Các báo bị xử phạt gồm Thanh Niên, Tiền Phong, Một Thế giới, Infonet và Tri Thức trực tuyến. những báo này đã đăng một bài viết liên quan đến việc đánh giá thủ đô Hà Nội lọt vào “top 10 thế giới về nạn móc túi”. Bộ Thông tin cho rằng bài báo ấy có những chi tiết chi tiết không chính xác.
Mức phạt các cơ quan báo chí này được áp dụng theo quy định tại Điều 8 Nghị định 159/2013 ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Cụ thể, báo điện tử Thanh Niên bị phạt 15 triệu đồng; các báo điện tử Tiền Phong, Infonet, Tri Thức trực tuyến bị phạt 10 triệu đồng; báo điện tử Một Thế giới bị phạt 6 triệu đồng.
Theo quyết định của Bộ TT&TT, ngày 30/10/2014, báo điện tử Thanh Niên đăng bài "Hà Nội đứng vào top 10 thế giới về ... nạn móc túi" có thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh và việc phát triển kinh tế, du lịch của Thủ đô.
Cùng ngày này, báo điện tử Tiền Phong đăng đăng bài "Hà Nội vào top 10 thế giới về... nạn móc túi". Tuy nhiên, có tình tiết giảm nhẹ là báo này dẫn lại nguyên văn tin bài từ báo khác và tự gỡ bỏ tin bài ngay khi phát hiện ra sai sót.
Báo điện tử Infonet và Tri Thức trực tuyến trong ngày 28/10/2014 đã cùng đăng bài "Hà Nội đứng thứ 9 thế giới về... nạn móc túi", nhưng cũng có tình tiết giảm nhẹ là đã kịp thời gỡ bỏ ngay tin bài khi phát hiện, thực hiện cải chính, xin lỗi theo quy định.
Cuối cùng báo điện tử Một Thế Giới bị phạt do đăng bài "Khi Hà Nội vào top 10 điểm đen về nạn móc túi trên thế giới" vào ngày 4/11/2014.
Riêng báo Tuổi Trẻ còn bị Cục Báo chí ra quyết định “xử phạt hành chính” 3 triệu đồng vì vi phạm sử dụng hình ảnh minh họa chưa phù hợp với nội dung trong bài "Loạn thần dược An cung ngưu hoàng" đăng trên báo ngày 28/8/2014.
Mặt khác, ngày 21/11, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) vì đã có hành vi vi phạm hành chính khi phát sóng câu chuyện “Nhặt xương cho thầy” trong chương trình “Quà tặng cuộc sống” trên kênh VTV3 lúc 22 giờ 20 ngày 19/11. Căn cứ vào Nghị định 159/2013, VTV bị phạt 30 triệu đồng, ngoài ra phải xin lỗi theo quy định.
Theo bộ này, trong khi cả nước đang tri ân thầy cô nhân ngày 20/11, VTV3 lại phát sóng phim "Nhặt xương cho thầy" gây phản cảm, xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của xã hội dành cho nhà giáo.
Thời gian gần đây, Bộ TT&TT liên tục xử lý các sai phạm trên báo chí, trang tin điện tử và mạng xã hội. Cụ thể, qua công tác kiểm tra hoạt động thông tin điện tử trên mạng, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã phát hiện 2 trang thông tin điện tử
www.edaily.vn và
www.tinhay.vn của Công ty cổ phần trực tuyến NetLink đăng một số bài viết có nội dung không đúng sự thật, hoạt động bình luận, chia sẻ và trao đổi thông tin dưới các bài đăng cũng như sử dụng nguồn tin không đúng quy định.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã có công văn gửi Sở TT&TT Hà Nội đề nghị tiến hành kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và có biện pháp chấn chỉnh đối với Công ty cổ phần trực tuyến NetLink, ở Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo chính quyền hành vi nàay vi phạm các quy định của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Việc Bộ Thông tin và Truyền thông liên tiếp sử dụng nghị định 159/2013 cũng như nghị định 72/2013 để xử phạt các báo cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang ra sức kềm chặt chính báo chí lề phải đang hướng tới quyền tự do thông tin căn bản của người làm báo.
Nhưng theo nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên tổng biên tập báo Thanh Niên, trong một bài báo trên New York Times số ra ngày 19/11 đã nói: “Tôi nghĩ con đường, chính sách minh bạch thông tin và tự do báo chí trước sau gì nó cũng đến và dứt khoát mình phải làm thôi. Không có cách nào khác, không có lựa chọn nào khác”.
Tú Thanh / SBTN