Câu chuyện một người du khách Việt mua iphone 6 ở Singapore bị lừa làm náo động báo chí Singapore và Việt hết mấy ngày. Anh Phạm Văn Thoại vào cửa hàng bán hàng điện tử Mobile Air ở Sim Lim (Singapore) mua điện thoại iphone 6 và đồng ý với giá 950 đồng Singapore, tức khoảng 16 triệu đồng VN, tức khoảng 760 đô la. Tuy nhiên sau khi anh ký giấy tờ và trả tiền (950 đồng Singapore) thì cửa hàng đòi tổng cộng 1500 đồng Singapore (25 triệu đồng VN, 1200 đô la). Hóa ra giấy tờ hợp đồng có phần bảo hành với giá cắt cổ mà vì không thạo tiếng Anh và không xem kỹ điều khoản nên anh Thoại không biết và đã hạ bút ký nhận.
Đến đây, mất mặt chính là giới kinh doanh bán lẻ hàng điện tử ở Singapore nói riêng và quốc gia tí tẹo Singapore nói chung vì đã lợi dụng điểm yếu của khách hàng để chặt chém. Nhưng câu chuyện không dừng ở đó. Lúng túng, anh Thoại đã quỳ gối khóc lóc xin hủy hợp đồng mua bán. Cửa hàng đồng ý trả lại 600 đồng Singapore, nhưng bạn gái anh Thoại muốn đòi đủ 950 đồng Singapore.
Diễn biến mới này không gỡ lại mặt mày cho Singapore, nhưng anh Thoại nói riêng và dân Việt nói chung cũng mất mặt theo. Cho dù mất tiền ai mà chẳng xót, làm chi cho đến nỗi phải quỳ và khóc và van nài như thế? Khuôn mặt hoảng hốt ngơ ngác của anh đăng đầy trên các báo từ Singapore đến Việt Nam, thật là khiến người ta vừa thấy tội nghiệp vừa thấy bực mình. Iphone 6 ở Việt Nam cũng có bán, không biết giá ở Singapore rẻ hơn bao nhiêu mà phải cất công đi mua ở Singapore trong tình trạng trở ngại ngôn ngữ, không hiểu giấy tờ. Theo khuôn mặt hoảng loạn ấy là thông tin anh Thoại là công nhân với thu nhập khoảng 4 triệu đồng VN một tháng. Với mức thu nhập ấy, có thể hiểu tại sao anh lại tiếc tiền đến “cuồng” như vậy, nhưng đồng thời, với mức thu nhập ấy mà anh có thể đi Singapore du lịch và mua iphone 6 mới ra lò hay sao? Nếu thông tin này là thực, dân Việt chỉ mất mặt thêm vì đây là bằng chứng hiển nhiên cho tật sính đồ ngoại, ham hàng hiệu đến mù quáng.
Trở lại câu chuyện, khi anh Thoại gọi cảnh sát Singapor đến giải quyết thì nhân viên cửa hàng đưa ra những hóa đơn đã có chữ ký của anh Thoại và đề nghị chỉ hoàn lại 70 đồng Singapore (hơn 1 triệu đồng VN, khoảng 50 đô la). Cảnh sát không thể làm gì trong hoàn cảnh này vì theo luật pháp thì “bút sa gà chết”, người ký phải chịu trách nhiệm cho chữ ký của mình, nếu ký tên trên hợp đồng khi không hiểu rõ điều khoản thì xem như là “chết đáng đời”. Tuy thế, Hội Bảo Vệ Người Tiêu Thụ của Singapore đã can thiệp và cửa hàng tăng số hoàn trả lại là 400 đồng Singapore.
Thế là xem như Singapore đã gỡ mặt được chút đỉnh bằng cách cố gắng giúp đỡ một người tiêu thụ, hơn nữa một vị khách viếng thăm đất nước mình. Dân Singapore gỡ thêm mặt mày thêm nữa khi mở chiến dịch trên mạng quyên góp tiền cho anh Thoại và đồng thời gây sức ép buộc cửa hàng lừa đảo phải tạm thời đóng cửa. Giới doanh nhân Singapore cũng gỡ mặt mày khi một doanh nhân tặng cho anh Thoại số khác biệt 550 đồng Singapore cửa hàng Mobile Air không chịu hoàn lại cho anh.
Chiến dịch quyên góp có mục tiêu là 1350 đô la cuối cùng đã thu được 11 ngàn đô la, và người khởi xướng chiến dịch là Gabriel đã dùng quỹ này để mua tặng anh Thoại một iphone 6 64G mới cùng rất nhiều thức ăn đặc sản của Singapore.
Lúc này thì anh Thoại có lẽ đã “hoàn hồn” sau kinh nghiệm đau thương và đủ tỉnh táo để thực hiện hành vi gỡ mặt cho chính mình và dân Việt. Anh cám ơn Gabriel Kang và dân Singapore, nhận số quà đặc sản, từ chối điện thoại iphone 6 và ngỏ lời muốn tặng lại số tiền quyên để giúp anh cho từ thiện. Hơn nữa, anh còn tuyên bố “Hy vọng [chuyện này] sẽ không ảnh hưởng đến […] hình ảnh đất nước của tôi”.
Một kết cục khá lý tưởng cho một câu chuyện nhiều tình tiết không đẹp. Dân Singapore và dân Việt có thể cùng thở phào nhẹ nhõm và cùng mong mọi chuyện đến đây là chấm dứt. Chuyện ầm ĩ này có thể kết thúc, nhưng những vụ lừa đảo và mắc lừa tương tự có lẽ vẫn đang xảy ra ở Singapore trong những cửa hàng điện tử đại loại như Mobile Air. Vụ anh Thoại không phải là riêng lẻ, chỉ là một trong chuỗi những vụ tương tự, được đưa lên báo chí vì những tình tiết kịch tích của nó. Lần này dân Singapore có thể gỡ mặt mày được, nhưng sự kiện rằng vẫn có những cửa hàng như Mobile Air cho thấy dân Singapore còn phải nỗ lực “gỡ mặt” dài dài.
Riêng về những du khách Việt, đóng vai nạn nhân trong những màn lừa đảo này không có nghĩa là họ không làm cả dân tộc Việt mất mặt. Người tiêu thụ cần có sự bảo vệ của luật pháp (và chính nghĩa), nhưng chính người tiêu thụ cũng phải cố gắng tự bảo vệ để không bao giờ phải vào cảnh khóc lóc van xin, ở nội địa cũng như ở ngoại quốc.
Nguyễn Phương