VRNs (07.11.2014) – Sài Gòn – Lúc 18 giờ, thứ Ba ngày 04.11 vừa qua, đã diễn sự kiện ra mắt sách ‘Từ điển Công giáo Anh-Việt’ tại Hội trường An Phong, lầu 3 thuộc Nhà Mục Vụ DCCT, số 38 Kỳ Đồng.
Buổi ra mắt kết hợp với chương trình ‘Chung lời ngợi ca’, nhằm chia sẻ tâm tình tạ ơn của nhạc sĩ Phanxicô và cũng là tác giả cuốn từ điển – ông Nguyễn Đình Diễn.
Có gần 600 quan khách tham dự sự kiện nói trên, bên cạnh đó là sự hiện diện của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Nguyên Giám mục Giáo phận Phú Cường hiện là chủ tịch Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam ; cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế và cũng là người bảo trợ cho việc xuất bản cuốn Tử Điển này; Linh mục Gioan Bùi Thái Sơn đại diện Tư pháp TGP Sài Gòn; một số linh mục nhạc sĩ trong Ủy ban Thánh nhạc như linh mục Nguyễn Duy, Kim Long…
Tác giả Nguyễn Đình Diễn nói về mục đích ấn hành: “hy vọng bản từ điển mới này có ích phần nào cho các bạn trẻ, những người muốn tham khảo các tài liệu Kitô giáo bằng tiếng Anh cũng như tất cả những người muốn tìm hiểu về đạo Công giáo.”
Tác giả Nguyễn Đình Diễn ký tặng cho độc giả
Tác giả cho biết thêm, từ điển mới là bản mở rộng đã được xuất bản từ năm 2000, hiện tại từ điển đã mở rộng với 8000 mục từ chính và 20.000 tiểu mục, tất cả các đề mục đều được mở rộng và có nhiều thí dụ hơn và được giải thích chi tiết hơn với phần tiếng Hán Việt đó là điểm mới của cuốn Từ điển mới này.
Bên cạnh đó, ông Đình Diễn cũng cho biết về điểm đặc trưng của cuốn từ điển này: “Cuốn từ điển có thêm một chút tiếng Latinh, một chút chữ Hán để tham khảo… Chúng tôi cũng lợi dụng tài liệu chúng ta có hiện nay rất là nhiều, để cho nội dung từ điển được phong phú hơn, phản ảnh đời sống rất phong phú của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng và Giáo hội Công giáo thế giới nói chung.”
Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, người từng nhiều lần đọc bản thảo từ điển nhận định: “tôi nhận thấy công trình của ông Nguyễn Đình Diễn là một công trình mà ông đầu tư nhiều công sức, trí tuệ trong một thời gian dài.”
“Anh em chúng tôi chơi với nhau và tôi có dịp được quan sát, đồng hành với ông. Và tôi đánh giá rất cao công trình này, có tính cách học thuật và mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt cho những anh chị em nào muốn có một chìa khóa về ngôn ngữ, để đi vào trong các lãnh vực của Giáo hội Công giáo.”
“Tất nhiên, một mình ông Diễn khó có thể độc hành… Anh em chúng tôi cộng tác với nhau, người cách này cách khác để làm cho công trình tốt đẹp chừng nào hay chừng ấy.”
Ông Đaminh Đinh Xuân Trình, một cộng tác viên với nhà sách Đức Mẹ trên 30 năm trong việc biên tập sách cũng cho biết, ông Nguyễn Đình Diễn nhiều lần tâm sự về khó khăn vì ông không phải là một tác giả linh mục và vốn thời gian hạn hẹp để viết sách.
“Tuy nhiên”, ông Trình chia sẻ ý kiến cá nhân, “ông Nguyễn Đình Diễn rất cần mẫn, tìm hiểu về luân lý, kinh thánh, phụng vụ và giáo luật. Điều đó đã thể hiện trong quyển từ điển này.”
“Theo tôi Đình Diễn đã trình bày rất đầy đủ và khoa học. Có những từ được khai thác rất sâu, có những từ [được giải thích] dài đến ba bốn trang. Bên cạnh đó còn có phần tiếng Hán.” Ông Trình nói tiếp: “tôi nghĩ đây là tác phẩm hữu ích cho các bạn trẻ, kể cả cho các anh em tu sĩ linh mục.”
Một người tiêu dùng chia sẻ: “từ điển Công giáo giúp cho mình nhiều lắm. Nhất là những từ riêng của Công giáo. Mình tra những từ điển kia thì họ không có, hoặc có nhưng không chính xác lắm.”
Ca đoàn “Chung lời ngợi ca”
Quý quan khách và khán giả tham dự sự kiện
Bên cạnh đó, một thầy học viện DCCT cho biết, từ cách bày trí và chất liệu giấy sử dụng trong ấn bản từ điển đã cho thấy nó có giá trị, quyển từ điển còn có thể được sử dụng để tra cứu như một bách khoa toàn thư cơ bản. Thầy nói: “ở trong [quyển từ điển] này ngoài việc dịch, người ta còn giải nghĩa từ ngữ đó. Cho nên có những lúc mình muốn hiểu từ đó trong đạo mình, thậm chí tiếng Việt mình không biết nghĩa như thế nào thì quyển từ điển này sẽ chỉ cho chúng ta.”
Trong buổi giớ thiệu ấn bản Tử điển mới, Ủy ban Nghệ thuật thánh thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng cho phát hành cuốn Từ ngữ và hình ảnh Mỹ Thuật Công giáo Anh Việt. Cả hai cuốn từ điển này hiện đang được phổ biến tại nhà sách Đức Mẹ thuộc DCCT Sài Gòn, số 38 Kỳ Đồng.
Pv.VRNs