2 nhóm nhạc nữ: 5 dòng kẻ - Cỏ Lạ cùng với các nhạc cụ của dân tộc như đàn bầu, đàn tơ-rưng, đèn tam thập lục, đàn tranh, sáo, gõ... tapchisonghuong.com.vn
Bên cạnh một nền văn hóa hết sức đa dạng, người Việt Nam cũng hãnh diện với bạn bè năm châu về kho tàng nhạc cụ cực kỳ phong phú, trong chương trình âm nhạc kỳ này, chúng tôi xin được hân hạnh điểm qua một số nhạc cụ dân tộc tiêu biểu… mời quí vị cùng nghe.
Đàn BầuTrong kho tàng âm nhạc dân tộc, đàn bầu được xem là độc đáo và hấp dẫn nhất bởi đàn bầu vô cùng đơn giản chỉ có 1 dây vậy mà lại diễn tả được mọi cung bậc của âm thanh và tình cảm, âm thanh của đàn bầu đầy sức quyến rũ, vì khi nghe tiếng du dương, trầm lắng ấy người nghe cảm thấy như âm điệu tiếng nói của con người.
Đàn bầu đã góp mặt trong đời sống âm nhạc của người Việt tự lúc nào không ai biết, nhưng chắc hẳn khi nghe âm thanh thánh thót, chứa chan tình cảm ấy, người Việt dù ở đâu cũng thấy hồn quê ngập tràn. Theo giới nghiên cứu âm nhạc, để có một cây đàn bầu đúng nghĩa, người làm phải chọn mặt đàn bằng gỗ cây ngô đồng vừa xốp vừa nhẹ, khung và thành đàn làm bằng gỗ trắc, gỗ gụ, vòi đàn làm từ sừng trâu và bầu đàn lấy từ quả bầu khô… Với hình ảnh nổi bật từ quả bầu mà tên gọi bắt nguồn từ đó.
Đàn bầu còn có tên khác là độc huyền cầm, đàn bầu có âm vực rộng, âm sắc đẹp… tiếng đàn khi buồn bã, khi ngọt ngào đã thể hiện được hầu hết tình cảm sâu lắng của người Việt Nam. Nhiều du khách nước ngoài đã coi đàn bầu như một biểu tượng của Việt Nam khi gọi bằng cái tên trìu mến “đất nước đàn bầu”, “quê hương đàn bầu”…
Đàn TranhTheo nhiều nguồn tài liệu cho hay đàn tranh được hình thành trong ban nhạc từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14, lúc đầu đàn tranh chỉ có 15 dây, về sau đến thế kỷ 19 đàn mới có 16 dây như ngày nay. Nhưng cũng có tài liệu lại nói đàn tranh VN có nguồn gốc từ đàn cổ tranh của người Trung Hoa và được du nhập vào VN từ đời Trần thế kỷ 13.
Đàn tranh có hình hộp dài, 2 đầu lớn nhỏ khác nhau, nằm ở khoảng giữa để gác dây đàn là con nhạn, có thể di chuyển để điều chỉnh âm thanh, dây đàn làm bằng kim loại với các cỡ dây khác nhau, khi biểu diễn, nghệ nhân thường đeo 3 móng vào ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa để gảy… đàn tranh thường được sử dụng để độc tấu, hòa tấu hay đệm cho ngâm thơ, tham gia trong dàn nhạc tài tử, phường bát âm, nhã nhạc… Hình ảnh đàn tranh thường gắn liền với những nữ nghệ sĩ thướt tha trong trang phục truyền thống dân tộc.
Đàn NhịĐàn Nhị là loại đàn có mặt trong nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam từ rất lâu đời, khoảng thế kỷ thứ 10. Đàn Nhị có 2 dây ở âm khu trung và cao, 2 dây của đàn nhị thường được làm bằng kim loại, bởi đàn có 2 dây nên gọi là đàn Nhị. Thông thương, bầu cộng hưởng và cần đàn được làm bằng gỗ, mặt đàn bịt bằng da kỳ đà hoặc da trăn, cung kéo được chế tác từ gỗ hoặc tre còn dây cung kéo là lông đuôi ngựa. Người dân Nam Bộ gọi đàn Nhị là đàn Cò, có lẽ hình dáng đàn giống con cò, trục dây có đầu quặp xuống như mỏ cò, cần đàn giống cổ cò và thân đàn như con cò.
Theo giới thẩm âm thì đàn nhị có âm vực rộng, âm thanh rõ, mềm mại hợp với chất giọng kim, đàn nhị giữ vai trò chủ đạo trong hát xẩm, đàn cũng thường xuất hiện trong nhạc phường bát âm, dàn nhã nhạc, chầu văn và nhạc tài tử.
Đàn NguyệtXuất hiện khoảng thế kỷ 11, đàn nguyệt cho đến nay vẫn giữ một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Tại miền Nam, đàn nguyệt còn được gọi là đờn kìm. Đàn có hộp hình tròn như mặt trăng nên có tên nguyệt cầm. Đàn nguyệt có 2 dây, cần dài và phím cao thuộc bộ dây chi gảy của dân tộc Việt, đàn chủ yếu dành cho nam giới.
Tài liệu nghiên cứu cho hay, tùy theo tính chất của âm nhạc mà có những kiểu lên dây khác nhau cho đàn nguyệt. Thí dụ, dây bắc thích hợp với âm nhạc vui tươi hào hùng; dây oán phù hợp với âm nhạc trang nghiêm sâu lắng; trong khi đó, dây tố lại dành cho âm nhạc dịu dàng, mềm mại.
Cũng chính bởi sự phong phú trong cách thức lên dây và truyền tải âm nhạc một cách linh hoạt mà đàn nguyệt có mặt trong hầu hết các thể loại nhạc dân ca của Việt Nam từ hát chèo, chầu văn, cho đến tài tử, cải lương và ca huế.
Đàn Tam Thập Lục Trong số những loại đàn dân tộc nổi tiếng trên, hẳn sẽ thiếu sót không nói đến đàn tam thập lục. Ngay tên của loại đàn đã cho thấy số dây của đàn là 36, đàn tam thập lục thuộc chi gõ của dân tộc Việt Nam.
Ban Thăng Long với các nhạc cụ dân tộc truyền thống Việt Nam
Đàn Tam Thập Lục hình thang cân, mặt đàn phồng lên ở giữa, đàn làm bằng gỗ nhẹ, xốp, dây đàn là kim loại, que đàn làm bằng hai thanh tre mỏng, dẻo đầu quấn cao su mềm.
Khi chơi, đàn Tam Thập Lục phát ra âm thanh rộn rã, thánh thót, khi ấm áp, khi đầy đặn nhưng cũng có lúc sắc gọn khác thường. Khi biểu diễn nhạc công dùng 2 que gõ vào mặt đàn tạo ra các ngón như ngón rung, ngón bịt, ngón á…
Mặc dù, theo nhiều sách vở thì nguồn gốc thực sự của đàn tam thập lục có thực sự bắt nguồn từ Việt Nam hay không thì vẫn chưa ngã ngũ, bởi không chỉ ở VN có đàn này mà một số nước châu Á khác cũng có loại đàn tương tự hoặc gần giống nhưng cách thức chơi khác hơn.
Được biết, đàn Tam Thập Lục đóng vai trò quan trọng trong các dàn nhạc của sân khấu chèo, cải lương, ngoài ra, đàn còn dùng để đệm cho hát, độc tấu và tham gia dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Theo RFA