Chị Đỗ Thị Luyện, 27 tuổi, quê tỉnh Hòa Bình, làm nghề massage ở Saigon, thuê nhà ở trọ với người tình là Việt kiều Mỹ 70 tuổi ở Nha Trang từ nhiều tháng. Cô này thắt cổ tự tử, để lại một lá thư tuyệt mệnh có câu, mà qua đó người ta biết được nguyên nhân tự vẫn của cô: “Quan hệ nhiều mà không đưa tiền, làm em khổ tâm. Làm thế này để anh phải bận tâm”.
Thay vì thông thường người tình già bận tâm bồ trẻ thì đây ngược lại, và qua lời lẽ trong thư thì nguyên nhân chính khiến cô gái tìm đến cái chết, nguyên nhân không phải tình cảm mà là tiền bạc. Tình yêu luôn song song với tiền. Yêu mà không đưa tiền cân xứng khiến em khổ tâm! Hận chàng, để lôi kéo sự chú ý của chàng thì cái chết được mang ra làm áp lực. Chỉ có điều cô qua đời rồi nên không rõ ông bồ Việt kiều có “bận tâm” không hay là cấp kỳ đi kiếm cô khác thế chỗ.
Từ lâu, Việt kiều quả là một giới, một tầng lớp mà rất nhiều cô gái trong nước đều mơ tới như mơ một hoàng tử.
Giới Việt kiều có từ lâu: sinh viên du học hay người dân sang ngoại quốc làm ăn rồi ở lại. Thế nhưng hai giới này hoặc lấy người địa phương hoặc cưới người cùng quê, cùng lớp…, đám cưới lặng lẽ không rộn ràng kèn trống. Riêng Việt kiều có giá, thật sự sáng chói, là đích nhắm của các cô gái chính là lớp người Việt vượt biên từ sau 75. Mà phải Việt kiều Tây chứ không phải Việt kiều châu Á. Cứ coi mấy cô dâu lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan mà xem, gửi thây xứ người chứ nói gì đến phụ giúp cha mẹ. Còn Tây, ngay cả các nước châu Âu cũng… kém! Việt kiều được chú ý săm soi nhiều nhất, thật ra chỉ tập trung vào vài ba nước mà thôi.
Hình ảnh Việt kiều được tạo nên thông qua số tiền và quà gửi về Việt Nam thoạt tiên cứu đói. Về sau này, khi bớt cứu trợ, Việt kiều về nước chơi hoặc kinh doanh… tiêu xài rộng rãi. Vì thế, nói đến Việt kiều là dân trong nước nghĩ ngay đến “tiền đồ” xán lạn tức là tiền và hàng, quà… Người ta thường hay ví von kiếm tiền ở ngoại quốc mang về Việt Nam tiêu giống như kiếm tiền ở thành phố mang về quê xài vậy. Ở bển chẳng bao nhiêu nhưng mang về Việt Nam, nhất là xuống những vùng quê, thật là rủng rỉnh, khiến ai cũng phải lé mắt.
Anh Việt kiều đi cả chục năm mới về, ghé thăm bà mợ. Tưởng ghé qua hỏi han sức khỏe, biếu chai dầu gió, bịch kẹo… rồi thôi. Chẳng ngờ bà mợ than thở, kể lể dông dài, nói xa nói gần. Sốt ruột, anh phải xì ra:
– Biếu mợ năm chục ăn quà.
Thế là mợ tắt đài và anh vội vàng… dông.
Chỉ cần nói: “Cô nọ lấy Việt kiều”, “Con tui ở bển”, “Tui có bạn là Việt kiều”… là lấp lánh thấy mê rồi. Khỏi cần biết Việt kiều đó làm nghề gì, già trẻ, mặt mũi, cao thấp, tính tình, ra sao.
Việt kiều dần dần trở nên một biểu tượng của sự giàu có, hào phóng. Hai chữ “Việt kiều” vẽ ra một vùng đất hứa nơi có xe hơi, biệt thự, tiền rơi rắc ngoài đường lượm không hết… ngay cả đôi khi vẫn có giá trị tuyệt vời khi chỉ mang một nghĩa vô cùng đơn giản là di chuyển bằng… máy bay!!!
Hiển hiện ngay trước mắt qua các phương tiện truyền thông làm nức lòng thiên hạ là các đám cưới Việt Nam lấy Việt kiều. Nào là ca sĩ lấy vợ Việt kiều Mỹ, nữ nghệ sĩ cải lương lấy chồng Việt kiều Úc, nghệ sĩ kịch lấy chồng Việt kiều Canada, người mẫu lấy chồng Việt kiều Kampuchea gốc Hoàng gia…
Khi những tin tức và hình ảnh của những cuộc hôn nhân này tung lên báo, thiên hạ phải lác mắt vì sự giàu có và độ chịu chi của Việt kiều. Các đám cưới đều “hoành tráng”, xa xỉ, cô dâu chú rể lộng lẫy choáng ngợp, nhà cửa sắm sửa tại Việt Nam nguy nga như lâu đài, làm các chàng trai, cô gái nhìn vào không khỏi mơ ước. Và điều này càng khiến cho nhiều người nức lòng hơn trong việc “yêu Việt kiều”.
Vô số vui buồn xảy ra quanh chuyện yêu Việt kiều. Một cô gái đẹp ngoài hai mươi tuổi sống cùng con gái nhỏ ở miền Trung. Nhờ người quen giới thiệu, cô quen ông Việt kiều Mỹ ngoài sáu mươi. Một năm ông về Việt Nam đôi lần, trợ cấp cho cô một ngàn đô mỗi tháng. Tỉnh xa, bao nhiêu đó đủ cho cô sống phủ phê, ăn chơi ngày đêm, và mặc nhiên cặp bồ với một chàng bằng vai phải lứa. Mẹ và cha dượng cũng thấy ngứa mắt, bèn méc với ông Việt kiều. Ông Việt kiều lại tỏ ra rộng lượng khi bảo:
– Đã gửi giấy bảo lãnh rồi, sắp phỏng vấn rồi. Thôi cứ để cho em nó ăn chơi thoải mái mấy bữa, rồi qua đây, con rèn cặp vào nề nếp.
Thế nhưng anh bồ trẻ lại ghen tuông dữ quá, cô gái đâu có bỏ cái mỏ bạc được nên đề nghị chia tay, rồi cãi nhau, rối ẩu đả, cô lỡ đâm chết anh bồ. Kết cuộc, cô gái vào tù, bà mẹ ôm cháu ngoại, ông Việt kiều im hơi tắt tiếng…
Thực tế thiếu nữ mơ ước nhiều hơn vì hầu hết đàn ông về Việt Nam cưới vợ chứ ít có thiếu nữ về Việt Nam lấy chồng.
Ít chứ không phải không có, vì vừa thời gian gần đây, thiên hạ ồn ào về một doanh nhân Việt kiều về Việt Nam lấy anh người mẫu đoạt giải siêu mẫu đàng hoàng. Anh này cũng còn nhỏ tuổi nên khi được phỏng vấn đã thành thật cho biết:
– Ngoài chăm sóc về tinh thần cho tôi, cô ấy cũng có giúp tôi khá nhiều về vật chất.
Không những cá nhân mà gia đình anh chàng này đã nhận quà cáp hậu hĩ, kèm những chuyến du lịch xa liên miên. Lấy được Việt kiều, thật là cả họ, à không, hơi quá đáng, nhưng cả gia đình được nhờ là điều chắc chắn. Ai mà dè bỉu đúng là dân GATO (ghen ăn tức ở) chứ khi yêu nhau, người ta đương nhiên phải bù đắp, chia sẻ cho nhau.
Một cô được phong hạng siêu mẫu thì trục trặc hơn. Sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi với người chồng Việt kiều đại gia có hai con gái nhỏ, hai người sa vào những cuộc kiện tụng dai dẳng vì tranh chấp khối tài sản lên tới vài trăm tỉ ở Việt Nam mà người chổng đã ủy thác cho vợ sở hữu.
Các trường hợp Việt kiều nhờ vợ tại Việt Nam đứng tên mua nhà, mua đất… đa số thường đưa tới mất trắng. Mất trắng ở đây có nghĩa là mất cả người lẫn của, cả chì lẫn chài. Do Việt kiều không thể đứng tên bất động sản ở Việt Nam nên nhà cửa đất đai đều phải đứng tên cô vợ trẻ. Trên giấy tờ tên cô hẳn hoi, không có chứng từ đưa ra chứng minh nên có vác nhau ra tòa, ông vẫn thua cay đắng. Lúc yêu nhau thì đâu có ai nghĩ tới việc lưu giữ biên lai giấy má làm chi, cho nên nhà cửa, cô cẩn thận lo xa, sang tên người thân đứng tên giùm để xóa dấu tích. Còn cô cuốn gói theo tình trẻ. Câu chuyện này quen thuộc tới nỗi được kể đầu môi, và những ông Việt kiều lớn tuổi sau này khi về Việt Nam tìm tình đều nhớ tới kinh nghiệm xương máu đó để cảnh giác cao độ.
Việt kiều cũng phải làm ăn đầu tắt mặt tối, chạy một lúc mấy job mới có tiền sinh sống và với tình hoài hương, lo cho gia đình, dành dụm cắc củm tiền bạc gửi về quê giúp đỡ gia đình, làm ăn… Chẳng phải vợ trẻ mà nhà cửa đất đai nhờ anh chị em, bà con, bạn bè… đứng tên giùm cũng “phiêu” lắm. Mất trắng như chơi.
Việt kiều “khôn” rồi, không còn cả tin, không còn mê đắm như trước kia nữa mà ngày càng tìm hiểu kỹ càng, tính toán kỹ lưỡng và nhất là phòng thủ hầu bao vững chắc, khó mà móc túi bỏ ra dễ dàng như hồi nẳm.
Thế nhưng kiếm Việt kiều đâu để yêu bây giờ. Việt kiều về Việt Nam ngồi trong nhà, đi đâu hoặc du lịch một bước có người thân kè kè… Tiếp cận được Việt kiều để tự giới thiệu không phải dễ dàng. Nhiều bà phải đăng tìm bạn bốn phương ở các báo hải ngoại hoặc trên Net cho em, cháu của mình ở Việt Nam. Rất nhiều dòng rao đại loại: thư ký ở tỉnh, 24 tuổi, cao 1m60, vui vẻ, chung thủy, muốn làm quen với các anh ở… Cháu gái tôi thợ may, 30 tuổi, ngoan hiền, muốn tìm bạn trai ở… để tiến tới hôn nhân. Dĩ nhiên là các anh ở một trong vài ba nước kinh tế đặc biệt phát triển đó.
Tìm Việt kiều trên thế giới Net mênh mông rủi nhiều hơn may. Thật ra cũng có nhiều đôi nên duyên vợ chồng sống thuận hòa. Dù sao cơn chinh chiến tìm đường định cư ngoại quốc qua thế giới ảo không biết đâu mà lường. Một cô sau khi phóng vài tấm hình kiều diễm lên Net đã nhận được khá nhiều thư ve vãn. Thậm chí, cô từng ôm hoa ra phi trường đón vài anh. Thế nhưng, có lẽ niềm hy vọng về một tờ giấy bảo lãnh định cư ở nước ngoài thể hiện hơi nôn nóng nên có anh lịch sự thì tặng gói sô cô la, chai dầu gội đầu…, anh sỗ sàng hơn rủ đi Vũng Tàu chơi, anh khác mời vào quán uống nước tâm sự hai lần rồi lặng lẽ rút êm không một lời giải thích.
Một bà đang sống ở ngoại quốc mang trọng trách tìm cho được Việt kiều để mang cô em họ đi. Gia đình em họ có tới bốn chị em gái nên chỉ cần lo cô hai đi trước, khi lọt được ra nước ngoài sẽ tìm cách lo cho các em. Chị đi trước rước em đi sau. Mấy chị em đều trắng trẻo, gọn gàng nên kế hoạch này có vẻ chứa chan hy vọng.
Bà chị sốt sắng lắm. Bà tìm được một cậu cùng quê, vừa tuổi. Thế nhưng đừng ai tưởng cứ thấy Việt kiều là chộp ngay bất cứ giá nào. Cô Hai chê anh này… đầu hói và chưa vào quốc tịch thì làm sao bảo lãnh ngay được, cô muốn cưới xong xuất ngoại ngay chứ không thể chờ đợi lâu dài khi tuổi đã ngoại băm. Anh Việt kiều thứ hai ở nhà thuê cũng bị từ chối thẳng thừng mặc dù bà chị giải thích đừng có ham nhà lầu to bao nhiêu, xe hơi đẹp bao nhiêu, còng lưng trả nợ bấy nhiêu… Bà thở dài não nuột. Ôi, Việt kiều hảo hạng đâu sẵn mà giới thiệu hoài!
Trước kia Việt kiều thích về Việt Nam, xuống quê nghèo lấy cô vợ ngoan ngoãn, hiền lành, tề gia nội trợ, gọi dạ bảo vâng chứ không mắt xanh mỏ đỏ, mê ăn diện phấn son bài bạc. Quyền nam nữ bình đẳng được tôn trọng thái quá nên con chó còn được xếp hàng thứ 3, chứ ông chồng thì chẳng có thứ hạng gì cả.
Giờ đây Việt kiều cũng không mặn mòi lắm với chuyện về Việt Nam cưới vợ. Ở ngoại quốc, gặp nhau, tìm hiểu nhau ngay tại chỗ, được thì lấy liền, không thì kiếm cô khác, chứ về Việt Nam tìm người, vừa mất thời gian xin nghỉ phép, công sức đi lại, tiền bạc vé máy bay tốn hao quá chừng mà cũng chẳng biết có bền không.
Mệt quá, bà chị nói thôi học tiếng Anh đi, có gì giới thiệu thằng Tây, nhưng cô Hai không đồng ý. Giờ đây cô bắt đầu học hế lô, goát do nem… thì tới thuở nào mới cua được chồng. Thôi cứ Việt kiều, dù nói bập bẹ nhưng vẫn dễ hiểu nói năng, dễ hiểu tính tình hơn.
Cho nên hiện nay, cô vẫn hằng ngày miệt mài lên phây, chat, email, điện thoại,… để tìm kiếm, chọn lựa, sàng lọc… tìm cho bằng được một anh Việt kiều lý tưởng mau mau đưa cô về dinh bằng máy bay.
Saigon cô nương