Theo dõi báo chí trong nước về các vụ công an đánh người - đánh một cách vô cùng tàn bạo, thậm chí, có khi đánh đến chết, trong đó hầu hết nạn nhân là những người vô tội, tôi có hai sự ngạc nhiên lớn:
Thứ nhất, đối với công an, tôi không hiểu tại sao người ta lại tàn nhẫn đến như vậy? Đánh những người yếu đuối đã nhẫn tâm. Đánh những người yếu đuối không có bất cứ một phản ứng nào kháng cự lại mình, thì lại càng nhẫn tâm hơn nữa.
Thứ hai, đối với dân chúng - không chỉ các nạn nhân mà là dân chúng Việt Nam nói chung, tôi cũng ngạc nhiên là tại sao người ta lại ít phẫn nộ khi chứng kiến những cảnh đánh đập người khác một cách dã man như vậy. Dĩ nhiên là có người phẫn nộ. Trên các blog của một số người, chúng ta có thể thấy rõ sự phẫn nộ ấy. Trong cách tường thuật. Trong sự lên án. Trong các kiến nghị, thậm chí, trong một số hành động kiện tụng cụ thể. Nhưng con số ấy rõ ràng là không nhiều. Nếu không muốn nói là cực ít. Còn lại hầu hết đều im lặng. Im lặng vì dửng dưng hay vì muốn né tránh một vấn đề “nhạy cảm”? Tôi không biết. Nhưng dù vì bất cứ lý do nào thì sự im lặng ấy cũng đều rất đáng ngạc nhiên. Nó giống như một sự nhẫn tâm.
Cả hai hình thức nhẫn tâm ấy – sự nhẫn tâm của các công an và sự nhẫn tâm của những kẻ chứng kiến, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, qua các phương tiện truyền thông – đều có một điểm chung: thiếu sự giận dữ.
Thường, người ta bạo động vì giận dữ. Giận dữ nảy sinh từ quan hệ và sự tương tác. Cãi qua cãi lại: giận. Đẩy qua đẩy lại: giận. Công an đánh người, thậm chí, giết người không phải vì giận. Ngay cả khi dân chúng phản đối thì sự phản đối của họ cũng khá hiền lành và nhẫn nhục. Vậy mà công an cứ nhào đến đánh. Đánh như một phản xạ có điều kiện. Nhìn cảnh họ đánh dân trên Youtube, không thể không nhớ đến những tên mật vụ phát xít. Chúng cũng đánh người và giết người một cách cực kỳ dã man nhưng không hề có chút thù hận nào cả.
Dân chúng, kể cả giới trí thức, khi nhìn cảnh dân bị đàn áp như vậy, cũng không nổi giận. Việc không nổi giận ấy không chừng cũng là kết quả của quá trình điều kiện hóa lâu dài. Hình như người ta xem đó là chuyện bình thường. Trong phần Ý kiến trên blog này, một số người, để bênh vực cho chính quyền Việt Nam, cũng xem đó là chuyện bình thường. Ừ, thì công an ở đâu mà chả đánh dân? Ở Trung Quốc cũng có. Ở các nước Phi châu cũng có. Ngay cả ở Mỹ và các quốc gia Tây phương cũng có. Có gì đáng ngạc nhiên đâu?
Bỏ qua chuyện điều kiện hóa hay không điều kiện hóa trong lý thuyết của Ivan Pavlov. Ở đây, tôi chỉ nhìn sự giận dữ từ góc độ đạo đức học.
Trong quan hệ cá nhân, nổi giận là điều không nên. Đó là lúc lý trí bị mất quyền kiểm soát và cũng là lúc các bản năng đen tối và hủy diệt ở con người lên ngôi. Trong trường hợp này, không phải sự nổi giận mà việc chiến thắng sự nổi giận mới là dấu hiệu của văn minh và văn hóa. Nhưng ở bình diện xã hội, đặc biệt trong lãnh vực chính trị, nổi giận trước những bất công và phi lý lại là điều cần thiết. Ở đây, nổi giận không phải là kẻ thù của lý trí. Ngược lại, nó gắn liền với lý trí: nó xuất phát từ cảm giác bất bình khi thấy bảng giá trị chung, vốn được hình thành từ lý trí, bị xâm phạm. Đó là những sự nổi giận trí thức. Từ cấp độ này, sự nổi giận của con người mới thoát khỏi tính bản năng và xa cách hẳn với các loài động vật khác. Đó là sự nổi giận nảy sinh khi con người đóng vai trò chứng nhân hơn là nạn nhân, khi ở ngoài hơn là trong cuộc, khi bản thân mình không trực tiếp bị đe dọa.
Vì có tính trí thức như vậy, sự nổi giận trước bất công và phi lý cũng gắn liền với đạo đức. Người ta thường gọi đó là những sự giận dữ hay phẫn nộ đạo đức (moral anger/outrage). Gọi là đạo đức vì ba lý do chính: một, nó xuất phát từ ý thức về sự công bằng và công chính; hai là, nó vì người khác, nó muốn nhìn thấy người khác, dù đó chỉ là những người hoàn toàn xa lạ với mình, cũng được đối xử một cách công bằng và công chính; cuối cùng, nó là một trong những nguyên nhân làm cho người ta trở thành can đảm.
Can đảm không phải là không biết sợ. Can đảm là biết vượt qua cảm giác sợ hãi. Thời gian vượt qua được cảm giác sợ hãi kéo dài dài hay ngắn tùy từng người. Một trong những yếu tố giúp duy trì tình trạng không sợ hãi ấy chính là sự nổi giận.
Ngày nào dân chúng không nổi giận ngày ấy những kẻ cầm quyền độc tài và hung ác còn ăn ngon ngủ yên.
Source: Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc