Tin của đài RFI cho hay, tại một cuộc họp ở Paris, Pháp cuối tháng 11, 2014 vừa qua, Uỷ ban UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận điệu dân ca Ví – Giặm xứ Nghệ là “Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”, cùng với 34 loại hình khác trên thế giới.
RFI nói rằng, dân ca Ví – Giặm được lưu truyền và sử dụng song song với hoạt động kinh tế nông nghiệp truyền thống tại Việt Nam, tạo nên một sức sống đầy thu hút từ thời xa xưa. Loại hình này bị mai một dần tại nhiều vùng địa phương. Dân ca Ví – Giặm chỉ còn đất sống tại vùng quê Nghệ An.
Sau kết quả công bố này, dân ca Ví – Giặm trở thành “di sản văn hoá phi vật thể” thứ 9 của Việt Nam được vinh danh, sau “đờn ca tài tử” ở miền Nam Việt Nam; “tục thờ vua Hùng” ở Phú Thọ; “hát xoan” ở Phú Thọ; “hội Gióng” ở Hà Nội; “ca trù” ở miền Bắc; “dân ca Quan họ Bắc Ninh;” “nhã nhạc cung đình Huế” và “cồng chiêng Tây Nguyên”.
Dân ca Ví – Giặm là hai lối hát dân dã không cần nhạc đệm, đã được các cộng đồng dân cư hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo và lưu truyền, qua hoạt động nông nghiệp, cũng như văn nghệ cổ truyền. Hai lối hát này có đặc điểm khác nhau, nhưng thường được hát đan xen nhau nên được ghép chung và mang tên gọi chung là dân ca Ví – Giặm.
Ở Việt Nam hiện có 75 nhóm dân ca với khoảng 1,500 thành viên, trong đó có khoảng 800 nghệ nhân. Số người hát dân ca Ví - Giặm trong thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
SBTN