Đầu năm 2013, làng phim Hollywood hết sức tự tin phấn khởi. Thời gian sắp tới mang đầy hứa hẹn cho kỹ nghệ điện ảnh Mỹ, với hàng loạt dự án mới. Hollywood tự tin vì 2012 là một năm bội thu ngoạn mục, đạt thành tích vượt kỷ lục. Cho dù viễn cảnh kinh tế còn ảm đạm, nhưng người Mỹ tiêu thụ có chọn lựa : đi xem xinê là một trong những thú tiêu khiển hàng đầu, đem lại chút niềm vui trong thời khủng hoảng.
Về mặt doanh thu, các rạp chiếu phim trong năm vừa qua đã thu về gần 11 tỷ đô la tiền vé (10,84), đánh bại kỷ lục của ba năm trước đó là 10,59 tỷ đô la trong năm 2009 (nhờ thành công vượt bực cuối năm của bộ phim Avatar), và tăng 6,6% so với doanh thu năm 2011 (10,17 tỷ $), tăng 2,5% so với năm 2010 (10,57 tỷ $). Còn tính theo số lượng vé xinê mà các rạp chiếu phim đã bán được ở vùng Bắc Mỹ, 2013 cũng là một năm phá kỷ lục với tổng cộng 1,365 tỷ vé, tức là 6,3% cao hơn so với năm 2011 (1,283 tỷ vé được bán) và 2% cao hơn so với năm 2010 (1,339 tỷ). Dù vậy, 2013 vẫn chưa đạt tới mức tuyệt đối của năm 2002 với 1.576 tỷ vé bán chạy.
Điện ảnh Mỹ phần nào an tâm khi bước vào năm 2013, nhất là trong 12 tháng tới có khá nhiều dự án táo bạo khiến cho cộng đồng cư dân mạng bàn tán sôi nổi. Các tạp chí có uy tín như Variety, Hollywood Reporter, hay kênh thông tin trên mạng Movie Insider, đều lần lượt trình làng danh sách của những bộ phim mà giới ghiền xinê chờ đợi nhiều nhất. Các danh sách phim có thể khác biệt, nhưng một số tác phẩm nổi trội đều được báo chí bình chọn như nhau.
VIDEO Thoạt nhìn qua các danh sách này, ta có cảm giác là 2013 sẽ là năm của thể loại phim viễn tưởng. Đó là trường hợp của các bộ phim như Elysium, World War Z, Oblivion, After Earth hay Pacific Rim. Nhưng nổi bật hơn cả là tác phẩm Robopacalypse hiểu theo nghĩa Máy móc hủy diệt loài người. Trước hết, đây là một dự án do đạo diễn kỳ cựu Steven Spielberg khởi động. Ông đã từng cam kết là ông trực tiếp dàn dựng cuộn phim này. Nhưng nếu như Steven Spielberg, do không có đủ thời gian để thực hiện lời hứa của mình, thì Robopacalypse vẫn là một dự án hấp dẫn. Kịch bản phim (do Drew Goddard soạn thảo) dựa trên cuốn tiểu thuyết best seller của Daniel H. Wilson, từng được giới phê bình đánh giá cao ngang tầm với Michael Crichton. Quyển tiểu thuyết này được mô tả như là một Andromeda Strain cho một kỷ nguyên mới, mang tầm nhìn xa hơn bộ phim I, Robot và táo bạo như những quyển tiểu thuyết đầu tay của Aldous Huxley.
Trong một tương lai gần, con người sáng chế đủ kiểu người máy để làm cho cuộc sống của họ thoải mái, dễ dàng hơn. Tất cả những người máy này đều có gắn một bộ phận kiểm soát kiềm chế, cho nên không thể nào trở mặt, phản phúc hay tìm cách hãm hại loài người. Nhưng có một bộ máy thông minh nhân tạo bị bỏ quên từ hàng thập niên qua, bị chôn vùi bên dưới núi băng của vùng Alaska. Một khi thức dậy, bộ máy thông minh nhân tạo này lại trở nên qủy quyệt, đánh lừa con người để tự họ tháo gỡ hệ thống kiểm soát, để rồi từ đó mà trí thông minh nhân tạo này sẽ kiểm soát toàn bộ máy móc do con người sáng chế. Ngày tận thế của nhân loại là chính do bàn tay con người tạo ra.
Hấp dẫn không kém có bộ phim Oblivion (Lãng Quên) với Tom Cruise trong vai chính. Dự án này khá thú vị bởi vì đây là một kịch bản nguyên tác, không chuyển thể từ tiểu thuyết hay làm lại từ những bộ phim sẵn có. Người đứng đằng sau dự án này là Joseph Kosinski, từng đạo diễn bộ phim Tron : Legacy. Kịch bản phim là của William Monahan, đoạt giải Oscar nhờ The Departed, chuyển thể từ phim Vô Gian Đạo.
Bộ phim kể lại câu chuyện của một binh sĩ, người sống sót cuối cùng trên trái đất, sau khi nhân loại bị tuyệt chủng do xung đột giao tranh với người ngoài hành tinh. Một cách tình cờ, người lính này phát hiện một tín hiệu cấp cứu từ mặt đất. Bằng mọi cách, người đàn ông phải tìm cách giải thoát đồng loại và bất ngờ khám phá rằng kẻ phát tín hiệu là một người đàn bà. Cả hai đồng kề vai hợp sức để vượt qua mọi thử thách, thoát khỏi mọi hiểm nguy. Và như vậy sự tồn tại của loài người vẫn còn, cho dù hy vọng sống sót rất mong manh.
Chính cũng vì Tom Cruise chọn đóng phim Oblivion mà anh đã khước từ giữ vai chính trong bộ phim Pacific Rim của đạo diễn nổi tiếng Guillermo del Toro. Tay nghề của ông được đánh giá cao, nhưng Guillermo mất rất nhiều thời gian để phát triển cùng lúc nhiều dự án, cho nên ông ít khi nào có đủ thời gian để quay phim, kể từ năm 2008 (Hellboy II). Diễn viên Idris Elba đã được chọn để thay thế Tom Cruise, và bộ phim được mô tả như một Transformers dưới lòng đại dương, khi mà loài người phải phát minh thêm công nghệ hiện đại, máy móc tiên tiến để đối phó với một mối đe dọa đến từ đáy biển sâu thăm thẳm.
VIDEO Về phần mình, đạo diễn M. Night Shyamalan từng làm chấn động thế giới với Giác quan thứ 6, cũng chọn thể loại viễn tưởng để xuất hiện trở lại trên màn ảnh lớn. Bộ phim After Earth (Sau Trái Đất) tuy là khoa học những vẫn hàm chứa nét huyền bí tâm linh, tính gay cấn hồi hộp, sở trường của đạo diễn người Mỹ gốc Ấn. After Earth kể lại câu chuyện về trái đất … một ngàn năm sau trận đại hồng thủy khiến cho loài người rời bỏ địa cầu để lên định cư ở một hành tinh (Nova Prime) ngoài Thái Dương hệ. Tai nạn phi thuyền vũ trụ khiến cho hai phi hành gia rơi xuống địa cầu và bị kẹt lại trên trái đất. Hai cha con tìm cách liên lạc với đồng loại để được giải cứu, nhưng đồng thời phải đối phó với những loài quái vật đang ngự trị trên địa cầu, tựa như khủng long thời tiền sử. Hai vai chính trong phim này do hai cha con Will Smith thủ diễn.
Song song với dòng phim viễn tưởng hiểu theo nghĩa rộng nhất, năm 2013 còn là năm của những tiền truyện (prequel) và hậu truyện (sequel), các dự án làm lại (remake) hay tái khởi động (reboot). Về điểm này, thì Man of Steel thật ra là phim Siêu Nhân - Supeman - được làm lại với một tuyến truyện mới. Được xem như là một trong những nhân vật đầu tiên của thể lọai truyện tranh về các siêu anh hùng, Siêu Nhân sẽ mở đường cho một lọat phim khác như tập nhì của Thần Sấm Thor, tập thứ ba của Người Sắt Iron Man III, Người Nhện phiên bản mới, Dị nhân móng sắt Wolverrine tầm sư học đạo xứ Phù Tang, tiền truyện X-Men Days of Future Past và tập kế tiếp của The Avengers, Biệt đội Siêu Hùng.
2013 cũng đánh dấu ngày ra đời của các tập tiếp nối Trò chơi sinh tử Hunger Games, tập thứ 5 của Die Hard với Bruce Willlis, Into the Darkness của lọat phim Star Trek hay là The Hobbit, tiền truyện của Chúa tể các chiếc Nhẫn. Trong bộ phim thứ 12 của loạt phim “Star Trek”, khán giả tìm lại phi thuyền vũ trụ Enterprise. Phi hành đoàn trên đowfng thi hành nhiệm vụ bỗng nhiên được gọi quay trở lại trái đất, nơi mà liên minh hoà bình đang bị một thế lực kinh hoàng âm mưu phá hoại, Enterprise có sứ mệnh truy bắt một người đàn ông nắm giữ bí mật của một lọai vũ khí hủy diệt hàng lọat. Về tiền truyện của Chúa tể các chiếc Nhẫn, phần thứ hai của The Hobbit tiếp tục kể lại chuyến phiêu lưu của Bilbo Baggins, với sự trợ giúp của phù thủy áo xám Gandalf, giành lại vương quốc Độc Sơn, hủy diệt hung tinh Smaug, một con rồng khổng lồ từng chiếm đoạt kho báu của những người lùn.
VIDEO Nhưng 2013 không chỉ là phim bom tấn blockbuster sản xuất theo kiểu đại trà, và thường là phim khai thác công nghệ tiên tiến, kỹ xảo điện tóan tối tân. Bên cạnh đó còn có nhiều thể lọai khác đủ để cuốn hút khán giả khó tính. Trước hết là bộ phim God Only Forgives của đạo diễn Nicolas Winding Refn với ngôi sao Ryan Gosling trong vai chính.
Phim đã được quay xong tại Thái Lan và đnag ửo trong phần hậu kỳ. Ryan Gosling cũng sẽ xuất hiện trong phim hình sự The Gangster Squad, bên cạnh Sean Penn và Josh Brolin. Hy vọng rằng 2013 sẽ là năm của cặp bài trùng Nicolas Winding Refn và Ryan Gosling, bởi vì cho dù họ đã thành công rực rỡ với bộ phim Drive, đọat giải kịch bản tại Cannes, nhưng bộ phim Drive đã không được tuyển chọn để tranh giải Oscar trong năm qua.
VIDEO Một dự án khác thu hút sự chú ý của báo chí là The Great Gatsby, dựa theo quyển tiểu thuyết kinh điển của F. Scott Fitzgerald. Phim từng được chuyển thể lên màn ảnh lớn bốn lần, phiên bản hay nhất là với nam diễn viên Robert Redfort, đủ để làm toát lên cái thần của nhân vật và tình tiết lâm ly của câu chuyện. Lần này, đạo diễn Baz Lurhmann, nổi tiếng nhờ tác phẩm Moulin Rouge, bắt tay thực hiện phiên bản mới, tập hợp dàn diễn viên gạo cội trong đó có thần tượng Leonardo DiCaprio với nữ minh tinh Carey Mulligan. Những hình ảnh đầu tiên cho thấy The Great Gatsby sẽ vô cùng ngọan mục hoành tráng.
Về phần mình, đạo diễn Sam Raimi thử lửa với phim ba chiều (3D) khi trình làng bộ phim Oz The Great And Powerful, đưa người xem trở lại vùng đất huyền bí kỳ ảo xuất phát từ trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo dồi dào của nhà văn L. Frank Baum. Oz từng được đưa lên màn ảnh lần đầu tiên vào năm 1939 với bộ phim “The Wizard of Oz”, với ngôi sao Judy Garland trong vai chính, luôn được xem là một trong những tác phẩm lớn trong lịch sử điện ảnh.
Khai thác lại bộ phim nổi danh này, đoàn làm phim của Sam Raimi đã không ngần ngại đầu tư hàng trăm triệu đô la, báo chí hy vọng rằng, nhãn quan của nhà đạo diễn sẽ giúp cho cuộn phim tuy có kinh phí rất cao nhưng vẫn giữ được chất thơ như trong phiên bản chính gốc của Phù thủy xứ Oz.
Nhiều tác phẩm khác cũng đã được khởi quay hay đang ở trong phần hậu kỳ. Daniel Craig sau khi thành công với Skyfall vừa ký hợp đồng làm tiếp hai tập James Bond tới với trị giá tổng cộng là 50 triệu đô la, tức là 25 triệu cho mỗi tập. Daniel Craig trong năm 2013 xuất hiện bên cạnh George Clooney và Matt Damon trong bộ phim The Company Men. Nam tài tử Pháp Jean Dujardin sau khi đoạt giải Oscar diễn xuất vừa về đầu quân chi êkíp này, và sẽ giữ một trong những vai chính của bộ phim The Company Men.
Nhìn chung, làng phim Hollywood tiếp tục khai thác chiến lược tentpole hiểu theo nghĩa cột buồm. Khi đầu tư rất nhiều vào một số dự án tiêu biểu, điện ảnh Mỹ muốn tạo ra cái đầu tàu để lôi kéo ngành kỹ nghệ giải trí đi lên. Hình ảnh của một cột trụ giữa thuyền càng hợp lý. Cột trụ càng cao, càng chắc thì chiếc thuyền lại càng vững vàng. Cột buồm càng vững thì thuyền càng dễ lướt sóng, thuận buồm xuôi gió.
Source: RFI