Trong một tiết mục trình diễn của cặp đôi hòan hảo Nam Cường & Quế Vân ngày 16/11/2014 trong nước, với ca khúc Chuyện Tình Lan Và Điệp 1 của Lê Minh Bằng, hai người này đã hát mấy câu nhạc Rap thật kém văn hóa và gây phẫn nộ cho khán giả. Một bài hát đã làm rung động hàng triệu trái tim từ nhiều năm trước, nay bỗng chen vào những câu nói như sau:
Lan ơi hãy mở cửa đi Lan. Anh trở về đi. Anh tới làm quà thứ gì. Yêu em anh không đòi quà. Mà em cần gì, anh cũng sẽ chi. Một chiếc Audi, một túi LV. Hay là ta xách vali, mình tới Paris cùng đi du hí. Em không cần gì, chỉ cần tình si, đấy là anh đừng có bồ nhí”
Nhà văn Nguyễn Công Hoan năm 1933 đã viết cuốn tiểu thuyết Tắt Lửa Lòng, ghi lại chuyện tình ngang trái giữa đôi trai gái. Cô gái tên Lan, chàng trai tên Điệp cùng yêu nhau tha thiết; nhưng Điệp bị gài bẫy phải cưới một cô gái con nhà quyền thế mà cô này mang thai với một kẻ khác. Lan buồn quá vào chùa đi tu nhưng vẫn còn yêu Điệp và mang tâm bệnh. Nàng qua đời trong bệnh viện bên cạnh người yêu lúc đó đã trở thành bác sĩ Điệp, để lại sự thương tiếc cho mọi người.
Năm 1936 truyện Tắt Lửa Lòng được dựng thành vở cải lương Lan Và Điệp với sọan giả Trần Hữu Trang. Năm 1948, một vở cải lương khác được thu âm vào hãng đĩa Asia với tựa đề Hoa Rơi Cửa Phật. Năm 1970, đòan kịch Kim Cương diễn vở Lan Và Điệp mà Kim Cương thủ vai Lan. Và một vở cải lương khác lấy tên là Chuyện Tình Lan Và Điệp của sọan giả Loan Thảo và Thế Châu rất ăn khách.
Về mặt cổ nhạc thì đầu thập niên 1940, sọan giả Viễn Châu đã viết bản vọng cổ Hoa Rơi Cửa Phật dựa vào cốt chuyện đó; nữ danh ca Út Bạch Lan nổi tiếng với bản này.
Về tân nhạc thì năm 1965 ba bài hát Chuyện Tình Lan Và Điệp 1, 2, 3 ký tên tác giả là Mạc Phong Linh & Mai Thiết Lĩnh ra đời được giới yêu ca nhạc ái mộ. Tác giả thật chính là nhóm Lê Minh Bằng gồm nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng. Với điệu Bolero và nét nhạc dễ nghe, kể lại câu chuyện tình của Lan Và Điệp đã làm rung động hàng triệu trái tim. Riêng bản Chuyện Tình Lan Và Điệp 1 được ưa thích hơn hai bản sau; đã bán với số lượng bản nhạc lẻ cao nhất trong tủ nhạc của nhóm Lê Minh Bằng; và bản Chuyện Tình Lan Và Điệp được coi là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của làng tân nhạc Miền Nam trước 1975. Lại có thêm bản tân cổ giao duyên Chuyện Tình Lan Và Điệp của soạn giả Viễn Châu kết hợp vọng cổ và 3 bản tân nhạc này, được nhiều nghệ sĩ cải lương trình diễn.
Về mặt phim ảnh, đã có cuốn phim Tình Lan Và Điệp năm 1972 của hãng phim Dạ Lý Hương, và năm 1990 là phim Lan Và Điệp.
Các vở cải lương, vở kịch, phim ảnh thì dài dòng. Nhưng riêng chỉ một ca khúc Chuyện Tình Lan Và Điệp hát trong vòng năm phút là tóm tắt đủ câu chuyện và phổ biến khắp nơi, mọi thời. Ca khúc Chuyện Tình Lan Và Điệp đã góp phần rất lớn trong việc phổ biến tác phẩm bất hủ này.
Sau tháng 4 năm 1975, miền Nam thất thủ, nhà cầm quyền Việt Cộng cấm đóan tất cả văn hóa phẩm của Việt Nam Cộng Hòa. Vài năm gần đây, họ cho phép phổ biến một phần các tác phẩm của chế độ Sài Gòn trước năm 1975. Và vở cải lương với chủ đề Lan Và Điệp được trình diễn trở lại.
Trong cuộc thi Cặp Đôi Hòan Hảo tổ chức trong nước, cặp Nam Cường và Quế Vân đã song ca bản Chuyện Tình Lan Và Điệp 1. Màn vũ phụ diễn trông rất công phu, nhưng màn hát nhạc Rap chen giữa bài hát đã làm khán giả khắp nơi ngỡ ngàng, bực mình vì không ngờ đọan được gọi là “ sáng tạo” nhạc Rap đó chẳng ăn nhập gì đến bài hát, và nói lên sự kém văn hóa của giới trình diễn.
Đành rằng trong nghệ thuật rất cần sự sáng tạo, nhưng sự sáng tạo đòi hỏi phải có trình độ kiến thức, trình độ kỹ thuật và trình độ thưởng thức nghệ thuật ở một mức tối thiểu nào đó. Sự gán ghép đọan nhạc Rap nói trên, xen vào giữa một ca khúc nổi tiếng được ưa chuộng trong giới tân nhạc đã làm nhiều khán giả phải đau lòng trước trình độ yếu kém văn hóa của giới trẻ trình diễn trong nước và ngay cả đối với giới hữu trách về nghệ thuật tại Việt Nam hiện thời.
Một nền giáo dục xuống cấp, một chính sách ngu dân, một chế độ kiểm duyệt khắt khe do những cán bộ thấp kém đìều hành đã kéo một nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc đi xuống trong mấy chục năm Cộng sản cai trị đất nước Việt Nam.
Hiện nay phong trào hát lại các ca khúc của Sài Gòn năm xưa đang nở rộ trong nước. Những ca khúc cũ của miền Nam Việt Nam truớc năm 1975 bây giờ là cái gì mới, cái gì hay; khác với thái độ hận thù muốn xóa bỏ lọai văn hóa này lúc CSVN mới chiếm Miền Nam.
Hậu quả của chính sách ngu dân, chính sách văn hóa thấp kém của một chế độ độc tài, độc đảng đã làm cho đất nước chịu nhiều thảm họa. Cứ vài ngày thì báo chí lại đưa tin những tệ nạn trong xã hội từ mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục. Và sự gán ghép đọan nhạc Rap của cặp đôi Nam Cường & Quế Vân trong bản Chuyện Tình Lan Và Điệp 1 của Lê Minh Bằng là một thí dụ rõ ràng nhất.
Phương Thy / SBTN