logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
nga  
#1 Đã gửi : 24/11/2014 lúc 06:36:03(UTC)
nga

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,657

Cảm ơn: 1 lần
Giới thiệu:
A Muse dựa theo tiểu thuyết ăn khách của nhà văn Park Bum Sin, kể về chuyện tình tay 3 giữa một nhà thơ 70 tuổi, một nhà văn 30 tuổi học trò của ông, với cô nữ sinh 17 tuổi ở ngoài phố chợ. Cuộc sống của nhà thơ già và người học trò bị xáo trộn khi thiếu nữ này xuất hiện. Sức sống thanh xuân của cô làm cho nhà thơ xúc động, tiếc nuối thời tuổi trẻ đã qua của mình.
UserPostedImage

Bằng tưởng tượng, ông hư cấu một tiểu thuyết mà nhân vật chính là ông khi trai tráng với cô gái này trong thời kỳ yêu đương. Bản thảo truyện được ông cất vào hòm gỗ. Chàng thanh niên muốn chiếm cô gái, anh bắt gặp quyển truyện trong hòm gỗ và anh ăn cắp nó, xuất bản với tên mình, trúng giải văn chương, trở thành nổi tiếng. Ông thầy im lặng đến chúc mừng, rồi cấm cửa cậu học trò tâm địa gian xảo không cho đến nhà; đồng thời không cho cô gái 17 tuổi đặt chân đến nhà ông nữa.

Ngày sinh nhật ông vào mùa Ðông tuyết phủ trắng, cô gái mang thức ăn và quà đến mừng. Anh học trò cũng đem quà đến. Với tâm hồn nhà thơ, ông mở lòng cho hai người vào cùng nhau chung vui. Ðêm đó qua khung cửa sổ, ông nhìn thấy chàng trai và cô gái làm tình. Sửa xe là thú vui của ông nên ông ra sân thay cái ống dầu khiển tay lái cho xe ông. Ông không hoàn tất được công việc bởi bị ám ảnh cảnh hoan lạc vừa chứng kiến, ông ngưng tay vào nhà ngủ.

Sáng ra, xe cậu học trò xẹp bánh, cậu lấy xe của thầy lái đi. Chiếc xe không giết được chàng trai mà chính lòng sân hận của anh đã giết chết anh. Cái chết của người học trò ám ảnh, ông nhà thơ trở thành kẻ uống rượu tiêu sầu. Một ngày, cô gái mang bó hoa đến thăm ông, tưởng ông đã chết. Cô vừa mới khám phá câu chuyện bị đánh cắp thực sự là của ông vì có một chi tiết không thể nào anh học trò biết được để viết, cô nói điều này cho cái xác ông nghe, rồi đặt bó hoa cạnh ông, quay lưng bỏ đi.

Ðạo diễn Jung Ji-woo chọn Park Hae-il cho vai nam chính thay vì một diễn viên già tuổi, ông nói, “Bộ phim này làm bật ra sự đương đầu với tuổi tác, sự thèm khát tiềm ẩn khi bạn đã mất đi tuổi trẻ. Tôi nghĩ chủ đề như thế sẽ được thể hiện hiệu quả khi vai trò nhân vật nhà thơ già trao cho một diễn viên trẻ.” Kim Go-eun là sinh viên theo học chính yếu về diễn xuất tình cảm tại Ðại Học Nghệ Thuật Quốc Gia Seoul, chưa từng xuất hiện trong một phim điện ảnh hay phim truyền hình nào, chỉ tham gia đóng trong khung khổ phim do sinh viên sản xuất hoặc diễn trong những vở kịch của trường. Cô được chọn trong số 300 nữ diễn viên thử vai để đóng vai trò gợi cảm Eun-gyo.
UserPostedImage
Kim nói về nhân vật của cô: “Tôi không nghĩ vẻ đẹp hình thể của nữ nhi có thể thu hút mãnh liệt hay gây đam mê đối với người đàn ông đã sống 70 năm với trái tim hóa đá. Eun-gyo rất tự nhiên và quá ngây thơ để có thể nghĩ ra hậu quả những gì cô ấy làm. Cô là nạn nhân của bạo lực gia đình (được đưa ra bởi đạo diễn Jung, không có trong tiểu thuyết), vì vậy cô khao khát có một người cha lý tưởng. Bất ngờ gặp ông nhà thơ có tâm hồn bao dung, quan tâm kín đáo và dịu dàng đối với cô.”

Phim điện ảnh A Muse công chiếu vào năm vừa qua, trở thành một phim thu hút nhờ tính văn chương, lãng mạn nhưng vẫn trong khuôn khổ nhân bản và nhân tính, dù có có diễn một cảnh ái ân cuồng nhiệt của lứa tuổi thanh niên và cảnh ông nhà thơ tưởng tượng viết vào truyện. Nhận thấy phim có giá trị nghệ thuật, chúng tôi giới thiệu đến độc giả báo Người Việt.

Tóm lược truyện phim:

Vào phim giới thiệu một ngôi nhà ngói lâu đời nằm trong khuôn viên cây cối sầm uất, đặc biệt cho thấy ở vườn sau nơi tường gạch bao bọc có chiếc thang bắt lên đầu tường để bước ra bên ngoài là khu rừng hoang có triền dốc lên cao. Trong phòng làm việc của nhà thơ già cho thấy bức ảnh chụp thời ông còn thanh niên trưng trên mặt bàn, nơi thư từ gởi đến sắp thứ tự trên bệ gỗ ấy. Nhà thơ lôi ra một tác phẩm trong phong bì, đầu trang trong có lời ký tặng. Ông ngồi nơi bàn làm việc, bao quanh theo cạnh mặt bàn là những quyển sách cũ kỹ xếp thành từng chồng liền lạc cao hơn gang tay, hòa cùng những đống sách chất dưới sàn nhà bao quanh cao nghệu. Sau đó ông ngả lưng trong chiếc ghế bành rocky bên cạnh dàn ampli thả hồn theo tiếng nhạc cổ điển... Sau đó ông ngồi ăn cơm, trước mặt có 2 món ăn đơn giản. Ông vào phòng thay đồ, im lặng ngắm thân thể trần truồng của tuổi già trước tấm gương, ông ra ngoài leo lên triền đồi thả bộ dưới ánh trăng vằng vặc. Ðó là sinh hoạt thường nhật của nhà thơ.

***

Ðây là buổi ra mắt tác phẩm “Trái Tim” của nhà văn trẻ. Anh đang đọc cho người đến dự nghe một trang trong sách, “tôi chưa từng thấy một vầng trăng nào đẹp như vậy, nhưng đối với nàng, vầng trăng sẽ không đẹp như vậy...” Anh nhận hoa tặng và chụp hình với các fan, đa phần ở lứa tuổi học sinh.

Nhà thơ lái xe về đến nhà cùng với anh nhà văn, xe dừng trước cổng. Ông đi vào thì nhìn thấy trên chiếc ghế lắc đặt sát ngoài cửa chính có cô gái trẻ đang nằm ngủ say, cô mặc quần đùi ngắn, chiếc áo trắng rộng cổ, đầu nghiêng vào trong ngủ ngon lành. Ánh mắt ông thả lên những vùng da thịt lồ lộ và dừng nơi chiếc cổ trắng mịn của cô. Anh nhà văn đã vào đứng cạnh, ông đưa tay ngăn có ý bảo để yên thì cô gái choàng thức quay mặt lại nhìn thấy hai người. Nhà văn bước lên hỏi, “Cô là ai?” “Tôi tên Eun-gyo.” “Làm sao cô vô đây được?” Cô ngồi dậy, xỏ chân mang giày bata vì đã tuột bỏ để co chân lên ghế, đáp “Có một cái thang chỗ hàng rào.” Ông nhà thơ nhìn nơi đầu gối trái của cô bị trầy xước, cô mang giày xong, cười nói, “Tôi vẫn luôn muốn ngồi trên một cái ghế đu như vầy” để giải thích. Anh nhà văn hỏi, “Cô ở trên rừng à, cô sống ở đâu?” “Ngoài phố, kế bên tiệm giặt,” rồi cúi đầu chào từ giã, cô chạy về phía chiếc thang, bước lên ra khỏi khuôn vườn, biến dạng vào rừng cây. Ông nhà thơ im lặng từ đầu, nhìn theo dáng nhanh nhẹn của cô thiếu nữ. Ông đặt mình xuống chiếc ghế còn vương vất hơi hám của một đóa hoa non.
UserPostedImage

Anh nhà văn vì học với thầy nên đến nhà thường xuyên để hầu thầy. Anh đang nấu cơm rồi có cuộc điện thoại. “Thuật ngữ 'nhà thơ quốc gia' nghe kỳ kỳ. Nhưng đúng là rất may mắn được học với một người thầy vĩ đại như vậy... Tôi đúng là vào lứa tuổi để tự tin giới thiệu 'Trái Tim' với thế giới...” Lời lẽ của anh ngầm giới thiệu ông nhà thơ là thi sĩ tên tuổi lớn và là học trò.

Ông thầy bỏ chén cơm vì thức ăn anh nấu quá tệ. Hai thầy trò ngồi nhậu bia, móc cánh tay vào nhau để cạn ly. Ông thầy nói, “Bây giờ cậu có thể viết những truyện riêng của mình.” Cậu học trò có vẻ say, quơ tay phát biểu, “Trái Tim là đỉnh cao ở bất cứ đâu.” Anh hỏi, “Còn nhớ cô gái ngủ ngoài mái hiên nhà ông không? Tình cờ tôi có cho cô ấy quá giang xe, cô nói cô đang tìm một công việc làm thêm.” “Cô ấy không đi học sao?” “Cô nói ở nhà cô làm hết mọi việc nhà.” “Bảo cô chiều Thứ Bảy tới đây.”

Chiều Thứ Bảy, ông nhà thơ đứng chấp tay sau lưng ngóng về phía cái thang thì thấy cô bé Eun-gyo xuất hiện, ông trở vào nhà ngồi nghiêm chỉnh nơi ghế bành đặt nhìn ra cửa chính, cầm quyển sách đọc chăm chú. Cô gái đến trước cửa, tháo giày, cúi người lên tiếng chào ông chủ nhà đang mê mải đọc sách.

Cô mặc quần short jean, áo ca rô hường mỏng ngắn tay, sau lưng đeo túi sách vở học trò màu xanh dương tươi. Thấy ông im lặng không nhìn lên, cô tự biết, bước vào trong để bắt đầu công việc dọn dẹp, đầu tiên là hút bụi nhà trên rồi mang máy hút bụi xuống tầng hầm là nơi phòng sách làm việc của ông chủ.

Vì thế ông phải xuống coi, sợ bị làm xáo trộn thứ tự theo kiểu vô trật tự đã trở thành tập quán của những người sống cùng sách vở. Quả thật, ông phải cùng cô sắp lại mấy chồng bao bì sách mà ông đã phân ra để chuẩn bị gửi. Ông giành lấy máy hút bụi, cô bèn bước tới dọn ly tách để đầy trên bàn viết, ông buông máy chạy tới dọn với cô. Cả chục cái tách nằm lung tung khắp nơi. Cô dọn tách mang lên nhà bếp rồi hì hục lau nhà thì ông chủ mang máy hút bụi lên. Cô ngỏ lời cảm ơn ông đã nhận cô đến làm việc. Ông nhà thơ thấy yêu đời khi có bóng dáng cô thiếu nữ trong căn nhà quạnh quẽ. Nếu ngay lúc này ông biết bản trường ca “Ðóa Hoa Vô Thường” của Trịnh Công Sơn, có lẽ ông sẽ nghêu ngao hát:

“Từ nay tôi đã có người
có em đi đứng bên đời líu lo
Từ nay tôi đã có tình
có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa
Từ em tôi đã đắp bồi
có tôi trong dáng em ngồi trước sân”
UserPostedImage

Ông ngồi uống trà nơi bàn ăn, nhìn cô gái nhón tay lên cao lau kính cửa sổ làm chiếc áo ngắn vạt bị kéo lên lộ ra phần da thịt cái eo thon và đôi mông vun trong chiếc váy học trò, tạo sự tưởng tượng thơ mộng trong trí óc già nua của thi nhân. Cô lau kính thỉnh thoảng quay lại tán gẫu, cho biết cô học múa từ nhỏ cho đến lớp bảy, làm đôi bàn chân ông dưới gầm bàn nhón lên cao theo kiểu nhảy Ba lê. Cô gái nào cũng có đôi mắt ngầm sau gáy để biết được ánh mắt nhìn trộm của nam nhân. Có lẽ thế, hôm sau cô đến tiệm may để lên cao tà váy học trò, cô tinh nghịch săn gấu váy lên đến một độ cao khiến bà lão thợ may la lên, người ta sẽ nhìn thấy quần lót của cháu ngay! Thực sự chỉ là cô nghịch ngợm, không cao đến thế.

Cô gọi ông nhà thơ: “Ông ngoại, có muốn tôi chuốt những cây bút chì đã tà đầu cho ông không?” ông bảo “cây bút chì nhọn đầu trông buồn rầu lắm” cô hỏi “nó có gì mà buồn rầu?” ông hỏi lại “cô nghĩ sao?,” cô bé cầm lên cây bút nhìn nó đăm chiêu rồi đáp “ông ngoại, nếu bút chì buồn rầu vì nó nhọn... vậy có phải mọi bút chì nhọn đều buồn không? đó là thi ca?” Bên ngoài trời đã tối, trong nhà đang có thứ ánh sáng của một mái ấm, và câu trả lời của người thi sĩ, “Hà.. Hình dung một cái gì bắt nguồn từ một sự vật... nó thường cách xa như trời với đất. Tôi thấy một thằng bé khi nó chạy tới trường, nó yêu tiếng bút chì khua trong cặp. Khi thằng bé không thể tới trường được nữa, tiếng khua nghe như bút chì đang khóc. Cho nên đối với tôi, bút chì có nghĩa là những giọt lệ. Khi cô nói ông ngoại làm ơn chuốt buốt chì cho tôi, thì tôi lại nghe: ông ngoại, hãy lau nước mắt cho tôi...” Ðó là lúc ông ra ngồi trên chiếc ghế lắc ngoài cửa và cô gái đang ngồi bên cạnh, cả hai uống trà nhìn cảnh vật về đêm. Hôm sau, trong lớp học khi làm bài thi bằng bút chì, cô cầm lên hộp đựng bút chì lắc nhẹ vài lần và cô nhắm mắt nghe tiếng khua của những cây bút chì.

Ðêm đó trời mưa to, ông nhà thơ đang ngủ, có tiếng gõ cửa mạnh liên tục kèm theo tiếng gọi, “Ông ngoại, là tôi đây, Eun-gyo.” Ông choàng dậy ra mở cửa, thấy cô bé Eun-gyo trong bộ đồ học trò ướt nhem với chiếc cặp mang trên lưng. “Cô làm gì ở đây vào giữa đêm?” “Ông không thấy tôi bị ướt sao? Chưa gì đã rầy...” cô trả lời trong giọng khóc tức tưởi. Ông nép qua cho cô bước vô nhà. Cô chậm chạp bước vào và đưa tay quẹt nước mắt. Cô vào nhà bếp dùng khăn giấy lau mặt, sụt sịt khóc và hỏi vọng ra, “Ông ngoại, tối nay tôi ngủ lại được không?” Ông vói tay bật công tắc đèn, bước tới hỏi “sao,” cô đáp, “Làm ơn cho tôi ở lại đây. Tối nay tôi không thể về nhà.” Ông bảo cô ngước mặt lên coi rồi bước tới vén tóc phủ má cô thấy dấu một cái tát còn hằn đỏ nơi mang tai. Mẹ cô thường đánh cô, mỗi lần như thế cô chạy sang nhà bạn. Ông bảo cô đi thay đồ ướt ra
UserPostedImage

Cô bé vào phòng tắm thay đồ, dưới đất tuần tự là chiếc váy rồi chiếc áo rồi đôi vớ. Ðây là thói quen của trẻ con, chúng tuột đồ cho nằm dưới đất theo bước chân đi tới của chúng. Cô mặc cái áo thung và cái quần đùi rộng thùng thình của ông ngoại (từ đầu phim đến giờ cho thấy cô bé thích mặc quần đùi) rồi vô phòng nằm sấp xuống mặt nệm, miệng cô bỗng cười vì tiếng kêu rền của máy sấy tóc mà ông ngoại đang hong khô bộ đồ học trò của cô trong phòng tắm. Tuổi thơ ngây là vậy, buồn đó rồi vui đó, cô gọi vọng ra, “Ông ngoại, tôi muốn kể ông nghe một chuyện được không?” Ông nói to, “Tôi sẽ đưa cô về khi dứt mưa.” Ông tắt máy sấy, cô bé nói tôi nhớ ra rồi, có bài thơ của ông chép trong tập vở của tôi, bài thơ Hoa Trà, đúng không? Ông ngẩn người, cô đọc lên vài câu:

Một con chim nhỏ bên ngôi mộ hoa trà
Một con chim buồn với cái mỏ đỏ
Một con chim nhỏ rớt những giọt lệ đỏ thắm
“đó là trong bài thi hôm nay của tôi.”

Trong tư thế ngồi co gối đọc bài thơ xong, cô ngả lưng nằm xuống, nói chuyện tiếp với ông. Thỉnh thoảng ông nhìn vào cô theo câu chuyện, nhưng cái kiểu mặc quần đùi nằm co chân và lắc hai đầu gối qua lại tạo ra những khép hở dù trong bóng tối không trông thấy gì, nhưng sự hớ hênh của cô bé xảy ra trước mắt ông. Ðây là “tíc-tắc” cố tình của đạo diễn để cho thấy bắt đầu nơi cô bé khêu gợi tính lãng mạn của thi nhân.

Trời mưa to suốt đêm, sấm chớp vang rền. Ông vào phòng ông ngủ, sáng sớm thức dậy chợt thấy cô bé đã chui vào trong chăn ông và ngủ ngon lành bên hông ông. Ông cong người trong chăn xuống để nhìn gương mặt thơ ngây đang say ngủ, ngón tay nhích nhẹ cổ áo cô bé lên và nhìn thấy một hình xâm ở ngực, rồi dừng lại. Ðang thả hồn thi sĩ lãng mạn theo những ý nghĩ chập chờn, chợt ông nghe tiếng động ngoài cửa. Ông vội tốc chăn chạy ra ngoài.

Trần Lãm Vi
(Còn tiếp)
song  
#2 Đã gửi : 01/12/2014 lúc 06:35:04(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Anh nhà văn bỗng dưng sáng sớm đến nhà ông thầy. Anh nhìn thấy bộ đồ học sinh treo trong phòng tắm, cô học trò đẩy cửa phòng ngủ bước ra gật đầu chào anh. Anh buột miệng hỏi “cô mặc đồ gì vậy?” “đồ của ông ngoại, thật thoải mái.” Anh hỏi ông đâu, cô bảo không biết, không có dưới phòng sách sao? Cô đi tới cầu thang xuống phòng sách hỏi vọng xuống tìm ông. Có tiếng ông đáp lại. Cô lên nhà pha cà phê cho ông, anh học trò xề xuống bên thầy nói “Thưa thầy, cổ là một nữ sinh.” “Phải đúng vậy. Vậy thì có gì sai?”

UserPostedImage

Anh ngồi nơi bàn ăn dùng cà phê, nghe cô nữ sinh nói chuyện với ông thầy ở phòng kế bên, cô bảo, “Ðêm qua sấm sét làm tôi sợ quá. Ðó là lý do tôi trốn” “Sáng nay tôi thấy cô nằm dưới hông tôi. Không phải là một chỗ trốn hay. Nhân tiện, tôi có thấy hình xâm dưới cổ cô rất đẹp.” “Ông muốn nói cái hình nhuộm? không phải xâm, nó sẽ phai trong vài ngày.” Anh nhà văn đứng dậy đến đổ mạnh ly cà phê vào sin rửa chén.
***
Một hôm ông đang tưới cây trước cổng, cô bé chạy đến gọi vang “ông ngoại, ông ngoại.” Cô vào nắm tay ông lôi tuột vào nhà. Cô hào hứng vì tìm được mẫu hình nhuộm giống của cô để in lên ngực ông ngoại. Ông từ chối nhưng cô bảo ông đang tò mò về hành động của tuổi trẻ bởi vì tôi vừa mới lớn. Vô nhà, cô ngồi xuống tấm thảm sát khung kính cửa chính, bảo ông nằm xuống. Hôm nay cô mặc chiếc áo lạnh len mềm màu vàng tươi và vẫn cái quần sọt, màu xanh da trời. Ông nằm xuống thảm cạnh cô nhưng cô bảo nằm lên đùi cô để dễ đồ khuôn vẽ. Cô dời đầu ông nằm gọn vào lòng cô giữa hai chân, bảo ông nhắm mắt lại để đừng bị nhột. Cô nói thêm, còn tôi thì bị nhột ở gót chân.
Trong tư thế nằm va chạm làm cho hồn thi sĩ bay bổng, và ông tưởng tượng ra một câu chuyện tình thơ mộng. Ðó là ông ở tuổi tráng niên với người yêu là cô gái này trong độ tuổi hiện tại. Người yêu ông đang đứng lau khung kính cửa sổ, nàng mặc chiếc áo thun trắng rộng và chỉ mặc chiếc quần lót trắng, biết nàng sợ nhột nơi gót chân, chàng sờ vào đó rồi nghịch ngợm giở áo nàng chui đầu vào trong chiếc áo. Nàng cười hạnh phúc để cho người yêu nghịch ngợm rồi nàng bỗng biến mất, còn lại ông nhìn vào khung kính thấy dung mạo mình đang trai tráng, bỗng thấy nàng chạy đến chiếc thang leo lên chạy vào khu rừng, chàng đuổi theo, rồi chuyển sang lời văn diễn tả: “Tôi nhẹ nhàng luồn các ngón tay mình quanh mắc cá Eungyo, gót chân nàng trượt giữa các ngón tay tôi và nàng cười rúc rích. Cái đầu thơm ngát của nàng tựa dưới cằm tôi và đôi môi tôi chìm trong tóc nàng. Nàng thở hổn hển.” Và trong căn phòng đầy sách có ánh sáng bên ngoài cửa sổ xuyên vào những vệt nắng, đôi nhân tình đã “yêu nhau cởi áo cho nhau” và họ có một cuộc ái ân say đắm trong tình yêu hạnh phúc như thế...
Cuối cùng cô hoàn thành tác phẩm, bảo ông ngoại mở mắt ra được rồi. Cô khoe nó giống y như của tôi rồi đưa gương soi cho ông ngắm. Ðó là hình nhuộm con đại bàng giang rộng cánh. Ông nhà thơ kể cho Eungyo nghe là ông có đi tù một lúc và học sửa xe trong nhà tù. Tập bản thảo truyện tình thơ mộng tưởng tượng được ông cho vào hòm gỗ nơi cất giữ những bản viết hoàn tất. Trong khi ấy anh nhà văn ở nhà anh ngồi nơi bàn viết rặn chữ không ra. Anh gọi Eungyo nhờ mang Aspirine đến vì anh nhức đầu. Cô đến, anh gây với cô, xô xát làm nơi ngực cô bị mũi kim cài huy hiệu trường làm chảy máu, cô phải vén ngực áo ra để dán băng vào vết thương, anh chàng nhìn vào rồi bảo cô làm xáo trộn cuộc sống của một người cao quý như ông. Cô học trò nổi giận, kể ra chuyện ông cho cô biết anh xuất thân từ trường kỹ thuật, phải mất 10 năm mới nhận ra mọi vì sao trên trời đều không giống nhau. Cô mượn anh quyển tiểu thuyết Trái Tim.

UserPostedImage

Một ngày, anh học trò đùa giỡn với cô học sinh dưới phòng sách khi cô đến làm việc, cô hồn nhiên trước những va chạm tinh nghịch của bàn tay vào thân thể mình. Hoạt cảnh nhấn mạnh thêm này dụng ý cho thấy chàng thanh niên đã bị thân thể thiếu nữ hấp dẫn. Anh tình cờ thấy nhiều bản thảo mới của thầy trong hòm gỗ. Cô học trò bảo có đọc xong Trái Tim, ông ngoại nhận xét ra sao, ông bảo đó là một thể loại tiểu thuyết nhưng không chỉ vậy, nó là thi ca... nội tâm sâu xa của con người. Eungyo nói, anh Seo Jiwoo gọi nó là tiểu thuyết thương mại tầm thường. Anh học trò chống chế, thưa thầy, tôi không phải có ý nghĩ thật sự như thế. Ông đáp, một người làm cha mẹ không bao giờ bỏ con mình, cho dù nó có gây ra phiền toái cỡ nào.
Ông Jeokyo được những học trò mời đến đãi tiệc vì họ muốn thành lập bảo tàng văn học về ông, nhân dịp kỷ niệm tác phẩm “Hoa Trà” nổi tiếng của ông. Khi từ giã về, ông nói không thể xây một bảo tàng nói về một người đang sống. Ông đến đón Eungyo sau giờ tan học vì đã hẹn để cô đưa đi ăn ở một nhà hàng đặc biệt. Nhà hàng họ đến thiết kế những bàn ăn chia thành nhiều ngăn riêng biệt dành cho những đôi tình nhân hò hẹn. Anh học trò nhân lúc thầy đi với cô học sinh, lẻn đến nhà ông để đọc trộm những bản thảo mới nằm trong hòm gỗ. Sau khi xem qua vài tác phẩm và đặt trả lại chợt nhìn thấy một tựa sách, cái tựa khiến anh sửng sốt kêu lên “cái gì vậy?,” rồi ăn cắp tập bản thảo mới toanh này của thầy mang về.
***
Một đêm, một học trò ông nhà thơ đến nhà thầy để báo tin thay vì là viện bảo tàng văn học, các học trò ông đổi tên là “Phòng Kỷ Niệm Hoa Trà” của quận, đặc biệt trưng bày những bản thảo viết tay của nhà thơ quốc gia này, và được ông đồng ý. Nhân tiện anh này cho biết tiểu thuyết Trái Tim của Seo Jiwoo đã bán hơn 800,000 bản và mới in thêm 30,000 bản nữa. Thầy có biết về truyện ngắn mới nhất của Jiwoo không? đó là một truyện hay nhất đang làm xôn xao trên văn đàn. Ông hỏi có hay thật không? tựa là gì? “Tựa là Eungyo, là tên của một nữ sinh.” Người học trò từ giã, ông vội chạy xuống phòng sách mở hòm gỗ ra thì bản thảo Eungyo không cánh đã bay mất.
Sáng tinh mơ, ông lái xe ra phố để mua tạp chí có đăng truyện ngắn này. Không lâu, anh học trò ăn cắp đến. Anh mang ly trà ra mời thầy đang ngồi trên ghế lắc, ông đáp “tôi sợ cậu bỏ độc vô đó” rồi đứng dậy vào nhà, thấy anh nhìn tờ tạp chí đặt trên bàn, ông hỏi, “Cậu có gì để nói không?” Anh với dáng vẻ xấu hổ của một tên trộm, bước đến khép nép thưa, “Tôi làm vậy bởi vì... nó quá hay. Ngay lúc nhìn thấy bản thảo của thầy, tôi không thể để một kiệt tác như vậy bỏ phí trong rương...” “Cậu gọi đó là lý do? Sao cậu dám, một tên trộm?” “Thầy là người đã cho tôi được như ngày hôm nay. Thầy là người đã viết cuốn Trái Tim giùm tôi...” “Cậu không có tài năng nhưng cậu cứ theo tôi, cho nên tôi viết cuốn đó như một món quà.” “Có phải thầy hối tiếc vì nó đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất?... sự căng thẳng làm tôi hoảng sợ. Tôi không còn biết tôi là ai, là Seo Jiwoo hay là cái mặt nạ của Jeokyo?... ” cậu bổ tiếp: “Quan hệ giữa một ông già 70 tuổi với một nữ sinh trung học không phải là tình yêu. Ðó là tai tiếng, thưa thầy, một tai tiếng bẩn thỉu...” “Cậu nói là bẩn thỉu?” Ông không chịu được nữa, nhào tới nắm áo cậu học trò gằn giọng bảo “đừng bao giờ vác mặt tới đây nữa.” Ông cầm lên chiếc dép đập vào đầu cậu ta, mắng, “Cậu không có tài ba gì cả. Tôi chưa bao giờ thích cái nhìn trong mắt cậu, như một con sói. Cậu dám nói đó là một chuyện bẩn thỉu?” Ông cong những ngón tay như hổ trảo muốn chụp vào mặt của tên trộm văn chương, bỗng quay sang nhìn thấy cô học trò Eungyo đã đứng gần đó tự bao giờ, cô đã chứng kiến và có thể đã nghe trọn nội dung đối thoại, cô bỏ chạy đi.
Ðêm đó cô đến nhà ông nhà thơ, nhưng cửa đã khóa chốt trong, cô từ đây không còn đến gặp ông được nữa, cô nhìn thấy cuốn tạp chí, cô cầm lên. Cô cầm cuốn tạp chí đến nhà anh nhà văn, chận anh ta trước cửa rồi nói, “Tên Eungyo đã sửa trại âm ra thành một tên khác... Có phải các nhà văn đều như vậy? Ăn cắp những câu chuyện của người khác...” “Tôi xin lỗi” “Có đúng là anh đã viết cái này? Ổng là gì của anh?” “Là vị thầy đáng kính. Người cha tinh thần.” Dù sao truyện ngắn này cũng lung lạc cô vì cô là nhân vật chính, tuy nhiên vào một chiều tối ngồi trong xe anh nhà văn khi đưa cô về nhà, anh nhà văn suồng sã để tiến tới một nụ hôn môi đã bị cô làm cụt hứng bằng một câu hỏi, “Anh thích tôi hay vì tôi là nhân vật? nhà văn đều lợi dụng như vậy sao?...” rồi cô lãnh đạm ra khỏi xe bỏ đi.

UserPostedImage

Truyện ngắn Eungyo trúng giải văn học thường niên lần thứ 35. Ngày phát giải văn học cho tác giả, ông nhà thơ bình thản đến dự, ông đọc bài diễn văn chúc mừng. Ông phát biểu: “Tôi Jeokyo chỉ là một ông già. Roethke nói tới tuổi già, như mang một gánh nặng của những gì mình chưa làm. Cũng như tuổi trẻ của các bạn không phải là một phần thưởng cho nỗ lực của các bạn, tuổi già của tôi không phải là một hình phạt cho lỗi lầm của tôi. Eungyo như một giọt nước mắt rơi xuống mảnh đất khô cằn. Sẽ vô cùng khó khăn để viết một câu chuyện hay hơn, thật hơn hay súc tích hơn.”
***
Một ngày tuyết rơi tầm tã, Ông nhà thơ đứng lau khung kính cửa bỗng hiện lên hình ảnh Eungyo mặc chiếc quần lót trắng trong truyện xuất hiện nơi cái thang bước qua tường trong bông tuyết chập chờn, nàng cười giỡn nhìn về ông, chạy tung tăng rồi biến vào rừng mất dạng. Tuyết vẫn rơi trập trùng, linh cảm bỗng thành sự thực, nàng Eungyo ngoài đời xuất hiện trước cửa, cất tiếng gọi “chúc mừng sinh nhật, ông ngoại!” Trên tay cô mang gói quà, bên ngoài chiếc áo len đỏ khoác một áo dạ bông màu xanh sậm và một khăn len hồng nhạt choàng nhiều vòng quanh cổ. Cô giơ lên một hộp nói tôi mua bánh và quà cho ông, tay kia giơ lên thêm túi giấy đựng quà. Ông đến đứng đối diện cô bé bên trong khung cửa kính, nhìn cô chăm chăm. Cô lại nói, kính cửa sổ dơ quá, ông có muốn tôi lau sạch như một món quà sinh nhật không? Một lúc im lặng, ông nói “Eungyo là đây.” Ông mở cửa cho cô vào.
Tuyết ngưng rơi. Ông nướng BBQ thịt bò thái mỏng ngoài sân, cô bé đang lăng xăng thì có chiếc xe BMW chạy đến, đó là anh học trò. Cô bé vừa đốt xong cây nến sinh nhật, cô nhìn ra rồi nhìn sang ông ngoại. Anh nhà văn bước tới cúi đầu trước ông, nói chúc mừng sinh nhật rồi đặt gói quà xuống, ông không nhìn nhõ hay nói một lời, anh nói, “Bây giờ tôi phải đi” rồi cúi người chào và nói thêm, ông bệnh tiểu đường, ông không ăn bánh được. Anh quay lưng đi vài bước thì ông gọi, “Anh Seo, hãy uống 1 ly rồi đi.” Cô bé khui bia.
Thế là 3 người cùng ăn bữa tiệc sinh nhật được dọn ra dưới phòng sách. Họ nói chuyện phiếm vui vẻ, Eungyo hỏi ông ngoại, thi ca là cấp độ cao nhất? Anh học trò rượu vào lời ra, nói, một tiểu thuyết gia từng bị người ta khinh miệt giờ thì lại tôn trọng chỉ vì tôi vừa được một giải thưởng... Tôi không còn là một mặt nạ nữa. Tôi có một trò chơi, tôi muốn kiếp sau thầy là học trò tôi. Cô bé hỏi “đó là trò chơi sao?” anh ta nói “tôi muốn ông ta nấu ăn và giặt đồ cho tôi.” Ông thầy đứng lên nói tôi say rồi, đi ngủ đây. Cô bé chạy theo ông, học trò nói theo, cám ơn thầy đã biến một thợ máy thành một nhà văn. Anh nhậu tiếp.

UserPostedImage

Cô bé lên nhà vào phòng ông, chúc ông sinh nhật và ngủ ngon. Lần đầu tiên ông ôm cô vào lòng, cô rúc mặt vào lớp áo nơi vai ông, hít lấy hơi hám ấm áp của ông. Ông thả cô ra, bảo cô về ngủ ngon, tôi phải ngủ đây. Cô bước tới đặt một nụ hôn môi đầm thắm lên vầng trán ông rồi đi về. Khán giả sẽ không chú ý hoạt cảnh ngắn này, nhưng đây chính là chất xúc tác làm cho cô gái hồn nhiên này có một quyết định bất ngờ. Cô đi đến cửa để ra về bỗng dưng cô quay trở lại, bước chân thật khẽ khàng, cô đi xuống phòng sách. Vòng tay ôm nói lên sự xúc động và biết ơn của ông nhà thơ đối với cô gái đã vô tình khơi dậy trong cô điều mà cô tỏ lộ với anh nhà văn sau đó, là, tôi muốn làm tình chỉ vì tôi đang rất cô đơn.
Nửa đêm, ông nhà thơ chợt thức giấc vì nghe có tiếng người văng vẳng. Ông đi được nửa chừng cầu thang xuống phòng sách thì nhìn thấy hai bóng người cuốn lấy nhau. Tiếng rên rỉ oằn oại trong khoái cảm nhục dục của một cô gái khiến ông không muốn xuất hiện trước cảnh tượng ấy, nhưng để biết chắc là ai, ông đi ra ngoài, men đến cửa sổ phòng sách để nhìn vào, cuối cùng bằng chiếc thang đặt đúng vị trí, ông nhìn thấy không ai khác hơn là cô học sinh Eungyo đang rên xiết nồng nhiệt giao tình với anh học trò. Bàng hoàng. Ông ra chiếc xe của ông, thay cái ống dầu điều khiển bị hư bên một bánh xe trước. Nhưng có lẽ những hình ảnh kia ám ảnh ông nặng nề, ông không hoàn tất công việc làm, tạm lắp lại bánh xe để mai làm tiếp và vô tình ông để chùm chìa khóa xe ngay trên bánh xe.
Sáng ra, anh học trò dậy, ra xe thấy chiếc BMW bị xẹp một vỏ trước, anh quày trở vô, đến xe của thầy nhìn thấy chùm chìa khóa xe nên lấy xe thầy lái đi, anh có buổi diễn thuyết lúc 8 giờ sáng nay. Trên đường đi, chiếc xe không điều khiển được bánh xe nên lủi vào lề. Nơi tiệm kéo xe này về sửa, người thợ phát giác ống dầu điều khiển bánh xe không có dầu, kẻ nào có ý định giết người mới làm thế. Xe sửa xong, anh học trò cho là thầy mình muốn giết mình nên giận dữ lái xe quay trở lại gặp ông thầy. Vì quá nóng giận, khi lái qua mặt một xe tải, bị một xe ngược chiều tông vào làm xe anh lao xuống vệ đường dốc, lộn nhiều vòng và âm thanh của chiếc cổ bị gãy bật lên một tiếng rắc. Ông trời sắp đặt hay sao để bẻ cổ anh chàng ăn trộm văn còn ăn cướp thêm mối tình thơ mộng tưởng tượng của người thầy già này nữa?

UserPostedImage

Ông nhà thơ giật mình thức dậy, phát giác học trò ông đã lấy chiếc xe sửa chưa xong lái đi. Hồn vía ông lên mây, nhưng không còn có xe nào khác để ông chạy theo. Ðương nhiên sau đó, ông biết tin người học trò tử nạn vì xe lao xuống vực lề. Ông cho ông là nguyên nhân gây ra cái chết cho người học trò xấu số này. Ông lôi ra đốt bỏ một tập dầy bản thảo, là toàn tập tiểu thuyết Eungyo chăng? Nỗi ám ảnh tội lỗi từ ngày ấy biến ông thành kẻ mượn rượu giải sầu.
***
Mùa Ðông tuyết rơi. Có lẽ là một năm sau. Cô học sinh Eungyo hấp tấp vào thư viện lục tìm quyển tạp chí đăng truyện ngắn mang tên cô. Cô lật ra xem kỹ lại một đoạn văn trong truyện. Cô bàng hoàng khám phá ra sự thật, Seo Jiwoo không thể nào biết được chi tiết này, chỉ có nàng với ông nhà thơ Lee Jeokyo biết thì làm sao anh ta có thể diễn đạt được?
Một ngày nắng khô ráo, Eungyo mang một bó hoa thật to, loài hoa bông trắng tròn nhỏ tí, đến nhà của nhà thơ. Cửa mở, nàng vào nhà, đến phòng ăn nhìn thấy đầy vỏ chai bia rượu ngổn ngang dưới đất, trên bàn ăn có một lọ thuốc. Nàng vào một phòng thấy ông nằm trùm chăn đến cổ trên cái giường hẹp, nghiêng người quay mặt vào vách, nàng lay gọi ông ngoại, mùi hôi từ người ông nồng nặc khiến nàng thốt lên “ông đi rồi.”

UserPostedImage

Nàng quỵ người quỳ xuống. Nàng nói, “Còn nhớ cái đêm tôi tới đây không? Nói đến đây cô xúc động khóc thút thít rồi đặt người nằm xuống nép đầu vào vai ông, cô nói tiếp, giây phút đó... không khí đó... nhiệt độ đó... độ ấm đó... hơi nóng đó... Những thứ không thể cảm nhận được cho dù ông có cố gắng diễn tả cỡ nào. Ngay cả nếu ông có kể với ai, người thứ ba không bao giờ có thể hiểu được. Một thợ máy, người tưởng mọi vì sao đều như nhau... làm sao ảnh biết được. Eungyo là của ông. Ông đã viết Eungyo... cám ơn ông vì đã làm cho tôi quá xinh đẹp trong câu chuyện. Tôi chưa hề biết mình quá xinh đẹp như vậy. Nàng khóc nghẹn ngào... Tôi chỉ là một con ngốc đầu bự. Nàng nhẹ nhàng ngồi lên rồi lại quỳ và đặt bó hoa bông trắng bên cạnh đầu ông, nói tạm biệt ông ngoại và đi ra khỏi phòng.
Thật sự ông không chết hoặc chưa chết. Sau khi cô gái rời đi, miệng ông thều thào, “Tạm biệt, Eungyo.” Phim đóng lại với tiếng kèn hắc tiêu dạo một quãng nhạc trầm buồn trước khi tiếng dương cầm réo rắt vang lên những tiết tấu trong trẻo, từng chùm nốt hòa theo tiếng hồ cầm búng nhịp valse, như một chuỗi tiếng khóc nghẹn ngào...
Trần Lãm Vi
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.209 giây.