ cho những hành vi bạo lực do
liên tục đăng tải những tin tức như thế này.
Để giải quyết định tình trạng bạo lực này, cả tiến sĩ Xuân Mai và các bác sĩ đều cho rằng phải giải quyết cái gốc rễ
của vấn đề đó là xây dựng lại chuẩn đạo đức xã hội trong đó truyền thông và giáo dục giới trẻ cần được củng cố.
Về trước mắt, tiến sĩ Xuân Mai đề nghị các bệnh viện nâng cấp dịch vụ, sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân, tăng cường
chất lượng và các bác sĩ cũng phải đối xử công bằng hơn giữa các bệnh nhân với nhau.
VIDEO Theo RFA