VRNs (26.10.2014) – Hà Nội – Thế giới phát triển về mọi mặt đang dần làm cho cuộc sống con người ngày hiện đại
hơn. Tuy nhiên, đó cũng là một trong những nguyên nhân gây nên những khủng hoảng trầm trọng về khí hậu, môi
trường, năng lượng… Hay nói cách khác, vấn đề này đã và đang đe dọa đến sự sống còn của con người.Nhưng
điều đáng lo ngại hơn mà nhân loại đang đối điện đó chính là sự khủng hoảng “tình thương”. Điều mà làm cho cuộc
sống ngày hôm nay mất đi căn tính đích thực, trở nên nhạt nhẻo và kéo theo bao nhiêu hệ lụy đau thương.
Một cử chỉ yêu thương đang trở nên “đặc sản” bởi sự hiếm hoi của nó trong cuộc sống đời thường. Tình yêu, đó là
cái đặc tính tự nhiên mà Thiên Chúa ban cho con người, đáng ra phải luôn được hiện hữu và gắn liền với sự tồn tại
của chúng ta. Nhưng đời sống càng hiện đại bao nhiêu thì dường như tình yêu càng mờ nhạt bấy nhiêu.
Đâu đó người ta vẫn bảo: “thời nay cuộc sống văn minh hơn”. Vậy, phải chăng sự văn minh của con người chỉ được
đánh giá dưới chiều kích vật chất? Khi mà tình yêu, tình cảm, lòng bác ái đang dần mai một, khi mà con người chỉ
biết tranh giành vật chất, quyền lực và địa vị, khi mà con người trở nên độc ác, ích kỷ hơn, rồi cuộc sống này sẽ đi
về đâu?
‘’Nhân phẩm từ đây giảm giá rồi
Chỉ còn lương thực tăng giá thôi
Lương tâm bán rẻ hơn lương thực
Chân lý chân giò một giá thôi!’’
Thật vậy, một thế giới quá chênh lệch giàu nghèo. Một xã hội quá đề cao tiền bạc và quyền lực mà quên đi phẩm giá
con người. Một thế giới được xây dựng trên nền tảng kinh tế mà đánh mất đi những giá trị nhân văn và luân lý.Một
thế giới tiến bộ về khoa học kỹ thuật nhưng đạo đức đang xuống dốc trầm trọng.Một thế giới mà chân lý chỉ đúng với
những cái lý của kẻ mạnh. Đây là một trong những khủng hoảng đáng báo động hơn hết mà con người đang phải
đối diện. Bởi, con người đang sống nhưng sống trong ghen ghét hận thù vì miếng cơm manh áo, sống trong sự
dẫm đạp lẫn nhau vì tiền tài địa vị, và sống trong sư cô đơn, lẻ loi vì sự ích kỷ, vô cảm. Như ai đó vẫn nói: “con
người ngày nay đang sống mà như đã chết”.
Nhữn điều này đang là một thách thức lớn đối với cả nhân loại, cách riêng là đối với mỗi người kitô hữu chúng ta.
Trước xu thế đó, chúng ta có dám sống triệt để giới răn mến Chúa giữa một xã hội loại trừ Thiên Chúa hay không?
Chúng ta có dám sống yêu người giữa một thế giới đang thiếu vắng tình thương hay không? Đó là lời mời gọi cấp
thiết mà Chúa Giêsu đang kêu mời mỗi chúng ta: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng,
hết linh hồn và hết trí khôn ngươi… Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22, 37-39)
“Mến Chúa, yêu người” là châm ngôn sống cho đời sống đức tin của mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Lời mời gọi
đó muốn chúng ta sống căn tính môn đệ Đức Kitô một cách triệt để giữa những xáo trộn của xã hội. Quả vậy, sống
đức tin một cách sống động không những hệ tại ở lòng mến Chúa ,nhưng là hiện thực hóa lòng mến đó bằng chính
hành động “yêu mến tha nhân như chính mình”.
Chính tình yêu là cốt lõi, là hơi thở, là sự sống của người kitô hữu.Không có tình yêu thì sức sống của người kitô
hữu không còn.Không có bác ái thì người kitô hữu không còn là chứng nhân.Chúng ta được mời gọiđi ngược lại
những dòng chảy của thế gian, mở rộng tấm lòng với tha nhân, đó là cách chúng ta làm chứng cho một tình yêu
tuyệt vời, một sự tha thứ vô hạn và một tấm lòng bao dung vô bờ.
Để sống được như vậy, hãy nhìn lên Đức Giêsu Kitô – Thầy Chí Thánh của chúng ta. Ngài đã đi trọn con đường
trần thế với một tình yêu vĩ đại, một tình yêu bất diệt, đó là tình yêu “dám chết cho người mình yêu”. Với cuộc đời
dương thế ngắn ngủi, nhưng Ngài đã ẳm lấy biết bao thân phận nghèo hèn, đau thương, bệnh tật; Ngài đã tha thứ
cho bao nhiêu con người sỉ nhục, đánh đập và thậm chí giết chết Ngài; Ngài trao ban chính mình để nhân loại được
sống, được tự do và trở nên con cái Thiên Chúa. Chính Đức Kitô là gương mẫu cho đời sống đức tin của mỗi
chúng ta. Chính cái chết tắc tưởi trên Thập giá vì yêu thương nhân loại, Ngài đã minh chứng cho tất cả. Do đó,
người kitô hữu được mời gọi trở nên đồng hình, đồng dạng với Ngài, đó là sống một tình yêu như Ngài trong hành
trình đức tin.
Thiết nghĩ, không dễ dàng để sống một tình yêu như vậy với biết bao nhiêu yếu đuối và nặng nề của con người.
Cho nên, kết hợp với Chúa trong chính cuộc đời của mình, thực thi Lời của Ngài trong mọi lúc mọi nơi, lấy Ngài làm
cùng đích cho hành trình dương thế, là sức mạnh để chúng ta vượt thắng được sự mỏng giòn của phận người. Thật
vậy, chỉ có trong tình yêu của Chúa, chúng ta mới đủ sức mạnh và can đảm để sống yêu thương tha nhân như chính
mình. Nếu sống trong Chúa, chúng ta sẽ trao ban sự sống sung mãn cho nhân loại bằng những cử chỉ yêu thương,
bác ái và vị tha. Nếu ở trong Chúa, chúng ta sẽ đưa tình yêu, lòng bao dung, thương xót đến với than nhân..Nếu có
Chúa trong đời, chúng ta sẽ đưa hình ảnh Chúa đến với nhân loại này ngang qua chính mình.
Nhìn lên tình yêu của Đức Kitô, sống một tình yêu như Ngài đã sống đó là nền tảng đời sống đức tin đối với mỗi
người tín hữu hôm nay.
Hãy sưởi ấm những phận người cô đơn, thất vọng bằng việc thắp lên một ngọn lửa yêu thương. Hãy xoa dịu những
bất công, hận thù bằng việc tha thứ, bao dung. Hãy tôn vinh phẩm giá con người bằng một đời sống công bằng và
sự thật. Hãy đem Chúa đến với mọi người bằng chính đời sống chứng ta của một người kitô hữu. Được như vậy thì
phần thưởng dành cho mỗi chúng ta trên Nước Trời sẽ thật lớn lao.
J.B Lê Đình Nam